![]() |
Hãng Roche từng phản đối kịch liệt việc các nước nghèo sản xuất thuốc Tamiflu giá rẻ - Ảnh: Internet |
Sự kiện đó chứng minh xu hướng sử dụng thuốc phiên bản giá rẻ là tất yếu, ngay cả ở những nước giàu như Mỹ hay châu Âu.
“Đầu độc” người dùng thuốc
Chính quyền Mỹ ước tính năm 1984, thuốc phiên bản chỉ chiếm chưa đầy 18% trong tổng số thuốc kê đơn ở nước này. Ngày nay tỉ lệ này đã lên tới hơn 54%. Trong tổng số 10.668 loại thuốc được Cơ quan Quản lý thực phẩm và dược phẩm Mỹ (FDA) thông qua, có tới hơn 7.800 loại là thuốc phiên bản giá rẻ.
Xu thế tương tự cũng đang diễn ra ở châu Âu. Ở Đức, năm 2002 thuốc phiên bản giá rẻ chiếm tới 74,7% tổng số thuốc do các hãng bảo hiểm y tế nhà nước kê đơn. Đến năm 2009, tỉ lệ này tăng lên 85%. Doanh số thuốc phiên bản ở Đức đạt 9,7 tỉ USD trong năm 2009 và dự kiến tăng lên 11,5 tỉ USD vào năm 2014.
Ở Anh, thuốc phiên bản chiếm 40% thị phần thị trường dược phẩm. Theo Hãng nghiên cứu thị trường Frost & Sullivan, doanh số thuốc phiên bản giá rẻ tại khu vực Liên minh châu Âu (EU) sẽ tăng từ 17,18 tỉ USD của năm 2006 lên tới 36 tỉ USD vào năm 2013. Điều đó có nghĩa thuốc phiên bản giá rẻ không phải là sản phẩm thứ cấp chỉ dành cho bệnh nhân ở các nước nghèo.
Các tập đoàn dược đa quốc gia luôn cáo buộc thuốc phiên bản giá rẻ không hiệu quả và an toàn bằng thuốc chính hãng, thường mất thời gian lâu hơn thuốc xịn để có thể phát huy tác dụng trong cơ thể người bệnh.
Tuy nhiên, các chuyên gia y tế quốc tế khẳng định đó đều là những lời dối trá nhằm đầu độc đầu óc người tiêu dùng. Trên thực tế, hàng nghìn loại thuốc phiên bản giá rẻ được phép lưu hành ở Mỹ đều được FDA kiểm định nghiêm ngặt và xác nhận chúng có cùng thành phần hóa chất, có cùng tác dụng đối với cơ thể bệnh nhân.
Những bôi nhọ “kinh điển” khác mà các hãng dược lớn tung ra là thuốc phiên bản được sản xuất tại những cơ sở tồi tàn và thường gây tác dụng phụ.
Qua giám sát, FDA khẳng định không hề có sự khác biệt giữa thuốc phiên bản và thuốc chính hãng. FDA không thông qua các loại thuốc sản xuất tại những cơ sở không đạt tiêu chuẩn, và mỗi năm FDA tổ chức khoảng 3.500 đợt kiểm tra cơ sở các hãng dược trong nước và nước ngoài.
Kết luận được đưa ra từ các hãng thuốc phiên bản là có cơ sở, vì thiết bị hiện đại chẳng kém gì các tập đoàn dược lớn. Ví dụ, hãng dược giá rẻ Ấn Độ Cipla được cả Tổ chức Y tế thế giới (WHO), FDA và cơ quan y tế nhiều nước công nhận và đã xuất khẩu thuốc giá rẻ sang tới 150 quốc gia trên toàn thế giới.
Tại sao thuốc chính hãng đắt?
Câu hỏi đặt ra vậy tại sao giá thuốc phiên bản lại rẻ đến thế? Các chuyên gia y tế cho biết các công ty sản xuất thuốc phiên bản thường không tốn chi phí nghiên cứu và phát triển các loại thuốc mới, mà sản xuất trên công thức có sẵn.
Thông thường vài công ty cùng sản xuất và bán một loại thuốc phiên bản, do đó sự cạnh tranh đã đẩy giá thuốc xuống thấp hơn. Nhiều thuốc phiên bản copy những loại thuốc có tiếng, được sử dụng rộng rãi, do đó các hãng thuốc giá rẻ không tốn nhiều chi phí quảng cáo.
Vậy thuốc chính hãng đắt là do các tập đoàn dược phải đổ tiền vào hoạt động nghiên cứu và phát triển để tìm ra các loại thuốc mới? Đó cũng chỉ là một lời nói dối. Tổ chức các nhà sản xuất và nghiên cứu dược phẩm Mỹ (PhRMA) cho biết trong năm 2004, các hãng dược lớn ở Mỹ chi 29,6 tỉ USD cho hoạt động nghiên cứu, phát triển và 27,7 tỉ USD cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị.
Tuy nhiên, trong cuốn Sự thật về các công ty dược, bác sĩ Mỹ nổi tiếng Marcia Angell khẳng định các công ty dược mỗi năm chi tới 36% doanh thu cho hoạt động quảng cáo, tiếp thị, cao gấp 2,5 lần so với chi phí nghiên cứu phát triển.
Nghiên cứu của ĐH York năm 2008 cũng cho thấy năm 2004, các hãng dược Mỹ chi 24,4% trong tổng doanh thu nội địa 235 tỉ USD cho quảng bá, tiếp thị và chỉ 13% cho nghiên cứu phát triển. ĐH York chọn nghiên cứu thị trường Mỹ bởi thị trường này chiếm 43% tổng doanh số và chi phí quảng bá toàn cầu của ngành dược.
Từ năm 2005, Hãng nghiên cứu Cutting Edge Information khẳng định số tiền trung bình các hãng dược chi để quảng bá, tiếp thị mỗi sản phẩm thuốc “bom tấn” (có doanh số trên 1 tỉ USD/năm) lên đến 238,5 triệu USD.
Trong ngân sách quảng cáo 57,5 tỉ USD của các hãng dược Mỹ năm 2004, 36% được chi để trình dược viên tiếp cận các bác sĩ, 28% cho mẫu thuốc trình dược viên giao cho bác sĩ. Các hãng dược dùng đủ mọi thủ đoạn để lôi kéo giới bác sĩ: mời ăn miễn phí, tặng quà, tặng các chuyến du lịch xa hoa... Chính những chi phí này đã góp phần đẩy giá thuốc chính hãng lên cao vọt.
“Thuốc chữa bệnh tiểu đường đem lại lợi nhuận khổng lồ đến mức các bác sĩ sẵn sàng kê đơn thuốc cho người mới chỉ có tỉ lệ đường cao chút xíu trong máu, thay vì khuyên họ giảm cân và tập thể dục” - tiến sĩ Earl Mindell, Mỹ, tác giả nhiều cuốn sách y khoa, khẳng định.
Trong cuốn Sự thật về các hãng dược, bác sĩ Marcia Angell khẳng định lợi nhuận của 10 công ty dược lớn nhất nước Mỹ trong danh sách 500 công ty hàng đầu của tạp chí Fortune cao hơn tổng lợi nhuận của cả 490 công ty trong danh sách cộng lại.
Trên thực tế, các trường đại học, phòng thí nghiệm sử dụng tiền ngân sách nhà nước mới là tác giả nhiều loại thuốc mới chứ không phải các hãng dược lớn.
Một nghiên cứu của bác sĩ Marcia Angell, cựu tổng biên tập tờ New England Journal of Medicine, cho thấy các hãng thuốc lớn chỉ chi 14% ngân sách của họ cho các giai đoạn cuối của quá trình phát triển thuốc, trước khi đưa thuốc ra thị trường. Số tiền còn lại là lợi nhuận và chi quảng cáo tiếp thị. Ngoài ra, một phần tiền trong 14% này được chi cho việc nghiên cứu thuốc mới, có công hiệu như thuốc đã chế tạo, nhưng thành phần các chất có hơi khác một chút, giúp công ty có bằng sáng chế mới nữa. Ủy viên châu Âu đặc trách vấn đề cạnh tranh Neelie Kroes nói rằng các công dân châu Âu chi tiền mua thuốc đắt hơn 40% do hệ thống lạm dụng trên. Ông Joseph Stiglitz, đoạt giải Nobel kinh tế, là người đầu tiên đưa ra một giải pháp khác cho việc phát triển thuốc: các chính phủ phương Tây phải thành lập một quỹ hàng tỉ USD để tài trợ ưu tiên cho các nhà nghiên cứu khi họ muốn làm việc để cứu chữa hàng triệu nạn nhân, chẳng hạn dịch cúm. Sau khi việc nghiên cứu đã được tài trợ, thuốc sẽ thuộc về lĩnh vực công và mọi người có quyền sản xuất thuốc ở bất cứ quốc gia nào. Giải pháp này đề nghị một tỉ lệ tài chính nhất định - khoảng 0,6% GDP mỗi nước. |
Kỳ 1: Quyền của người nghèoKỳ 2: Khi hãng dược khổng lồ thua kiệnKỳ 3: “Gã khổng lồ” thuốc phiên bản giá rẻKỳ 4: Thái Lan: quyết định chấn động!
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận