Để ghi nhận sự kiện trọng đại này, Tuổi Trẻ đã cử hai PV đến Hyderabad và nhận được sự cộng tác của các giáo sư Ngô Việt Trung, Lê Tuấn Hoa, Hoàng Văn Phú (Viện Toán học), Nguyễn Văn Liễn (Viện Vật lý) cùng TSKH Vũ Công Lập.
Phóng to |
Ngô Bảo Châu khi còn là học sinh lớp A0 (cách gọi vui vẻ lớp chuyên toán) cách đây hơn 20 năm - Ảnh: tư liệu - Nguyễn Á |
Gần đây chúng ta nghe và nói nhiều đến giải Fields, được mệnh danh là Nobel toán học. Dần dần Fields cũng trở nên quen thuộc. Fields quen thuộc là nhờ có giáo sư Ngô Bảo Châu, một nhà toán học trẻ Việt Nam trở thành “một người dẫn đầu trên đỉnh cao của nền toán học thế giới”, như người thầy của anh, giáo sư G. Laumon (Pháp) đã nhận định.
Phóng to |
Giáo sư Ngô Bảo Châu tại Đại học Chicago (Mỹ) năm 2001 - Ảnh tư liệu |
Kỳ 1: Những người bạn lớn của toán học VN
Ước mơ Fields từ Grothendieck
Ngày đi học ở Trường đại học Tổng hợp, lứa chúng tôi vốn có lòng kính phục sâu nặng đối với các thầy dạy toán. Lúc đó thầy Lê Văn Thiêm là hiệu phó, thầy Hoàng Tụy là chủ nhiệm khoa toán, còn các thầy Hoàng Hữu Đường, Nguyễn Bác Văn, Nguyễn Thừa Hợp, Phan Đức Chính... đứng đầu các bộ môn khác nhau.
Ngày ấy chưa phong giáo sư, nhưng bao giờ cánh học trò chúng tôi cũng bàn tán rôm rả về các thầy với lòng thán phục về tài năng, và biết bao câu chuyện mang màu sắc huyền thoại. Ngay cả sinh viên các khoa khác, đặc biệt là khoa lý, cũng hướng về những huyền thoại toán học ấy.
Với sự giúp đỡ của tiến sĩ khoa học Vũ Công Lập, các giáo sư Ngô Việt Trung, Lê Tuấn Hoa, Hoàng Văn Phú (Viện Toán học) và Nguyễn Văn Liễn (Viện Vật lý) sẽ đồng hành cùng Tuổi Trẻ trong việc tuyên truyền về sự kiện Ngô Bảo Châu với giải Fields. |
Còn nhớ ngày bộ trưởng Tạ Quang Bửu đưa giáo sư Grothendieck lên thăm Trường Tổng hợp, cỡ năm 1965-1966, khi trường sơ tán ở vùng Đại Từ, Thái Nguyên. Sinh viên đứng chen nhau bên những hàng tre, ngóng nhìn từ xa dáng hình và bước chân của những nhà khoa học lớn.
Sau này mới biết “vào những năm 1958-1970, phòng làm việc của Grothendieck là trung tâm của thế giới toán học” (lời của L. Lafforgue, Giải Fields năm 2002, cùng là học trò của G.Laumon như Ngô Bảo Châu). Chứ còn ngày bom đạn ấy, chỉ mới nghe rằng ông giáo sư người Pháp này giỏi lắm, vĩ đại lắm, nhưng ông vẫn vui vẻ ở trong một gia đình nông dân bình thường, dùng nước giếng và giặt quần áo phơi lên sào tre.
Từ ngày đó, với những người đặc biệt như cố giáo sư Tạ Quang Bửu đã có ước mơ về giải Fields trong tương lai cho VN...
Với người đi học, toán học là một bộ môn đặc biệt dù thoạt đầu có vẻ chỉ là một môn như nhiều môn khác. Vì môn toán đặc biệt nên người làm toán cũng khác thường. Và cũng thật lạ, có hẳn một Liên đoàn Toán học thế giới (IMU - International Mathematical Union) để người làm toán có một không gian riêng cho công việc và những trao đổi của họ. Bạn thử nghĩ mà xem làm gì có Liên đoàn vật lý (hay hóa học) thế giới?
Cứ mỗi bốn năm một lần, IMU lại tổ chức đại hội toán học thế giới (ICM - International Congress of Mathematicians), để trong phiên khai mạc đại hội, giải thưởng Fields sẽ được trao tặng. Vào sáng mai, 19-8-2010, phiên khai mạc sẽ diễn ra từ 9g30-12g30 (giờ Ấn Độ), nghĩa là từ 11g-14g (giờ Việt Nam).
Ở thời điểm ấy, chúng ta hãy mở tivi (VTV) để xem GS Ngô Bảo Châu, nhà toán học Việt Nam 38 tuổi, bước lên diễn đàn trang trọng nhất ở Hyderabad.
Chúng ta có thể biết gì về anh? Giáo sư Lê Tuấn Hoa - chủ tịch Hội Toán học Việt Nam, một trong 65 thành viên của IMU - tâm sự: ”Về hiện tượng Ngô Bảo Châu, chúng ta chỉ có thể có một tiệm cận nào đó mà thôi”.
Những người thầy đầu tiên
Bây giờ, có lẽ ít ai biết đến lịch sử của ký hiệu A0. Đấy là thời sơ tán chống Mỹ. Bảo mật là một nguyên tắc chủ yếu. Nếu bạn đi tìm người thân ở nơi sơ tán, bạn sẽ phải khóc mà bỏ về. Hỏi tên: không biết. Hỏi lớp: không biết. Hỏi quê: không biết...
Người ta không gọi sinh viên các ngành là toán, lý hay sinh... Các lớp toán chuyển thành A1, A2, A3, A4 (theo thứ tự từ năm thứ nhất đến năm 4). Các lớp lý tương tự: B1, B2, B3, B4... Còn hóa là C, sinh là D... Khi lớp toán năng khiếu xuất hiện, gọi là toán đặc biệt, đặt là A0.
Những năm gian khó ấy ngành toán Việt Nam đã đón tiếp Laurant Schwartz, Alexander Grothendieck, ít năm sau là Friedrich Phạm, Lê Dũng Tráng, những nhà toán học Việt Nam ở nước ngoài đã đóng góp nhiều công sức cho toán học Việt Nam.
Và cũng thật đáng ngạc nhiên và khâm phục, dưới những mái nhà tranh sơ sài, bên ngọn đèn dầu leo lét, một thế hệ mới các nhà toán học Việt Nam đã hình thành.
Gần như cùng lúc đó, các trường sư phạm cũng mở các lớp chuyên toán, ở cả Hà Nội lẫn thành phố Vinh, tạo ra một không khí học tập thật sôi nổi. Không thể nhớ và kể hết, nhưng trong lứa này có GS Đào Trọng Thi, GS Lê Tuấn Hoa... Ngày ấy thầy Phan Đức Chính, vừa tốt nghiệp phó tiến sĩ ở Liên Xô trở về, được cử sang chuyên phụ trách lớp A0.
Đây lại thêm một bằng chứng cho tầm nhìn chiến lược của giáo sư Tạ Quang Bửu.
Với năng lực nổi trội, việc Ngô Bảo Châu vào A0 (sau này dù đã hòa bình, mọi người vẫn gọi lớp chuyên toán là A0) là một điều gần như đương nhiên.
Điều đáng lưu ý là hầu như anh đồng thời hưởng thụ hai quá trình đào tạo song hành, hiệu quả. Một, là quá trình diễn ra trong nhà trường, trên bục giảng, như với bất cứ một học sinh nào khác. Và phải khẳng định đây là những giáo trình tốt, những thầy giáo giỏi. Và hai, là quá trình học thêm theo một hướng khác, có ý nghĩa bổ sung, phát triển, khiến Ngô Bảo Châu trở thành khác biệt.
Giáo sư Lê Tuấn Hoa kể lại: “Chính anh Ngô Huy Cẩn - bố của Ngô Bảo Châu - lo việc tìm thầy cho con và cũng bàn với thầy về cách dạy”. Bản thân là một nhà khoa học, ông biết cách nuôi dưỡng ước mơ cho con và giúp con thực hiện ước mơ.
Thầy dạy thêm cho Châu ngay từ hồi cấp II là một cán bộ khoa học trẻ, cùng công tác tại Viện Cơ với GS Ngô Huy Cẩn là anh Phạm Ngọc Hùng. Sau anh Hùng đi làm nghiên cứu sinh ở Liên Xô thì bạn anh Hùng là anh Lê Tuấn Hoa, cũng mới tốt nghiệp ngành tổng hợp toán ở Nga trở về. Sau anh Hoa đến anh Vũ Đình Hòa, tốt nghiệp toán đại học và sau đại học tại Đức.
Anh Hoa và anh Hòa đều là lứa học sinh chuẩn bị tham gia giải toán Olympic thế giới đầu tiên, vào năm 1974, nghĩa là ngay từ khi nước nhà còn trong cảnh thiếu thốn của chiến tranh.
Các thầy dạy thêm cho Châu đều là những cán bộ rất trẻ. Chưa ai có vợ, thậm chí còn chưa có cả người yêu. Họ dành tất cả thời gian và tâm huyết cho học trò. Chính bản thân họ cũng đang ở đoạn đầu trên bước đường chinh phục đỉnh cao và mang trong người cái hơi hướng của toán học hiện đại.
Trong họ đã có sẵn sự chín muồi của kỹ năng, nhưng quan trọng hơn cả là họ mang đến cho học trò mình những nhận thức đầu tiên về phương pháp, không chỉ biết cặm cụi trên những trang sách trước mắt, mà biết ngẩng lên để nhìn xa hơn về phía chân trời.
Ngày ấy, tình thầy trò mà như anh em, chuyện học hành cũng chẳng cách xa một cuộc chơi là mấy. Bây giờ, Lê Tuấn Hoa nhớ lại: ”Anh Cẩn, chị Hiền lo lắng cho chúng tôi cũng nhiều lắm. Và thường thì áy náy không biết trả công cho thầy như thế nào. Chúng tôi cũng hay đùa: Dạy cho em là có dịp ăn một bữa cơm no và ngon, thế là quý lắm rồi”.
Có lẽ đây là một cách quan trọng để Ngô Bảo Châu có thể nối bước từ hai huy chương vàng Olympic (1988-1989) đến những đỉnh cao toán học thật sự. Những đỉnh non cao vời vợi.
__________
Ngô Bảo Châu có nét mặt giống mẹ nhưng có dáng người giống cha - GS TSKH Ngô Huy Cẩn, một trong những nhà cơ học hàng đầu của Việt Nam.
Kỳ tới: Đôi cảnh gia đình
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận