25/03/2011 04:00 GMT+7

Nước Nhật trong dư chấn - Kỳ cuối: Bài học từ đại dương

HIẾU TRUNG(Theo Livescience, Kyodo News, Jakarta Globe)
HIẾU TRUNG(Theo Livescience, Kyodo News, Jakarta Globe)

TT - Cơ quan Hàng không vũ trụ Mỹ (NASA) và Cơ quan Nghiên cứu địa chất Mỹ (USGS) cho biết trận động đất 9 độ Richter ngày 11-3 đã làm ngày Trái đất ngắn đi 1/1 triệu giây và làm trục Trái đất dịch chuyển 16,51cm.

nLoI6ZCV.jpgPhóng to

Sóng thần phá hủy thành phố Asahikawa hôm 11-3 - Ảnh: Reuters

Ngoài ra, cơn địa chấn cũng làm bờ biển Nhật dịch chuyển 2,4m. Tuy nhiên, chuyên gia NASA Richard Gross khẳng định những biến đổi này không hề ảnh hưởng đến Trái đất, cuộc sống hằng ngày và hiện tượng biến đổi khí hậu (NASA.gov). Nhưng con người sẽ có được kinh nghiệm gì sau cú sốc khủng khiếp này?

10 giây sống còn

Nhật là quốc gia có hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần hiện đại nhất thế giới, nhưng số người thiệt mạng sau thảm họa kép ngày 11-3 vẫn lên tới hơn 10.000 người.

Là quốc gia nằm trong “vòng cung lửa” Thái Bình Dương, từ nhiều năm qua Nhật đã phát triển một hệ thống cảnh báo động đất và sóng thần hiện đại nhất và tốn kém nhất thế giới nhờ sức mạnh tài chính và công nghệ.

Hệ thống cảnh báo động đất có chi phí lên đến 1 tỉ USD với hơn 1.000 địa chấn kế trên khắp cả nước. Mạng lưới cảnh báo sóng thần, gồm sáu trung tâm, gửi tín hiệu cảnh báo từ 180 trạm địa chấn khắp nước Nhật và từ 80 cảm biến trên mặt nước, được giám sát 24/24 bằng Hệ thống quan sát động đất và sóng thần (ETOS) vi tính hóa. Mỗi năm Chính phủ Nhật chi 20 triệu USD để điều hành hệ thống này.

Hệ thống cảnh báo sớm động đất của Cơ quan Khí tượng Nhật (JMA) có thể phát hiện sóng chấn động đầu tiên của một trận động đất cũng như tâm chấn và cường độ của nó.

Hệ thống này gửi thông tin cảnh báo tới các kênh truyền hình, đài truyền thanh, điện thoại di động trong vòng chưa đầy một phút khi động đất bắt đầu. Nó cũng truyền tín hiệu tự động tắt máy vi tính, dừng thang máy ở tầng gần nhất và ngừng các dây chuyền sản xuất.

Trận động đất ngày 11-3 bắt đầu lúc 14g46 (giờ địa phương), tâm chấn cách bờ biển tỉnh Miyagi khoảng 150km.

Khoảng 31 giây sau cư dân vùng Tohoku (gồm sáu tỉnh, trong đó có Miyagi, Iwate và Fukushima) nhận được tin nhắn cảnh báo qua điện thoại, truyền hình và đài truyền thanh. Như vậy, người dân vùng Tohoku biết trước thảm họa khoảng 10-30 giây.

Do Tokyo cách khu vực tâm chấn khoảng 373km, người dân thủ đô nhận được cảnh báo 80 giây trước khi mặt đất bắt đầu rung chuyển.

Nhà khoa học Hiromichi Fujisawa thuộc Phòng Thí nghiệm nghiên cứu trung ương Hitachi khẳng định chỉ 10 giây cũng đem lại lợi ích to lớn. Chừng đó thời gian là đủ để mọi người chui xuống gầm bàn, tắt bếp gas hay rời khỏi thang máy, bác sĩ ngừng phẫu thuật, người lái xe dừng lại bên đường.

Sự chuẩn bị kỹ càng để đối phó với những tình huống xấu nhất đã giảm thiểu thiệt hại do động đất gây ra và là kinh nghiệm lớn đối với các nước cũng có nguy cơ động đất. Một bài học nữa là động đất không trực tiếp giết người, những ngôi nhà được xây dựng ẩu tả mới là thủ phạm chính, như trường hợp ở Haiti hay Trung Quốc.

Ở Nhật, sóng thần mới là nguyên nhân gây chết người và tàn phá nặng nề nhất. Tùy thuộc vào khoảng cách giữa bờ biển với tâm chấn, sóng thần đánh vào các thị trấn ven biển từ sau 10 phút cho đến 90 phút. Những vùng bị sóng thần tàn phá nặng nề nhất là tỉnh Miyagi, Iwate và Fukushima.

Cảnh báo sóng thần mất nhiều thời gian hơn động đất. JMA ra cảnh báo sóng thần trong vòng 3 phút sau cơn địa chấn. Trung tâm cảnh báo sóng thần Thái Bình Dương của Cơ quan Khí tượng và hải dương quốc gia Mỹ (NOAA) ra cảnh báo toàn khu vực sau 9 phút.

Chuyên gia Stephane Rondenay thuộc Viện Công nghệ Massachussetts (MIT) giải thích để ra cảnh báo sóng thần, hệ thống vi tính của JMA hay NOAA phải xác định liệu động đất có xảy ra dưới lòng biển hay không, đáy biển bị biến dạng như thế nào, trận động đất đã gây những chuyển động gì...

Báo động giả sẽ khiến người dân mất niềm tin vào hệ thống cảnh báo, còn báo động quá nhanh không có đủ dữ liệu để xác định thời gian sóng thần ập vào các khu vực khác nhau.

Do đó, người dân từng tỉnh ở vùng Tohoku chỉ được cảnh báo sóng thần trước 15-30 phút, trong khi Tokyo biết trước nguy cơ tới 40 phút. Hàng trăm người đã thoát chết khi chạy khỏi vùng ven biển.

Nhưng báo sớm sóng thần chỉ là một yếu tố trong cuộc đối đầu không cân sức giữa con người với cơn thịnh nộ của thiên nhiên. Hơn 10.000 người có thể đã thiệt mạng do sóng thần. Vậy hệ thống cảnh báo và phòng vệ chống sóng thần có những thiếu sót gì?

Chỉ có thể “quản lý” thảm họa

Ngay cả ở nước Nhật đã quá quen với động đất thì sóng thần không phải là chuyện thường gặp. Do đó, kể cả sau khi JMA phát cảnh báo sóng thần, không ít người ở các vùng ven biển đã ra bờ biển để ngắm nhìn.

Rất nhiều người khác phớt lờ cảnh báo và cho rằng không cần thiết phải di tản. Và 15 phút là không đủ để các nạn nhân trốn chạy. Các thành phố ven biển ở những tỉnh như Miyagi, Iwate và Fukushima đều là vùng đất thấp, khu vực cao nằm cách xa nhiều cây số. Trong khi đó sóng thần đánh vào sâu trong đất liền tới 10km.

Nhiều người đã trốn chạy trong tuyệt vọng trên những chiếc xe chạy chỉ vài chục km/g trong tình cảnh giao thông tắc nghẽn, đường sá bị động đất tàn phá và họ đã chết chìm.

Nhiều người khác chạy lên các tòa nhà cao tầng, nhưng với độ cao 4-10m, sóng thần có sức mạnh khủng khiếp cuốn trôi nhiều tòa nhà. Mỗi tòa nhà, cây cầu, chiếc thuyền, xe hơi bị sóng thần cuốn đi trở thành “đạn dược” giúp nó công phá các tòa nhà khác một cách dữ dội hơn. Chỉ một vài tòa nhà cao tầng, ví dụ như bệnh viện năm tầng ở thị trấn Shizugawa thuộc tỉnh Miyagi, là còn đứng vững.

Tuy nhiên tại đó các nhân viên và bệnh nhân chỉ di tản lên tầng ba, trong khi tòa nhà bị ngập nước tới tầng bốn. Khi sóng thần rút đi cuốn theo những mảnh vụn và hàng nghìn nạn nhân ra biển.

Khoảng 40% đường bờ biển Nhật được che chắn bằng tường chắn sóng bêtông. Tại một số khu vực, tường chắn sóng cao tới 10m, tuy nhiên tường ở Sendai (nơi bị sóng thần cao 10m tấn công) chỉ cao khoảng 3m.

Chuyên gia sóng thần Costas Synolakis thuộc ĐH Nam California (Mỹ) cho rằng dù có tường chắn sóng còn hơn không, nhưng ở những nơi như Sendai tường chắn sóng tạo ra ảo tưởng về sự an toàn.

Các chuyên gia Nhật cho rằng sau thảm họa ngày 11-3, chính quyền Nhật cũng như các nước có nguy cơ cần thắt chặt hơn nữa các tiêu chuẩn xây dựng hạ tầng chống động đất và sóng thần. Nhiều người đã nhắc đến việc cần phải thiết kế lại các bức tường chắn sóng và các nơi trú ẩn chống sóng thần hoặc xây lại chúng cao hơn nữa, vững vàng hơn nữa.

Tuy nhiên, một số chuyên gia cho rằng điều quan trọng là Nhật và các nước phải phát triển sự linh hoạt cộng đồng. “Một cộng đồng linh hoạt đối với các thảm họa ven biển cần phải phát triển những hạ tầng dự phòng, từ năng lượng, phương tiện vận chuyển, nước uống, khả năng quản lý tình huống khẩn cấp, các cuộc diễn tập liên tục - chuyên gia Rohan Samarajiva khẳng định - Nếu đầu tư quá mức vào chỉ một phần của hệ thống, ví dụ những bức tường chắn sóng cao, mà không đầu tư vào các phần khác thì hậu quả này sẽ tái diễn”.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Bài học từ một đứa trẻ Kỳ 2: Bố, mẹ và con trai tôi Kỳ 3: Tĩnh lặng trong đổ nát Kỳ 4: Còn cuộc sống còn tất cả Kỳ 5: Hành động nhỏ và những tấm lòng lớn Kỳ 6:Tái thiết từ trung tâm thảm họa Kỳ 7: Truyền thông trong “sóng dữ”

Đón đọc kỳ tới: Ký ức “3 sẵn sàng”

Trong lịch sử 80 năm của Đoàn TNCS Hồ Chí Minh, phong trào “3 sẵn sàng” chính là điểm sáng ghi nhận một thực tế lịch sử: khi vận mệnh Tổ quốc lâm nguy thì một lời kêu gọi đúng lúc có thể tạo nên những mốc son chói lọi của tình yêu đất nước.

HIẾU TRUNG(Theo Livescience, Kyodo News, Jakarta Globe)
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên