Đấy là nơi trạm biên phòng Lũng Pô đứng chân, ngay cột mốc số 92 trên địa bàn xã A Mú Sung thuộc huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai.
Phóng to |
Bộ đội biên phòng đồn A Mú Sung hướng dẫn người dân chăm sóc dứa - Ảnh: Hồng Thảo |
Xứ “mờ sương”
Đại tá Trần Kim Phúc, chủ nhiệm chính trị biên phòng tỉnh Lào Cai, cho biết hiện các đồn trên tuyến biên giới của tỉnh đang đỡ đầu dài hạn 10 em học sinh các dân tộc ít người, có đồn nuôi đến ba học sinh như đồn Nậm Chảy. Các đồn Y Tý, Trịnh Tường, Bát Xát... đều có đỡ đầu cho các em. Mỗi em nhận được hỗ trợ gạo và tiền tính ra bình quân khoảng 300.000 đồng/em/tháng. |
“Ôi mờ sương” - đó là cách gọi biến âm đầy tượng hình từ cái tên A Mú Sung của miền đất địa đầu này. Hôm chúng tôi lên, A Mú Sung đang đẹp trời, nhưng thiếu tá Bùi Việt Long, cán bộ của Bộ chỉ huy biên phòng Lào Cai, nói ngay: “A Mú Sung chỉ được vài hôm như thế này thôi, còn quanh năm nơi địa đầu này sương vây kín núi rừng, sương dày đặc đến mức cảm giác như có thể xắn ra được từng miếng”.
Trong ký ức của những người lính gắn bó với đồn biên phòng A Mú Sung, những gian nan của miền đất này khó có thể hình dung nổi. Sông Hồng từ Lũng Pô chảy về thành phố Lào Cai làm thành đường biên giới tự nhiên giữa hai nước Việt - Trung. Con đường dài gần 80 cây số chạy dọc một bên núi cao một bên sông sâu, không mùa mưa lũ nào không sạt lở.
“Mấy năm trước đường sá vất vả lắm, đã vào tới đồn là không muốn ra nữa, không có tuyến ôtô từ Lào Cai lên đây, chỉ có cách đi xe máy, chợ gần nhất nằm ở Trịnh Tường, cách đồn chỉ hơn 20 cây số nhưng để ra đó bằng xe máy mất hàng giờ” - trung tá Hoàng Văn Điệp, phó đồn trưởng A Mú Sung, bày tỏ với chúng tôi. Anh bảo rằng mỗi lần ra Bát Xát họp hành công tác, anh em cất quần dài vào balô, chỉ mặc quần cộc rồi leo lên xe máy chạy bởi đường lầy kinh khủng. Vượt suối vượt đèo ra gần đến Bát Xát thì ghé xuống suối rửa ráy rồi mới mặc quần dài để vào dự họp!
Giờ thì đường đã thông tuyến lên Lũng Pô, ôtô có thể chạy đến tận chân cột mốc 92, nhưng nếu vào mùa mưa lũ, không biết xe cộ làm sao vượt qua những ngầm bêtông làm cầu tràn kia. Nhưng nỗi gian nan đường sá cùng với thời gian và những đầu tư cho hạ tầng vùng biên chắc chắn rồi sẽ được khắc phục. Tuyến đường từ Lào Cai nối lên Lũng Pô hi vọng vài năm nữa sẽ được trải nhựa láng o. Nhưng những mùa mù sương ẩm ướt muôn đời của A Mú Sung thì không thể nào cải thiện. Sương cứ thế, lừng lững len vào từng góc giường, từng xéo chăn màn, áo quần giặt xong có khi phơi hàng tuần không khô, đem hong bên bếp lại ngấm mùi khói ngai ngái rất khó chịu.
Lên đến đây, chúng tôi mới biết có một nỗi thèm kỳ lạ khác của lính: thèm nhìn thấy mặt trời! Có khi hàng tháng trời chìm trong sương mù quánh đặc như thế, có cơ hội anh em lại về Bát Xát, Lào Cai chỉ để được đắm mình trong chút nắng ấm của mặt trời cho đỡ nhớ!
“Bữa cơm thường” trên đồn biên giới
Kể về gian khổ của lính biên phòng chắc không thể nào nói hết. Với những đồn nơi thâm sơn cùng cốc như A Mú Sung, Y Tý chuyện khó khăn càng nhiều hơn gấp bội. Nhưng người lính ở đây không hề ngồi “nhâm nhi” gian khổ. Những ngày lên đây, cùng ăn cùng ở với những người lính ở A Mú Sung, Y Tý... chúng tôi nhận ra còn có những niềm vui giản dị mà ấm áp của người lính.
Trên con đường ven sông Hồng rẽ vào đồn A Mú Sung chúng tôi đã vô cùng ngạc nhiên khi thấy sáu ao cá nằm nối tiếp nhau, gương nước in soi bóng núi. Cạnh ao cá là những luống rau lên xanh ngút mắt. Nhưng ấn tượng hơn cả là bữa cơm trưa với anh em cán bộ chiến sĩ của đồn. Trung tá Điệp đã rất “khiêm tốn” bảo rằng các anh nhà báo lên bất ngờ quá, đường về chợ Trịnh Tường lại quá xa, thôi mời anh em “có gì ăn nấy”. Nhưng nhìn vào bữa cơm người lính đồn trưa hôm ấy, chúng tôi nhận ra cuộc sống người lính không chỉ có chịu đựng gian khổ. Trong chuồng nuôi mấy chục chú lợn bản, giống lợn thịt ngon như lợn rừng, và tất nhiên là “thịt sạch”, qua bàn tay nấu nướng của lính tỏ ra thiện nghệ không thua các đầu bếp ở nhà hàng.
Chúng tôi đã được ăn một bữa trưa ngon chưa từng thấy cùng với lính! Anh em trong đồn bảo: cá đầy dưới ao, dê, lợn trong chuồng, vịt gà cũng nuôi được, vậy là cho dù chợ xa nhưng bữa ăn anh em không bao giờ thiếu chất, có ăn no, ăn đủ mới có sức khỏe vững bước chân tuần tra, mới vững tay súng để bảo vệ biên giới. Không chỉ tăng gia để cải thiện bữa ăn người lính, số thực phẩm dư ra anh em đem bán cho những đơn vị, công ty đang hoạt động trên địa bàn như khai thác mỏ, làm đường, xây kè...Tiền thu được lại mang đi giúp dân bản xây nhà “đại đoàn kết”, mua chăn ấm, sách vở tặng các em học sinh.
Hôm chúng tôi đến, các thầy cô ở A Mú Sung cứ nhắc mãi câu chuyện cảm động mà những người lính biên phòng dành cho Sùng A Phà, học sinh Trường A Mú Sung. Nhà Sùng A Phà tận bản Phù Lao Chải, từ đồn lên tới bản đi mất 23 cây số đường rừng, chiến sĩ đội vận động quần chúng đến Phù Lao Chải, cả bản đều bảo có em Phà học giỏi mà không thể nào đến lớp.
Bố mất sớm, chị gái bỏ đi đâu từ mấy năm trước, mẹ ốm đau quanh năm, gánh nặng gia đình dồn lên vai Phà. Anh em trong đội vận động quần chúng báo với chỉ huy đồn và quyết định dành tiền tăng gia sản xuất của đơn vị để hỗ trợ Phà đi học, mua sắm sách vở cho Phà. Giờ Phà đã được tiếp tục học lên lớp 9. Đồn biên phòng cũng quyết định tài trợ tiếp cho Phà chừng nào em còn theo đuổi sự học.
Cũng từ những việc làm như thế mà đồn A Mú Sung giờ như một “trung tâm công tác xã hội” ở vùng cao biên giới này. Mùa rét năm 2009, các học sinh trường nội trú dân nuôi của A Mú Sung thiếu cả gạo ăn lẫn chăn ấm. Các thầy cô không có cách nào hơn là ra kêu với đồn, nhưng một mình đồn biên phòng cũng không thể giúp nhiều em được, lại đứng ra kêu gọi, vận động các cơ quan đơn vị trên địa bàn. Đợt đầu đóng góp được 600kg gạo và 20 chiếc chăn. Với những học sinh nội trú dân nuôi, đó là cả một gia tài, bởi gạo và chăn ấy đã giúp các em vượt qua mùa đông khắc nghiệt của miền biên ải này.
Những người dân A Mú Sung đã ví von đồn biên phòng như cái bếp ấm cho dân trên xứ “Ôi mờ sương” này...
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Kỳ 1: Sự tích đồi Ông ThọKỳ 2: Chuyện ở “khe nước mát” Kỳ 3:Ngã ba biên giới
---------------------------------------------------
Không chỉ làm “cái bếp ấm” nơi biên giới, từ chính mảnh đất gian khó này, những người lính biên phòng đã giúp dân an cư lạc nghiệp, rồi chính họ cũng chọn nơi này làm quê hương, quyết gắn bó ăn đời ở kiếp...
Kỳ tới:Đất lành Lũng Pô
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận