Tại đây, TS Đào Trọng Tứ - cố vấn của VSN, nguyên phó tổng thư ký Ủy hội sông Mekong - đã báo cáo kết quả nghiên cứu “Tác động xả lũ của thủy điện Ba Hạ đối với vùng hạ lưu sông Ba, Phú Yên”. Nghiên cứu này đã cung cấp những số liệu cụ thể chứng minh trận lũ lịch sử tháng 11-2009 có sự “góp phần” của thủy điện Ba Hạ.
Làm tăng cường suất lũ
Lưu vực sông Ba rộng 13.900km2, là sông có lưu vực tương đối lớn ở VN. Hiện trên toàn lưu vực có tới 329 công trình, gồm 147 hồ, 121 đập và 61 trạm bơm. Theo quy hoạch, sông Ba có chín công trình thủy điện, hiện nay đã triển khai bốn công trình là An Khê-Kanak, Krông Hnăng, sông Hinh và sông Ba Hạ. |
Để xác định sự “tham gia” của hồ thủy điện Ba Hạ đối với lũ, nhóm nghiên cứu đã tính toán được lưu lượng lũ ở dòng chảy tự nhiên tháng 11-2009 là 12.661m3/giây, trong khi đó thủy điện Ba Hạ xả lũ với lưu lượng 14.450m3/giây. Điều này có nghĩa là hồ thủy điện Ba Hạ đã xả vượt lưu lượng lũ đến 1.787m3/giây.
“Như vậy, việc xả lũ của hồ thủy điện Ba Hạ cũng là tác nhân làm cường suất lũ cao hơn, mức ngập sâu hơn và diện tích ngập lớn hơn” - báo cáo nghiên cứu khẳng định.
Thủy điện đơn mục tiêu
Theo ông Đoàn Tranh - Đại học Duy Tân (Đà Nẵng), thủy điện tác động đến đâu còn cần phải nghiên cứu kỹ, nhưng chỉ cần so sánh năm 1993, lượng mưa kỷ lục tại sông Ba là 1.200mm nhưng cường suất lũ nhỏ và gây thiệt hại ít hơn lũ năm 2009 với lượng mưa chỉ 400mm thì cũng đủ thấy vấn đề.
“Chúng tôi nghiên cứu với trường hợp của thủy điện A Vương thấy rằng trong lịch sử tốc độ truyền lũ chậm, rút chậm còn bây giờ tốc độ truyền lũ nhanh nên tác hại mới lớn” - ông Tranh cho hay.
TS Đào Trọng Tứ cho rằng để giảm lũ cho hạ nguồn, các hồ thủy điện trên sông Ba không thể không để diện tích phòng lũ, nếu các hồ không có dung tích phòng lũ thì vùng hạ lưu còn phải chịu ngập lụt dài dài.
“Theo nghiên cứu của chúng tôi, phần lớn các nhà máy thủy điện ở ta là đơn mục tiêu, chỉ trừ một vài nhà máy điện lớn ở phía Bắc là có dung tích phòng lũ và cấp nước. Ở Phú Yên có câu chuyện là khi quy hoạch thì có phòng lũ, nhưng khi xây dựng thì người ta bỏ qua, vì nếu để dung tích phòng lũ phải xây hồ rất cao, các nhà đầu tư sợ tốn kém. Vậy ai sẽ xây? Đây là vấn đề rất tế nhị” - ông Tứ nói.
Vấn đề thứ hai là quy trình vận hành liên hồ chứa (hiện nay Chính phủ đã xây dựng xong) phải được kiểm soát chặt. “Năm 2009, giám đốc Nhà máy thủy điện sông Ba Hạ nói với chúng tôi là hồ phía trên xả bao nhiêu chúng tôi phải xả bấy nhiêu, vì có như vậy mới đảm bảo an ninh cho hồ chứa” - ông Tứ cho hay.
Tuy quy trình vận hành liên hồ chứa có nói rằng các hồ thủy điện có chức năng tham gia giảm lũ cho hạ lưu, nhưng một khi hồ không có dung tích phòng lũ thì làm sao giảm lũ được?
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận