24/12/2012 10:19 GMT+7

Ngày ác liệt nhất

Tuệ Huyền
Tuệ Huyền

TT - Chúng đem bom nghìn cân. Dội lên trang giấy. Mảnh như một ánh trăng ngần. Hiền như lá mọc mùa xuân.

GuvjkYxW.jpgPhóng to
Những đứa trẻ bò lên khỏi hố bom khổng lồ ở phố Khâm Thiên - Ảnh: Bettmann/Corbis

Chẳng có gì diễn tả chính xác hơn tương quan lực lượng cũng như sức tàn phá của bom B-52 vào một trong những khu phố buôn bán sầm uất nhất và cũng đông dân lao động nhất Hà Nội như những vần thơ của nhà thơ Chính Hữu. Đêm 26-12, trong một cố gắng tuyệt vọng, Nixon đã ra lệnh ném bom rải thảm xuống khu phố Khâm Thiên.

Đau thương Khâm Thiên

Sau 36 giờ tạm ngừng, ngày 26-12 chiến dịch Linebacker II của Mỹ đánh phá Hà Nội, Hải Phòng và một số nơi khác trên miền Bắc lại tiếp tục.

Tại Hà Nội, 56 lần máy bay B-52 tập kích từ ba hướng: tây bắc, tây nam, đông bắc. Gần 100 điểm trong thành phố bị bom rải thảm, trong đó có những khu đông dân như phố Khâm Thiên, khu lao động An Dương, Bệnh viện Bạch Mai...

Đêm 26-12, không quân không xuất kích, nhưng lực lượng tên lửa đánh rất chính xác ở cả các hướng. Tính ra trong đêm 26-12, số tên lửa phóng lên tăng gấp 1,7 lần so với đêm 18-12 và bắn rơi nhiều máy bay B-52 nhất.

Kết quả ngày và đêm 26-12-1972: 11 máy bay Mỹ bị bắn rơi, trong đó có tám máy bay B-52.

Dù đã có lệnh sơ tán, những người dân Hà Nội không đi theo các cơ quan xí nghiệp vẫn “ngoan cố” bám trụ Hà Nội. Sau đêm B-52 đánh trúng Bệnh viện Bạch Mai, nhiều người đã chịu “biết sợ” và rục rịch đi, nhưng người ở lại vẫn còn. Nhà ông Nguyễn Văn Cầu ở ngõ Sân Quần-ngõ nhỏ dọc Khâm Thiên thời Pháp có cái sân quần vợt, vợ con ông đã đi sơ tán rồi lại về vì thấy “Noel nó không đánh Hà Nội”.

Tối 26, ông Cầu trực tự vệ Nhà máy in báo Hà Nội Mới. Lúc báo an, xin về nhà xem vợ con thế nào thì chỉ biết một quả bom 500kg giáng xuống đúng cái hầm tập thể của khu nhà ông. 41 người chết chẳng toàn thây. Hầm tập thể thành mồ chung của vợ và con thứ hai của ông. Vợ ông chỉ tìm thấy nửa người trên, con trai thì nhận ra cái chân vì có sẹo. Anh trai ông mất dâu và rể, em ruột ông cũng chung số phận. Nhà ông Cầu mất sáu người.

Với bà Lan, giáo viên, việc sống sót của bà và hai đứa con trai còn là nỗi day dứt suốt đời. Chồng bà, mẹ hai của bà và em gái bà đều chết trong hầm trú bom. Ông không đi sơ tán vì ở lại nhận máy móc thiết bị nghiên cứu từ nước ngoài chuyển về. Là một nghiên cứu sinh, lẽ ra đến tháng 1-1973 mới hết hạn học tập ở Tiệp Khắc, nhưng ông lại làm luận án tiến sĩ sớm để về nước từ tháng 10-1972. Đến giờ này bà Lan vẫn không thể ngăn nước mắt khi nhớ đến cái chết của chồng.

Bà Lộc ở khu tập thể Đường sắt cũng có chồng chết trong đêm 26. Nhà đông con, bà đem bớt con về Hưng Yên sơ tán từ tối 25, ông chồng hứa hôm sau về. Tối hôm đó, hai đứa con sinh đôi của bà cứ gọi “bố ơi, bố ơi”. Sáng 27 bà cho hai đứa lớn về Hà Nội tìm bố, về phố Khâm Thiên thấy nhà đã sập, dân phòng, bộ đội đào mãi mới thấy bố trong gầm cầu thang. Khu nhà của Đường sắt có đông người trực chiến, nhà sập, mấy chục người chết, quê quán chẳng biết ở đâu, bà con chôn chung ở Văn Điển, đề trên mộ là vô danh.

Ở Khâm Thiên có nhà ba ngày sau, có nhà một tuần sau, có nhà 2 tháng sau mới bới hết đống đổ nát để tìm ra thi thể người chết. Phố Khâm Thiên mùa đông năm 1972 hầu như ngày nào cũng có đám ma.

Trận quyết chiến

UgkC9gzG.jpgPhóng to
Những gì còn lại sau trận bom B-52 - Ảnh: Bettmann/Corbis

Đêm đau thương nhưng cũng là đêm quyết sống mái với B-52. Không quân đêm ấy vẫn không xuất kích được, nhưng những người lính tên lửa lại một lần nữa chứng minh bản lĩnh và tầm vóc của mình.

Một tên lửa được tính bằng bốn xe Volga (loại xe sang trọng nhất hồi đó ở miền Bắc). Lý thuyết mà chuyên gia quân sự Liên Xô dạy bắn mỗi lần ba quả làm anh em tên lửa suy tính: mỗi lần bắn mất 12 xe Volga mà không trúng B-52 thì phí quá. Càng xót càng phải tính toán nhanh và chính xác. Lính trắc thủ góc tà, trắc thủ phương vị của các sư đoàn tên lửa thiện chiến nhất là sư 361 và sư 363 đều đã thuộc lòng quy luật đánh của địch. Ông Bùi Văn Tấn, trắc thủ phương vị của trung đoàn 261, sư đoàn 361 tự tin: “Sau mỗi trận chiến đấu chúng tôi mạnh mẽ hơn”.

Tám máy bay B-52 đã rơi trong cái đêm đầy máu và nước mắt ấy. Người Mỹ đã trút bom B-52 xuống đầu những em nhỏ, những người mẹ phố Khâm Thiên chưa từng biết cây súng là gì. Nhưng cũng trong đêm ấy, người Mỹ lĩnh đủ đòn trả thù của những người lính đang bảo vệ thủ đô, bảo vệ niềm tin vào sự sống của dân tộc mình. B-52 chưa từng rơi ở bất kỳ đâu, cho đến khi vào Hà Nội.

Cũng đêm ấy, một công dân của phố Khâm Thiên, một nhà báo và cũng là người lính của Quân chủng phòng không - không quân chụp được bức ảnh đáng nhớ nhất của cuộc đời mình: B-52 bùng cháy trên bầu trời Hà Nội.

“Đêm 26 tôi được nghỉ trực, ở nhà. Lúc ấy tầm hơn 10 giờ đêm, nghe còi Nhà hát lớn ủ, rồi loa báo động, tôi xách ngay máy ra sân. Thấy trời đất sáng rực lên, tôi chụp được ngay hai kiểu máy bay đang cháy. Lúc đấy cũng chưa biết là B-52. Chụp xong mới nhảy xuống hầm. Đất cát bắt đầu giội lên đầu, trời tối như mực. Anh tôi bảo: mưa hay sao ấy. Tôi bảo: B-52 đấy, em quen kiểu này từ trong Quảng Trị rồi”. Sáng hôm sau có thông báo B-52 rơi đúng hướng ông Nguyễn Xuân Ất chụp ảnh.”Vâng, lúc cháy nó cũng chỉ như một bông pháo hoa trên bầu trời” - ông Ất cười phúc hậu.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: "Cuộc đón tiếp lịch sự” bắt đầu! Kỳ 2: Khi SAM-2 lên tiếng Kỳ 3: B-52 liên tiếp... rụng Kỳ 4: Đêm dài nhất ở Bệnh viện Bạch Mai Kỳ 5: Giáng sinh trong đổ nát Kỳ 6: Joan Baez hát dưới mưa bom

---------------------------------------------------------

Kỳ tới:Đêm của Phạm Tuân

Tuệ Huyền
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên