11/06/2010 18:58 GMT+7

Hành vi đưa hối lộ 10.000 USD chưa được truy tố

 CHI MAI
 CHI MAI

TTO - Phiên tòa ngày 11-6 tiếp tục phần thẩm vấn của nhóm luật sư bào chữa cho Phạm Thị Tuyết Lan và Hồ Tùng Lâm (nguyên phó giám đốc Công ty địa ốc Gò Môn).

8XOiP86P.jpgPhóng to

Bị cáo Lan lúc nói không đưa hối lộ cho ai, lúc thừa nhận đến nhà bí thứ Tính đưa 10.000 USD nhưng ông Tính không lấy - Ảnh: Chi Mai

Trả lời câu hỏi của luật sư, bị cáo Lan cho biết thời điểm bị cáo kinh doanh đất đai không có văn bản nào cấm bị cáo không mua bán đất chưa có “giấy đỏ” cả. Theo bị cáo Lan, “bị cáo có đất, ai mua thì bị cáo bán lại kiếm lời. Nếu bị cáo bán cho Công ty Xây dựng và phát triển nhà quận Phú Nhuận thì được tới 300.000 đồng/m2, trong khi đó bán cho Công ty Gò Môn chỉ được 280.000 đồng/m2”.

Bị cáo Lan cũng cho biết việc mua bán này là thỏa thuận dân sự bình thường, không ai bị ép buộc gì, cũng không vi phạm pháp luật nên bị cáo không cần thiết phải nhờ vả ai lo thủ tục. “Không có nhu cầu đưa hối lộ cho ai, kể cả trong tư tưởng cũng chưa từng nghĩ đến chuyện đó”.

Chủ tọa mời Nguyễn Văn Tính, nguyên bí thư Quận ủy Gò Vấp, lên hỏi: “Có lần nào bị cáo Lan tới mang quà đến nhà bị cáo không?”. Bị cáo Tính đáp có, thời điểm là cuối năm 2001. Khi đến chơi, Lan đặt vấn đề nhờ bị cáo Tính tác động để cho UBND quận Gò Vấp ký sớm văn bản giải quyết vụ lùm xùm liên quan đất đai mà Lan mua.

Bị cáo Tính nói mình không can thiệp được, đó là chuyện của bên chính quyền. Bị cáo Tính cũng cho biết lúc ra về Lan có rút trong túi một phong bì nói là quà cho bị cáo nhưng bị cáo không nhận. Bị cáo Tính không biết trong đó có bao nhiêu tiền.

Được tòa gọi lên thẩm vấn, bị cáo Lan công nhận lời khai của bị cáo Tính hoàn toàn trung thực. Lan chỉ “đính chính” thêm: không phải “phong bì” mà là phong bao lì xì. Bị cáo Lan khai trong đó có 10.000 USD. Tòa chất vấn: “Bị cáo đến nhà bí thư đưa tiền nhờ tác động để ủy ban sớm ban hành văn bản cho bị cáo sớm nhận được giấy tờ đất có là bình thường không?”. Bị cáo Lan đáp không. Tòa vặn: "Thế mà lúc nãy trả lời luật sư, bị cáo nói kể cả trong tư tưởng cũng chưa nghĩ đến chuyện đưa tiền hối lộ, điều đó chứng minh khai báo của bị cáo không phù hợp".

Bị cáo Lan cãi: "Nhưng chuyện đưa tiền đó chưa xảy ra, người ta cũng chưa nhận", chủ tọa đáp: “Hành vi này là có dấu hiệu vi phạm rồi, nhưng cáo trạng không truy tố. Vấn đề này để tòa xem xét”.

Theo cáo trạng, tại cơ quan điều tra, Phạm Thị Tuyết Lan đã khai nhận: khi ông Tính từ chối bao thư, Lan nghĩ rằng ông Tính “chê ít” nên Lan đã phải đưa cho Dương Công Hiệp (nguyên phó Phòng quản lý đô thị quận Gò Vấp) 1 tỉ đồng và nói Hiệp nên thông qua Lê Minh Châu để đưa cho Tính vì hai người họ có mối quan hệ thân thiết.

Tại cơ quan điều tra, bị cáo Châu cũng khai Hiệp nhờ Châu ứng tiền cá nhân để chi cho Tính 1 tỉ đồng (lúc đó sai phạm của Hiệp đang bị tố cáo). Thực tế Châu đã chi (800 triệu đồng) cho Tính và sau đó Hiệp đã trả lại từ khoản tiền 1,1 tỉ đồng mà Hiệp nhận từ Lan. Tuy nhiên, tại phiên tòa tất cả bị cáo đã đồng loạt phủ nhận những lời khai trên.

Cũng theo cáo trạng, Phạm Thị Tuyết Lan còn có lời khai: khoảng năm 2002, Lan thông qua một đối tượng trung gian khác có tên Tâm đưa cho ông Tính 15.000 USD. Tuy nhiên, do không xác minh được lai lịch của người này nên cơ quan điều tra không có cơ sở xác minh chuyện đưa, nhận khoản tiền đó.

Vẫn liên quan bị cáo Tính, theo cáo trạng thì sau khi hợp đồng mua bán đất đai thứ hai của Phạm Thị Tuyết Lan diễn biết tốt đẹp, Tính còn yêu cầu Lê Minh Châu chi tiền tổ chức 3 cuộc đi chơi (tại Vũng Tàu, Đà Lạt) cho Tính và bạn gái cùng một số người thân quen. Tuy nhiên, do không xác định được cụ thể về khoản chi phí của chuyến đi nên cơ quan điều tra không có cơ sở kết luận về khoản tiền này.

Hội đồng xét xử cũng thẩm vấn đại diện Công ty địa ốc Gò Môn về khoản tiền hơn 131 triệu đồng mà công ty chi ra để thanh toán cước phí điện thoại cho 2 số máy di động của nguyên chủ tịch UBND quận Gò Vấp Trần Kim Long.

Từ năm 1996, Trần Kim Long (lúc đó là chủ nhiệm Ủy ban kiểm tra Quận ủy quận Gò Vấp) đã yêu cầu Lê Minh Châu cấp cho Long một số điện thoại. Đến năm 2000, khi đã là chủ tịch UBND quận Gò Vấp, Long lại yêu cầu Châu mua thêm một số điện thoại nữa cho Long dùng.

Cả hai số điện thoại đều do Long sử dụng nhưng Công ty Gò Môn đứng tên, trả cước phí hằng tháng. Khi vụ án tại Công ty Gò Môn được khởi tố, đến cuối tháng 12-2004, Long mới hoàn trả khoản tiền cước trên đây. Về hành vi này, Trần Kim Long bị xét xử về tội “lợi dụng chức vụ quyền hạn gây ảnh hưởng đối với người khác để trục lợi”.

Ngày 14-6, tòa tiếp tục phần thẩm vấn của các luật sư còn lại.

Tin, bài liên quan:

Xét xử vụ tiêu cực Gò Môn: trí nhớ các bị cáo “có vấn đề”Ngày 8-6: xét xử vụ tham nhũng tại Công ty Gò MônHối lộ: kẻ nói không, người nói cóKhai nhận bất nhất về tiền nhận hối lộLấy tiền hối lộ mua đất, cho em trai đứng tên

 CHI MAI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên