Phóng to |
Người thân các thợ mỏ Chile trông mong từng ngày để được đoàn tụ. Trong ảnh: một phụ nữ rơi nước mắt khi cầu nguyện ngày 5-10, ngày đánh dấu tròn hai tháng xảy ra vụ tai nạn hầm mỏ - Ảnh: Reuters |
Đến ngày 6-10, mũi khoan T-130, có tốc độ đào 53m mỗi 16 giờ, chỉ còn cách những người thợ mỏ khoảng 100m và nhiều người hi vọng có khả năng đưa họ lên mặt đất vào đầu tuần sau. Tuy nhiên 33 thợ mỏ, bị mắc kẹt hơn hai tháng qua ở độ sâu 700m, chưa được thông báo tin này nhằm tránh gây thất vọng cho họ nếu chiến dịch bị trì hoãn.
Theo Andre Sougarret, lãnh đạo chiến dịch, khó khăn hiện nay chính là giàn khoan đã tiến vào tầng đá cứng và gần một đường hầm khác đang có nguy cơ bị sụp. Công việc đã phải tạm hoãn trong ngày 6-10 để các chuyên gia đánh giá rủi ro trước khi được khởi động lại, song với tốc độ chậm hơn. “Chúng tôi giảm tốc độ để an toàn vượt qua đoạn hầm này. Khi đạt độ sâu 535m, chúng tôi sẽ khôi phục tiến độ cũ”, ông Sougarret nói.
Khó khăn tiếp theo, được dự báo sẽ gay go hơn, sau khi hoàn tất việc đào bới là làm sao đưa được những thợ mỏ lên an toàn. Trong kịch bản tồi tệ nhất, đường hầm giải cứu có thể bất ngờ sụp đổ làm tiêu tan mọi nỗ lực trong hơn một tháng qua.
Để giải quyết nguy cơ này, các kỹ sư đã đề xuất đưa các ống thép có khả năng chịu lực cao xuống hầm để giúp các chuyến giải cứu con thoi được an toàn hơn. Nhưng ngay cả giải pháp này cũng ẩn chứa rủi ro bởi bất kỳ sơ suất nào, như gãy mối hàn, có thể khiến những ống thép nặng hàng tấn này rơi thẳng xuống chỗ những thợ mỏ.
“Chúng tôi sẽ phải kiểm tra tình trạng của đường hầm trước khi quyết định. Nhưng nếu làm vậy, chúng tôi phải giảm thiểu những nguy cơ của nó”, những người tham gia chiến dịch cho biết. Nếu toàn bộ đường hầm được lót ống thép, tổng khối lượng của thiết bị này có thể lên đến 130 tấn.
Trong khi đó, chiến dịch giải cứu thợ mỏ mang tên Ngày “J” trên mặt đất đã được khởi động. Những nhân viên giải cứu và y tế, những người sẽ xuống hầm để giúp đỡ những thợ mỏ đã luyện tập xử lý những tình huống có thể xảy ra.
Theo kịch bản, một chuyên gia cứu hộ và một y tá sẽ là những người đầu tiên xuống mỏ để chuẩn bị cho các thợ mỏ lên mặt đất. Bốn nhân viên cứu hộ túc trực trên mặt đất để đón từng thợ mỏ. Các nhân viên cứu hộ thay phiên trực để cố gắng hoàn thành việc cứu hộ trong khoảng một ngày rưỡi, tức khoảng một giờ cho mỗi thợ mỏ. Các thợ mỏ sẽ lần lượt được đưa lên mặt đất trong chiếc lồng sắt đặc biệt có đường kính khoảng 58 cm, tức vừa đủ cho một người.
Một bệnh viện dã chiến cũng đã được đưa đến bên giếng khoan để thực hiện các công việc săn sóc ban đầu cho thợ mỏ, trước khi họ tiếp xúc với một số người thân hạn chế, sau đó họ được đưa đến bệnh viện gần nhất ở Copiapo.
Hai bãi đáp trực thăng cũng đã được chuẩn bị để đảm bảo việc di chuyển trong thời gian 12 phút khi cần thiết.
Ngoài ra, một công ty Mỹ đã tài trợ những cặp kính đặc biệt giúp bảo vệ mắt cho các thợ mỏ khi họ trở lên mặt đất và tiếp xúc với ánh mặt trời lần đầu tiên sau hai tháng sống trong bóng tối. “Công dụng của chúng là lọc ánh sáng mặt trời, giúp mắt của họ có thời gian để điều chỉnh”, Alejandro Pino thuộc Hiệp hội An toàn Chile nói. Được biết giá mỗi cặp kính này khoảng 450 USD.
Một thông tin thú vị khác là các quan chức Chile cũng mở một lớp đào tạo truyền thông, như kỹ năng trả lời phỏng vấn, cho các thợ mỏ để giúp họ khỏi bỡ ngỡ khi đối mặt với sự nổi tiếng sau khi được giải cứu. “Họ rất thích thú với bài học này và một số thậm chí muốn viết sách kể về những trải nghiệm của mình”, Alberto Iturra, chuyên gia tâm lý của các thợ mỏ, nhận xét.
Chile đưa giàn khoan thứ 3 vào cuộcChile bắt đầu giải cứu 33 thợ mỏChile - lời nguyện nào mở cửa hầm sâu?Chile thiết kế lồng cứu hộ 33 thợ mỏ33 người sống sót sau 17 ngày dưới lòng đấtChile: Đưa lồng vào giải cứu 33 thợ mỏ mắt kẹtReal tiếp sức 33 thợ mỏ Chile bị mắc kẹt
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận