Phóng to |
Kỳ 1: Sự tích đồi Ông ThọKỳ 2: Chuyện ở “khe nước mát”
Bên ngôi Tá Miếu
Ở vùng đất còn hoang sơ này từng tên đất, tên người, từng ngọn núi, dòng suối đều có sự tích riêng. Ngay cửa ngõ đi vào có một con dốc mang tên rất lạ: dốc Bà Cháu.
Ông Chang O Xừ, một người dân địa phương, kể câu chuyện buồn: “Sáng hôm ấy bà Chang Hà Pư cùng đứa cháu gái Chang O Pứ đi phát nương, đến trưa thì quay về. Tới cái dốc trước nhà hai bà cháu dừng lại hút thuốc lào. Bất thình lình từ trong bụi chuối hột gần đó, một con hổ to nhảy ra vồ lấy đứa cháu. Người bà hoảng hốt vớ con dao đi rừng định dọa cho hổ buông đứa cháu, nhưng nó quay ra tát cho bà mấy cái vào đầu, cổ. Nghe tiếng kêu cứu, những người con trong nhà chạy ra nhưng hai bà cháu đều không qua khỏi. Tên dốc Bà Cháu có từ đấy".
Rồi tới dốc Mai Lình tiếp tục ra đời cũng là tên người bị hổ vồ. Nạn hổ ăn thịt người, hổ vào tận nhà bắt lợn, bắt bò của gia đình ông Pờ Xí Tài, Sung Phù Sinh và nhiều nhà khác ở các bản Tả Kho Khừ, A Pa Chải làm mọi người hoang mang, chỉ dám ra khỏi nhà khi đi cả nhóm 3-4 người, có trang bị cả súng săn, gậy gộc... Người dân ở Tá Miếu chỉ an tâm đi lại khi bộ đội biên phòng lên đóng quân...
Đó là những ngày cuối năm 2006, cán bộ, chiến sĩ đồn Leng Su Sìn băng rừng suốt ba ngày vào dựng lều, lập đồn tại 317, cách bản Tá Miếu không xa. Bắt đầu từ con số không, lính biên phòng chia nhau đi nhặt củi sưởi ấm, tìm chỗ có nước suối dẫn về bể chứa, nơi có đất tốt trồng rau cải thiện bữa ăn.
Trong điều kiện đó, hằng ngày những người lính vẫn phát cây mở đường xuyên rừng, lội suối, trèo đèo đi tuần tra, bảo vệ hơn 58km đường biên với nước bạn Lào và Trung Quốc. Nhưng không chỉ có chừng ấy công việc.
Thiếu tá Nguyễn Đức Thắng, đồn trưởng biên phòng 317, tâm sự: “Chúng tôi xác định bảo vệ chủ quyền, an ninh biên giới phải đi liền với phát triển đời sống nhân dân. Anh em luôn cố hết sức, không từ nan việc gì có ích cho dân”.
Từ những việc làm nhỏ nhất, cán bộ chiến sĩ đồn 317 đã được dân xem như người nhà, lúc nào cần là “ơi cán bộ đồn”, khi thì dựng nhà, gặt lúa, mở đường vô bản, trị bệnh cho đàn gà, con trâu, con bò... đến việc cứu người bị bệnh.
Chang Hờ Mé (23 tuổi, ở bản Tá Miếu) mang thai ngôi ngược mà phụ nữ Hà Nhì lại có thói quen đẻ đứng. Cả mẹ ruột và mẹ chồng theo kinh nghiệm đã làm hết cách vẫn không sao đỡ được. Đến 3 giờ sáng thì người mẹ trẻ ngất đi.
Đúng lúc đó, trung úy Trần Văn Dân và y sĩ Nguyễn Quang Thanh (trưởng và phó Trạm kết hợp quân dân y A Pa Chải - đồn biên phòng 317) có mặt. Sau một ca tiểu phẫu trong nửa giờ, cả nhà Chang Hờ Mé thở phào đón đứa bé.
Cách đây hai tháng, con gái của trưởng bản Lỳ Ná Na đang học lớp 9 đột nhiên đau bụng quằn quại. Trưởng bản mời thầy cúng vẫn không khỏi. Cán bộ y tế biên phòng xuất hiện, cô bé được chẩn đoán viêm dạ dày cấp, chỉ với mấy liều thuốc em đã đi học lại bình thường...
Cột mốc số 0 đặt tại địa phận bản Tá Miếu, Sín Thầu, Mường Nhé, Điện Biên, phân định ranh giới của ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc nằm trên núi Khoang La San, cao 1.864m, được xem là cột mốc đẹp nhất Đông Dương. Cột mốc được làm bằng đá granit hình lăng trụ cao 2m, đặt trên bệ vuông mỗi cạnh dài 5m, ba mặt của mốc được viết bằng chữ quốc ngữ và khắc quốc huy của từng nước. |
Đêm ở đồn biên phòng 317 rét đến ù tai. Điện mất vì thú rừng giẫm lên đập, tuốcbin phát điện do lính biên phòng tự chế không quay được. Điện thoại không có sóng. Trước mặt đồn là suối, sau lưng là rừng, không biết đi đâu cho đỡ buồn chân.
Khó khăn chồng chất, nhưng trong câu chuyện với những người lính biên phòng chúng tôi còn được nghe nhiều câu chuyện nghĩa tình về đất, về người nơi ngã ba biên giới.
“Tá Miếu” - nghĩa là cái miếu to. Cái tên của bản xa nhất cực tây xuất phát từ một câu chuyện đẹp. Không ai biết ngôi miếu ra đời từ lúc nào nhưng một thời gian dài đây là nơi nghỉ chân, qua đêm cho những người lỡ đường khi băng rừng vượt núi.
Vào những ngày tết, lễ của người Hà Nhì, như tết năm mới (cuối tháng 10 âm lịch), Tết đoan ngọ, ngày rằm tháng bảy... người dân ba nước Việt Nam - Lào - Trung Quốc tựu về câu tay uống với nhau chén rượu theo đúng phong tục, kể cho nhau nghe chuyện làm ăn sinh sống. Thăm hỏi nhau xong ai trở về nhà nấy.
Qua thời gian ngôi miếu đã đổ sụp nhưng nền miếu vẫn còn đó, tình đoàn kết giữa các dân tộc vẫn mãi truyền lưu.
Quê nhà tôi đây!
Xứ núi rừng cực tây càng về khuya tĩnh lặng. Trung úy Ngô Văn Nghi, đội trưởng vũ trang đồn 317, vào phiên trực ngồi căng mắt nhìn màn đêm nhuộm đục bởi sương quá dày đặc. Nghi sinh năm 1975, trước anh ở đồn 425 đóng tại xã Ba Thơm, huyện Điện Biên, được điều động về đồn 317 từ tháng 1-1997. Hơn ba năm làm lính biên phòng ngã ba biên giới anh về phép thăm vợ con ở quê đúng ba lần.
Nghi lấy điện thoại di động ra khoe: “Cháu đấy, đã được 18 tháng, mình đặt tên nó là Ngô Thị Thảo Nguyên để có chút gì đó gợi tới sự phóng khoáng, bạt ngàn của đồi của núi Tây Bắc...” - Nghi bỏ lửng câu nói nhìn chăm chăm vào điện thoại - món quà của vợ gửi ra để anh coi giờ và... xem hình cho đỡ nhớ.
Rạng sáng hôm sau chúng tôi cùng trung úy Nghi và hai chiến sĩ Lò Văn Thiện, Lỳ A Chư lên đường tuần tra cột mốc ngã ba biên giới (cột mốc số 0). Từ bản Tá Miếu chúng tôi rẽ lá, băng dốc, bắt đầu hành trình mong đợi nhất. Qua hết mấy đồi cỏ tranh cao quá đầu người, với những cạnh lá sắc như dao lại tới rừng cỏ mai, cỏ xước mọc um tùm.
Càng lên cao cỏ cây càng dày đặc, dốc núi càng dựng đứng. Có đoạn dốc hơn 45 độ, trơn tuột, không chỗ trụ chân, mọi người phải bám vào dây mây, dây thừng từ phía trên thòng xuống để trèo lên.
Lên rồi lại xuống không biết bao nhiêu đồi dốc; khi băng qua những cánh rừng già ba, bốn tầng cây; khi lần bước trên những “sống núi” (những gờ đá nhô lên, chạy dọc trên dốc núi). Đi mãi đến xế chiều lại thấy một dãy núi cao lựng hiện ra, Nghi ngước mặt lên bảo: “Cột mốc quốc gia nằm trên đỉnh núi ấy”.
Cả đoàn tăng tốc tiến lên. Vừa đặt chân lên bệ mốc, một cảm xúc rất lạ về chủ quyền quốc gia hiện trên gương mặt người lính biên phòng.
Nghi nói từ khi về công tác ở đồn 317 anh đã đến đấy không biết bao lần, từng đứng bên quốc huy nước Việt tiễn những giọt nắng cuối cùng rơi xuống phía tây và cả những lần mình anh đứng lặng đón bình minh, đón những tia nắng ấm áp đầu tiên vụt xuống xua dần màn sương giá lạnh.
“Đứng ở đây tôi cảm giác như là quê nhà mình vậy. Ước sao cũng có vợ con ở bên lúc này để thấy quê hương mình đẹp xiết bao” - trung úy Ngô Văn Nghi bật nói.
_____________
A Mú Sung không phải là một điểm “cực” trên bản đồ tuyến biên giới Việt - Trung nhưng là “nơi con sông Hồng chảy vào đất Việt..”. Ở đó có trạm biên phòng Lũng Pô...
Kỳ tới: Bếp lửa ấm xứ “mờ sương”
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận