04/11/2013 09:10 GMT+7

Đổi mới là mệnh lệnh của thời đại

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
TS NGUYỄN SĨ DŨNG

TT - “Tại kỳ họp lần này, Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua việc sửa đổi Hiến pháp, đây là cơ hội lịch sử để chúng ta thiết kế nền quản trị quốc gia đáp ứng được yêu cầu của thời đại, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển”.

jmtU3dkb.jpgPhóng to
TS Nguyễn Sĩ Dũng (phó chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) nói trong cuộc trò chuyện với Tuổi Trẻ.

* “Nếu không đổi mới, chắc chắn VN sẽ khó khăn, tôi nghĩ Quốc hội cũng cảm nhận được điều này”. Bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư Bùi Quang Vinh đã phát biểu như vậy tại Quốc hội. Cá nhân ông cảm nhận ra sao?

"Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Sống theo cách cũ, vì vậy sẽ không có tương lai"

- Cá nhân tôi cảm nhận là Bộ trưởng Bùi Quang Vinh đã nói rất thẳng thắn và rất đúng đắn. Chúng ta đang sống trong một thế giới đã thay đổi. Sống theo cách cũ, vì vậy sẽ không có tương lai. Điều đáng lưu ý là không chỉ thế giới đã rất khác, mà những người dân cũng đã rất khác. Tôi có cảm giác là hàng chục triệu người dân đã hội nhập với thế giới hiện đại nhanh chóng và hiệu quả hơn so với nhiều thiết chế đang vận hành nền quản trị quốc gia của chúng ta.

Sự khó khăn mà Bộ trưởng Vinh phát biểu tại Quốc hội có thể đến không chỉ từ việc phải cạnh tranh toàn diện với các quốc gia khác, mà còn từ những mong đợi và những đòi hỏi lớn hơn của những người dân đã hiểu biết và trưởng thành vượt bậc.

* Vậy thì đổi mới tiếp theo nên bắt đầu từ đâu, theo ông?

- Mọi chuyện đều nên bắt đầu từ chính cái đầu của chúng ta. Không có sự cầm tù nào thê thảm và tàn hại bằng sự cầm tù tư duy của con người. Đổi mới tư duy chính vì vậy phải là bước đầu tiên, cũng là bước tiếp theo cho mọi sự đổi mới mà chúng ta tiến hành. Đây rõ ràng không phải là điều gì quá mới mẻ. Điều này đã được Đảng ta nói tới hàng chục năm nay. Vấn đề là thiếu những kiến thức mới, những khái niệm mới..., thật khó lòng đổi mới được tư duy. Quả thật, làm sao có thể đổi mới tư duy bằng cách xào nấu lại các giáo điều xưa cũ?!

Khi đã có tư duy mới, cái cần phải đổi mới trước tiên có lẽ là nền quản trị quốc gia. Thế giới đã chứng minh rằng không phải tài nguyên, vị trí địa lý hay thời tiết mà thể chế do con người xây dựng là nguyên nhân căn bản của sự thành công hay thất bại về kinh tế, cũng như về phát triển nói chung. Nhân đây, câu chuyện thành công của đội bóng U-19 gợi cho chúng ta điều gì? Phải chăng là nếu tổ chức được mô hình theo chuẩn quốc tế thì “thấp bé nhẹ cân” như các cầu thủ VN vẫn có hi vọng, và ngược lại?

Tại kỳ họp lần này, Quốc hội tiếp tục thảo luận, xem xét thông qua việc sửa đổi Hiến pháp, đây là cơ hội lịch sử để chúng ta thiết kế nền quản trị quốc gia đáp ứng được yêu cầu của thời đại, tạo ra xung lực mới cho sự phát triển.

* Ông hình dung nền quản trị quốc gia “đáp ứng được yêu cầu thời đại” như thế nào?

- Tôi hình dung nền quản trị quốc gia hiện đại phải đáp ứng mấy yêu cầu sau: 1- Bảo đảm pháp quyền. 2- Bảo đảm trách nhiệm giải trình. 3- Bảo đảm sự minh bạch. 4- Bảo đảm sự tham gia và sự dự phần của mọi người dân. Tất nhiên, những điều nói trên hoàn toàn không phải là sáng kiến của cá nhân tôi. Đó là sự tổng kết của Liên Hiệp Quốc từ kinh nghiệm của nhiều quốc gia trên thế giới.

Như vậy, đòi hỏi đầu tiên đối với việc đổi mới nền quản trị quốc gia là phải xác lập cho bằng được pháp quyền (cách mà chúng ta hay gọi hơn là xây dựng nhà nước pháp quyền). Đây là một vấn đề mang tính kỹ trị. Ý chí chính trị phải kết hợp với kiến thức và sự hiểu biết mới giúp chúng ta xây dựng được pháp quyền.

* Ông có đề xuất mô hình cụ thể nào không?

- Khoảng một vài tuần trước khi cố thủ tướng Võ Văn Kiệt qua đời, bác Kiệt có gọi tôi lên trò chuyện, và tôi đã trình bày một số suy nghĩ của mình. Lúc bấy giờ tôi có nói rằng cần phải hết sức tránh việc hình thành hai nhà nước trong một đất nước. Chúng ta có thể nghiên cứu nhất thể hóa sâu rộng hơn, tương tự như Singapore chẳng hạn, để Đảng lãnh đạo thật sự “hóa thân” vào Nhà nước. Làm được điều này, chúng ta không chỉ tránh được rủi ro của những xung đột không đáng có giữa Đảng và Nhà nước, mà còn xác lập được chế độ trách nhiệm giải trình hữu hiệu, bảo đảm được quy trình ban hành quyết định minh bạch, rõ ràng và đỡ tốn kém thời gian, công sức hơn. Tôi cho rằng hiện nay đây là nhiệm vụ đầu tiên và quan trọng nhất để đổi mới nền quản trị quốc gia của chúng ta.

Thật ra, nhất thể hóa cũng là chủ trương đã được Đảng ta đề ra, chứ không phải là điều gì mới mẻ cả. Tuy nhiên, đây là một vấn đề rất lớn. Nhiều khía cạnh của vấn đề lại không thể chỉ giải quyết bằng mỗi một việc là sửa đổi Hiến pháp. Tất nhiên, có những vấn đề cơ bản khác nếu không được thiết kế trong Hiến pháp thì rất khó mở đường cho việc đổi mới tiếp theo nền quản trị quốc gia.

* Văn kiện Đại hội XI có nói đến việc “tạo môi trường dân chủ thảo luận, tranh luận khoa học, khuyến khích tìm tòi, sáng tạo, phát huy trí tuệ của cá nhân và tập thể trong nghiên cứu lý luận”. Vấn đề nêu trên chạm đến những lý luận rất lớn và sẽ có nhiều ý kiến khác nhau, ông nghĩ tính khả thi đề xuất của mình đến đâu?

- Người Anh có câu ngạn ngữ: “Bạn không bao giờ biết bạn có thể làm được điều gì, trước khi bạn thử làm điều đó”. Tôi nghĩ rằng người Anh không phải là không có lý.

0aEijuuI.jpgPhóng to
Bộ trưởng BÙI QUANG VINH - Ảnh: V.DŨNG
“Năm 2016-2020 nếu VN không đổi mới chắc chắn VN sẽ khó khăn, tôi nghĩ Quốc hội cũng cảm nhận được điều này... Tôi tin tưởng đất nước VN sẽ phát triển với những con người thông minh và có học hành, chắc chắn VN sẽ không thua kém các nước như Hàn Quốc và Nhật.

Tất nhiên ở nhiều góc độ nhìn khác nhau thì chúng ta thấy vấn đề khác nhau. Nhưng có thể nói trên bình diện thống kê, phân tích chi tiết thì chúng tôi thấy ta đang có bước phục hồi mặc dù phục hồi còn ít và chưa thật sự bền vững. Đó là những tín hiệu tốt, chúng tôi nghĩ rằng lúc này niềm tin là điều quan trọng và chúng ta cần phải xây dựng niềm tin để chúng ta vươn tới”.

Quốc hội thảo luận về Hiến pháp và Luật đất đai

Trong tuần làm việc thứ ba của kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XIII, Quốc hội dành hai ngày để thảo luận tại hội trường về dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 (ngày 5-11), về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật đất đai sửa đổi (6-11). Hai nội dung này được truyền hình và phát thanh trực tiếp.

Chương trình nghị sự của Quốc hội trong tuần còn gồm các nội dung quan trọng khác như thảo luận về dự thảo Luật thực hành tiết kiệm, chống lãng phí (sửa đổi); công tác phòng ngừa, chống vi phạm pháp luật và tội phạm; công tác phòng chống tham nhũng năm 2013; việc thực hiện chính sách, pháp luật về bảo hiểm y tế giai đoạn 2009-2012; việc sửa đổi, bổ sung nghị quyết số 38/2004/QH11 ngày 3-12-2004 của Quốc hội về chủ trương đầu tư xây dựng đường Hồ Chí Minh.

Trong tuần, Quốc hội cũng sẽ nghe một số tờ trình về dự án Luật xây dựng (sửa đổi); dự án Luật bảo vệ môi trường (sửa đổi); dự án Luật hôn nhân và gia đình (sửa đổi); dự án Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật bảo hiểm y tế.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Không nên thu hồi đất để làm dự án kinh tếĐề nghị bội chi ngân sách 5,3% GDP“Dự thảo chưa vang vọng như lời hiệu triệu”Cần tiếp thu góp ý của nhân dânCần có cơ chế giám sát sự lãnh đạo của ĐảngNâng cao năng lực Quốc hộiKhông thành lập Hội đồng Hiến phápKê khai tài sản còn hình thức

TS NGUYỄN SĨ DŨNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên