TT - Leng Su Sìn - theo tiếng địa phương nghĩa là khe nước mát. Những người già ở bản nói rằng cái tên ấy đã có từ khi người Hà Nhì “rẽ mây” hạ sơn lập bản cạnh suối Voi trong veo cách nay mấy thế hệ.
Cả cái tên suối Voi cũng do dân bản đặt, vì ngày trước hàng đàn “ông tượng” từ trong rừng sâu thường kéo nhau ra uống nước, giẫm nát cả một vạt rừng. Suối không bao giờ cạn bởi nó ăn thông với dòng Nậm Ma - một nhánh của sông Đà, tách ra tại Pắc Ma (huyện Mường Tè, Lai Châu).
Phóng to |
Già Chang O Xừ: “Ngày trước mình sống trên đỉnh núi xa mù, đói rét lắm!” - Ảnh: Tấn Đức |
Kỳ 1: Sự tích đồi Ông Thọ
Thiếu tá Lường Văn Thanh, chính trị viên phó đồn biên phòng Leng Su Sìn, nói mới cách đây vài năm thôi Leng Su Sìn vẫn còn tách biệt hẳn với thế giới bên ngoài. Muốn vào đây chỉ có cách duy nhất là đi bộ. Có nhiều con đường đến Leng Su Sìn, trong đó đường ngắn nhất là từ Mường Tè đi ngược sông Đà lên Pắc Ma, rồi từ đó theo dòng Nậm Ma qua các bản Xí Nế, Mù Cả, Mù Su, Gia Tèo, Gò Cú, Phìn Khò, Suối Voi để đến Leng Su Sìn. Người dẻo dai nhất cũng mất 5-6 ngày lội suối, trèo núi, băng rừng, đối mặt với cả chục kiểu chết: trượt chân xuống vực, lũ cuốn, đất lở, rắn cắn, hổ vồ, sốt rét ác tính, lạc rừng... |
Ông Lỳ Kim Khoa (81tuổi) ở bản Leng Su Sìn, một trong những người lính biên phòng đầu tiên có mặt tại đồn biên phòng Leng Su Sìn từ năm 1959, kể: “Hồi mới vào đây công tác anh em chúng tôi thật sự không hiểu tại sao khi thấy bộ đội là trẻ con khóc thét lên, người già, phụ nữ kêu la, hốt hoảng bỏ chạy hết vô rừng. Họ còn cắm cành cây làm các dấu hiệu trừ tà ma trước cửa nhà...”.
Tìm hiểu, các chiến sĩ biên phòng mới biết do kẻ xấu đã rỉ tai dân bản: “Cộng sản là người keo (người Kinh). Người keo xấu cái bụng lắm, ban ngày hình dạng nó bình thường, ban đêm tóc dài ra tận chân, răng to như quả chuối. Nó ăn thịt dân bản đấy”. Bấy nay sống cô lập, không được học cái chữ, không được tiếp xúc với bên ngoài nên không ít người tin đó là thật.
Già Chang O Xừ (71 tuổi) là một trong số ấy. Nhưng bây giờ thì khác xa rồi. Thấy đoàn “người Kinh” xuất hiện, chụp ảnh, quay phim ở nhà trưởng bản Sừng Chử Cả, già vừa hí hoáy đan chiếc kha chi (dụng cụ đi rừng) vừa dỏng tai, nhướng mắt nhìn sang.
Khi “người Kinh” sang hỏi chuyện, già không bỏ chạy mà còn kéo tay ra sau hiên nhà, chỉ lên đỉnh núi Phu Ma Hò xa khuất trong mây, nói: “Ngày trước bản mình sống trên đấy, mùa rẫy này sang mùa rẫy khác chỉ biết lấy nương ngô làm cái ăn, lấy than nứa thay muối, lấy bếp lửa sưởi ấm thay chăn. Rồi cán bộ biên phòng về khuyên dân cai thuốc phiện, dạy dân nuôi bò, trồng cây lúa nước, mở trường dạy chữ cho lũ trẻ... Cán bộ dạy mình nhiều điều hay, giúp bản mình không còn đói, không còn rét nữa. Cán bộ tốt lắm, cái miệng nói như cái bụng nghĩ chứ không phải như kẻ xấu”.
2. Người ta nói Sừng Sừng Khai là nhân vật đặc biệt. Gặp lần đầu mà như quen tự thuở nào. Ông không giấu chuyện nhờ có bộ đội biên phòng mà ông và nhiều người trong bản cai được nàng tiên nâu. Dạo ấy cứ 10 thanh niên, đàn ông ở bản thì đến chín người nghiện hút, còn ở nữ số lượng cũng không dưới 60%.
Khi bộ đội biên phòng đến bảo “Hút thuốc phiện có hại lắm bà con à. Nó làm cho người ta ốm yếu mà chết dần. Phải bỏ đi thôi”, Sừng Sừng Khai là người hưởng ứng tích cực nhất. Một bữa sáng, Sừng Sừng Khai quăng bàn đèn ra chuồng gà rồi đóng cửa ở nhà tự cai. Cả tháng vật vã, cuối cùng ông đã thắng chính mình. Rồi ông đi khắp bản chỉ mọi người cách rời bỏ con ma thuốc phiện. Trở lại làm ăn, Sừng Khai trở thành một trong những người làm nương, nuôi bò giỏi nhất vùng cực Tây, được đi học bình dân học vụ, bổ túc văn hóa, sau trở thành trưởng Công an xã Sín Thầu.
Tháng 4-2009 xã mới Leng Su Sìn được thành lập, ông được tín nhiệm đưa về làm chủ tịch kiêm bí thư xã. Ông nói muốn vùng đất mà những người lính biên phòng đã giúp ông thay đổi cuộc đời sẽ phát triển gấp một trăm, một ngàn lần!
Đường đến trung tâm xã Leng Su Sìn và đồn biên phòng Leng Su Sìn giờ đang thay đổi. Không còn phải cuốc bộ nhiều ngày nữa. Mỗi ngày có một chuyến xe xuất phát từ thành phố Điện Biên đi trung tâm huyện Mường Nhé. Từ đây có thể đi xe máy thêm 50 cây số nữa là tới Leng Su Sìn. Những cây cầu cuối cùng bắc qua các con suối cắt ngang quốc lộ 12, nối liền các xã Chung Chải - Leng Su Sìn - Sín Thầu - Sen Thượng (huyện Mường Nhé) sắp hoàn thành.
Mùa mưa, đến Leng Su Sìn không còn phải thuê bè vượt suối. Dân phượt từ Sài Gòn, Hà Nội vào đến bản Suối Voi, ghé lại tiệm tạp hóa của Đỗ Việt An nằm cheo leo bên dốc ăn tô mì gói, nhìn nhau lắc đầu: “Đường vô cực Tây giờ đi dễ, không còn thử thách nữa, chuyển hướng thôi”. Đỗ Việt An, 27 tuổi, dân Tề Lỗ, huyện Yên Lạc (Vĩnh Phúc), hai năm trước đưa vợ lên đây, bỏ ra 15 triệu đồng mua đứt một quả đồi tính chuyện đón đầu người đi khám phá xứ sở núi rừng hiểm trở và tuyệt đẹp này, bây giờ nghe nói vậy mà mặt không gợn chút buồn. An lý nhí: “Vào cột mốc ngã ba biên giới hay lên mốc 3A mới biết sức”!
Với lính biên phòng, con đường xuyên qua những cánh rừng bạt ngàn Tây Bắc giống như sợi chỉ vắt qua đại dương. Có đường, mỗi năm về phép một lần (mà có khi 2-3 năm mới về) thì được ngồi ôtô khách vi vút một ngày là tới trung tâm tỉnh Điện Biên. Nhưng còn công việc hằng ngày, hằng giờ? Vẫn phải lội núi ngủ rừng thôi!
Hôm chúng tôi đến đồn biên phòng Leng Su Sìn, trung đội trưởng vũ trang, đội trưởng vận động quần chúng đã dẫn đoàn hơn 20 cán bộ, chiến sĩ, dân quân tự vệ địa phương mang theo nồi, gạo, thực phẩm khô, chăn, túi ngủ lên đường vào cột mốc biên giới A3 giáp biên với tỉnh Phong Sa Lỳ (Lào).
“Đoàn đi đã hai ngày nhưng chưa chắc gì đến nơi, bởi suốt hành trình phải xuyên qua khu bảo tồn quốc gia và núi Nhu Ma Hò có đỉnh cao 1.788m, không có nhà dân, phải ăn ngủ ngoài rừng” - thiếu tá Nguyễn Đình Lực, phó đồn trưởng quân sự, người vừa thực hiện chuyến kiểm tra mốc A3 trong hơn một tuần, nói. Và thật bất ngờ khi được biết trong các chuyến tuần tra biên giới, hành trình gian khó nhiều ngày ấy, chiến sĩ biên phòng còn phải chăm sóc chú chim bồ câu để làm “người đưa thư” khi cần kíp. Đó là phương tiện duy nhất để liên lạc với đơn vị.
T.ĐỨC - Đ.DỤC - Đ.BÌNH
______________________Cảm xúc từ ngôi Tá Miếu và cột mốc số 0, nơi mà đất nước Việt Nam giao thoa cùng Lào và Trung Quốc.
Kỳ tới: Ngã ba biên giới
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận