18/12/2010 06:18 GMT+7

Lính miền biên ải - Kỳ 1: Sự tích đồi Ông Thọ

TẤN ĐỨC - ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
TẤN ĐỨC - ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH

TT - “A cồ ơi, a nhí ơi (anh trai ơi, em gái ơi), ai đưa bản ta về bên dòng suối, ai đưa bản ta thoát khỏi đói nghèo, ai mang cho ta cây lúa chắc bông nặng hạt. Anh Thọ đó, người bộ đội công an...”.

Những câu chuyện xúc động về người lính chốn tiền tiêu với sứ mệnh bảo vệ chủ quyền Tổ quốc. Ở đó, vì từng tấc đất thiêng liêng, những người lính đã sống và cống hiến trọn vẹn tuổi thanh xuân, thậm chí cả tính mệnh của mình cho toàn vẹn biên cương.

Sơn nữ Lỳ Kim Pư mà chúng tôi gặp trên đường vào bản Đoàn Kết cho biết cô đã thuộc bài hát này từ nhỏ khi theo mẹ lên núi dùi lỗ tra hạt ngô. Cô nói: “Ông bà em dạy người Hà Nhì phải luôn nhớ cái ơn cán bộ Thọ, người lính biên phòng đã cầm tay chỉ ta cách trồng cây lúa nước, rồi còn giúp dân bản bỏ thói quen ở trên núi cao, gần trăng gần sao, xuống làm nhà bên dòng Păng Pơi mát ngọt quanh năm...”.

okeezHTJ.jpgPhóng to

Lập bản, dạy dân trồng lúa nước

Chúng tôi tìm đến nhà ông Vàng Gạ Xá (67 tuổi) ở bản Đoàn Kết. Trong ký ức của ông Xá, bản Pam Pơ - nơi bao đời gia đình ông đã sinh sống - nằm xa lắc trong núi, quanh năm ẩn trong mây. Vào đầu mùa mưa, dân bản tỏa đi khắp các sườn núi, chọn chỗ tương đối bằng phẳng, phát cây dọn đất rồi lấy gậy nhọn dùi xuống để tra hạt ngô, hạt lúa.

Năm nào rét đậm, rét hại kéo dài, cây lúa “ốm” kể như mất cái ăn. Nhiều lần tổ công tác của cán bộ Thọ lên vận động bà con xuống núi làm nhà cạnh nhau bên suối Păng Pơi để có cái nắng ấm, có nước, có con cá, hạt thóc ăn, lũ trẻ được đi học cái chữ nhưng dân bản lắc đầu: “Dân bản ta quen sống trên núi cao, gần trăng gần sao, xuống chân núi thì con ma sẽ vật chết đấy”.

Dân thấy mình làm thì mới tin - Trần Văn Thọ nói với anh em - rồi phân chia công việc, cùng hai chiến sĩ trong tổ anh phụ trách là Thước và Lộ giúp dân bản sửa nhà, mang ống tre xuống suối lấy nước, mang hạt muối, cái chăn ấm, quần áo bằng vải lên chia cho dân. Dân bản quý cái bụng cán bộ Thọ, coi ông như người Hà Nhì, đã làm theo lời ông.

Những gia đình đầu tiên xuống núi không bị con ma vật, không lo cái rét nữa. Các hộ khác thấy làm theo.Trong tháng, toàn bộ 16 gia đình ở bản Pam Pơ chuyển nhà xuống núi. Rồi 20 gia đình ở hai bản Chú Xé, Vàng Thùng Thú cách đấy gần một ngày đường cũng kéo về dựng nhà...

“Có chỗ ở rồi, cán bộ Thọ đi bộ ra Mường Tè, Mường Chà mua lưỡi cày, dao phát cỏ, hạt thóc giống cõng về chỉ cho dân cách làm đất, gieo cấy cây lúa nước. Cán bộ Thọ siêng năng lắm nhưng dân bản lại lo: hạt lúa nương của người Hà Nhì, hạt lúa nước của người Kinh. Người Hà Nhì làm lúa nước thì con ma bắt tội” - ông Xá và những người già mà chúng tôi gặp ở bản Đoàn Kết nhớ lại. Vậy là cán bộ Thọ lại tự đi dọn đất làm mẫu cho mọi người xem, vừa làm vừa kiên trì thuyết phục.

Vụ đầu tiên “ruộng cán bộ Thọ” thu hoạch hơn 50 kha chi (dụng cụ đi rừng, giống như cái gùi), ông chia đều cho dân bản. Từ 5 mẫu lúa nước, sang năm 1961 diện tích tăng lên gấp đôi, gấp ba. Ba tháng sau thu hoạch trúng mùa to, sản lượng đạt trên 1 tấn/người, không chỉ dư ăn mà còn đóng góp cho huyện hơn chục tấn để cứu đói các bản khác.

Nhờ nghe theo lời cán bộ Thọ dời nhà xuống núi, không còn bị đói, bị lạnh lại được đi học cái chữ, ông Vàng Gạ Sá sau trở thành chủ tịch xã, rồi phó chủ tịch UBND huyện Mường Tè. Giờ ông đã nghỉ hưu, người con trai là Vàng Pó Lòng tiếp bước ông làm bí thư chi bộ xã Chung Chải.

G9zMtl1z.jpgPhóng to
Những người lính đồn biên phòng Leng Su Sìn dành góc riêng trân trọng tưởng nhớ anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ - Ảnh: Tấn Đức

Đồi Ông Thọ

Trong ký ức của mình, ông Chang O Xừ nhà ở gần đồn Leng Su Sìn vẫn chưa quên cán bộ biên phòng Trần Văn Thọ với dáng người cao gầy, mũi khoằm nằm mê man trên giường bệnh trong một buổi sáng mưa như trút nước. Già Xeo Pu Hừ, Pờ Pô Chừ và rất đông dân bản vây quanh than khóc: “Khi còn ăn củ nâu củ bấu thay cơm, lấy than nứa thay muối thì cán bộ Thọ cùng ăn với dân. Nay nhờ có cán bộ Thọ, dân bản có bát cơm thơm, nồi canh ngọt thì cái miệng của cán bộ Thọ lại không biết ăn nữa rồi...”.

Từ bản Hà Nhì ra đến bệnh viện gần nhất của tỉnh Lai Châu cũng phải mất chục ngày đi bộ, trong khi thuốc đặc trị sốt rét không có, Trần Văn Thọ đã ra đi. Dân bản và đồng đội chọn đỉnh núi Leng Su Sìn giữa mây trắng để ông yên nghỉ. Theo phong tục của người Hà Nhì, mỗi người xếp một hòn đá lên mộ ông. Ngôi mộ đá thật to bởi có quá nhiều người đến tiễn đưa ông.

Nhà báo - nhà văn Trần Hữu Tòng, nguyên cục trưởng Cục Văn hóa thông tin cơ sở Bộ Văn hóa - thông tin, hiện đang sống tại quận Đống Đa, Hà Nội, kể rằng hai năm sau ngày mất của liệt sĩ Trần Văn Thọ, vào tháng 11-1963 ông được phân công vào bản Phú Bì để viết bài về tấm gương tận tụy với dân của anh hùng liệt sĩ Trần Văn Thọ. Khi ấy ông đã nghe câu chuyện xúc động: Có lần huyện Mường Tè định dời mộ Trần Văn Thọ về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh Lai Châu nhưng cả bản kéo ra ngăn lại, nói: “Cán bộ Thọ lúc còn sống là người con yêu của dân bản Hà Nhì, nay nó chết phải để lại đây cho nó ở với cái núi, cái nương, cái dòng suối mát để dân nhớ tới nó. Cái mây trắng trên đầu núi, cái hoa nở trắng ngoài rừng cũng còn đang để tang nó đấy...”. Thuyết phục mãi, sau này mới đưa được mộ ông về nghĩa trang liệt sĩ tỉnh.

Năm mươi năm đã trôi qua, những việc làm của cán bộ Thọ cho dân Hà Nhì vẫn được bà con, đồng đội khắc ghi. Đồn biên phòng Leng Su Sìn lập bàn thờ liệt sĩ Trần Văn Thọ để hằng ngày cán bộ, chiến sĩ nhang khói cho ông. Nơi ông yên nghỉ, giờ dân bản gọi đồi Ông Thọ. Tên ông được đặt cho một con đường ở trung tâm thành phố Điện Biên, ngang qua trụ sở Bộ đội biên phòng và công an tỉnh. Người “bộ đội công an” Trần Văn Thọ sống mãi trong lòng nhân dân và đồng đội.

Liệt sĩ Trần Văn Thọ sinh năm 1935, quê quán xã Việt Thành, huyện Trấn Yên (Yên Bái). Ông vào quân đội, tham gia đánh Pháp từ năm 17 tuổi, đến năm 23 tuổi được điều động lên vùng cao cực Tây làm công tác vận động quần chúng. Tại đây Trần Văn Thọ đã vận động đồng bào dân tộc Hà Nhì và người Mông cai nghiện thuốc phiện, di dời nhà trên núi cao xuống tụ cư, lập bản Đoàn Kết, rồi dạy dân cách trồng lúa nước. Ông mất ngày 8-8-1961 do bệnh sốt rét, khi mới 26 tuổi. Tháng 11-1967 ông được truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân.

__________

Chuyện ở nơi mà người lính biên phòng, vào thế kỷ 21 này, vẫn đang phải chăm sóc từng con bồ câu để đưa thư khi cần thiết...

Kỳ tới: Ở “khe nước mát”

TẤN ĐỨC - ĐỨC DỤC - ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên