22/12/2010 05:02 GMT+7

Lính miền biên ải - Kỳ 5: Đất lành Lũng Pô

ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH - TẤN ĐỨC
ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH - TẤN ĐỨC

TT - Một ngày đầu năm 2006, ông Ma Seo Páo cùng 25 hộ gia đình từ Dìn Chin, huyện Mường Khương (Lào Cai) vượt hơn 100 cây số đặt chân đến mảnh đất nơi ngã ba suối Lũng Pô đổ vào sông Hồng lập nên bản Lũng Pô 2 (thuộc xã A Mú Sung, Bát Xát, Lào Cai).

Bản mới bên cột mốc 92

Quê cũ của ông Páo, mảnh đất Dìn Chin thời tiết quá khắc nghiệt, nỗi âu lo lớn nhất của họ là Dìn Chin quanh năm thiếu nước, cuộc ra đi mang niềm hi vọng A Mú Sung sẽ là đất hứa, mang đến may mắn cho tương lai. Nhưng có lẽ nếu không có những người lính biên phòng chung sức từ ngày đầu, cuộc sống của những người Mông từ Dìn Chin sẽ khó được như bây giờ.

Ngoài nguồn nước có dồi dào hơn bởi thôn mới nằm kề con suối Lũng Pô quanh năm trong xanh đầy ăm ắp, cuộc sống của 25 hộ dân bản vẫn không khác với tập quán làm lúa nương như hồi quê cũ. Con đường từ trung tâm vào tới Lũng Pô quá gian nan, nhiều bà con có tư tưởng quay về đất cũ.Tuy ở đó nguồn nước khó khăn hơn nhưng vẫn là cái suối cái nương quen thuộc, đường đi lối lại dễ hơn.

Ban chỉ huy đồn quyết định tăng cường cán bộ chiến sĩ về với dân. Chuyện đường sá khó khăn rồi sẽ tính dần nhưng không thể để bà con vừa đến đã bỏ về. Khẩn trương giúp dân dựng tạm những ngôi nhà che nắng che mưa trú rét xong, tất cả bắt tay vào việc tìm cây giống mới để bà con thay đổi tập quán sản xuất lạc hậu.

Thật bất ngờ khi mảnh đất “ôi mờ sương” lại có thủy thổ thích hợp với các cây trồng mới.

Đại úy Đinh Văn Lào bảo: “Ban đầu khó giúp hết tất cả các hộ, bởi thế anh em quyết định chọn một hộ làm điểm rồi từ đó tạo nên mô hình mà nhân ra toàn bản”.

Hộ của trưởng bản Ma Seo Páo được chọn. Trên những mảnh nương vừa vỡ, thay vì cây lúa nương, các chiến sĩ biên phòng phối hợp với trung tâm khuyến nông đưa giống dứa mới lên trồng, những hẻm núi thích hợp với mô hình trồng cây chuối bằng giống cấy từ mô, sử dụng chế phẩm sinh học để kích thích đậu quả...

Những điều quá ư lạ lẫm với người Mông từ bao đời nay, nhưng thành quả ngày thu hoạch đã có sức thuyết phục hơn tất cả. Từ hộ Ma Seo Páo, các hộ khác trong bản như Ma Seo Lềnh, Ma Seo Lần, Lý Seo Lở... nhờ cán bộ biên phòng hướng dẫn làm theo cho được nhiều chuối nhiều dứa, bán được nhiều tiền như hộ trưởng bản Páo.

Nhưng để bản Lũng Pô giàu có hơn thì không thể trồng theo từng hộ lẻ tẻ manh mún, phải trồng thành vùng chuyên canh tập trung, có thế hàng hóa mới nhiều để xe đến chở.

Chỉ chưa đầy năm năm sau khi đến đây, giờ bản Lũng Pô đã có 25ha trồng dứa tập trung, năm rồi cả bản thu tiền bán dứa hơn 300 triệu đồng. Nhà Lý Seo Lở mới về đây từ năm 2007, vậy mà từ đất đai Lũng Pô này nhà anh đã có cái ăn cái để, so với thuở ở Dìn Chin còn hơn cả một giấc mơ!

Tuy “sinh sau đến muộn” nhưng Lũng Pô 2 giờ lại là bản giàu có của A Mú Sung, hộ nào cũng có xe máy, tivi.

“Năm năm mới bấy nhiêu ngày”, đứng trên ngọn đồi nhìn xuống vườn chuối, đồi dứa với ánh nắng đọng lấp lánh trên sắc lá xanh mỡ màng, ít ai ngờ đây từng là miền đất gian khổ bậc nhất Lào Cai. Mấy chục mái nhà của bản Lũng Pô trông như một đàn chim bình yên soãi cánh trên thung lũng biên giới.

Và không ai khác, chính những người lính biên phòng A Mú Sung đã sát cánh cùng dân bản để biến nơi đây thật sự là “đất lành”.

Chọn biên giới làm quê hương thứ hai

Không chỉ với người dân “đất lành chim đậu”, nhiều người lính biên phòng cũng đã chọn nơi này làm quê hương thứ hai, nhiều cháu bé đã chôn nhau cắt rốn nơi địa đầu đất nước này.

Ba năm trước, lên đây công tác chúng tôi đã gặp Trần Văn Duẩn khi lên A Mú Sung. Duẩn khi đó là trạm trưởng trạm BP Tùng Sáng (xã Nậm Chạc). Trạm chỉ có ba chiến sĩ trẻ, đều chưa vợ. Dạo đó chúng tôi đã được nghe chuyện Duẩn từ bỏ mọi “vinh hoa”, từ chối về địa bàn thuận lợi hơn để được ở lại A Mú Sung. Hóa ra Duẩn đang có người yêu là cô giáo bản.

Năm 2006, khi 22 tuổi, Duẩn được phân công về đồn A Mú Sung. Ngay trong những ngày đầu trên đồn, chàng trai quê Nghĩa Hưng, Nam Định đã “mết” ngay cô giáo Chi (quê Yên Bái) và được cô giáo đáp lại. Yêu nhau hai năm, Duẩn được trên phân công đi huấn luyện, đây cũng là cơ hội, điều kiện thuận lợi để người lính chuyển đồn. Vậy mà một năm sau, hết đợt huấn luyện Duẩn lại tình nguyện quay trở về trạm cũ.

“Tình yêu là một chuyện, Chi cũng có thể xin về xuôi nhưng mình đã ngấm sương gió nơi này rồi. Hai đứa quyết định ở lại” - Duẩn bộc bạch. Duẩn kể mình là anh của hai đứa em. Về vai vế họ tộc, nhà Duẩn là trưởng chi, trưởng họ, nên khi anh quyết định không về quê biển mà lập nghiệp trên núi gia đình cũng buồn, nhưng rồi biết con trai mình đã quyết, cả nhà đều vui vẻ.

“Non sông đất nước mình đâu cũng là quê” - Duẩn bảo thế.

Lần trở lại A Mú Sung này của chúng tôi đúng vào ngày chủ nhật. Thật bất ngờ khi chúng tôi lại gặp Duẩn đang cùng vợ là cô giáo Chi đến thăm anh em đồng đội nhân ngày nghỉ. Trên tay hai vợ chồng là cậu con trai kháu khỉnh Trần Bảo Nam sắp tròn một tuổi. Vậy là cả hai đã quyết định chọn A Mú Sung làm đất lập nghiệp.

Trong bữa cơm trưa ở đồn, chúng tôi mới biết thêm không chỉ có cặp vợ chồng Duẩn - Chi, ở đồn A Mú Sung có đến năm cặp vợ chồng như thế, chồng là lính biên phòng, vợ là người quê xứ khác lên đây, rồi nên vợ nên chồng và ở lại. Như đại úy Dương Văn Sơn và cô giáo Nguyễn Thị Thuận, giáo viên Trường A Mú Sung; như thiếu úy Phàn Danh Thắng và chị Nguyễn Thị Tâm, nhân viên cây xăng ở xã; là Đàm Văn Tuấn, đội trưởng kiểm soát hành chính đã cưới cô Lê Thị Thắm dạy ở Trường THCS A Mú Sung; là thượng úy Hà Văn Thọ, đội trưởng trinh sát của đồn và cô giáo Phan Thị Hương, dạy tiểu học ở xã Nậm Chạc (cạnh xã A Mú Sung)...

Cảm xúc trào dâng khi chúng tôi chia tay anh em A Mú Sung, vào thắp nén nhang trong tấm bia tưởng niệm bên phải cổng đồn.Trên đó khắc tên tuổi 30 người lính của đồn đã ngã xuống trong cuộc chiến tranh vệ quốc. Những chàng trai rất trẻ tuổi mười tám, đôi mươi...

WqjJXXAv.jpgPhóng to

Vợ chồng Duẩn - Chi và con trai Bảo Nam - Ảnh: L.Đ.Dục

Chưa bao giờ chúng tôi nhận ra vẻ đẹp của câu thành ngữ “đất lành chim đậu” như chính nơi đây, trong buổi sáng biên ải thanh bình này.

Chia tay, vợ chồng Duẩn - Chi tiễn chúng tôi ra tận cổng đồn, bất giác tôi quay lại hỏi Duẩn: “Cái tên Bảo Nam của con trai có nghĩa là “bảo vệ nước Nam” hay “báu vật nước Nam?”, Duẩn cười: “Với gia đình thì là “báu vật” nhưng với đất nước thì “bảo vệ” anh ạ!”.

Con của lính, mà lại lính biên phòng, bảo vệ nước Nam thì quá chính xác, quá hay khi ký thác sứ mệnh của mình trong cái tên đặt cho con, đứa con được sinh ra và chôn nhau cắt rốn ngay bên cột mốc biên ải!

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Sự tích đồi Ông ThọKỳ 2: Chuyện ở “khe nước mát” Kỳ 3:Ngã ba biên giớiKỳ 4:Bếp lửa ấm của xứ “mờ sương”

---------------------------------------------------

Rời A Mú Sung, chúng tôi lên đường đến A Lù, Y Tý. Vẫn là những câu thành ngữ quen thuộc về gian khó “Dốc A Lù - sương mù Y Tý” đang đợi chúng tôi. Và dĩ nhiên vẫn để gặp những người lính biên phòng.

Kỳ tới: Những ngọn đèn ở A Lù, Y Tý

ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH - TẤN ĐỨC
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên