Người ta nhìn thấy rõ những chùm bong bóng màu và các ngôn ngữ tung hô nhàm chán xuất hiện khắp nơi, VN hiện rõ một nền âm nhạc không có thực lực, so với những quốc gia rất gần và từng có lịch sử luôn thua kém như Thái Lan, Singapore hay Indonesia.
Ngoài việc những “ngôi sao” sống vay vào các thị hiếu đã có về nhạc bolero, về các danh phẩm quen tai của nhạc sĩ Phạm Duy, nhạc sĩ Trịnh Công Sơn... những trường hợp liều mình chăm chút đổi thay với cuộc đời nghệ thuật của mình như Đức Tuấn hay Tùng Dương... là những điều chỉ có thể đếm trên đầu ngón tay.
Hiệu quả của những con người đó dù chưa bàn đến, nhưng tấm lòng cho nghệ thuật như họ gần như chẳng có mấy ai. Xã hội hôm nay nhiều tiền của hơn nhưng nhạt nhẽo hơn.
Hơn hai thập niên trước, giới văn nghệ chưa có tác quyền, chưa có danh hiệu hào nhoáng và cũng chưa hở hang, hoành tráng được như hôm nay, nhưng các tác phẩm được viết ra, được hát vẫn làm người ta ngạc nhiên về sự sống động của nó, thậm chí đã lập lên những tượng đài trong trái tim con người từ các buổi đầu của Làn Sóng Xanh.
Hơn một thập niên, ngành âm nhạc Việt đã viết lên một chương kỳ lạ về những điều giả tạo, nói dối và khoe khoang vô lối. Ai cũng thấy những điều rất tệ nhưng không có ai nói lên sự thật.
Tiếng vỗ tay chỉ để hài lòng nhau, thắt chặt quyền lợi của các nhóm lợi ích của thời văn nghệ thương mại. Câu chuyện ông vua ở truồng của Andersen như được lặp lại ở làng showbiz Việt với nhiều khuôn mặt, nhiều sự kiện mà khán giả vẫn ngơ ngác tự hỏi vì sao lại có thể như vậy.
Một thập niên ghi danh nhiều người tâm huyết chán nản lùi vào bóng tối để tránh các cơn bão bong bóng và kẹo màu, chờ một thời điểm của sự thật để có thể đóng góp cho nền âm nhạc.
Không ít các tài năng trẻ đã từ chối con đường truyền hình, phát thanh... truyền thống để giới thiệu mình vì sợ bị kéo vào các vòng xoáy đó. Không ít người đã chọn YouTube hay trang blog của mình để giới thiệu khả năng, bất chấp nơi đó có nhiều cú “like” hay lượt người ghé thăm hay không.
Các quán văn nghệ nho nhỏ với những tiếng hát vô danh nhưng làm sững sờ người nghe, hoàn toàn khác với sân khấu lớn rậm rịch với chương trình như những cuốn phim cũ nhạt nhẽo được chiếu lại.
Hơn một thập niên mà giới truyền thông giải trí chia nhau nhai ngấu nghiến miếng kẹo cao su showbiz do mình tự tạo ra đến bợt bã, và rồi đến lúc không thể chịu nổi và quẳng đi trong ngại ngùng.
Rồi sẽ phải có một ngày khi cơn bão bong bóng và kẹo màu đi qua, những người nghệ sĩ bước ra khỏi căn hầm trú ẩn của mình. Những ca sĩ sẽ dành nhiều thời gian cho tiếng hát của mình hơn các chiêu trò trên mạng hay những danh hiệu vô nghĩa. Những gì tốt đẹp nhất cơn bão đó sẽ ở lại cùng mọi người để dựng nên một cuộc phục sinh cho âm nhạc Việt, nơi mà những điều xứng đáng sẽ được vinh danh chứ không phải là những khung màn phấn son sáo rỗng.
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Quá nguy!Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9: “Tôi xin lỗi”Nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 "quá mệt mỏi và buồn"Các ca sĩ nên cảm ơn nhạc sĩ Nguyễn Ánh 9Đàm Vĩnh Hưng, Mỹ Tâm lên tiếng về những lời nhận xétThương cho roi cho vọtCa sĩ trẻ nên học cách ứng xử trước lời nhận xétNhạc sĩ Nguyễn Ánh 9 "là người dám nói thẳng"
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận