Xóa bỏ bao cấp - quan liêu

LÊ VINH QUỐC (Tiến sĩ giáo dục)
LÊ VINH QUỐC (Tiến sĩ giáo dục)

TT - Nhân dân hi vọng công cuộc này sẽ tạo nên một nền giáo dục mới “trung thực, lành mạnh và hiện đại” - như nguyên phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Bình đã tha thiết đề nghị.

d4WIH7Ns.jpgPhóng to
“Sách giáo khoa là pháp lệnh, chính cái cơ chế - nguyên tắc và quan điểm đó đã trói buộc hoạt động dạy học trong nhà trường”. Trong ảnh: Phụ huynh và học sinh chọn mua sách giáo khoa - Ảnh: Như Hùng

Muốn đạt đến thành quả như vậy, những vấn đề cơ bản của giáo dục phải được đề cập đầy đủ và giải quyết thỏa đáng.

1. Xác định triết lý giáo dục soi đường cho nền giáo dục mới

Chấn hưng giáo dục là một công cuộc vĩ đại bao gồm hàng loạt vấn đề trọng yếu; nhưng chỉ khi nào các vấn đề cơ bản về triết lý giáo dục, cơ chế quản lý điều hành và áp dụng khoa học giáo dục hiện đại vào VN được giải quyết thỏa đáng, thì nền giáo dục “trung thực, lành mạnh và hiện đại” mới hình thành ở nước ta

Về vấn đề này, TS Giáp Văn Dương đã trình bày rất sâu sắc và xác đáng trong bài “Con người tự do hay con người công cụ” (Tuổi Trẻ ngày 19-10-2013). Trong cơ chế quan liêu bao cấp tồn tại suốt nhiều thập kỷ qua, nền giáo dục nước ta bị ràng buộc với triết lý phủ nhận cá nhân con người đang sống trong hiện thực, để hướng tới những con người lý tưởng do cơ chế tạo ra để phục vụ chính cơ chế đó. Sản phẩm của triết lý giáo dục này chính là những “con người công cụ” mà phẩm chất quan trọng nhất là tuân phục các cấp lãnh đạo, luôn hòa mình vào tập thể để tạo ra sức mạnh của đám đông do các cấp lãnh đạo dẫn dắt, không cần đến tư duy độc lập và sáng tạo.

Thực tiễn đã chứng minh động lực phát triển của xã hội không nằm ở những đám đông bao gồm những con người đã biến thành công cụ của cơ chế như vậy, mà ở từng cá nhân con người có khả năng tư duy độc lập và sáng tạo trong sự nghiệp của mình (tức là “con người tự do”). Khi đất nước bước vào thời kỳ đổi mới, các cơ quan hữu trách đã nhận thức được sự lạc hậu và bất cập của triết lý giáo dục đương thời, nhưng chưa vạch ra được triết lý mới để thay thế nó. Vì thế, trong công cuộc phục hưng giáo dục lần này, chúng ta cần dứt khoát từ bỏ cái triết lý cũ đã lỗi thời mà vẫn tồn tại đó, để xác định một triết lý mới tôn trọng quyền tự do cá nhân, khuyến khích tư duy độc lập và sáng tạo của từng người dạy và người học. Triết lý mới của nền giáo dục cần được xác định theo các giá trị nhân bản và dân chủ để đáp ứng tiêu chí “dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ và văn minh”. Với sự hình thành một triết lý như vậy, “giáo dục khi đó sẽ hướng tới từng cá thể có bản sắc riêng, hoàn thiện tốt nhất năng lực của riêng mình, thay vì tạo ra những con người giống hệt nhau trong nhận thức và cá tính”. Đúng như TS Giáp Văn Dương đã nhận định: “Chỉ khi nào chúng ta làm rõ được điều này mới có hi vọng đổi mới giáo dục một cách toàn diện, triệt để như mong đợi”.

2. Đổi mới cơ chế quản lý điều hành giáo dục

Trong tiến trình đổi mới đất nước từ năm 1986 cho đến nay, cơ chế quan liêu - bao cấp đã căn bản được xóa bỏ trong lĩnh vực kinh tế, nhưng trong giáo dục thì hầu như vẫn còn nguyên vẹn. Mọi hoạt động giáo dục được điều hành bằng những mệnh lệnh của bộ máy hành chính, với những chỉ tiêu kế hoạch được đặt ra theo ý muốn chủ quan của cấp trên áp đặt cho cấp dưới, bất chấp hoàn cảnh và điều kiện ở cơ sở (chỉ tiêu xóa nạn mù chữ, chỉ tiêu phổ cập giáo dục, chỉ tiêu về số học sinh khá giỏi, chỉ tiêu tốt nghiệp THPT...). Các mệnh lệnh trên được thực hiện bằng phong trào thi đua thuần túy hình thức để “lập thành tích” dâng lên cấp trên. Chính cơ chế này tạo nên áp lực buộc các nhà giáo phải từ bỏ những giá trị đích thực của hoạt động dạy và học, để tìm mọi cách tạo ra những giá trị giả làm vui lòng cấp trên nhằm bảo vệ quyền lợi của chính mình. Đó chính là nguyên nhân dẫn đến “bệnh thành tích” với mọi tệ nạn đi liền với nó: đuổi học các học sinh yếu kém, xếp học sinh “ngồi nhầm lớp”, học kém đỗ cao, học giả bằng thật, mua bằng bán điểm, học hộ thi hộ, trộm cắp các sản phẩm trí tuệ...

Riêng đối với hoạt động chuyên môn trong nhà trường, cơ chế quan liêu - bao cấp được thể hiện qua sự độc quyền học vấn bằng nguyên tắc “một chương trình, một bộ sách giáo khoa thống nhất”. Nguyên tắc đó dẫn tới sự lẫn lộn về chức năng của chương trình học với chức năng của sách giáo khoa, và được vận hành bằng quan điểm chỉ đạo “sách giáo khoa là pháp lệnh”. Chính cái cơ chế - nguyên tắc và quan điểm đó đã trói buộc hoạt động dạy học trong nhà trường phổ thông vào một bộ sách giáo khoa duy nhất, biến chương trình học thành đề cương biên soạn sách, biến giáo viên thành công cụ thuyết minh các cuốn sách, dẫn đến lối dạy học “đọc - chép” trong nhà trường, làm cho học sinh phải học thuộc lòng những vỏ kiến thức rỗng. Nói chung, cơ chế đó đã tạo nên sự giả dối trong giáo dục, kìm hãm sự chủ động và sáng tạo trong nhà trường và tước mất quyền làm chủ của nhà giáo trong các hoạt động chuyên môn nghiệp vụ. Như GS Đào Trọng Thi đã nói trên báo Tuổi Trẻ: “Quản lý giáo dục còn nhiều bất cập, thậm chí có lúc đây được xem là khâu yếu nhất, cần quan tâm đầu tiên khi muốn đổi mới căn bản, toàn diện giáo dục”.

Cơ chế hiện hành phải được xóa bỏ để thay thế bằng cơ chế quản lý dân chủ - khoa học. Theo đó, cần bãi bỏ những mệnh lệnh hành chính với những chỉ tiêu chủ quan áp đặt từ trên xuống, trả lại vai trò chủ thể giáo dục cho các nhà giáo và nhà trường ở cơ sở. Khi ấy, Bộ Giáo dục - đào tạo cùng các sở trực thuộc sẽ quản lý về mặt hành chính dựa trên luật pháp và chương trình học; mọi vấn đề về chuyên môn học thuật và thành quả giáo dục thuộc quyền các nhà giáo và nhà trường ở cơ sở.

Về thực chất, đổi mới giáo dục ở nước ta chính là áp dụng khoa học giáo dục hiện đại vào hoàn cảnh cụ thể của VN. Nếu chưa nhận thức đầy đủ về lý luận và thực tiễn của khoa học giáo dục hiện đại mà đã tiến hành xây dựng chương trình học mới, thì chương trình đó sẽ nhanh chóng bộc lộ những sai lầm và khiếm khuyết tai hại.

Cho đến nay, các cơ quan hữu trách về giáo dục ở nước ta vẫn quan niệm rằng giáo dục phổ thông chỉ có chức năng “dạy chữ và dạy người” bằng các môn văn hóa và khoa học cơ bản. Do quan niệm lỗi thời đó, các cuộc đổi mới chương trình giáo dục phổ thông hồi cuối thế kỷ 20 và đầu thế kỷ 21 đã liên tiếp thất bại khi thay thế chương trình học đồng nhất ở bậc THPT bằng chương trình phân ban chỉ quanh quẩn dựa trên các môn văn hóa và khoa học cơ bản (toán - lý - hóa - sinh và văn - sử - địa - ngoại ngữ) mà không hề có các môn kỹ thuật, công nghệ để định hướng nghề nghiệp và dạy nghề cho học sinh.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Chương trình đại học cần bớt trừu tượngPhải nâng tầm quản lý giáo dụcGiáo viên phải biết xây dựng bài giảngCon người tự do hay con người công cụ?Tìm cách “gỡ” từ gốcCải cách để có một nền giáo dục trung thực

LÊ VINH QUỐC (Tiến sĩ giáo dục)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên