27/12/2012 09:06 GMT+7

Không điều gì bị lãng quên

THU HÀ
THU HÀ

TT - Trích Nhật ký Nguyễn Đức Soát ngày 29-12-1972

5gJDGBVt.jpgPhóng to
Hai tháng sau ngày Mỹ ngưng ném bom miền Bắc (tháng 3-1973), những cô gái cật lực dọn dẹp đống đổ nát trên quê hương mình - Ảnh: Werner Schulze

Mình đã giao ban buổi tối ở đại đội xong. Đoàn trưởng lại gọi sang gặp. Sau khi hỏi về việc chuẩn bị chiến đấu cho bộ đội ngày mai xong, đoàn trưởng thông báo: trên chính thức công nhận đêm qua Thiều hạ được một B-52. Rađa C-26 ở Cẩm Thủy dẫn Thiều cất cánh từ sân bay Cẩm Thủy - tên mật: XB-90 - lên đánh vào một tốp B-52 bay vào đánh Hà Nội. Thiều gặp địch ở Sơn La, trong điều kiện không thuận lợi. Ở H-10km, mà góc vào 90 độ, cự ly chỉ 4km (nó nhìn bằng đèn vì không dám bật rađa).Thiều vào công kích. Một phút sau, chỉ huy sở mất liên lạc với Thiều. Không biết tin Thiều có nhảy dù được hay đã hi sinh. Sợ nó đâm vào B-52. Hiện nay bọn Mỹ đang đi cứu giặc lái ở Sơn La.

Đồng thời anh Nghị còn bảo: Hùng hôm qua hạ hai máy bay. Người ta bắt thêm hai thiếu tá Mỹ. Nó khai bị Mig bắn rơi. Hùng đã hi sinh.

Thiều là bạn thân của mình. Nó thông minh, sống chân tình và rất mực đức độ. Trong chuyện riêng nhiều lần mình đã tìm đến Thiều. Mới đây, trung đoàn giao cả trung đội bay đêm về cho đại đội mình. Thiều là B trưởng.

Thật là đáng tiếc bị mất những đồng chí rất tốt trước ngày thắng lợi.

Thật tự hào có những người lính không tiếc cả cuộc sống của mình trong giờ phút thử thách quyết liệt của dân tộc, đã mang về những chiến công hiển hách.

Máu đổ cho ngày hòa bình

Ngày 29-12-1972, máy bay Mỹ vẫn đánh phá các trận địa tên lửa, sân bay, các đầu mối giao thông quan trọng và cầu, phà quanh Hà Nội.

Đêm 29, máy bay Mỹ hoạt động ít hơn những ngày trước.

Ngày và đêm hôm đó hai máy bay Mỹ, trong đó có một chiếc B-52 bị hạ. Đây là chiếc B-52 cuối cùng bị bắn rơi trong 12 ngày đêm.

Sáng 30-12-1972, Tổng thống Mỹ Nixon tuyên bố ngừng ném bom từ Bắc vĩ tuyến 20 trở ra, kết thúc cuộc tập kích chiến lược quy mô lớn bằng máy bay B-52 của Mỹ vào Hà Nội, Hải Phòng mang tên Linebacker II.

Tổn thất của ngày và đêm 28-12 không chỉ đau đớn với những người lính bay. Những người lính tên lửa cũng chịu chung một cái tang lớn: cả một trận địa tên lửa của tiểu đoàn 94, trung đoàn 261 ở Từ Sơn bị bom B-52 rải thảm. Nhiều người dân thường cũng hi sinh cùng các chiến sĩ tên lửa.

Ông Vương Đình Cường, trắc thủ cự ly, vẫn còn ứa nước mắt khi nhắc lại thời điểm đau thương ấy: “Đúng 10 giờ rưỡi đêm, loạt bom đầu rải ngoài đồng, loạt sau nó ném đúng trận địa, loạt 3 ngay sau trận địa. Chúng tôi ngồi trong xe điều khiển, không việc gì nhưng không mở được cửa xe, chắc hơi bom ép mạnh quá. Chúng tôi hè nhau đạp cửa mới thoát ra được, mở cửa thì thấy miệng hố bom B-52 cách có 3m. Cấp trên ra lệnh đi cứu đạn. Tôi nghe giọng đồng chí chỉ huy: “Đảng viên chạy trước, đoàn viên thanh niên ưu tú chạy sau”. Nhưng lửa to quá, đạn nổ hết mất rồi, không cứu kịp quả nào.

Cuộc thu dọn chiến trường lúc mờ sáng ám ảnh những người lính tên lửa suốt đời, ông Cường dấm dứt: “Nhiều anh em hi sinh, ruột bắn cả lên cây, có người hi sinh trong tư thế nằm, phải xẻ quần áo để thay. Có một anh người Hà Tây, khi chết bị bay xuống ao, cụt một chân, anh em đi tìm không thấy, hôm sau ông bố ở Sơn Tây xuống hỏi đơn vị, đơn vị nói dối anh đi công tác. Cụ bảo: “Đừng giấu tôi, tôi biết con tôi chết rồi, mà chết rét”.Thế là anh em xuống ao mò, tìm được xác đồng đội”.

Anh em hi sinh, chỉ có một anh bên quân nhu là nằm thẳng, tất cả đều nằm co vì bó gối trong hầm chữ A. Quan tài để ngoài đường, tất cả nhờ dân hết, dân mang xe bò, xe cải tiến đến chở mỗi anh em một xe, đi mai táng. Các bà mẹ nhận liệt sĩ làm con nuôi, mỗi mẹ nhận một người, chôn cất rồi chăm lo phần mộ”.

Nếu mình không về….

Sáng 14-12-2012, gia đình phi công Hoàng Tam Hùng có một cuộc gặp gỡ nho nhỏ với anh em đồng đội cùng chiến đấu với anh. Chàng sinh viên bách khoa, con trai duy nhất của một vị phó thủ tướng, đã tình nguyện nhập ngũ và hi sinh khi mới 23 tuổi đời, sau một trận đánh oanh liệt trên bầu trời, bắn rơi một lúc hai máy bay địch. Anh chết quá trẻ. Nhưng đồng đội thì không ai quên. Ngày ấy tháng ấy, bao giờ bàn thờ người lính trẻ cũng có hoa trắng của bạn bè.

Cũng tháng 12 này, trong cái lạnh tê tái của miền sơn cước, dưới mái thiền viện mới dựng sơ sài, đại đức Thích Chánh Tuệ - ngày nào là đại đội trưởng rađa Đinh Hữu Thuần - ngồi bâng khuâng: “Thầy đã quyết đi theo Đức Phật hoàng Trần Nhân Tông, đất nước hết binh đao là buông tay gác kiếm, ăn chay niệm Phật. Nhưng chẳng thể nào hết lo: sao dân mình cứ nghèo mãi…”.Vị tu hành đang băn khoăn giữa việc tu hành với việc về Hà Nội dự lễ kỷ niệm Nhà nước 40 năm chiến thắng B-52: “Không muốn xuất hiện ở chốn đông người, không muốn nhắc lại những chuyện đã qua, nhất là nhớ đến những cái chết đau thương của anh em. Nhưng lại vẫn nhớ. Nhớ những đồng đội cùng đại đội với mình, nhớ những giọng nói của các anh phi công ngày nào cũng dẫn đường mà chưa hề thấy mặt. Thầy nhớ nhất giọng nói anh Vũ Đình Rạng. Thầy đã dẫn đường cho anh Rạng đánh bao nhiêu trận. Chưa gặp bao giờ, nhưng chỉ cần nghe giọng nói là nhận ra ngay. Dù hơn 40 năm rồi. Cái giọng nói của những người cùng chiến đấu với nhau nó lạ lắm, ăn vào tim óc”.

Tháng 12, chuẩn bị tết, trong một con ngõ nhỏ trên phố Khâm Thiên, nhà quay phim Trần Hùng - người đã nổi tiếng với những thước phim tuyệt đẹp trong các bộ phim Thời xa vắng và Chuyện của Pao - đang chuẩn bị kế hoạch lên Mộc Châu kiếm một cành đào phai về chơi tết. Năm nào anh cũng rong ruổi đi kiếm đào tết về để biếu nhà văn Nguyên Ngọc một cành và cho căn gác nhỏ xíu trong hẻm phố Khâm Thiên của mình một cành.

Căn gác nhỏ đã tan tành sau trận bom B-52 đêm 26-12-1972, cậu bé Trần Hùng năm đó 14 tuổi từ nơi sơ tán về đã sững sờ trước dãy phố Khâm Thiên đổ nát và tổ ấm của gia đình mình tan hoang. Nhưng thời gian đã làm tròn nhiệm vụ của nó, Trần Hùng vẫn ở lại phố Khâm Thiên, nhặt từng viên gạch xây lại tổ ấm. Và giờ đây, con anh lớn lên trên phố Khâm Thiên, chỉ biết về những trận bom B-52 qua câu chuyện của bố. Trần Hùng vẫn mơ ước được quay một bộ phim về Khâm Thiên - Hà Nội - B-52. Nhưng có lẽ trong thời buổi điện ảnh thị trường này điều đó hơi xa vời.

Và một buổi chiều mùa đông xám lạnh cũng tháng 12 này, trên nghĩa trang liệt sĩ Hà Nội, nơi có ngôi mộ bé nhỏ của liệt sĩ Vũ Xuân Thiều, có hai người lặng lẽ đến thắp một nén hương. Họ luôn bày tỏ lòng thương tiếc và biết ơn tận đáy lòng mà chỉ có những người trong cuộc hiểu được. Đó là tướng Nguyễn Đức Soát và vợ ông, bà Lê Hoàng Hoa. Bà Hoa là người yêu của anh hùng Vũ Xuân Thiều. Mối tình thơ mộng của cô nữ sinh Hà Nội xinh đẹp và anh phi công hào hoa đã tràn ngập qua những bức thư tình mà Vũ Xuân Thiều gửi gắm cho Nguyễn Đức Soát trước giờ ra trận: “Mình không về, Soát đưa cái này cho mẹ mình, còn cái này tìm đưa cho Hoa”.

Vũ Xuân Thiều không về. Và hơn một năm sau Nguyễn Đức Soát mới gặp Lê Hoàng Hoa, khi cô đang du học ở Liên Xô. Tình yêu giữa đôi trai tài gái sắc và tình yêu chung với người đã khuất đã kéo dài gần 40 năm. Nhìn họ, người ta hiểu hạnh phúc là có thật. Và máu xương của những người như Vũ Xuân Thiều đổ xuống đã không tan vào hư vô.

-----------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: "Cuộc đón tiếp lịch sự” bắt đầu! Kỳ 2: Khi SAM-2 lên tiếng Kỳ 3: B-52 liên tiếp... rụng Kỳ 4: Đêm dài nhất ở Bệnh viện Bạch Mai Kỳ 5: Giáng sinh trong đổ nát Kỳ 6: Joan Baez hát dưới mưa bom Kỳ 7: Ngày ác liệt nhất Kỳ 8: Đêm của Phạm Tuân Kỳ 9: Những cánh bay cảm tử

Số tới đón đọc:

Những nhịp cầu chứng nhân

Có những cây cầu còn hơn cả một công trình giao thông, vì vô tình hoặc hữu ý trở thành nhân chứng của những câu chuyện ân tình, những ký ức đã mờ xa, thậm chí cả những niềm ước mong của đất nước.

THU HÀ
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên