27/11/2010 07:21 GMT+7

Oằn lưng gánh thủy điện

ĐỨC TUYÊN
ĐỨC TUYÊN

TT - Vào thời điểm này những năm trước, trên sông Đồng Nai nước về nhiều. Năm nay, tại sông La Ngà (một nhánh của sông Đồng Nai), những doi cát vẫn trồi trên sông. Ngay như hồ thủy điện Trị An nằm gần cuối nguồn sông Đồng Nai cũng đang gặp khó khăn trong việc tích nước.

6IrugaBY.jpgPhóng to
Đập chính của thủy điện Đồng Nai 4 đang được xây dựng - Ảnh: Đức Tuyên

Ngược lên thượng nguồn sông Đồng Nai, tại xã Tân Thượng (huyện Di Linh, tỉnh Lâm Đồng), chúng tôi thấy thủy điện Đồng Nai 2 đang trong giai đoạn tích nước để chuẩn bị việc khởi động các tổ máy. Vòng qua xã Quảng Khê (huyện Đắk Nông, tỉnh Đắk Nông), thủy điện Đồng Nai 3 cũng tích nước nhưng đến nay lượng nước về hồ rất ít.

Ông Lê Văn Thảo, trưởng ban quản lý dự án thủy điện 6 (gồm Đại Ninh, Đồng Nai 3, 4), cho rằng nước phải dâng 5-6m nữa mới chạm tới ngưỡng mực nước chết. Với mực nước về hồ như hiện nay, nguy cơ thiếu nước cho Nhà máy thủy điện Đồng Nai 3 đi vào hoạt động là có thể xảy ra.

Lý giải việc thiếu nước như hiện nay, ông Nguyễn Kim Phúc - giám đốc Nhà máy thủy điện Trị An - cho rằng một phần là do lượng mưa trên khu vực năm nay ít hơn năm trước nhưng cũng không loại trừ khả năng các thủy điện đầu nguồn (Đại Ninh, Đồng Nai 2, 3...) đang tích nước nên lượng nước năm nay về hồ thủy điện Trị An muộn và thấp hơn so với những năm trước.

Từ thủy điện Đồng Nai 3 sang Đồng Nai 4, dọc con đường nội bộ dài khoảng 35km, từng quả đồi nối đuôi nhau “trọc lóc” cây rừng, chỉ còn là những đồi trà, nương cà phê. Rừng bị triệt phá, khả năng nước được giữ lại trong đất cũng không nhiều, những dòng suối đổ về sông Đồng Nai cũng cạn dần.

Chỉ tính riêng trên dòng chính của sông Đồng Nai hiện nay đã có chín nhà máy thủy điện, trong đó ba nhà máy đã đi vào vận hành (Đa Nhim, Đại Ninh, Trị An), ba đang xây dựng (Đồng Nai 2, 3, 4), hai dự án chuẩn bị đầu tư và một dự án đang thiết kế kỹ thuật (Đồng Nai 5). Tổng công suất của chín nhà máy thủy điện khoảng 1.849MW và cho sản lượng điện khoảng 7,16 tỉ kWh/năm.

Theo thống kê của Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, để thủy điện Đại Ninh đi vào hoạt động thì tỉnh đã mất 2.667ha đất rừng. “Nếu trên địa bàn tỉnh Lâm Đồng chỉ tính có khoảng 25 công trình thủy điện lớn, vừa và nhỏ thì tỉnh đã mất hơn 15.000ha rừng tự nhiên.

Bình quân, để có được 1MW điện phải mất 10-16ha đất lâm nghiệp và sản xuất nông nghiệp” - ông Lương Văn Ngự, phó giám đốc Sở TN-MT tỉnh Lâm Đồng, tính toán. Nếu cứ theo cách tính của ông Ngự, hàng chục nhà máy thủy điện (đã có và sắp có) với tổng công suất khoảng 3.280MW phải “ngốn hết” 32.000-51.000ha đất lâm nghiệp, nông nghiệp.

Ngoài diện tích rừng bị mất, khi nhà máy thủy điện mọc lên, hàng ngàn hộ dân phải di dời đến những nơi ở mới và nguy cơ những cánh rừng bị triệt phá lại diễn ra. Rừng mất, đồi trọc, tất yếu mùa khô sẽ hạn hán và lũ dữ trong mùa mưa bão. Đây chính là mối lo ngại của các nhà khoa học khi các nhà máy thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai chưa có được cơ chế vận hành liên hồ.

Ngoài những thủy điện “đàn anh” phía thượng nguồn, bao vây vườn quốc gia Cát Tiên (thuộc Đồng Nai, Lâm Đồng, Bình Phước) có các dự án thủy điện trên lưu vực sông Đồng Nai như: Đồng Nai 5, 6, 6A, Đức Thành, Tà Lài, Phú Tân 1 và 2, Ngọc Định đang khảo sát, thiết kế, xin phép đầu tư và triển khai thực hiện cũng góp phần tác động xấu đến vườn quốc gia Cát Tiên. Đầu tiên phải kể đến thủy điện Đồng Nai 5 với công suất 150MW, cách vườn quốc gia Cát Tiên khoảng 1km.

Ông Nguyễn Văn Thành, giám đốc vườn quốc gia Cát Tiên, cho rằng việc xây dựng công trình thủy điện Đồng Nai 5 sẽ ảnh hưởng rất lớn đến việc bảo tồn đa dạng sinh học.

Riêng thủy điện 6 và 6A (do Công ty Điện lực Gia Lai đầu tư) nằm ngay tại phân khu phục hồi sinh thái và bảo vệ nghiêm ngặt vườn quốc gia Cát Tiên. Trong đó, diện tích chiếm đất của dự án là 137,5ha rừng thuộc vùng lõi vườn quốc gia Cát Tiên.

“Việc xây dựng hồ thủy điện sẽ làm mực nước ngầm phía hạ lưu hồ thấp đi, gây khó khăn về nước sản xuất, sinh hoạt của người dân và ảnh hưởng đến hệ sinh thái tự nhiên trong khu vực. Thủy điện sẽ kết nối hai bờ sông Đồng Nai tạo điều kiện thuận lợi cho kẻ xấu vào săn bắt thú rừng và khai thác gỗ vườn quốc gia Cát Tiên một cách dễ dàng” - ông Thành nói.

ĐỨC TUYÊN
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên