21/01/2013 07:30 GMT+7

Hai câu chuyện ở Pleiku

TRẦN HUỲNH
TRẦN HUỲNH

TT - Buổi tư vấn tại phố núi Pleiku (Gia Lai) sáng 20-1 sôi động với những băn khoăn về cơ hội việc làm sau khi ra trường, thắc mắc về tố chất phù hợp với các ngành nghề. Và đặc biệt có hai câu chuyện còn đọng lại...

Hơn 3.500 HS dự tư vấn tuyển sinh tại Gia Lai

TNZg1FyL.jpgPhóng to
Học trò phố núi Pleiku nghe tư vấn- Ảnh: T.B.D.

Chương trình được các thầy cô trong ban tư vấn và đại diện Sở GD-ĐT Gia Lai đánh giá “hết sức chất lượng” bởi các câu hỏi rất thiết thực, sát sườn và phần trả lời suốt gần bốn giờ đồng hồ.

“Tiền tệ, hậu duệ, quan hệ” là số 1?

Vẫn đào tạo nhóm ngành kinh tế

Đến buổi tư vấn tại Gia Lai vẫn còn rất nhiều học sinh thắc mắc câu hỏi đã được giải đáp rất nhiều ở các buổi tư vấn trước: “Nghe nói năm 2013 các trường sẽ không tuyển sinh ngành kinh tế, quản trị kinh doanh hay tài chính ngân hàng? Học phí nhóm ngành kinh tế sẽ tăng cao?”.

TS Trần Thế Hoàng giải thích: “Bộ GD-ĐT quy định việc mở ngành của một trường ĐH dựa vào giảng viên, cơ sở vật chất. Những trường đảm bảo được vấn đề này vẫn tuyển bình thường. Chẳng hạn như ĐH Kinh tế TP.HCM trong nhiều năm vẫn giữ 4.000 chỉ tiêu. Bộ GD-ĐT chỉ hạn chế những trường, ngành không đủ cơ sở đào tạo. Về tăng học phí, đây cũng chỉ mới là một ý kiến dự thảo của Bộ GD-ĐT.

Khi thời gian phần tư vấn chung không còn nhiều, một phiếu đặt câu hỏi của Thiện Nhân (học sinh Trường THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai) được chuyển đến ban tư vấn: “Người ta có câu: nhất tiền tệ, nhì hậu duệ, ba quan hệ. Theo thầy cô, sau khi ra trường, với điều kiện gia đình khá giả, liệu em có sử dụng các điều kiện trên không? Ví dụ, một bạn đi xin việc ở ngân hàng phải mất 400 triệu đồng mới xin được việc?”. Khi người dẫn chương trình vừa đọc dứt câu hỏi này, tiếng vỗ tay giòn giã từ hàng ngàn học trò vang lên...

TS Phạm Tấn Hạ - trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM) - cho rằng hiện tượng mà các bạn vừa đề cập có trong xã hội nhưng nó xảy ra ở đâu và như thế nào là tùy vào từng trường hợp. “Đại đa số sinh viên ra trường xin được việc không bắt đầu từ các yếu tố trên mà dựa vào chính năng lực thật sự của họ. Nếu bạn là người có năng lực thật sự thì không phải sợ điều gì cả” - thầy Hạ nói. “Hãy dựa vào chính mình và tạo ra cơ hội việc làm cho chính mình” - ông nói thêm.

TS Trần Thế Hoàng - trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM - cũng cho rằng xã hội có hiện tượng này. “Nhưng nếu chúng ta lợi dụng điều này để giẫm lên người khác, cướp cơ hội của người khác sẽ là điều xấu” - ông tâm tình. Thầy Hoàng khuyên: “Các bạn không nên nhìn vào hiện tượng cá biệt đó mà bi quan, chùn bước. Mình thích mục tiêu nào phải phấn đấu hết mình để đạt được mục tiêu đó. Rất nhiều gương thành đạt không xuất phát từ ba điều kiện mà bạn đặt ra”.

Th.S Lâm Tường Thoại (ĐHQG TP.HCM) còn cho rằng trong bất kỳ xã hội nào, quốc gia nào, giai đoạn nào cũng đều tồn tại sự “ưu ái” cho vài người có ba điều kiện trên. Để giải tỏa nỗi lòng của người đặt ra câu hỏi, thầy Thoại còn trả lời ngay trên phiếu đặt câu hỏi: “Xét ở góc độ tiêu cực, những ai chỉ muốn lợi dụng ba điều kiện trên để tiến thân mà không có khả năng thật sự sẽ không tồn tại. Thực tế từ xưa đến nay đã có rất nhiều người thành công từ sự rèn luyện, học tập của chính bản thân mà không có một thứ nào trong ba điều kiện đó. Cần lưu ý ba điều kiện trên không phải là cái xấu. Nếu cố gắng rèn luyện bản thân mình kết hợp một trong ba điều kiện đó mà em có thể giúp xã hội thì vẫn rất tốt”.

Gieo mầm ước mơ

Ngồi lọt thỏm giữa hàng ngàn học sinh đến dự chương trình là nhóm học sinh Trường THCS & THPT Kpă Klơng (huyện Mang Yang). Cô giáo Đinh Thị Hồng Thắm, người đưa các học sinh đến từ ngôi trường vùng sâu này, cho biết trường chỉ có một lớp 12 với 32 học sinh nhưng hôm nay chỉ có 18 em được đến đây nghe tư vấn, số còn lại vì nhà quá xa và gia đình quá khó khăn không đi được.

“Ở nơi vùng sâu vùng xa, dù học đến lớp 12 nhưng rất ít em xác định được nghề nghiệp cho tương lai vì các em quá thiếu thốn những thông tin này. Từ khi nghe tin các giáo sư, tiến sĩ từ nhiều trường ĐH lớn ở TP.HCM lên đây tư vấn, em nào cũng háo hức, mong chờ” - cô Thắm nói.

Có lẽ vì thế mà tại buổi tư vấn, nhóm học trò Trường Kpă Klơng chăm chú ngồi nghe say sưa. Một số bạn còn ghi chép cẩn thận. Cô học sinh người dân tộc Tày tâm sự: “Các thầy cô ở trường đôi lúc cũng giải đáp cho chúng em về những ngành nghề trong xã hội nhưng thật sự hiện em vẫn chưa biết rõ lắm. Có lúc em nghĩ mình học xong phổ thông thôi vì không biết học cái nghề nào nữa... Đến nghe các thầy tư vấn em thích lắm, hiểu được nhiều nghề hay”.

Cũng theo cô giáo Thắm, chính sự khó khăn đã khiến học trò nơi vùng xa luôn dè dặt, thậm chí không có ước mơ cho tương lai nghề nghiệp của mình sau này. “Cả lớp 12 này chỉ có bốn học sinh khá, còn lại mức trung bình và vài em yếu. Phần lớn các em không dám nghĩ đến chuyện thi đại học, kể cả các em học lực khá. Vì vậy mong muốn của chúng tôi khi đưa các em đến nghe tư vấn là để gieo mầm ước mơ cho các em” - cô Thắm chia sẻ.

Sau buổi tư vấn, cả nhóm học sinh này cùng nán lại “để được gặp, gần hơn với các giáo sư”. Trong cuộc trò chuyện cuối giờ ngắn ngủi với PGS.TS Nguyễn Văn Thư, hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM, ánh mắt của nhiều bạn trẻ ánh lên niềm hứng khởi. “Con rất muốn sau này sẽ được như thầy để được biết nhiều thứ, được đi nhiều nơi. Về con sẽ cố gắng học...” - một học sinh bắt chặt tay thầy Thư như một lời hứa.

IDpGMv2t.jpgPhóng to
MC Trường An nán lại đến phút chót để trò chuyện với từng học sinh - Ảnh: Thái Bá Dũng

----------------

Bên lề

Cô giáo cũng đi nghe tư vấn

Sau phần tư vấn chung tại buổi tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp cho học sinh Gia Lai sáng 20-1, khu vực tư vấn nhóm ngành khoa học xã hội có một bà mẹ chen giữa đám đông học sinh để “giành” hỏi ban tư vấn. Người mẹ này là cô giáo Hồ Thị Hiền, giáo viên một trường tiểu học tại huyện Chư Pứh (Gia Lai). Con gái của cô là Trần Thị Quỳnh Như (học sinh lớp 12C7, THPT chuyên Hùng Vương, Gia Lai), năm nay bước vào kỳ thi ĐH.

“Nghe nói có các thầy là phó giáo sư, tiến sĩ về tư vấn, hai mẹ con rất mừng. Mình là phụ huynh nhưng cũng phải định hướng cho con cái” - cô Hiền nói. Sau khi được tư vấn, cô Hiền khuyên con gái theo ngành ĐH hàng hải. (THÁI BÁ DŨNG)

MC thân thiện

Giữa trưa, chương trình tư vấn ở Gia Lai kết thúc, nhiều thí sinh đã nán lại “gặp bằng được” MC của chương trình, bạn Nguyễn Hải Trường An (Trường ĐH Kinh tế - luật, ĐH Quốc gia TP.HCM). “Chị ơi, làm thế nào để mình nói không bị run, ấp úng khi đứng trước đám đông?” - một nữ sinh rụt rè hỏi.

“Không còn cách nào khác là bạn phải luyện tập - MC Trường An thân thiện chia sẻ - Hồi trước, khi nói mình cũng run lắm. Thế là trước khi thuyết trình trước lớp, mình phải nói đi nói lại trước gương để luyện tập. Ngoài ra, việc học nhóm, trao đổi với bạn bè cũng tập cho mình mạnh dạn hơn”. Cứ thế, những câu chuyện về việc “ăn nói”, chuyện về học tập ở ĐH, đời sống sinh viên, học tiếng Anh, làm hồ sơ dự thi ĐH... rôm rả. (H.B.)

TRẦN HUỲNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên