21/08/2010 08:19 GMT+7

Những điều thú vị về Ngô Bảo Châu

TSKH VŨ CÔNG LẬP
TSKH VŨ CÔNG LẬP

TT - Trong giờ phút này có lẽ với những người Việt Nam, mọi câu chuyện về GS Ngô Bảo Châu đều được đón chờ. Và có lẽ nói bao nhiêu cũng là quá ít về con người Ngô Bảo Châu. Trong chừng mực của mình, tôi xin góp nhặt đôi ba câu chuyện thú vị...

CDemL5e1.jpgPhóng to
GS Ngô Bảo Châu và con gái cùng ông Rogermortier ở ngôi nhà tại Pháp

Kỳ 1:Những người bạn lớn của toán học VNKỳ 2: Ngô Bảo Châu sản phẩm đặc biệt của A0Kỳ 3: Đôi cánh gia đìnhKỳ 4: Ngô Bảo Châu và duyên kỳ ngộ với PhápGiáo sư Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields

Bà Trần Lưu Vân Hiền kể lại: ”Một người đã giúp đỡ Châu nhiều là ông Henry Rogermortier, nguyên giám đốc Đài Thiên văn Paris và lúc đó là chủ tịch Hội Pháp - Việt về khoa học - kỹ thuật. Ông Rogermortier có một ngôi nhà, tầng trệt ông để Ngô Bảo Châu ở.

Trên lầu một là hai học sinh Campuchia có bố mẹ bị bọn diệt chủng Pol Pot sát hại. Khi ông Rogermortier mất đi, trong di chúc để lại ông có dặn cứ để cho Châu cùng các bạn ở mãi đến khi nào không có nhu cầu nữa thì thôi. Nếu bạn từng đi du học nước ngoài, bạn sẽ thấy sự giúp đỡ này là đáng quý như thế nào. Nó góp phần tạo ra môi trường học tập hoàn hảo, tạo ra một nhà toán học lớn.

1. PGS Trần Lưu Vân Hiền và GS Ngô Huy Cẩn đều nhớ lại sự nhanh nhẹn (trong suy nghĩ) và sự kiên trì của Châu từ những ngày còn bé, khi học Trường Thực nghiệm và Trường Trưng Vương. Ngày ấy, thầy giáo dạy toán Tôn Thân chỉ chấm bài cho năm người mang lên bục giảng bài giải của mình. Châu luôn là một trong năm người đó. Sau trong lớp đổi chỗ học, Châu phải vào ngồi sát tường, nhưng anh vẫn “phi” bài giảng lên cho thầy sớm nhất. Bây giờ bà Hiền kể lại chuyện này mà vẫn bật cười.

2. Có khá nhiều bài viết về những năm sau này của GS Ngô Bảo Châu. Anh đã sang Mỹ làm việc nhiều năm (Viện Nghiên cứu cấp cao - Institute for Advanced Study ở Princeton) và từ ngày 1-9-2010 anh sẽ là giáo sư tại Đại học Chicago, nhưng giai đoạn ở Pháp là giai đoạn đặc biệt nhất. Có điều không có nhiều lắm tư liệu về quá trình học tập của Ngô Bảo Châu ở Pháp và nhà toán học của chúng ta lại ít kể về mình. Chúng ta biết anh học ở Đại học Paris 6 và Đại học Ecole Normale Supérieure, những đại học danh giá bậc nhất của nước Pháp.

Bản thân GS Ngô Bảo Châu coi quá trình học toán của mình là một cái gì đó hết sức tự nhiên. Anh cũng không cho rằng phải định hướng nghề nghiệp quá sớm cho con trẻ. Trong bài trả lời phỏng vấn của Phan Việt, Ngô Bảo Châu có kể lại câu chuyện về chính Langlands, một trong những nhà toán học có ảnh hưởng mạnh nhất trong thế kỷ 20-21 (Ngô Bảo Châu đoạt giải thưởng Fields nhờ chứng minh được bổ đề cơ bản trong chương trình Langlands).

Xin chép ra đoạn văn thú vị này: “Ông ấy học toán cũng tình cờ. Bố ông ấy là tiều phu. Ông ấy không đi học trường trung học hay đại học nổi tiếng nào cả, đào tạo cơ bản của ông ấy thật ra cũng bình thường. Nhưng khi ông ấy đi học đại học bên Canada thì học cũng được, thế là thầy giáo của ông ấy bảo ông ấy đi làm PhD (tiến sĩ). Ông ấy hỏi PhD là cái gì. Sau thì ông ấy ừ vì bây giờ đi học có học bổng mà được lấy vợ sớm nữa thì cũng thích, thế là đi làm PhD”.

3. Ngô Bảo Châu cũng tâm sự rằng lúc nghĩ về huy chương vàng Olympic thì thấy nó lớn lao, vĩ đại lắm, nhưng khi thật sự nhận được giải rồi thì thấy nó cũng... thường. Một trong những nét đặc biệt ở Ngô Bảo Châu là anh sống, học toán, làm toán và nhận những giải thưởng cao quý nhất về toán một cách tự nhiên, cứ như một việc bình thường.

Thế mới biết sự chuẩn bị của gia đình cho anh thật chu đáo: không hề tạo ra áp lực, không hề gây ra sự căng thẳng, chán chường hay mệt mỏi. Mà thật ra đấy là sự chuẩn bị công phu, nghiêm túc, phù hợp với hoàn cảnh thực tế của Ngô Bảo Châu, cả ở gia đình lẫn trong xã hội. Mỗi người cần phải biết đi đúng con đường dành riêng cho mình.

Những thành tựu sau này của GS Ngô Bảo Châu thì tất cả chúng ta đều đã biết. Chỉ xin ghi ra ở đây để chúng ta có một cái nhìn hệ thống, theo giới thiệu của GS Lê Tuấn Hoa: Giải thưởng Clay (cùng GS Laumon) - 2004, Giải thưởng Oberwolfach, Giải thưởng Viện Hàn lâm Pháp 2007, một trong 10 phát minh khoa học tiêu biểu (Time bình chọn) - 2009, Giải Fields - 2010. Một thống kê đủ nói lên tất cả.

Chỉ xin thêm một chút: GS Ngô Bảo Châu có cả giải thưởng của toàn thế giới (IMU), lại có đủ giải thưởng của các nền toán học vĩ đại nhất (Pháp, Mỹ, Đức). Ngày còn cắp sách đến trường, ta thường mơ và tưởng tượng đến những cây đại thụ trong khoa học. Bây giờ một nhân vật vĩ đại như thế đã lại ở ngay trong ngôi nhà của chúng ta.

4. Nhà văn Phan Việt hỏi: ”Với toán, điều lo lắng nhất là gì?”. GS Ngô Bảo Châu trả lời: ”Toán học thì khó nhất chính là làm được lâu, tức giữ được sự đam mê lâu”. Hi vọng sự đam mê từ Giải Fields Ngô Bảo Châu sẽ lan sang nhiều thế hệ, nhiều lĩnh vực khoa học của Việt Nam chúng ta.

Khi được hỏi ấn tượng lớn nhất về con người Ngô Bảo Châu, GS Ngô Việt Trung nói: ”...Là lòng nhiệt huyết của anh đối với đất nước. Mỗi lần về nước anh đều thảo luận với chúng tôi làm thế nào để đẩy toán học Việt Nam đi lên. Với uy tín của mình, anh đã đi gặp các cấp lãnh đạo, kiến nghị một số biện pháp nhằm cải thiện tình hình đào tạo cán bộ trẻ cho toán học. Lần nào về anh cũng tham gia công tác giảng dạy ở Viện Toán, nói chuyện với sinh viên các trường đại học hay báo cáo kết quả nghiên cứu. Ngoài toán học, anh Châu còn quan tâm đến âm nhạc, văn học và nghệ thuật. Có thể nói anh là một con người toàn diện”.

Với bất cứ ai trong chúng ta, có thể nói rằng GS Ngô Bảo Châu là một con người gần gũi. Một bạn đọc thắc mắc về phép quy nạp trong logic và mong anh Châu, trong tư cách hòa thượng ở “Thích học toán”, “làm một bài về món cháo quy nạp cho bọn em xơi”, anh Ngô Bảo Châu đã trả lời thế này:

Logic bần đạo không rànhCháo chay quy nạp lại thành cháo khêXơi vào lại hóa cháo mêQuy đi nạp lại biết về nơi nao.

Cũng trong blog “Thích học toán”, anh mở hẳn mục “Tơ lòng” để gỡ rối cho những ai còn nhiều băn khoăn, mắc mứu, theo kiểu chị Thanh Tâm ngày xưa ở báo Phụ Nữ. Một bạn đọc là chị Sosana, có con ghét học toán, đã trình bày nhiều suy nghĩ trong việc học toán khó khăn, anh Châu đã trả lời rất dài và rất chu đáo.

Cuối hai bài trả lời, anh viết thế này: Ở bài 1- “Tôi nghĩ chị cũng đồng ý với tôi là cuộc sống có nhiều ngả, cho cả người ghét và người thích học toán”, còn sang bài 2- “Đây là ý kiến của tôi, có gì không phải xin chị đừng ngại dạy bảo”. Trích ra những dòng trên là muốn mời bạn đọc có gì cần, có gì muốn nên vào “Thích học toán”. Chỉ với một yêu cầu: nghiêm túc, không làm mất thời giờ của người khác.

5. Hôm đến thăm nhà, thăm gia đình GS Ngô Bảo Châu, tôi ra về bằng xe ôm. Cậu xe ôm nói: ”Ối giời ơi, mấy hôm nay quay phim chụp ảnh ghê lắm. Cả ông to lắm cũng đến. Nghe nói ông này giỏi toán lắm hả chú?”.”Ừ, ông ấy hiện nay thuộc loại giỏi toán nhất thế giới”. “Thế thì phải giàu ghê gớm chú nhỉ”. Bạn xe ôm ơi, người làm toán chỉ cần không thiếu thốn và ông giỏi toán này chỉ mong ước một cuộc sống trung lưu bình thường. Ông vẫn tiết chế, không dùng cái gì mà ông cho là không cần. Bởi với ông, toán học mới là chúa tể. Hiện kim của Giải Fields năm nay là 15.000 đôla Canada, nhưng ông giỏi toán đang lập ra một cái quỹ để phát triển toán học ở Việt Nam đấy.

___________________

Khi vinh quang, chúng ta không được phép quên quá khứ...

Kỳ tới: Nhớ người viện trưởng đầu tiên

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Xem phỏng vấn Giáo sư G.Laumon - thầy cũ của giáo sư Ngô Bảo ChâuXem phỏng vấn Giáo sư Martin Groetschel - Tổng thư ký Liên đoàn Toán học thế giới3 nhà khoa học cùng đoạt giải Fields 2010Không chỉ là giải thưởng riêng cho Ngô Bảo ChâuXem phỏng vấn độc quyền của Tuổi Trẻ với GS Ngô Bảo ChâuXem phóng sự đặc biệt của Tuổi Trẻ về cuộc đời khoa học của GS Ngô Bảo ChâuChân dung Ngô Bảo Châu thời “nhất quỷ nhì ma”

TSKH VŨ CÔNG LẬP
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên