20/01/2013 08:15 GMT+7

Hơn 3.500 HS dự tư vấn tuyển sinh tại Gia Lai

NHÓM PV
NHÓM PV

TTO - 11g ngày 20-12, phần tư vấn chính trong Chương trình tư vấn tuyển sinh - hướng nghiệp tại Gia Lai kết kết thúc. Các thành viên ban tư vấn lại tiếp tục chọn cho mình một góc ngồi giữa sân trường, trong hội trường gặp gỡ trực tiếp từng bạn học sinh để giải đáp cho các bạn những băn khoăn về ngành nghề.

5DlvwD27.jpgPhóng to

Dù đã hết giờ tư vấn nhưng nhiều thí sinh vẫn "vây" các thành viên Ban tư vấn để được giải đáp về việc chọn ngành, chọn nghề trước ngưỡng cửa cuộc đời - Ảnh: Thái Bá Dũng

Sáng nay, hơn 3.500 học sinh THPT tại Pleiku và các huyện của tỉnh Gia Lai đã đến tham gia Chương trình tư vấn tuyển sinh hướng nghiệp 2013 do Tuổi Trẻ tổ chức tại TP Pleiku. Trong đó có khoảng 800 học sinh các Trường THPT Mạc Đĩnh Chi, Nguyễn Huệ, Lê Hồng Phong của các huyện Chư Pãh, Đăk Đoa về dự.

Dưới đây là nội dung buổi tư vấn:

- TS Huỳnh Thanh Hùng: Nếu em học tốt khối A thì thi khối A. Trường có rất nhiều ngành tuyển sinh hai khối. Tuy nhiên chương trình đào tạo giống nhau, không phân biệt thí sinh dự thi khối A hay B.

* Ngành ngôn ngữ Anh đào tạo những gì? Khi ra trường có thể đi dạy được không?

- TS Nguyễn Văn Chiến: Ngành này được rất nhiều trường đào tạo. Hiện đang có đề án đổi mới dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục nên nhu cầu giáo viên tiếng Anh là rất lớn.

Vẫn còn rất nhiều câu hỏi của các bạn học sinh gửi đến chương trình.

Tất cả những băn khoăn chưa được giải đáp sẽ được trả lời và cập nhật liên tục tại chuyên mục Tư vấn 24/7 tại Tuổi Trẻ Online.

Các bạn có thể vào tuoitre.vn/tuyen-sinh để theo dõi và gửi câu hỏi về địa chỉ: tuyensinh@tuoitre.com.vn

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngôn ngữ Anh đi về ngôn ngữ và văn chương, còn tiếng Anh chỉ chuyên về tiếng Anh. Ngành này có nhiều trường đào tạo, môi trường giao tiếp rất quan trọng. Nếu học ở nơi mà môi trường giao tiếp tiếng Anh nhiều sẽ tốt hơn rất nhiều so với nơi không có điều kiện giao tiếp thường xuyên. Do đó, em cần cân nhắc điều kiện học lực và kinh tế của mình để chọn trường học làm sao để sau này có kết quả tốt nhất.

* Nhóm ngành xây dựng gồm những ngành nào?

- PGS TS Nguyễn Văn Thư: Nhóm ngành xây dựng rất rộng với những ngành như xây dựng dân dụng, xây dựng công trình… Nhiều trường đào tạo các ngành xây dựng như GTVT, Sư phạm kỹ thuật… nhưng điểm trúng tuyển hàng năm khá cao, các em nên cân nhắc.

* Ngành dầu khí, nữ có được tuyển như nam không và tuyển như thế nào?

- PGS TS Nguyễn Văn Thư: Ngành dầu khí cũng có lĩnh vực rất rộng như khai thác dầu khí, thăm do dầu khí, hóa dầu. Tuy nhiên đối với nữ thì các em nên chọn ngành hóa dầu vì điều kiện làm việc trong bờ và ít vất vả hơn. Đối với những nhóm ngành về dầu khí thường đòi hỏi cao vì luôn tiếp xúc với các chuyên gia nước ngoài, bù lại các bạn sẽ được học hỏi nhiều và có thu nhập cao…

- TS Đỗ Văn Dũng: Về lĩnh vực khí thì hiện có hai nơi đang có nhà máy khí ở Cà Mau, Vũng Tàu và có nhu cầu cao về nguồn nhân lực chất lượng cao. Ngoài ra, liên quan đến những ngành dầu khí còn có những ngành ngành ứng dụng của dầu khí, các bạn có thể chọn thêm các môn về hóa học để đi vào nhà máy, công ty làm việc liên quan đến ngành này… Có bốn trường đào tạo ngành hóa dầu: ĐH bách khoa, Khoa học tự nhiên, dầu khí, trường ĐH Dân lâp Vũng Tàu…

* Một số báo đưa tin thi vào ngành công nghệ thông tin, nếu không đủ điểm, trường tự chuyển sang chuyên ngành của các trường khác thuộc hệ thông trường ĐH Quốc gia, điều này đúng không?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Thông tin đó đúng một phần và đó là chủ trương của trường ĐH Quốc gia với các trường thành viên. Ngoài những nguyện vọng 1, 2 và nguyện vọng 3 theo quy định thì tại ĐH Quốc gia có cách làm riêng biệt. Ví dụ trường ĐH Bách khoa, trong phòng thi thí sinh được phát phiếu những ngành sẽ xét tuyển để trong trường hợp học sinh không trúng tuyển thì sẽ được tự động chuyển sang nguyện vọng 1B.

Tuy nhiên nếu học sinh có thay đổi, không muốn lựa chọn nguyện vọng này nữa thì học sinh làm việc với phòng đào tạo của trường… Ngoài ra, nếu đăng ký khối V vào trường này thì vào buổi sáng 5-7 sẽ được phép dự thi thêm môn ngoại ngữ để nếu không trúng tuyển, sẽ được xét tuyển vào khối A1.

* Nhóm ngành điện tử những trường nào tuyển và số điểm hàng năm khoảng bao nhiêu?

- TS Đỗ Văn Dũng : Nhiều trường đào tạo ngành điện, điện tử như ĐH Bách Khoa, ĐH Khoa học Tự nhiên, ĐH sư phạm kỹ thuật. Đối với các trường ĐH khoa học tự nhiên, ĐH Bách khoa khoảng 18-19 điểm, đối với trường ĐH sư phạm kỹ thuật thì khoảng 15-16 điểm.

* Cơ hội việc làm của ngành kỹ thuật tàu thủy?

- PGS TS Nguyễn Văn Thư: chúng ta biết là đến năm 2020 chiếm 55% GDP của cả nước nên cơ hội phát triển rất lớn. Những ngành liên quan như đóng tàu, thiết kế, lắp ráp dàn khoan trên biển vì vậy cơ hội việc làm rất cao.

* Công nghệ sinh học, công nghệ thực phẩm học ra sao, cơ hội việc làm như thế nào?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Tùy vào các trường đào tạo khác nhau và khối thi cũng tùy, khối A hoặc B. Các môn về công nghệ sinh học phải nghiên cứu sự sống, phát triển các loại vi sinh vật để làm các sản phẩm như lên men. Phát triển các loại cây để có thể có năng suất, chất lượng cao… Cơ hội việc làm: có thể làm về lĩnh vực y học, môi trường hay liên quan đến chế biến lương thực thực phẩm hoặc có thể học thêm để giảng dạy ở các trường ĐH, CĐ có đào tạo ngành này.

* Học sinh ở Gia Lai được cộng 1,5 điểm vùng nhưng một số trường không áp dụng?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Điểm trúng tuyển công bố dành cho những học sinh khu vực ba không ưu tiên. Đối với học sinh Gia Lai thì nếu điểm trúng tuyển của trường nào đó là 17 thì các em chỉ cần 15,5 điểm. Như vậy đối với học sinh Gia Lai, đó không phải là điểm cộng thêm mà là Bộ ưu tiên hạ điểm chuẩn trúng tuyển xuống. Tuy nhiên hiện nay nhiều học sinh vùng Tây nguyên chưa cần đến điểm ưu tiên cũng đã trúng tuyển..

* Tôi là phụ huynh, muốn hỏi là con gái tôi có phù hợp với ngành kinh tế vận tải biển?

- PGS TS Nguyễn Văn Thư: chuyên ngành vận tải biển phù hợp với những học sinh có hộ khẩu tại các tỉnh duyên hải miền trung, gần cảng biển . Một ngành mới khác đó là ngành logistics mới chỉ xuất hiện ở trường GTVT TP.HCM và nữ chiếm đến 50% nên chị có thể yên tâm.

* Ngành điện dân dụng có đào tạo bậc đại học?

- TS Đỗ Văn Dũng: ngành này chỉ đào tạo ở những trường trung cấp nghề, không đào tạo ở bậc đại học. Những ngành liên quan đến điện ở bậc đại học thì có ngành đào tạo về điện, điện tử dành cho những thiết bị, công nghệ cao.

* Ngành cơ điện tử học như thế nào?

- TS Đỗ Văn Dũng: Ngành cơ điện tử giao thoa của ba ngành là điện tử, cơ khí, công nghệ thông tin. Ví dụ muốn làm một robot thì phải có kiến thức về cả ba linh vực này vi muốn robot chạy thì phải biết về cơ chế chạy, vận động, và phải có các mạch điện tử để robot hoạt động và phải lập trình cho robot làm việc…

Đa số những ngành công nghệ cao bây giờ như sản xuất ô tô, các dây chuyền sản xuất… phải áp dụng cả ba lĩnh vực này… Như muốn có một dây chuyền sản xuất, để dây chuyển chạy phải có mạch điện tử, lập trình việc chạy dây chuyển, khâu vào hàng, đóng bao…

* Ngành công nghệ may trường nào đào tạo, học ra sao?

- TS Đỗ Văn Dũng: Nhiều trường đào tạo như ĐH Bách khoa TP.HCM và ĐH Bách khoa Hà Nội đào tạo việc sản xuất ra sản phẩm vải. Đối với những trường khác như ĐH Sư phạm Kỹ thuật TP.HCM đào tạo mọi công đoạn như kỹ thuật sản xuất vải, thiết kế mẫu vải, thiết kế mẫu quần áo… nên cơ hội việc làm rất nhiều.

* An ninh mạng, quản trị mạng trường nào đào tạo?

- TS Nguyễn Kim Quang: Hai ngành mà bạn đang hỏi nằm trong nhóm ngành công nghệ thông tin, chưa đào tạo riêng biệt. Bạn có thể chọn ngành công nghệ thông tin ở một số trường và sau đó sẽ lựa chọn học chuyên sâu.

* Ngành truyền thông đa phương tiện là ngành gì?

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Có thể các bạn chưa phân biệt được giữa ngành và nghề. Các ngành được đào tạo ghi rõ ở các trường để các bạn lựa chọn còn việc tuyển dụng hiện nay có hàng ngàn vị trí khác nhau. Hiện không có ngành nào tên truyền thông đa phương tiện mà các bạn có thể học báo chí, truyền hình, một lớp quay phim… và sau đó làm ở một cơ quan báo chí, truyền thông, các công ty quảng cáo, sự kiện nào đó.

* Thi vào Trường ĐH Y dược TP.HCM không đậu, em có thể lấy điểm này xét tuyển vào các trường có tuyển khối B không?

- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: nếu không trúng tuyển ĐH y dược mà điểm thi của em từ điểm sàn trở lên, em có thể nộp hồ sơ xét tuyển vào các trường còn chỉ tiêu xét tuyển khối B. Trường ĐH Y dược nhiều năm nay không xét tuyển NV2.

* Sau này muốn làm quản lý khách sạn thì nên thi ngành nào?

- TS Trần Thế Hoàng: Ngành này ở Trường ĐH Kinh tế TP.HCM, bạn sẽ học quản trị kinh doanh chuyên ngành quản trị du lịch. Trường ĐH Kinh tế TP.HCM chỉ tuyển điểm chuẩn chung cho một ngành. Sau một năm rưỡi học đại cương, nếu các bạn vẫn còn thích ngành này thì cứ chọn theo học.

Trường hợp bạn thích học ngành khác, trường cũng cho phép các bạn dựa trên nguyện vọng và kết quả học tập của bạn. Để học ngành này, các bạn không băn khoăn về chiều cao, ngoại hình vì học quản lý chứ không trực tiếp giao dịch, hướng dẫn với khách hàng. Với các ngành du lịch các bạn phải đạt 550 điểm tiếng Anh TOEIC trở lên mới được tốt nghiệp.

* Ngành tổ chức sự kiện ĐH Tài chính - Marketing học gì?

- Th.S Hứa Minh Tuấn: Năm 2013, Trường ĐH Tài chính - Marketing dự kiến mở chuyên ngành quản trị tổ chức sự kiện. Với ngành này, bạn học nền tảng kiến thức về giáo dục đại cương về kinh tế và các kiến thức khác. Đến năm thứ ba, thứ tư sẽ học chuyên sâu về tổ chức sự kiện, PR… Bạn sẽ lo tất cả từ hậu trường, sắp xếp làm sao để tổ chức một sự kiện cho tốt. Ngoài ra, ở trường bạn cũng sẽ thực hành cho sinh viên ở trường thông qua các hoạt động như tổ chức các hoạt động đội, nhóm, công tác xã hội…cho sinh viên.

* Học phí của ĐH công lập tự chủ tài chính như thế nào?

- Th.S Hứa Minh Tuấn: Những thông tin này trên báo chí có hết rồi. Với ba trường là Trường ĐH Tài chính - Marketing, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Trường ĐH Mở TP.HCM trước đây là trường bán công. Theo quy định của Bộ GD-ĐT, chỉ có hai loại hình trường là công lập và ngoài công lập. Do đó, ba trường này hiện là trường công lập chứ không phải trường bán công như trước. Với ba trường kể trên, phải tự thu tự chi chứ không được trợ cấp của Nhà nước dù vẫn là trường công lập nên có cao hơn các trường công lập chút ít.

* Thế nào là kinh tế thẩm định giá, học ngành này sau này làm gì và ở đâu?

- TS Trần Thế Hoàng: Kinh tế thẩm định giá là một chuyên ngành của kinh tế. Kinh tế giống như một cây to và kinh tế thẩm định giá giống như một nhánh của cây này. Sinh viên tốt nghiệp sẽ làm việc tại các công ty kế toán - kiểm toán, ngân hàng cần nhiều chuyên viên thẩm định giá về thẩm định tài sản. Chúng tôi chỉ tóm tắt vậy, để không mất thời gian của các bạn, bản có thể xem thêm trên trang web của trường.

* Em muốn thi vào ngành y nhưng sức học khối A tốt hơn khối B, vậy nên thi vào trường nào?

- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Đa số các trường y đều tuyển khối B. Tuy nhiên một số trường tuyển ngành dược bằng khối A như Dược Hà Nội và ngành dược của ĐH Y Huế. Riêng Học viện quân y có tuyển khối A vào ngành y đa khoa.

* ĐH Sư phạm TP.HCM và Quy Nhơn, trường nào đào tạo tốt hơn?

- TS Huỳnh Thanh Hùng: Về thâm niên thì ĐH Sư phạm TP.HCM - trường ĐH sư phạm trọng điểm quốc gia - có bề dày lịch sử lâu hơn. Để nói trường nào đào tạo tốt hơn là điều rất khó, còn tùy vào cơ sở vật chất và đội ngũ của các trường.

* Ngành quản trị kinh doanh có nhiều trường đào tạo, vậy giữa các trường có đặc điểm gì khác nhau?

- Th.S Lâm Tường Thoại: Ngành quản trị kinh doanh trước kia Bộ GD-ĐT có quy định về chương trình khung để các trường ĐH bám theo để đào tạo. Các trường giống nhau 50%, còn lại sắp xếp làm sao để đạt chuẩn đầu ra của trường.

Chính định hướng khác nhau nên mỗi trường đào tạo khác nhau. Dù em chọn học ở đâu đi nữa thì em cũng có thể làm việc tại các vị trí quản lý. Tuy nhiên, trước khi làm quản lý thì em có thể bắt đầu từ những vị trí thấp hơn. Và chương trình đào tạo của các trường cũng thiết kế để trang bị cho em những kiến thức này để ra trường làm việc tốt hơn.

uTen2ZeN.jpgPhóng to
Thí sinh nghe giải đáp từ Ban tư vấn tại nhóm ngành Kinh tế - tài chính - Ảnh: Thái Bá Dũng

* Em muốn biết về chỉ tiêu đào tạo dân sự của khối trường công an? Tiêu chí xét tuyển là gì?

- TS Phạm Tấn Hạ: Để phục vụ trong ngành công an, quân đội các bạn phải đáp ứng các yêu cầu sơ tuyển của khối trường này. Vào nhóm trường công an, quân đội hay an ninh, yêu cầu các bạn phải có lý lịch rõ ràng, phẩm chất đạo đức tốt, học lực trung bình, là đoàn viên, ba môn thi ĐH phải đạt điểm trung bình ở bậc phổ thông từ 6 trở lên. Sức khỏe tốt, thể hình cân đối, không dị tật dị dạng, chiều cao nam từ 1,64 mét - 1,80 mét, nặng từ 48 - 75kg, nữ 1,58 đến 1,72 mét, nặng từ 45 đến 57kg. Người dân tộc thiểu số sẽ có yêu cầu thấp hơn về chiều cao và cân nặng cũng như điểm trung bình học tập.

Việc tuyển nữ công an các địa phương tùy thuộc vào nhu cầu nhân lực của các địa phương đó. Thường thì chỉ tiêu tuyển nữ rất ít, không quá 10% tổng chỉ tiêu của địa phương. Các điều kiện sơ tuyển về học tập của nữ thường cao hơn so với nam. Nếu các muốn đi công an thì liên hệ công an quận huyện nơi có hộ khẩu thường trú, đi quân đội thì liên hệ quận, huyện đội để có thông tin chi tiết về việc tuyển sinh và thời gian sơ tuyển.

Tôi khuyên các bạn có học lực trung bình, khá không nên thi vào các trường này vì những năm qua điểm chuẩn vào các trường này rất cao. Nếu thi vào hệ dân sự của các trường này các bạn không phải qua sơ tuyển và các bạn phải đóng học phí, tự tìm việc khi ra trường.

* Em chưa học tiếng Trung Quốc, có thể theo học ngành tiếng Trung không?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này trường tuyển khối D1 và D4 (thi tiếng Trung). Ngay từ đầu, các bạn chưa học tiếng Trung sẽ được học riêng, kỹ năng đọc viết các bạn sẽ được đào tạo nhiều hơn. Sau hai năm, các bạn sẽ bắt kịp các bạn dự thi khối D4 và học chung với các bạn này. Do đó không cần phải lo lắng vì chưa học tiếng Trung trước. Ra trường các bạn có thể làm biên phiên dịch, giảng dạy hay làm việc tại cơ quan nào có nhu cầu tuyển người học tiếng Trung.

* Ngành quan hệ quốc tế đào tạo những gì, ra trường có thể làm gì? Có nhiều cơ hội học bổng và du học không?

- TS Phạm Tấn Hạ: Ngành này đào tạo người làm công tác đối ngoại ở bất kỳ cơ quan nào như cơ quan nhà nước, tổ chức quốc tế, công ty... Các bạn được trang bị kiến thức về sự hình thành các khu vực, kinh tế quốc tế, quan hệ quốc tế, ngoại giao. Đặc biệt các bạn được đào tạo các kỹ năng về đàm phán. Ngành này yêu cầu rất cao về ngoại ngữ khi tốt nghiệp. Làm công tác đối ngoại, làm sao để giới thiệu tốt nhất đơn vị của mình với bên ngoài.

* Trường ĐH Luật có rất nhiều ngành, vậy khi ra trường có bắt buộc mình phải làm việc theo chuyên ngành mình đã học không?

- Th.S Lê Văn Hiển: thật ra, về luật chỉ có ngành luật. Các ngành như luật kinh tế, dân sự là một nhánh nhỏ của ngành luật. Khi bạn làm kinh doanh, các bạn không chỉ biết về luật thương mại, luật kinh tế mà còn phải biết luật về hợp đồng, luật lao động, luật hôn nhân gia đình, luật hành chính... Khi học ngành luật các bạn sẽ được đào tạo chung về ngành luật, các lĩnh vực chuyên sâu sẽ được bổ sung thêm các kiến thức về lĩnh vực đó.

Khi ra trường, có thể làm việc ở nhiều lĩnh vực như tòa án, viện kiểm sát, sở tư pháp, cơ quan thi hành ánh, sở tài nguyên môi trường, sở lao động thương binh xã hội... Tấy cả các cơ quan nhà nước đều có bộ phận pháp chế nên đòi hỏi phải có nhân sự. Ngoài ra các bạn có thể làm việc ở các doanh nghiệp trong và ngoài nước ở bộ phận tư vấn, pháp lý. Các bạn cần trang bị tiếng Anh để cơ hội việc làm tốt hơn.

* Nhà em không ai làm trong lực lượng công an nhưng em muốn làm ngành này nhưng em bị cận. Liệu có thể làm giấy cam kết để sau này phục vụ trong ngành hay không?

- TS Phạm Tấn Hạ: Dù có người làm trong ngành hay không nhưng nếu em đáp ứng được các yêu cầu sơ tuyển thì có thể nộp hồ sơ dự thi vào ngành công an. Đa số các trường đều yêu cầu thí sinh không bị cận nhưng cũng có một số trường chấp nhận mức cận nhẹ. Em liên hệ với công an quận huyện để biết tiêu chí cụ thể của các trường.

8q6IoRkQ.jpgPhóng to

Thí sinh tập trung chật kín Nhà văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Gia Lai để tham dự chương trình tư vấn tuyển sinh sáng 20-1 - Ảnh: Thái Bá Dũng

* Người ta có câu: Nhất tiền tệ, nhì hậu duệ, ba quan hệ. Sau khi ra trường, với điều kiện gia đình khá giả, em có đủ các điều kiện trên không? Một bạn đi xin việc ở ngân hàng phải mất 400 triệu đúng không ạ?

- TS Phạm Tấn Hạ: Hiện tượng mà các bạn đề cập là có trong xã hội nhưng nó xảy ra ở đâu và như thế nào là tùy vào từng trường hợp. Tuy nhiên, đại đa số sinh viên ra trường xin được việc không bắt đầu từ các yếu tố trên mà dựa vào năng lực thực sự của mình.

Vào ĐH chỉ là bước khởi đầu cho con đường sau này, các bạn cần có kế hoạch học tập để có kết quả tốt khi ra trường, đáp ứng tốt nhất yêu cầu của nhà tuyển dụng. Người ta tuyển dụng bạn dựa vào năng lực của các bạn. Hãy dựa vào chính mình và tạo ra cơ hội việc làm cho chính mình.

- ThS Trần Thế Hoàng: Thực trạng xã hội từng giai đoạn, giàu không phải là điều xấu, hậu duệ mà làm tốt thì cũng tốt. Nếu chúng ta lợi dụng điều này đễ giẫm lên người khác, cướp cơ hội của người khác mới là điều xấu. Thực tế xã hội cũng có hiện tượng này.

Tuy nhiên, hiện tượng này có kéo dài được mãi không khi yêu cầu minh bạch xã hội ngày càng cao. Tiền bạc có lúc cũng vơi, quan hệ có lúc cũng không còn và đến lúc nào đó, những người tiến thân bằng con đường này cũng sẽ bị xã hội đào thải, bị loại bỏ khỏi guồng máy. Chúng ta đừng nhìn hiện tượng đó mà bi quan, phải kiên quyết. Mình thích mục tiêu nào thì phải phấn đấu hết mình để đạt được mục tiêu đó. Rất nhiều gương thành đạt không xuất thân từ các tiêu chí mà các bạn đặt ra.

- TS Nguyễn Văn Chiến: Ngành giáo dục Gia Lai năm nào cũng có tuyển giáo viên. Việc tuyển giáo viên căn cứ vào các tiêu chí, điểm số học tập ở trường ĐH, CĐ, có hộ khẩu tại Gia Lai, chế độ chính sách. Các tiêu chí này được công khai để người tham gia xét tuyển biết mình đạt tiêu chí nào. Việc tuyển dụng sẽ được xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu, do đó, các em đừng nghe các thông tin bên lề, thiểu số mà mất niềm tin.

* Em muốn học ngành điều dưỡng tại Trường ĐH Y dược TP.HCM nhưng không biết ngành này làm những gì?

- Th.S Huỳnh Trương Lệ Hồng: Ngành điều dưỡng tại Trường ĐH Y dược TP.HCM chỉ có một mã ngành điều dưỡng đa khoa. Tuy nhiên, trong mã ngành điều dưỡng đa khoa có hai chuyên ngành bao gồm: điều dưỡng gây mê hồi sức và điều dưỡng hộ sinh. Các bạn muốn đăng ký học điều dưỡng gây mê hồi sức, điều dưỡng nữ hộ sinh thì hãy vào trang web của trường để được hướng dẫn.

* Ngành Marketing đào tạo những gì, trường nào đào tạo?

- Th.S Hứa Minh Tuấn: Hiện có nhiều trường đào tạo ngành Marketing. Tuy nhiên, tùy vào điều kiện của mình, có trường tách Marketing thành ngành riêng hoặc là chuyên ngành của ngành QTKD. Đây là ngành đào tạo rộng, quảng bá sản phẩm cũng như phân phối sản phẩm từ nơi sản xuất đến người tiêu dùng. Đây là ngành có nhu cầu tương đối cao so với các ngành khác. Ngoài lý thuyết các em sẽ được thực tập tại hệ thống siêu thị, các công ty để có kinh nghiệm thực tế, giúp ích cho các em khi ra trường.

* Em muốn học ngành sư phạm lý Trường ĐH Tây Nguyên, cơ hội thế nào?

- TS Nguyễn Thanh Hưng: Trường ĐH Tây Nguyên có chín ngành sư phạm, trong đó ngành vật lý có điểm chuẩn hàng năm trên điểm sàn một chút. Hiện các Sở GD-ĐT vẫn bổ sung các giáo viên để thay thế các giáo viên về hưu. Do đó, nhu cầu về ngành sư phạm nói chung cũng như sư phạm vật lý nói riêng là rất tốt.

* Em muốn học Nông lâm nhưng không biết ngành nào phù hợp với xu thế hiện nay và học ở đâu là tốt nhất?

- PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng: Không riêng gì trong khối ngành nông lâm mà tất cả các ngành khác, cơ hội việc làm tốt chỉ dành cho người có năng lực. Ngành nông lâm cũng không ngoại lệ. Ở Gia Lai, hiện kinh tế của chúng ta đặc thù là nông nghiệp (café, cao su…), lâm nghiệp (chế biến lâm sản). Ngoài ra, giao thông vận tải đang yếu kém, những ngành về nhà hàng, khách sạn cũng đang phát triển, đó cũng là những điều em cần chú ý khi chọn ngành nghề.

Trường ĐH Nông lâm TP.HCM có 52 ngành đào tạo nhiều lĩnh vực. Ở Gia Lai, có Phân hiệu ĐH Nông lâm TP.HCM, sinh viên ở đây đã tốt nghiệp được ba khóa. Năm 2013 có bảy ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, kế toán, thú y...

Những ngành này đều do những thầy cô từ trường ĐH Nông lâm TP.HCM lên dạy. Nếu các em muốn ăn cơm nhà học ĐH thì học ở đây cũng tốt. Các em nên tập trung vào việc mình thích ngành gì chứ đừng nghe những thông tin bên ngoài. Chúng ta vào ĐH năm nay và bốn năm sau mới ra trường, hãy xem mình thích ngành gì, sau này ra làm gì và cố gắng đạt được điều đó.

* Khối H có thể thi hai trường khác nhau không?

- TS Lê Thị Thanh Mai: Khối H thi môn văn và hai môn vẽ. Môn Văn thi chung đề vào đợt 2, các môn vẽ do trường bố trí thời gian nên hầu như các em không thể thi khối H vào hai trường cùng lúc được.

* Ngành luật kinh tế cần phải sơ tuyển hay không?

- Th.S Lê Văn Hiển: Hiện cả nước có 23 cơ sở đào tạo luật. Về đào tạo cấp bằng cử nhân luật, các bạn không phải sơ tuyển, chỉ cần tốt nghiệp THPT là đủ điều kiện dự thi. Ngành luật kinh tế chỉ là một ngành chuyên sâu của ngành luật.

- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Tôi bổ sung thêm quy định về sơ tuyển: các trường công an, quân đội, quốc phòng không công bố chỉ tiêu. Những trường này phải sơ tuyển, hồ sơ dự thi các em phải lấy từ huyện đội, quận đội và công an quận, huyện. Các trường này sơ tuyển trước ngày 31-3 hàng năm.
* Em được nộp bao nhiêu hồ sơ đăng ký dự thi?
- TS Nguyễn Đức Nghĩa: Về nộp hồ sơ đăng ký dự thi, trong mỗi đợt, các em muốn nộp bao nhiêu hồ sơ cũng được, miễn là mỗi hồ sơ, các em nộp thêm 80.000 đồng. Mỗi hồ sơ, các em chỉ nhận được một giấy báo thi. Nhưng đến ngày thi chỉ thi một trường vì đợt thi cùng ngày. Điều kiện sơ tuyển về chiều cao, giới tính, lý lịch…do các trường thông báo.
* Em muốn trở thành cô giáo nhưng hình như sinh viên sư phạm tốt nghiệp thường thất nghiệp rất nhiều. Em muốn trở thành giảng viên ĐH thì phải làm gì?

- TS Nguyễn Văn Long: Việc tuyển giáo viên đều công khai và sẽ xét tuyển từ cao xuống thấp cho đến khi đủ chỉ tiêu. Do đó, muốn có việc làm trong ngành sư phạm, các em phải nỗ lực học tập để đạt kết quả cao nhất. Kết quả học lực ở ĐH, CĐ cao thì cơ hội việc làm sẽ cao, kết quả học tập thấp thì cơ hội việc làm sẽ khó khăn hơn.

je1JcQv8.jpgPhóng to

TS Nguyễn Văn Long - trưởng Phòng đào tạo Trường cao đẳng sư phạm Gia Lai trả lời câu hỏi của học sinh - Ảnh: Thái Bá Dũng

Nếu các em học CĐ Sư phạm ra thì cơ hội việc làm của hai ngành tiểu học và mầm non rất cao do nhu cầu giáo viên hai ngành này đang cao.

Muốn trở thành giảng viên ĐH, phải nỗ lực học tập để có kết quả tốt nhất, nếu ở lại trường phải tiếp tục học lên cao hơn để nâng cao trình độ. Hiện không thể có 100% sinh viên ra trường đều tìm được việc làm như nhau. Cơ hội việc làm sẽ dành cho những người có kết quả học tập tốt hơn.

- TS Đỗ Văn Dũng: Khối sư phạm chia thành hai khối sư phạm và sư phạm kỹ thuật. Hiện nhu cầu giáo viên THPT ở hầu hết các tỉnh đều đã dư thừa. Nếu các em vẫn yêu thích nghề giáo viên, các em có thể theo học khối ngành sư phạm kỹ thuật. Ngành này sẽ đào tạo trong 4,5 năm, khi tốt nghiệp sẽ được cấp hai bằng kỹ sư và sư phạm. Các em có thể đi làm ở các công ty hoặc làm giảng viên ở các trường ĐH, CĐ, trường trung cấp, trường nghề.

* Học rộng, học khái quát và học chuyên sâu khác nhau ra sao? Em nên chọn học như thế nào để tốt hơn?

- TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban công tác sinh viên, ĐHQG TP.HCM: Với các em, những khái niệm này rất khó để định nghĩa. Vào ĐH, các em sẽ học cơ bản chung với nhau ở những ngành học gần nhau. Sau đó, sẽ học vào chuyên ngành để ra trường làm việc ngay. Tùy theo các ngành, các em sẽ học kiến thức tổng quát rồi mới đến kiến thức chuyên ngành.

0nWmRKw9.jpgPhóng to

TS Lê Thị Thanh Mai - thành viên Ban tư vấn trả lời tại phần tư vấn chung - Ảnh: Thái Bá Dũng

Để xác định ngành, trường, cần trả lời câu hỏi các em quan tâm đến việc gì, muốn làm việc gì trong tương lai. Chẳng hạn muốn làm một thầy cô giáo đứng trên bục giảng thì học gì? Thậm chí các em đi ăn ở một quán ăn ngon, muốn làm đầu bếp thì học ở đâu.

Trường hợp các em không xác định được, sẽ nhờ người khác đặt câu hỏi cho mình để xác định điều mình muốn. Thứ hai, các em phải xác định bản thân. Để làm những việc mình mong muốn, các em cần trau dồi những kỹ năng gì, chẳng hạn nếu muốn làm bếp thì không nhất thiết phải vào ĐH.

Ứng với từng bậc học trung cấp, CĐ, ĐH theo nhu cầu của mình, các em tìm lựa chọn cho mình một trường phù hợp. Hiện nay, một ngành có rất nhiều trường đào tạo với nhiều mức điểm chuẩn khác nhau. Em nào lựa chọn đúng sức mình thì cơ hội trúng tuyển sẽ nhiều hơn.

Ngoài ra, cũng nên nhận diện bản thân như làm những bài trắc nghiệm để hiểu hơn về bản thân. Em cũng nên tìm hiểu thêm thông tin về những thách thức sẽ gặp phải khi học ngành đó.

Cuối cùng, các em phải lập mục tiêu sau khi xác định được ngành nghề. Chẳng hạn sức học của được 15 điểm thôi, nhưng chọn trường ở mức 16-17 điểm thì các em hạ quyết tâm để đi đến mục định của mình. Còn trong trường hợp mục tiêu của mình quá xa thì nên điều chỉnh lại.

Lời khuyên cuối cùng là khi các em đặt bút dự thi ĐH, các em có nhiều cơ hội lựa chọn. Nhưng khi các em thi rồi chỉ chọn được một trường. Nên chọn những ngành, trường nào để trúng tuyển ngay NV1 chứ đừng để đến NV2 sẽ rất vất vả . Mến chúc các em lựa chọn được ngành, nghề yêu thích và phù hợp với mình.

* Bộ GD-ĐT dự kiến tăng học phí các ngành kinh tế để hạn chế thí sinh thi ngành này, điều này có đúng không?

- TS Trần Thế Hoàng - Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM: Trước tiên chúng ta bàn chuyện vui trước, sau đó bàn chuyện học sinh. Đối với ĐH Kinh tế TP.HCM, tỉnh Gia Lai đã cung cấp cho trường 128 sinh viên, đứng thứ 10 trong các tỉnh thành cả nước. Học sinh Gia Lai học giỏi chứ không vì chế độ ưu tiên của nhà nước.

xGDjv1LB.jpgPhóng to

TS Trần Thế Hoàng - ĐH Kinh tế TP.HCM trả lời thắc mắc của thí sinh tại phần tư vấn chung - Ả̉nh: Thái Bá Dũng

Trở lại câu hỏi của bạn, vấn đề hạn chế các ngành kinh tế, báo chí cũng đưa tin hạn chế một số ngành về kinh tế. Bộ GD-ĐT quy định việc mở ngành của một trường ĐH dựa vào giảng viên, cơ sở vật chất. Những trường đảm bảo được vấn đề này vẫn tuyển bình thường. Chẳng hạn như ĐH Kinh tế TP.HCM trong nhiều năm vẫn giữ 4.000 chỉ tiêu.

Bộ GD-ĐT chỉ hạn chế những trường, ngành không đủ cơ sở đào tạo thì không được mở nữa. Mở ngành kinh tế có những hạn chế nhất định. Ngành này vẫn đào tạo mà không được tăng lên. Về tăng học phí, đây cũng là một ý kiến dự thảo của Bộ GD-ĐT. Có những dự thảo sẽ thành hiện thực nhưng có những dự thảo có một phần, hoặc không thành hiện thực.

Các em lưu ý là Nhà nước không bao giờ tăng học phí một cách đột ngột. Học phí được xây dựng trên cơ sở đảm bảo sự chia sẻ của người học. Học phí cao nhất là y dược, đến kỹ thuật công nghệ, nông lâm, rồi đến kinh tế. Lộ trình tăng cũng ở mức độ chừng mực chứ không tăng đột biến. Về chế độ chính sách, sinh viên học ngành an ninh, quốc phòng sẽ không đóng học phí. Sinh viên sư phạm cũng không đóng học phí. Sinh viên học các ngành kinh tế chính trị, Mác - Lê Nin cũng không đóng học phí.

Ngoài ra, những ngành nông nghiệp nông thôn, công tác xã hội…sẽ có chính sách riêng cho sinh viên theo từng trường. Riêng các học sinh vùng nông thôn, đặc biệt khó khăn thì Nhà nước cũng có những chính sách ưu tiên về học phí cho các bạn.

* Học lực trung bình khó có thể đậu ĐH nhưng nếu học trung cấp lại khó xin việc. Cho em hỏi ở Gia Lai ngành nào sẽ có nhiều nhân lực trong thời gian tới?

NeK54CgQ.jpgPhóng to

Thí sinh đặt câu hỏi với Ban tư vấn - Ảnh: Thái Bá Dũng

- TS Nguyễn Văn Chiến - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai: Hiện ở Gia Lai có phân hiệu ĐH Nông lâm tại TP.HCM. Trường CĐ Sư phạm Gia Lai đào tạo theo hướng đa ngành và sắp thành lập trường CĐ nghề, 2 trường trung cấp đang đào tạo và một số trường trung cấp nghề ở Pleiku và các huyện.

Điểm chuẩn vào các trường ĐH, CĐ ở Gia Lai thường chỉ bằng điểm sàn. Ở khu vực Tây Nguyên còn có Trường ĐH Tây Nguyên, ĐH Đà Lạt, phân hiệu ĐH Đà Nẵng ở Kontum và nhiều trường ĐH, CĐ khác.
Những năm qua, thực hiện chính sách của Chính phủ, học sinh Gia Lai đậu vào các trường ĐH, CĐ công lập trên toàn quốc đều được tỉnh cấp bù học phí - học phí do tỉnh trả. Sau khi nộp học phí, các em đem chứng từ về phòng lao động thương binh xã hội để được tỉnh trả lại học phí đã đóng.

Dự kiến thay đổi việc xét tuyển

Bắt đầu chương trình tư vấn, TS Nguyễn Đức Nghĩa - phó giám đốc ĐHQG TP.HCM - cho biết ngày 22-1 Bộ GD-ĐT sẽ công bố các thông tin chính thức về kỳ tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Về phương thức tuyển sinh năm 2013, Bộ GD-ĐT vẫn tổ chứcthi theo phương thức ba chung (chung đề, chung đợt và sử dụng chung kết quả) và dự kiến phương thức này sẽ được áp dụng đến năm 2013.

Ex0HU7Df.jpgPhóng to

TS Nguyễn Đức Nghĩa - ĐH Quốc gia TP.HCM đưa ra những thông tin mới về kỳ thi tuyển sinh cao đẳng, đại học năm 2013 - Ảnh: Thái Bá Dũng

Các đợt thi vẫn như năm 2012, trong đó có hai đợt ĐH và một đợt thi dành cho các trường CĐ. Học sinh sẽ bắt đầu nộp hồ sơ dự kiến vào ngày 10-3 đến 10-4 thông qua hệ thống các Sở GD-ĐT và từ 11 đến 17-4, nộp trực tiếp tại các trường ĐH, CĐ mà thí sinh muốn dự thi.

Tuy nhiên, việc xét tuyển nguyện vọng dự kiến sẽ có thay đổi so với năm trước. Sẽ có hai đợt xét tuyển NV2, NV3 với thời gian xét tuyển mỗi đợt kéo dài ít nhất 20 ngày.

Về kết quả thi tuyển sinh của tỉnh Gia Lai, hàng năm tỉnh có hơn 15.000 thí sinh đăng ký dự thi ĐH, CĐ. Năm 2012, điểm bình quân ba môn thi ĐH, CĐ của cả nước là 11,39 và điểm trung bình của học sinh Gia Lai là 10,60. Tuy nhiên tỷ lệ trúng tuyển của học sinh Gia Lai khá cao do được cộng điểm ưu tiên khu vực (toàn bộ tỉnh Gia Lai là khu vực 1).

Trường THPT chuyên Hùng Vương nằm trong tốp 200 trường THPT có điểm thi cao nhất nước với điểm bình quân 17,58. Trường THPT Pleiku là 12,44. Ngoài hệ thống trường ĐH, CĐ còn có hệ thống trường trung cấp, trường nghề xét tuyển từ kết quả học tập bậc phổ thông.

1L9bA7vt.jpgPhóng to

Hàng ngàn học sinh về dự buổi tư vấn tuyển sinh tại Nhà văn hóa thanh thiếu nhi tỉnh Gia Lai - Ảnh: Thái Bá Dũng

Cơ hội để giải tỏa băn khoăn

Đánh giá về chương trình, TS Nguyễn Văn Chiến - phó giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai – cho rằng trong nhiều năm qua sở GD-ĐT Gia Lai đã cộng tác với Tuổi Trẻ để tổ chức định hướng nghề nghiệp và tư vấn tuyển sinh cho học sinh của tỉnh. Nhờ vậy mà hầu hết học sinh tỉnh Gia Lai chọn ngành nghề phù hợp với sở thích và năng lực của mình. Do đó tỷ lệ đậu ĐH của học sinh tỉnh năm sau đều cao hơn năm trước.

"Cảm ơn Tuổi Trẻ, các thầy cô ở các trường đã cùng địa phương góp phần định hướng nghề nghiệp cho học sinh. Các em thường không biết chọn ngành nào. Chương trình hôm nay là cơ hội tốt để các em giải tỏa những băn khoăn của mình. Hy vọng sau chương trình này các em sẽ có được lựa chọn phù hợp nhất với năng lực và sở thích" - TS Chiến phát biểu.

Chị Đinh Ly An - phó bí thư tỉnh đoàn Gia Lai chia sẻ: đây là chương trình có ý nghĩa lớn đối với các bạn học sinh. Các bạn tập trung tìm hiểu để có được các thông tin về ngành, trường mà mình quan tâm. Đề nghị Tuổi Trẻ xem xét Gia Lai là điểm ưu tiên tổ chức Chương trình tư vấn tuyển sinh hàng năm để giúp học sinh định hướng nghề và trường phù hợp nhất.

7g sáng, những chiếc xe chở học sinh từ các huyện đã về đến nới tổ chức chương trình. Một học sinh Trường THPT Lê Hồng Phong (huyện Đăk Đoa) cho biết các bạn đã tập trung ở trường từ sớm để 6g30 xe xuất phát về Pleiku. Nhiều bạn nhà xa phải dậy từ sớm để đến trường cho kịp. Toàn bộ học sinh khối 12 đều được trường tổ chức xe đưa đến chương trình. Học sinh này nói thêm do trường ở huyện nên ít khi được các đoàn tư vấn về để tư vấn hướng nghiệp. Thỉnh thoảng chỉ có một vài trường ĐH, CĐ về trường nhưng chủ yếu là tư vấn tuyển sinh vào trường mình chứ ít có tư vấn hướng nghiệp hay tư vấn thông tin về các trường khác.

8PidRCwP.jpgPhóng to

Học sinh được đưa đón bằng xe buýt miễn phí về tận điểm tư vấn - Ảnh: Thái Bá Dũng

Đây là năm thứ hai liên tiếp chương trình đến với học sinh tỉnh Gia Lai. Không chỉ có các thành viên ban tư vấn đến từ TP.HCM, chương trình còn có sự tham gia của các trường tại khu vực như ĐH Tây Nguyên, Phân hiệu ĐH Nông lâm TP.HCM tại Gia Lai và CĐ Sư phạm Gia Lai.

Danh sách ban tư vấn tại Gia Lai:

* Nhóm ngành khoa học kỹ thuật, công nghệ thông tin, xây dựng, giao thông, cơ khí, điện tử...

1. TS Nguyễn Đức Nghĩa - Phó giám đốc ĐH Quốc gia TP.HCM2. PGS.TS Đỗ Văn Dũng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Sư phạm kỹ thuật TP.HCM3. TS Lê Thị Thanh Mai - Trưởng ban công tác sinh viên, ĐH Quốc gia TP.HCM4. TS Nguyễn Kim Quang - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Khoa học tự nhiên (ĐHQG TP.HCM)5. PGS. TS Nguyễn Văn Thư - Hiệu trưởng Trường ĐH Giao thông vận tải TP.HCM

* Nhóm ngành kinh tế, tài chính, ngân hàng, quản trị kinh doanh...

1. TS Trần Thế Hoàng - Trưởng phòng quản lý đào tạo Trường ĐH Kinh tế TP.HCM2. Thạc sĩ Lâm Tường Thoại - Phó chánh văn phòng ĐH Quốc gia TP.HCM3. Thạc sĩ Hứa Minh Tuấn - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Tài chính - marketing4. TS Nguyễn Văn Chiến - Phó giám đốc Sở GD-ĐT Gia Lai

* Nhóm ngành khoa học xã hội, sư phạm, ngoại ngữ, luật, quân đội, công an, y dược, nông lâm...

1. PGS.TS Huỳnh Thanh Hùng - Phó hiệu trưởng Trường ĐH Nông lâm TP.HCM2. TS Phạm Tấn Hạ - Trưởng phòng đào tạo Trường ĐH Khoa học xã hội và nhân văn (ĐHQG TP.HCM)3. Thạc sĩ Lê Văn Hiển - Phó phòng đào tạo Trường ĐH Luật TP.HCM 4. Thạc sĩ Huỳnh Trương Lệ Hồng - Phó ban đào tạo khoa điều dưỡng - kỹ thuật y học (Trường ĐH Y dược TP.HCM)|5. TS Nguyễn Thanh Hưng - Trưởng khoa sư phạm Trường ĐH Tây nguyên6. TS Nguyễn Văn Long - Trưởng phòng đào tạo Trường CĐ Sư phạm Gia Lai7. Thạc sĩ Nguyễn Thị Thu - Trưởng bộ phận đào tạo Phân viện ĐH Nông lâm TP.HCM tại Gia Lai

NHÓM PV
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên