05/10/2013 23:11 GMT+7

Kỳ 2: Cuộc đấu trí, đấu lực quy mô lớn đầu tiên

TTO tổng hợp
TTO tổng hợp

TTO - Chiến dịch Việt Bắc mùa khô năm 1947 là một cuộc đấu trí, đấu lực quy mô lớn đầu tiên giữa hai quân đội rất chênh lệch về trang bị kỹ thuật và trình độ tác chiến.

Những trận chiến lịch sử lưu danh Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Và ngay từ chiến dịch này, tài cầm quân của Đại tướng Võ Nguyên Giáp đã được khẳng định.

Vs2JyLhz.jpgPhóng to
Ảnh tư liệu
Chiến dịch Việt Bắc mùa khô 1947 do Bộ tổng chỉ huy trực tiếp chỉ huy, Đại tướng Võ Nguyên Giáp làm chỉ huy trưởng.

Phá cuộc tiến công chiến lược của Pháp

Việt Bắc là nơi có địa thế hiểm trở, hạn chế cả về cơ động và tầm quan sát, khả năng triển khai lực lượng lớn và phương tiện chiến đấu hiện đại, khi tiến công tiến hành tác chiến lớn phải theo mùa, nên ngay từ tháng 8-1945 Trung ương Đảng và Chủ tịch Hồ Chí Minh đã giao cho Phạm Văn Đồng và Nguyễn Lương Bằng ở lại Tân Trào một thời gian, trực tiếp chỉ đạo củng cố khu căn cứ của trung ương.

Đến cuối tháng 10-1946 (trước Ngày toàn quốc kháng chiến), thực hiện chỉ thị của Chủ tịch Hồ Chí Minh, Nguyễn Lương Bằng từ Hà Nội trở lại Việt Bắc chuẩn bị căn cứ địa kháng chiến. Cuộc kháng chiến toàn quốc bắt đầu từ tối 19-12-1946 bằng đợt công kích đồng loạt của bộ đội ta vào các vị trí quân Pháp, sau đó nhanh chóng chuyển sang bao vây, ghìm giữ quân địch ở Hà Nội và các thành phố, thị xã trên địa bàn cả nước.

Bị sa lầy tại các thành phố, thị xã ở đồng bằng Bắc Bộ, ngày 7-10-1947, thực dân Pháp tập trung hơn 2 vạn quân tinh nhuệ mở cuộc tiến công lên Việt Bắc, theo chiến lược "Đánh nhanh thắng nhanh" hòng tiêu diệt đầu não kháng chiến của Việt Minh đang đóng tại đây, hoàn tất việc tái chiếm Đông Dương.

Lực lượng hai bên

Lực lượng Pháp tham gia tiến công trên 15.000 quân, gồm: 5 trung đoàn bộ binh: trung đoàn Marốc số 6 (6eRTM), trung đoàn bộ binh thuộc địa Marốc (RICM), trung đoàn bộ binh thuộc địa số 4 (4e - RIC), trung đoàn bộ binh lê dương số 3 (3e REI) và một trung đoàn do Côxtơ (Coste) chỉ huy; 3 tiểu đoàn dù, 2 tiểu đoàn pháo binh, 2 tiểu đoàn công binh, 3 đại đội cơ giới; 2 phi đội với 40 máy bay, 3 thủy đội xung kích với 40 tàu, xuồng.

Về phía Việt minh, lực lượng quân đội trên toàn quốc có 105.990 người (Bắc Bộ có 45.802 người); biên chế thành 20 trung đoàn, có hai trung đoàn 147 và 165 của bộ và nhiều tiểu đoàn độc lập của khu và của bộ. Trang bị thiếu thốn và không thống nhất; bộ đội và cán bộ chỉ huy các cấp chưa được huấn luyện thành thục về kỹ thuật, chiến thuật. Trình độ và khả năng chiến đấu giữa các đơn vị không đồng đều.

Kế hoạch tấn công dự kiến chia làm hai bước: Bước 1: Mang mật danh Lêa (Léa), mục tiêu đánh chiếm là khu tam giác Bắc Cạn – Chợ Đồn – Chợ Mới; Bước 2: Mang mật danh Xanhtuy, tức là “Siết chặt vành đai”, quân Pháp sẽ tập trung lực lượng càn quét khu tam giác: Bắc Cạn - Chợ Chu – Chợ Mới, lấy vùng Chợ Chu làm mục tiêu trọng điểm.”

Kế hoạch tác chiến của địch hình thành hai “gọng kìm” lớn theo đường số 4, số 3 và phối hợp với cánh quân tiến theo sông Lô, sông Gâm nhằm bao vây chặt căn cứ Việt Bắc, đồng thời cho quân nhảy dù xuống trung tâm chiến khu, tiến hành càn quét, tìm diệt chủ lực và cơ quan đầu não kháng chiến của ta.

Ngày 7 và 8-10, địch trên các hướng bắt đầu tiến công, thấy ta có sơ hở chúng nhảy dù ngay vào khu vực trung tâm chiến khu như: Bắc Kạn, Chợ Mới, Chợ Đồn… Mặc dù ta có dự kiến nhưng cho là địch có mạo hiểm mới dám đánh lên Việt Bắc, nên những ngày đầu một số đơn vị bị bất ngờ, lúng túng.

Ngày 8-10, ta bắn rơi một máy bay và thu được tài liệu về cuộc hành quân Léa của địch, từ đó điều chỉnh lực lượng, tổ chức thành ba mặt trận, vận dụng nhiều hình thức chiến thuật, tiêu diệt nhiều sinh lực địch, bảo vệ cơ quan đầu não, đánh bại cuộc tiến công của địch lên Việt Bắc.

Mục đích tiến công lên Việt Bắc của địch là đánh đòn quyết định, mau chóng kết thúc chiến tranh. Do vậy, mục đích của chiến dịch là “phải phá cuộc tiến công chiến lược của giặc Pháp, làm chúng thiệt hại nặng, không thể gượng lại được sau mùa đông này”; đồng thời phải bảo vệ được cơ quan đầu não kháng chiến, bảo vệ căn cứ địa Việt Bắc, bảo toàn chủ lực.

“Vận động chiến"

Trong chiến dịch Việt Bắc ta đã chọn loại hình chiến dịch đúng: không chọn loại hình phòng ngự để ngăn chặn, đánh bại địch mà chọn tác chiến phản công, thực hiện “vận động chiến” để đánh bại tiến công quy mô lớn của địch. Sở dĩ ta chọn loại hình phản công là xuất phát từ yếu tố địch, địa hình và khả năng của ta trong chiến dịch.

Về đối tượng tiến công, quân Pháp hoàn toàn chủ động về không gian, thời gian, mục tiêu tiến công và có ưu thế tuyệt đối về binh lực, hỏa lực. Kế hoạch tác chiến của quân Pháp là hình thành các gọng kìm lớn, phối hợp với cánh quân tiến theo sông Lô, sông Gâm, kết hợp với quân nhảy dù để hợp vây chiến dịch tại trung tâm chiến khu, tìm diệt chủ lực, cơ quan đầu não của ta.

oLTUgOhJ.jpg

Sơ đồ Chiến dịch Việt Bắc mùa khô 1947

Mặt khác, địa hình tác chiến bao gồm tám tỉnh, là khu vực có nhiều núi cao, rừng rậm, sông suối chia cắt hết sức phức tạp. Với địa hình như vậy, có nhiều thuận lợi cho bộ đội ta cơ động bí mật, nhưng quân địch cũng có thể tận dụng để hình thành các “gọng kìm” lớn, các mũi vu hồi đường bộ kết hợp với quân nhảy dù tạo bất ngờ lớn cho ta.

Trên cơ sở thực tế chiến trường ta đã xác định đúng hướng phản công. Chiến dịch đã tổ chức thế trận phù hợp với ba mặt trận, bẻ gãy từng gọng kìm của địch, phá thế hợp vây chiến dịch của chúng.

Nghệ thuật chiến dịch thể hiện đặc sắc ở chỗ ta đã tìm ra điểm mạnh, điểm yếu trong “gọng kìm” của địch để chuyển từ thế bị động lúc đầu, sang thế chủ động đánh địch theo cách đánh của ta trên từng hướng lựa chọn, đồng thời biết kết thúc chiến dịch đúng lúc trong điều kiện có lợi nhất.

Trong chiến dịch Việt Bắc ta đã tổ chức binh lực thích hợp, chỉ đạo vận dụng chiến thuật sáng tạo, hạn chế chỗ mạnh của địch, khoét sâu mặt yếu của chúng. Do trình độ chỉ huy tác chiến còn hạn chế, nên ta chủ trương đưa 30 đại đội hoạt động phân tán ở một số huyện trên địa bàn chiến dịch và 18 tiểu đoàn tập trung trên ba mặt trận đường số 3, số 4 và sông Lô; lấy cách đánh phục kích, tập kích diệt địch đang cơ động là chủ yếu.

Với phương châm “đánh nhỏ, ăn chắc”, kết hợp tiêu hao rộng rãi với tiêu diệt từng bộ phận khi có thời cơ, ta đã phát huy nhiều cách đánh có hiệu quả, phù hợp với điều kiện lúc đó để đạt mục đích của chiến dịch.

Toàn chiến dịch, Việt Minh đã loại khỏi vòng chiến đấu trên 6.000 lính Pháp và lính Việt phục vụ Pháp, bắt hơn 270 lính. 18 máy bay bị bắn hạ, 16 tàu chiến, 38 canô bị đánh chìm, 255 xe các loại bị phá hủy, thu 2 pháo 105mm, 7 pháo 75mm, 16 khẩu pháo 20mm, 337 súng các cỡ, 45 bazooka, 1.600 súng trường, hàng chục tấn quân trang quân dụng.

Chiến dịch Việt Bắc là chiến dịch đầu tiên giành thắng lợi có ý nghĩa chiến lược của lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam trong kháng chiến chống Pháp, loại khỏi chiến đấu hơn 7.000 địch, thu và phá hủy nhiều vũ khí, phương tiện chiến tranh; đánh bại cuộc tiến công quy mô lớn và làm phá sản chiến lược đánh nhanh, thắng nhanh của Pháp; bảo toàn và phát triển bộ đội chủ lực, bảo vệ cơ quan đầu não và căn cứ địa của cả nước, đưa cuộc Kháng chiến chống Pháp phát triển sang một thời kỳ mới.

Kỳ tới: Chiến dịch Biên giới 1950, chủ động tấn công

Xem thêm:

Đại tướng Võ Nguyên Giáp 102 mùa xuân cuộc đờiHuyền thoại mùa thuĐề nghị thành lập Bảo tàng Võ Nguyên GiápChúc thọ Đại tướng Võ Nguyên GiápTriển lãm ảnh Đại tướng Võ Nguyên GiápĐại tướng Võ Nguyên Giáp và người vợ liệt sĩ Nguyễn Thị Quang TháiTặng tỉnh Quảng Bình tượng Đại tướng Võ Nguyên GiápXem ảnh đời thường Đại tướng Võ Nguyên GiápCuộc đời đại tướng qua ảnh

TTO tổng hợp
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên