08/11/2013 07:01 GMT+7

Phòng chống tham nhũng: Nói nhiều rồi, làm đi thôi!

LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG
LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG

TT - Nghị trường Quốc hội ngày 7-11 “nóng” lên với nhiều phát biểu bày tỏ sự sốt ruột, bức xúc của đại biểu Quốc hội về công tác phòng chống tội phạm và công tác của các cơ quan tư pháp.

Q4kOf4hh.jpgPhóng to
Đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) - Ảnh: V.Dũng

“Ai đã xem vụ của ông Nguyễn Thanh Chấn đều rơi nước mắt. Đây không phải là vụ án oan duy nhất, mà trước đó có nhiều vụ án oan và người bị oan bị tuyên phạt tới mức chung thân hoặc tử hình như vụ Trần Văn Chiến ở Tiền Giang, Nguyễn Minh Hùng ở Tây Ninh...” - đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) phát biểu.

“Minh oan cho ông Chấn không phải là dũng cảm”

Tuy đánh giá rất cao trách nhiệm của viện trưởng Viện KSND tối cao trong việc kháng nghị tái thẩm vụ án của ông Chấn nhưng ông Cường “không đồng ý với ý kiến cho rằng đây là một hành động rất dũng cảm”, bởi đây là trách nhiệm đương nhiên phải làm. Nếu nói rằng oan sai mà phải dũng cảm mới giải quyết được thì dân sẽ không thấy thuyết phục. Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đề nghị qua vụ việc này cần nghiêm túc rút ra bài học kinh nghiệm. Phải điều tra làm rõ nguyên nhân dẫn đến oan sai, xác định trách nhiệm và xử lý nghiêm các tập thể, cá nhân thuộc cơ quan tiến hành tố tụng đã điều tra, truy tố, xét xử oan. “Có bức cung hay không và bức cung trong vụ án này có phải chỉ là trường hợp cá biệt? Vai trò tranh tụng tại tòa án như thế nào, bên buộc tội và bên gỡ tội có bình đẳng không, tòa có thật sự căn cứ vào quá trình tranh tụng để tuyên án không? Từ vụ án này cần phải có những hành động cụ thể để giảm tới mức thấp nhất những oan sai” - ông Cường nói. Phát biểu trước đó, đại biểu Lê Bá Thuyền (Lâm Đồng) cho rằng việc viện trưởng Viện KSND tối cao kháng nghị tái thẩm vụ án của ông Chấn là hành động dũng cảm. “Tôi tin rằng với việc làm trên thì nhân dân càng thêm tin yêu và quý các đồng chí nhiều hơn. Bởi vì chúng ta làm sai, dám dũng cảm nhận sai” - ông Thuyền nói.

nLJ6orJz.jpgPhóng to
Đại biểu Nguyễn Mạnh Cường (Quảng Bình) - Ảnh: V.Dũng

Có giải pháp rồi, làm đi thôi

“Có vị đại biểu tâm sự mỗi lần ra họp Quốc hội là lãnh đạo địa phương căn dặn rất kỹ lưỡng: Muốn phát biểu gì cũng được, trừ phát biểu về tham nhũng, vì nếu phát biểu khi còn cơ chế xin cho thì mình xin ai cho. Càng không phát biểu tham nhũng ở địa phương vì dại gì mà vạch áo cho người xem lưng. Thế là tiếng nói chống tham nhũng có nguy cơ bị triệt tiêu ngay trên diễn đàn Quốc hội” - đại biểu Lê Như Tiến (Quảng Trị) nói.

Trao đổi thêm với Tuổi Trẻ về chuyện đại biểu Quốc hội được dặn không nên nói chuyện tham nhũng, ông Lê Như Tiến kể: “Có nhiều đại biểu Quốc hội ở các địa phương trong lúc giải lao hay trò chuyện thân mật với nhau thì lên án tham nhũng rất mạnh mẽ, đồng thời đưa ra nhiều ví dụ, dẫn chứng cụ thể về tham nhũng ở địa phương mình nhưng chẳng bao giờ thấy phát biểu điều đó trong thảo luận tổ hay trên hội trường Quốc hội. Tôi mới hỏi là: “Em có nhiều thông tin như thế, lại phẫn nộ với tham nhũng thế, sao em không phát biểu tại hội trường để góp thêm tiếng nói chống tham nhũng?”. Vị đại biểu đó trả lời rằng: “Các anh là đại biểu trung ương thì nói dễ. Chứ bọn em ở địa phương không dám nói đâu, mà nói thì nhiều khi phiền lắm vì trước khi đi họp lãnh đạo tỉnh đã căn dặn rất kỹ, bảo nói gì thì nói nhưng không được nói chuyện tham nhũng. Vì nếu nói chống tham nhũng nhưng khi còn cơ chế xin - cho thì mình xin ai cho, càng không nên phát biểu chuyện tham nhũng ở địa phương vì như thế là vạch áo cho người xem lưng”.

Nhìn ở góc độ khác, đại biểu Nguyễn Văn Hiến (Bà Rịa - Vũng Tàu) bày tỏ: “Sự can thiệp của những người có chức quyền của cấp trên đối với cấp dưới khi có vi phạm, tội phạm xảy ra là tương đối phổ biến, làm lệch lạc hoạt động của các cơ quan nhà nước, của người thi hành công vụ, làm cho các cơ quan tư pháp không độc lập. Nhất là khi xử lý những vi phạm, tội phạm trong lĩnh vực kinh tế, chức vụ”.

“Trước tình trạng tham nhũng như vậy, không chỉ trong nhân dân mà trong một bộ phận cán bộ đảng viên cũng đang mất niềm tin, mà mất niềm tin là mất tất. Phải làm sao tạo niềm tin cho lớp trẻ, cho nhân dân trong công tác đấu tranh phòng chống tham nhũng” - đại biểu Nguyễn Bắc Việt (Ninh Thuận) day dứt. Đại biểu Nguyễn Đình Quyền (Hà Nội) cho rằng đối với cuộc đấu tranh phòng chống tham nhũng thì đã nói quá nhiều rồi, có nhiều giải pháp rồi và bộ máy cũng đã được củng cố rồi, bây giờ chỉ là làm đi thôi.

Thi hành án tử hình đang rắc rối

Nhiều đại biểu Quốc hội đã bày tỏ sự bức xúc trước tình trạng hàng trăm tử tù đang phải chờ thi hành án, bởi luật quy định hình thức tiêm thuốc độc nhưng việc thực hiện lại đang rắc rối. Đại biểu Huỳnh Nghĩa (Đà Nẵng) bày tỏ: “Hiện nay cả nước có 684 người bị kết án tử hình nhưng mới thi hành xong hai người, có chín người viết đơn tự nguyện xin thi hành án nhưng chưa giải quyết. Đây là vấn đề cần đặc biệt quan tâm vì qua tiếp xúc với cử tri, nhiều người dân đặt câu hỏi về tính nghiêm minh của Luật thi hành án hình sự đã có hiệu lực từ ngày 1-7-2011. Tại sao lại để tình trạng này kéo dài như vậy, trách nhiệm thuộc về ai?”.

Phát biểu trước Quốc hội, Bộ trưởng Bộ Công an Trần Đại Quang đề nghị Quốc hội có nghị quyết cho kéo dài hình thức thi hành án bằng xử bắn đến hết năm 2015 song song với hình thức tiêm thuốc độc.

Ông TRẦN ĐẠI QUANG (bộ trưởng Bộ Công an):

Án oan, sai đã giảm đáng kể

Về công tác đấu tranh chống tội phạm về kinh tế, chức vụ, tham nhũng, tôi chia sẻ với phát biểu của các vị đại biểu Quốc hội và ý kiến của cử tri. Mặc dù đã có nhiều cố gắng nhưng kết quả phát hiện, điều tra, xử lý còn chưa tương xứng với thực trạng, tình hình. Việc thu hồi tài sản bị chiếm đoạt còn ít. Tiến độ điều tra, xử lý một số vụ án tham nhũng đặc biệt nghiêm trọng, có một số vụ còn chậm. Trong công tác đấu tranh phòng chống tội phạm, chúng tôi xác định mục tiêu hàng đầu là không để xảy ra oan, sai và không để lọt tội phạm. Chúng tôi đã tập trung chấn chỉnh, khắc phục hạn chế, thiếu sót trong công tác điều tra, qua đó án oan, sai đã giảm đáng kể.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Tham nhũng chưa bị sát thương!Đổi mới là mệnh lệnh của thời đạiKiên quyết trảm tham nhũngTham nhũng gây thiệt hại lớn, gây bất bình trong xã hộiTăng hình phạt với người xử lý quá nhẹ hành vi tham nhũngKê khai tài sản còn hình thứcNgười tù chung thân được trả tự doChờ minh oan sau 10 năm lãnh án chung thân

LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên