21/12/2012 10:30 GMT+7

Đêm dài nhất ở Bệnh viện Bạch Mai

(trích nhật ký Nguyễn Đức Soát)
(trích nhật ký Nguyễn Đức Soát)

TT - 21-12-1972. Tin chiến thắng dội về đây như những đợt sóng thần, xua tan những lo lắng về B-52. Bọn gieo gió đã gặt bão. Tên lửa của thủ đô đã gây sức ép lại bọn cuồng chiến. Đêm qua Hà Nội và các tỉnh thành khác đã hạ bảy B-52 và chín chiếc máy bay phản lực khác. Đám cháy của những đợt bom B-52 xuống làng xóm quê hương đã nung nấu căm thù trong lòng mình.

Kỳ 1: "Cuộc đón tiếp lịch sự” bắt đầu! Kỳ 2: Khi SAM-2 lên tiếng Kỳ 3: B-52 liên tiếp... rụng

vsrUTPHp.jpgPhóng to
Bệnh viện Bạch Mai tan hoang sau đợt bom B-52 - Ảnh: Bettmann/Corbis

Sớm nay khi mình còn đang ngủ, bọn bạn đã reo hò: B-52 cháy rồi! Cháy to quá! Mình chạy ra, không kịp xỏ dép, thấy một khối lửa khổng lồ đang từ trên mây chúi xuống.

Vậy là quanh sân bay mình đã có ba chiếc B-52 tìm thấy mồ chôn. Một chiếc ở gần Phủ Lỗ, một chiếc đằng sau Núi Đôi, một chiếc ở Phúc Yên. Trong lịch sử chiến tranh, chưa một trận đánh nào mà lực lượng phòng không một nước lại bắn rơi nhiều máy bay chiến lược đến thế.

Bọn bạn đánh đêm xuất kích liên tục. Chúng đều thấy B-52 cả song không bắn được vì chỉ thấy bằng mắt khi chúng bật đèn. Tiếp cận lại thì bọn B-52 sẽ tắt đèn. Rạng đã đuổi lũ B-52 phải vứt bom ở gần Phú Thọ. Thiều đã đuổi một tốp lũ này chạy ra khỏi nhiễu. Thế là tên lửa mặt đất bắn lên thoải mái!

Chưa bao giờ Hà Nội, miền Bắc phải chịu một thử thách lớn lao, quyết liệt như lúc này. Cũng chưa bao giờ Hà Nội lại viết được những trang sử chói lọi chiến công và lòng dũng cảm như những ngày qua. Một bài hát cứ vang lên trong mình: bài Người Hà Nội của Nguyễn Đình Thi. Tự hào thật!

22-12: Bệnh viện Bạch Mai bị ném bom

IxwYQMbU.jpgPhóng to
Lễ tưởng niệm những nạn nhân B-52 tại Bệnh viện Bạch Mai - Ảnh: Bettmann/Corbis

Trong đời làm thầy thuốc của bác sĩ Lê Bá Kinh, đêm 22-12 chắc chắn là đêm kinh hoàng nhất mà ông đã phải trải qua.

“Đêm 22-12 là ca trực của tôi. Từ 20-12, bom đánh ký túc xá trường y. Tôi vừa là bác sĩ ngoại Bạch Mai, vừa là giảng viên ĐH Y nên chúng tôi đã dọn hết về ở bên bệnh viện. Khoa ngoại, trừ một bộ phận đã sơ tán, còn lại giám đốc yêu cầu trực chiến 24/24 giờ trong ngày. Quy định của trực cấp cứu là tất cả những ai trực phải ở trên, không được xuống hầm - trừ lúc đánh bom - để sẵn sàng cấp cứu bệnh nhân. Chiến sĩ ta bị thương nhiều, đồng bào ngoài An Dương trúng bom cũng được đưa vào Bạch Mai rất đông.

Đêm ấy, khoảng 4g sáng thì B-52 vào, tiếng gầm rát quá chúng tôi phải xuống hầm. Khoảng 15 phút sau thì thấy đất rung chuyển. Báo yên, chúng tôi chui lên khỏi hầm: tất cả đã tan hoang. Khoa ngoại chỗ tôi vừa trực cũng trúng bom, chậm một chút thì tất cả chúng tôi đã tan nát. Anh Đại (GS Đỗ Doãn Đại - giám đốc Bệnh viện Bạch Mai) gọi tôi sang bên khoa da liễu. Bên ấy sập hầm, nhiều bệnh nhân và bác sĩ mình đang kẹt dưới đấy.

Hệ thống hầm Bạch Mai do Pháp làm từ xưa, vững chãi lắm, chúng tôi vẫn có thể mổ dưới hầm, đi lại trong hầm không phải cúi đầu, bêtông rất dày, nay nếu nó sập thì mang anh em dưới hầm ra thật không đơn giản

Đội chống sập của Bạch Mai - do anh Đại thành lập từ hồi đầu chiến tranh phá hoại - đã kê kích những tấm bêtông lên, chỗ nào đào được thì đào, chỗ nào kẹt thì phải đi vòng, rất cẩn trọng, kẻo còn bom chưa nổ hoặc tạo rung chấn thì cực kỳ nguy hiểm. Anh Đại bảo có đến 15-16 bệnh nhân còn trong đó với một chị bác sĩ trẻ và một cô hộ lý, Luân và Kinh bò vào để tìm cách đưa anh em ra. Chúng tôi bò vào đến nơi, còn thấy cô hộ lý kêu rất thương tâm: “Anh Kinh, anh Luân ơi cứu em!”. Cô kẹt sau 2-3 người đã chết nên đưa cô ra ngay là không thể vì đường hầm sập, lôi người ra rất khó. Lỗ khoan do đội chống sập khoan không đủ rộng lôi người ra, ánh sáng không có, chúng tôi xoay trở rất khó khăn.

Tôi với anh Kinh phải bò ngược ra, xin ý kiến lãnh đạo bệnh viện: “Chúng tôi xin phép được tháo khớp người đã chết để đưa qua chỗ kẹt”. Anh Đại đồng ý. Chúng tôi ra giữa trời, lúc đấy đã khoảng 4g chiều, mưa lâm thâm, chúng tôi thắp hương rồi ngửa mặt lên trời chắp tay khấn vái xin trời đất phù hộ để đưa thi thể đồng bào đồng chí ra yên lành. Sau đó bò vào mày mò trong bóng tối, dùng dao mổ tháo khớp các nạn nhân rồi chúng tôi buộc dây vào người nằm đầu tiên, kéo ra, cứ thế mười mấy người chết được lần lượt đưa ra, cùng với một cô hộ lý đã lả đi vì kiệt sức và sợ hãi. Khi tất cả các thi thể được đưa ra hết đã là hơn 7g tối, Hà Nội lại chuẩn bị một đêm chờ đón những đợt oanh kích của B-52. Còn bệnh viện của tôi thì đã tan hoang, đồng đội tôi đã hi sinh, bệnh nhân đã mất. Một ngày đêm dài nhất trong đời tôi...

Nỗi đau từ bầu trời

Ngày 22-12-1972

Gần 10g30 mới rút kinh nghiệm chiến đấu ở sở chỉ huy về. Không sao chợp mắt được. Trận đánh lúc 1g35 chiều nay như ngàn vạn mũi kim đâm vào lòng. Cảm giác đầu tiên: mình đã không hoàn thành nhiệm vụ. Không đánh được địch lại để nó bắn rơi số 2 là Quý. Và suýt nữa nó bắn rơi cả mình.

Đã trên hai tháng nay, không quân chưa đánh một trận nào với bọn F.4. Mình đã nghĩ thế nào chúng cũng thay đổi thủ đoạn. Thay đổi thế nào mình chưa nghĩ hết. Mấy hôm nay bọn Mỹ đánh vào Hà Nội, đứa nào cũng muốn trả thù. Mình muốn đánh trước một trận xem tình hình ra sao. Đường băng còn đầy hố bom. Chỉ có đường lăn rộng khoảng 16m là đã chữa xong. Trời đầy mây. Gió mùa về, lạnh.

Chúng mình đi đội hình cao, đến gần 10km. Bọn Mỹ đi đến hơn 8km. Mình thấy trước. Lúc đầu hai chiếc. Chỉ huy bảo tám chiếc. Mình đã định lao vào đánh hai chiếc ấy thì thấy sau nó bốn chiếc nữa...

Không đánh được tốp đầu và tốp giữa rồi, mình quyết định đánh tốp sau cùng. Đúng là một cuộc diễu binh qua cả đội hình địch. Mình đi xuôi, nó đi ngược. Yếu tố bí mật không còn nữa. Khi bám phía sau hai chiếc F.4 độ 3km, thấy hai chiếc khác phóng tên lửa đối đầu. Mình nghĩ ngay: nó phóng vào thằng Quý nên hô: nó phóng tên lửa. Không thấy Quý nói gì suốt cả trận đánh nên rất sốt ruột. Hai chiếc F.4 mình bám theo cũng vòng rất mạnh. Biết là không đánh được, mình quyết định thoát ly. Lại thấy hai thằng đến phóng tiếp vào mình bốn phát tên lửa nữa. Mình kéo gập xuống dưới thấp, bay vào trong mây. Chỉ huy sĩ quan nhắc mãi là có núi. Mình biết đó là Tam Đảo. Nhưng không còn cách nào khác để che mắt địch. Mình bay trong mây ở H.1300 về gần Kép thì chui xuống dưới mây bay về sân bay.

Chỉ huy sở gọi Quý mãi không thấy. Mình lo nó bị rơi ngay từ hai phát tên lửa đầu. Tối nay chính ủy bảo Quý đã nhảy dù ở Sơn Dương. Sức khỏe không tốt. Không biết nó ra sao?

Giá mình không định thoát ly ngay thì hay bao nhiêu!

Ngày xưa khi mình là trung đội trưởng, đánh không thắng, về thấy tội lỗi rất nặng. Bây giờ khi bọn Mỹ đang liều lĩnh gây sức ép tối đa với ta, không quân chưa làm ăn gì cả. Mình lại là đại đội trưởng một đại đội vừa qua được ca ngợi là lá cờ đầu của không quân.

Như thế, khuyết điểm lớn biết chừng nào. Mình không sợ khuyết điểm. Chỉ ân hận là đã không hoàn thành nhiệm vụ. Với người lính, đó là nỗi lòng day dứt nhất.

-----------------------------------------

Kỳ tới: Giáng sinh trong đổ nát

(trích nhật ký Nguyễn Đức Soát)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên