25/01/2013 07:57 GMT+7

Để đừng bị "được đằng chân lân đằng đầu"

DANH ĐỨC
DANH ĐỨC

TT - Quan sát cách ứng xử của Philippines và Nhật Bản đối với Trung Quốc trên biển Đông và biển Hoa Đông, có thể thấy gì?

Philippines kiện Trung Quốc ra tòa quốc tế

cVhG0MC2.jpgPhóng to

Tàu tuần tra Nhật Bản (phải) xịt vòi rồng vào tàu chở các nhà hoạt động Đài Loan - Ảnh: AFP

Việc Philippines phải đưa vụ Trung Quốc thôn tính bãi cạn Scarborough ra Tòa án trọng tài Liên Hiệp Quốc cũng như việc Nhật Bản qua hai đời thủ tướng Noda và Abe đều cùng quyết liệt sử dụng tàu tuần duyên và máy bay chiến đấu để bảo vệ quần đảo Senkaku... là những thí dụ sinh động cho thấy trong vấn đề chủ quyền không được để thiên hạ được đằng chân mà lân đằng đầu, đồng thời vẫn có thể sử dụng các biện pháp hòa bình để bảo vệ chủ quyền.

"Philippines lật tẩy sự giả dối của Trung Quốc"

Giáo sư Carl Thayer(Học viện Quốc phòng Úc) bình luận về vụ Philippines kiện Trung Quốc ra tòa án quốc tế

Tháng 4-2012, khi tàu cá Trung Quốc dàn cảnh xâm nhập bãi cạn Scarborough, Philippines đã “cương”, phái chiến hạm BRP Gregorio del Pilar ra nhằm trấn áp ba tàu cá này. Trung Quốc lúc đó điều động tàu hải giám vào can thiệp. Trong vòng vây của đối phương dưới lớp vỏ tàu dân sự, Philippines bèn rút chiến hạm đầu đàn này của mình về neo trong vịnh Manila.

Thế là từ đó, ba tàu Trung Quốc cứ lưu cư miết tại bãi cạn Scarborough. Philippines đuổi tàu Trung Quốc vẫn không ra... Ngày 21-1, Thời báo Hoàn Cầu rêu rao rằng ngay cả một cựu đại diện Philippines tại Liên Hiệp Quốc còn thừa nhận Trung Quốc “đang kiểm soát bán chính thức bãi Hoàng Nham” (tức Scarborough), làm hậu thuẫn miệng cho tấm bản đồ “đường lưỡi bò”.

Từ khiêu khích tới hất chủ nhà ra rồi dùng các tàu hải giám vốn là tàu quân sự được cải trang để chơi trò lưu cư, Trung Quốc đã đạt mục tiêu là chiếm ngụ và làm chủ trong thực tế.

Nếu Philippines cứ hiếu hòa phản đối, năm mười năm nữa bãi cạn Scarborough sẽ trở thành lãnh thổ Trung Quốc giống như dải Mischief từng bị Bắc Kinh chiếm cứ theo kiểu đó vào năm 1995. Từ đó, Philippines có la làng cỡ nào thì cả Mischief lẫn Scarborough cũng đã nằm dưới sự kiểm soát thực tế của Trung Quốc. Bởi thế, Philippines đã phải viện dẫn đến công cụ pháp lý như đã thấy, và thẳng thắn triệu đại sứ Trung Quốc tại Manila đến Bộ Ngoại giao để thông báo về vụ kiện cáo này. Muộn màng một chút, song Philippines vẫn dứt khoát bảo vệ chủ quyền và vẹn toàn lãnh thổ của mình mà vẫn đảm bảo được hòa bình.

Ngược lại, Nhật Bản suốt hai đời thủ tướng đều dứt khoát ngay từ đầu với chủ trương “đúng người, đúng việc”. Khi Trung Quốc đưa tàu hải giám vào quần đảo Senkaku, Nhật tung ngay tàu cảnh sát biển và tuần duyên đến đuổi bật ra. Khi Bắc Kinh đưa máy bay tuần tra quân sự vào, Tokyo liền đưa máy bay chiến đấu lên ngăn chặn.

Hành động dứt khoát, đúng luật và thông lệ quốc tế, như Philippines kiện ra tòa quốc tế, đó chính là quyết tâm bảo vệ lãnh thổ một cách đích thực. Cách bảo vệ này vẫn giữ được hòa bình và càng giữ được hòa bình cùng lãnh thổ, bởi vì nếu để thiên hạ được đằng chân mà lân đằng đầu thì sẽ rơi vào tình cảnh như bị con rắn nuốt từ bàn tay đến trọn cả người!

Tàu Nhật và Đài Loan đấu vòi rồng

Lực lượng tuần duyên Nhật Bản (JCG) ngày 24-1 đã sử dụng vòi rồng bắn vào một tàu Đài Loan chở các nhà hoạt động tiến vào vùng biển gần quần đảo Senkaku/Điếu Ngư hiện do Nhật kiểm soát.

“Sau khi tiến vào vùng biển tiếp giáp lãnh hải của chúng tôi, chiếc tàu chở những nhà hoạt động nước ngoài tiếp tục chạy về phía đông. Vì vậy, chúng tôi đã sử dụng biện pháp hạn chế như ngăn chặn bằng vòi rồng” - JCG tuyên bố và cho biết sau khi bị xịt vòi rồng, tàu này đã quay lại hướng Đài Loan.

Theo NHK, có sáu tàu tuần duyên Đài Loan đã hộ tống chiếc tàu chở các nhà hoạt động Đài Loan xuất phát từ cảng Thâm Áo, thành phố Tân Bắc xâm nhập khu vực cách Senkaku 17 hải lý (khoảng 31,4km).

Trong khi đó, Thời báo Đài Bắc cho biết nhóm các nhà hoạt động này muốn đến một đảo lớn ở quần đảo Senkaku để dựng tượng nữ thần biển Ma Tổ, nhưng đã bị JCG ngăn chặn. “Chúng tôi đã xịt vòi rồng vào nhau” - Thời báo Đài Bắc dẫn lời người phát ngôn Lực lượng tuần duyên Đài Loan xác nhận.

Tháng 9-2012, JCG cũng đã phải sử dụng vòi rồng để ngăn chặn gần 60 tàu cá Đài Loan tiến vào vùng biển Senkaku/Điếu Ngư.

Cùng ngày, Thời báo Hoàn Cầu đăng xã luận “đòi dạy cho Nhật một bài học để Tokyo không còn dám khiêu khích ở Điếu Ngư” với lời lẽ đầy thách thức: “Nhật đặt cược bao nhiêu thì Trung Quốc sẽ theo bấy nhiêu!”.

MỸ LOAN

Trung Quốc sẽ có thời gian 30 ngày để phản hồi và chỉ định một thành viên trọng tài đại diện cho mình. Nếu Trung Quốc không phản hồi, chủ tịch của Tòa án luật biển quốc tế (ITLOS) sẽ có quyền chỉ định bốn trong số năm thành viên của Tòa án trọng tài UNCLOS. Phía Philippines đã đề cử trọng tài đại diện cho quốc gia mình.

Đây là vụ Philippines kiện Trung Quốc, phán quyết của Tòa án trọng tài sẽ không áp dụng cho bên thứ ba. Tuy nhiên, phán quyết của Tòa án trọng tài sẽ ảnh hưởng rất lớn đến khía cạnh pháp lý của cuộc tranh chấp trên biển Đông. Nếu Tòa án trọng tài ra phán quyết khẳng định “đường lưỡi bò” của Trung Quốc vi phạm UNCLOS, đó sẽ là một lợi thế lớn cho nỗ lực của các quốc gia chống lại “đường lưỡi bò”. Còn ngược lại sẽ có lợi cho “đường lưỡi bò” và vô cùng nguy hại cho an ninh trên biển Đông. Nhưng cũng có khả năng Tòa án trọng tài sẽ từ chối giải quyết vấn đề này. Tòa án trọng tài sẽ tự quyết định về việc có thẩm quyền hay không, chứ không phải từ phía Philippines hay Trung Quốc. Nếu Tòa án trọng tài từ chối vì cho rằng không có thẩm quyền thì đó cũng là kết quả có lợi cho “đường lưỡi bò” và bất lợi cho các nước ASEAN.

Là một thành viên của UNCLOS, Trung Quốc có nghĩa vụ tham gia vụ phán xử của Tòa án trọng tài thông qua việc sẽ chỉ định một thành viên tham gia tòa. Nếu Trung Quốc từ chối tham gia, rõ ràng Bắc Kinh đã vi phạm các nghĩa vụ của mình với tư cách là thành viên UNCLOS.

Trung Quốc có thể có những lựa chọn của riêng mình. Đơn giản nhất là nếu tham gia và nếu bị thua, Bắc Kinh có thể tuyên bố không chấp nhận và không tuân thủ phán quyết của tòa. Nhưng nếu chọn lựa như vậy, Trung Quốc sẽ ăn nói thế nào với cộng đồng thế giới khi luôn khẳng định lúc nào cũng tuân thủ mọi quy định của UNCLOS?

Theo quan điểm của Philippines, các thực thể địa chất mà Trung Quốc đang chiếm đóng tại khu vực Trường Sa cũng như bãi cạn Scarborough không đáp ứng được yêu cầu là một đảo theo điều 121 UNCLOS. Theo quy định tại khoản 3 điều 121 UNCLOS, chúng chỉ có thể đáp ứng được tính chất pháp lý là đá. Để biện minh cho “đường lưỡi bò”, Trung Quốc lại cho rằng các thực thể địa chất đó đáp ứng được điều kiện là đảo, do đó Bắc Kinh có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa xung quanh các thực thể địa chất đó.

Quan điểm của các quốc gia ASEAN trong tranh chấp biển Đông nghiêng về phía Philippines. Do đó phán quyết của Tòa án trọng tài sẽ tạo ra ảnh hưởng rất lớn đối với các quốc gia liên quan này. Cho đến giờ, quy định tại điều 121 UNCLOS đã gây ra rất nhiều tranh luận khác nhau. Nếu Tòa án trọng tài ra phán quyết, đó sẽ là một bước tiến mới để làm rõ các “khoảng trống” trong quy định này.

Thạc sĩ HOÀNG VIỆT(giảng viên ĐH Luật TP.HCM)

TT - Ngày 24-1, trả lời báo chí về việc Philippines chính thức khởi kiện Trung Quốc ra Tòa án trọng tài được thành lập theo điều 287 và phụ lục VII của Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển 1982 (UNCLOS), phó chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia (Bộ Ngoại giao) Nguyễn Duy Chiến nêu rõ: “Lập trường nhất quán của Việt Nam là các vấn đề liên quan đến biển Đông cần phải được giải quyết bằng các biện pháp hòa bình, trên cơ sở luật pháp quốc tế, đặc biệt là UNCLOS.

Việt Nam cho rằng các quốc gia hoàn toàn có quyền lựa chọn các biện pháp hòa bình để giải quyết các tranh chấp phù hợp với Hiến chương Liên Hiệp Quốc, luật pháp quốc tế, trong đó có UNCLOS”.

* Cũng liên quan đến diễn biến trên biển Đông, trước việc báo chí Trung Quốc đưa tin Cục Đo vẽ bản đồ quốc gia Trung Quốc công bố đã hoàn thành và dự kiến cho phát hành “Bản đồ toàn quốc nước Cộng hòa nhân dân Trung Hoa” và “Bản đồ địa hình Trung Quốc” khổ dọc mới vào cuối tháng này, trong đó vẽ yêu sách “đường chín đoạn” và các đảo, đá, bãi ở khu vực hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa của Việt Nam, ông Nguyễn Duy Chiến khẳng định: “Việt Nam có chủ quyền không thể tranh cãi với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán đối với vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa ở biển Đông theo UNCLOS. Mọi bản đồ thể hiện thông tin sai lệch về chủ quyền của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa, quyền chủ quyền, quyền tài phán của Việt Nam ở biển Đông là phi pháp và vô giá trị”.

H.GIANG

DANH ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên