16/12/2010 04:56 GMT+7

Khổ vì thủy điện

THÁI BÁ DŨNG
THÁI BÁ DŨNG

TT - Để xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 3, hàng trăm hộ dân ở xã Đắk P’Lao (Đắk G’Long, Đắk Nông) buộc phải bỏ làng về khu tái định cư mới. Tuy nhiên bốn tháng đã qua, cuộc sống người dân vẫn trong cảnh “tiến thoái lưỡng nan”.

CioE2efD.jpgPhóng to
Người dân ở xã Đăk P’Lao đi thuyền về làng cũ để trồng mì, làm nương. Dưới mặt nước bị ngập sâu này ngày xưa là nhà cửa, làng mạc - Ảnh: T.B.D.
fM5tjbEy.jpgPhóng to
Vợ chồng anh Yàng A Lựu và chị Sùng Thị Gió (thôn 3, Đắk P’Lao) đã tháo dỡ ngôi nhà để nhường đất cho thủy điện, hai vợ chồng gửi ba con lớn cho bà ngoại rồi cùng hai con nhỏ vào che chắn chuồng trâu cũ để ở lại làm rẫy, cuối tuần mới về nhà thăm con - Ảnh: T.B.D.

Trong khi đó, hàng chục hộ dân không chịu di dời về khu tái định cư đã vào rừng sâu để lập làng kiếm sống. “Đi không được, ở lại cũng chẳng xong” là tình cảnh mà hàng ngàn người dân xã Đắk P’Lao cũ đang phải gánh chịu từ hệ lụy của dự án thủy điện này.

Bơ vơ ở làng mới

Những ngày này tại khu tái định cư Quảng Khê (Đắk G’Long) đâu đâu cũng thấy cảnh người dân ngồi buồn bã tựa cửa nhìn ra. Đã chuyển về làng mới được gần bốn tháng, nhưng công việc duy nhất của tất cả thành viên trong gia đình anh Yàng A Sú là lên rừng chặt tre về rào chắn hàng rào bao quanh nhà. Vườn tược chưa có cây cối, nhà thì trống không, hỏi dựng hàng rào để làm gì thì anh Sú chỉ còn biết cười: “Không có việc gì làm thì... ra rào cái hàng rào thôi, biết làm gì hơn bây giờ”. Anh Sú nói gia đình anh được Nhà nước đền bù gần 100 triệu đồng, nhưng hai tháng nay cả nhà không biết làm gì, bảy miệng ăn chỉ biết nhìn vào số tiền đó, nay mai khoản tiền này hết rồi gia đình không biết lấy gì mà sống.

Phía bên cạnh nhà anh Sú, đã giữa buổi chiều mà hai người phụ nữ và một người đàn ông vẫn ngồi tựa cửa nhìn ra. Hỏi vì sao không đi làm rẫy, một phụ nữ trả lời: “Nhà nước cấp đất, cấp rẫy mà đất cằn cỗi quá, nương rẫy thì dốc hình bát úp, đến cây măng rừng cũng chỉ mọc lè tè làm sao mà trồng mì, trồng bắp được”.

Anh Sùng A Giáo, thôn 4, nói: “Khi mới chuyển về làng mỗi hộ được cấp 8 sào đất, nhưng số đất này đều không thể trồng nổi cây gì vì quá bạc màu và dốc thẳng đứng, chỉ có măng dại là sống được”. Anh Giáo cũng nói thêm giờ đây người dân phải tìm chỗ khác mua rẫy để làm, ai không có tiền thì bất chấp nguy hiểm tính mạng chèo thu

yền qua đập thủy điện, chạy về làng cũ cách xa hàng chục cây số để trồng trọt kiếm sống. Không những vậy, rất nhiều căn nhà mới được cấp ở khu tái định cư nhưng dân ở chưa được bao lâu thì nay bắt đầu nứt vách, nền bị sụt lún do nằm chênh vênh trên đồi. Trong khi đó, một số người dân cho biết nhiều gia đình khi chuyển về khu tái định cư đã không sử dụng số tiền được đền bù để làm ăn, gửi vào ngân hàng mà dùng tiêu xài, ăn nhậu... Nguy cơ đói là điều không thể tránh khỏi!

Vào rừng sâu lập làng

Cách trung tâm khu tái định cư Quảng Khê khoảng 3km có một quả đồi mà trên đó có hàng chục căn nhà lụp xụp tựa sát vào nhau. Hầu hết những hộ dân này vừa mới chuyển từ làng cũ về để tránh nước lên. Họ cho biết do nhà mới chưa được cấp nên phải ở tạm bợ trong những căn nhà này. Cũng có một số hộ dân không chấp nhận phương án đền bù và những hộ được nhận tiền đền bù quá ít nên không đủ tiền xây nhà mới.

Anh Hà Văn Phan, thôn 4, cho biết hầu hết các hộ này đều đang lâm vào tình cảnh hết sức khó khăn. Không chỉ vậy, theo anh Phan, tới thời điểm hiện tại các công trình phụ phục vụ khu tái định cư này vẫn hoàn toàn trống không, đến nước sạch mà toàn thôn chỉ có một cái bể nước, hàng trăm người dân phải thay nhau đi vác nước về dùng.

Anh Phan cho biết thêm để có thể sống qua ngày, người dân phải chạy ngược về các khu nương rẫy ở làng cũ để trồng trọt.

Để về được làng cũ, nơi có nương rẫy, người dân phải mất 50.000 đồng cho cả người và xe để đi thuyền qua đoạn nước ngập rộng khoảng 1km. Một số người nói dù đắt đỏ và nguy hiểm nhưng họ buộc phải tìm mọi cách về làng cũ để trồng bắp trồng mì, nếu không sẽ chết đói.

Anh Yàng A Lựu cho biết anh được cấp một căn nhà mới và được đền bù một ít tiền, nhưng ở bên làng mới thì không có việc để làm nên anh chị phải bế hai con về làng cũ dựng căn lều nhỏ tại cái chuồng trâu cũ, hằng ngày lên rẫy trồng mì kiếm sống.

Không chỉ vợ chồng anh Lựu mà còn khá nhiều hộ dân dù đã bị dỡ nhà cửa nhưng vẫn quyết tâm dựng lều bám trụ lại làng cũ để ở, để kiếm cái ăn.

Tuy nhiên, điều đáng lo ngại nhất không phải là việc người dân cố bám trụ lại các ngôi làng cũ mà hiện có hàng chục hộ dân đã kéo ngược lên khu vực rừng sâu thuộc khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng để lập làng. Một người dân tại đây cho biết do họ không đồng tình với phương án đền bù không hợp lý vì bị thiệt thòi nên không biết đi đâu, về đâu, trong khi đó nước đã ngập hết nhà cửa, vườn tược nên phải đưa nhau vào rừng, nơi ngày xưa cha ông đã làm rẫy để dựng nhà kiếm sống. Việc thiếu ăn, thiếu mặc thì có thể chịu được chứ buồn nhất là việc trẻ con trong làng bỗng nhiên phải nghỉ học vì bị cách biệt hoàn toàn với bên ngoài.

Ông Sùng A Giáo, người dân thôn 4, bức xúc: “Chúng tôi hiểu đây là chủ trương lớn nhằm phục vụ lợi ích chung của đất nước, nhưng chủ đầu tư phải tìm cách giải quyết các vấn đề phát sinh để dân chúng tôi sớm ổn định cuộc sống, không thể mãi như thế này được”.

“Thủy điện Đồng Nai 3 phải chịu trách nhiệm”

Nhà máy Thủy điện Đồng Nai 3 được xây dựng trên địa bàn hai tỉnh Đắk Nông và Lâm Đồng, công trình gồm hai tổ máy có công suất 180 mw, sản lượng điện 589 triệu kWh/năm, tổng vốn đầu tư gần 3.598 tỉ đồng. Công trình do Ban quản lý dự án thủy điện 6 làm chủ đầu tư. Riêng tại xã Đắk P’Lao, theo tính toán, có tất cả 514 hộ với tổng số 2.113 nhân khẩu buộc phải di dời về các khu tái định cư mới.

Trước những khó khăn mà hàng ngàn người dân xã Đắk P’Lao cũ đang phải đối mặt sau khi nhường đất cho công trình thủy điện Đồng Nai 3, Ban chỉ đạo phòng chống và giảm nhẹ thiên tai Đắk Nông đã có văn bản gửi UBND tỉnh Đắk Nông.

Theo đó, ban chỉ đạo đã đề xuất với UBND tỉnh cần có phương án hỗ trợ về đất canh tác phù hợp tập quán và thói quen của người dân, hỗ trợ kỹ thuật và xây dựng các công trình cung cấp nước sạch để người dân sớm ổn định cuộc sống. Ngoài ra, cần có phương án tuyên truyền, hướng dẫn người dân “tiêu tiền” hướng vào các mục đích đầu tư sản xuất, học hành...

Đối với các hộ dân ở khu vực rừng Tà Đùng thì nên có phương án và cách bàn giao đất mà người dân đang sản xuất tại đây hợp lý, thực hiện bản cam kết để người dân có thể sản xuất tạm thời mà không tổn hại đến diện tích rừng trong khu bảo tồn. Nếu tạm thời chấp nhận để người dân ở trong khu bảo tồn thì cần chuẩn bị mọi thứ cần thiết để có thể ứng cứu người dân khi xảy ra sự cố trong quá trình người dân đi thuyền qua sông. Đồng thời chủ đầu tư thủy điện Đồng Nai 3 phải nhận ra trách nhiệm của mình trong quá trình thực hiện dự án để tiếp tục giải quyết quyền lợi để người dân sớm ổn định cuộc sống.

Liên quan đến những vấn đề tồn đọng tại khu tái định cư thủy điện Đồng Nai 3, đến thời điểm này địa phương phối hợp Ban quản lý dự án thủy điện 6 (thuộc Tập đoàn Điện lực VN) đã khảo sát xong (điều kiện thổ nhưỡng, nguồn nước, chất lượng rừng...) khu vực đất sản xuất và đất lâm nghiệp rộng 4.954ha kế cận khu tái định cư để giao cho dân.

Ban quản lý dự án thủy điện 6 đã khai hoang xong 650ha đất sản xuất nông nghiệp, sẽ giao cho dân trong thời gian tới để có thể đưa vào canh tác trong mùa mưa 2011. Hiện huyện đang tổ chức giao đợt đầu cho mỗi hộ 2ha đất lâm nghiệp, cung cấp giống tràm hoa vàng để bà con chuẩn bị đất xuống giống vào đầu mùa mưa 2011.

Bên cạnh việc giao đất nông nghiệp và đất trồng rừng, huyện Đắk G’Long cũng đang triển khai một dự án khuyến nông cho người dân khu tái định cư, bao gồm việc tổ chức một số lớp tập huấn hướng dẫn kỹ thuật và cung cấp một số cây, con giống như cam, chanh dây, heo hướng nạc, ngan Pháp... Một công trình hồ chứa thủy lợi có năng lực tưới cho khoảng 100ha đất canh tác cũng đang được gấp rút thi công.

Đối với 54 hộ chưa chịu nhận đất, nhà tại khu tái định cư hiện đang dựng lều ở tạm trên khu vực đất rừng khu bảo tồn thiên nhiên Tà Đùng, Chi cục Kiểm lâm tỉnh Đắk Nông cùng với khu bảo tồn đã tiến hành lập biên bản việc xâm chiếm đất rừng trái phép của các hộ này; đồng thời ráo riết vận động bà con về khu tái định cư, kiên quyết không giao đất rừng ở khu bảo tồn cho dân như đề xuất của ngành nông nghiệp. Đặc biệt vấn đề giáo dục cho con em của 54 hộ này, Sở Giáo dục - đào tạo đã chỉ đạo Phòng Giáo dục - đào tạo huyện Đắk G’Long cho phép số học sinh này được chuyển về học tại các trường trên địa bàn xã Đắk Som (gần địa bàn cư trú của 54 hộ trên).

* Tin bài liên quan:

Khẩn trương kiểm điểm trách nhiệm thủy điện xả lũOằn lưng gánh thủy điệnThủy điện Ba Hạ: Góp phần gây ra lũ dữNên dừng thủy điện vừa và nhỏ

THÁI BÁ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên