Phóng to |
Ông Nguyễn Ngọc Trân - Ảnh: M.Đức |
Báo cáo chính trị tại Đại hội Đảng lần thứ XI nêu lên sự cần thiết “đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; nâng cao chất lượng đại biểu Quốc hội, có cơ chế để đại biểu Quốc hội gắn bó chặt chẽ và có trách nhiệm với cử tri; cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội”.
Lãng phí chất xám
Quốc hội, các cơ quan của Quốc hội có mạnh hay không tùy thuộc vào chất lượng và kinh nghiệm hoạt động nghị trường của đại biểu.
Tuy có nhiều tiến bộ nhưng khách quan mà nói, năng lực của Quốc hội chưa tương xứng với chức năng và nhiệm vụ. Đại biểu Quốc hội luôn ở tình trạng “học việc” bởi lẽ sau mỗi nhiệm kỳ, theo cơ cấu khoảng hai phần ba số đại biểu được thay mới. Mặt khác, các đại biểu chuyên trách chịu sự quy định về tuổi hưu của công chức. Tình trạng lãng phí chất xám của Quốc hội do vậy là rất lớn.
Mấy năm gần đây, mỗi đại biểu Quốc hội được trang bị máy tính xách tay. Điều này cần trong thời buổi công nghệ thông tin. Từ năm 2013, hằng năm các đại biểu được chi một số tiền để hỗ trợ công tác. Những khoản chi từ ngân sách nhà nước này nhằm nâng cao chất lượng công tác của đại biểu. Nhưng máy tính chỉ là công cụ hỗ trợ, còn số tiền hỗ trợ không chắc đã “mua” được kỹ năng và kinh nghiệm hoạt động nghị trường. Liệu mục tiêu có đạt được hay không hay “tiền mất mà tật vẫn mang”?
Có ý kiến cho rằng giải pháp cho bài toán chất lượng là tăng số lượng đại biểu chuyên trách. Trước tiên, chuyên trách không có nghĩa là chuyên nghiệp. Thứ đến, sự bấp bênh của sự nghiệp hoạt động nghị trường chuyên trách hiện nay, làm khóa nào biết khóa đó, không biết khóa tới có còn được cơ cấu hay không, nếu được cơ cấu cũng chưa chắc trúng cử, cộng với tính công chức không tạo ra sự hết mình trong công tác nghị viện, đặc biệt trong phát biểu, giám sát và chất vấn tại nghị trường. Khó mà chuyên nghiệp được trong những điều kiện như vậy!
Bên cạnh đó, tổng số đại biểu Quốc hội đã được quy định, tăng số đại biểu chuyên trách đồng nghĩa với giảm số đại biểu dân cử ở các địa phương. Quốc hội sẽ giảm tính cơ quan dân cử và nặng thêm tính công chức hành chính.
Có ý kiến cho rằng phải tăng cường bộ máy giúp việc cho Quốc hội và các cơ quan của Quốc hội. Điều này là cần. Nhưng Quốc hội và đại biểu Quốc hội không thể hoàn thành nhiệm vụ được giao với các tài liệu mà bộ máy giúp việc soạn thảo không có phần đóng góp bằng năng lực của chính mình.
Giải pháp là gì? Ngoài nỗ lực của mỗi đại biểu dân cử, cái tâm và cái tầm của mỗi người, vì công tác cán bộ thuộc thẩm quyền không chia sẻ, giải pháp bắt nguồn từ chính sách cán bộ và ở các cơ chế, chính sách có nhất quán và tương ứng với yêu cầu đề ra là “bảo đảm Quốc hội thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân; cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội” hay không.
Nguy cơ hạ thấp vai trò của Quốc hội
Trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp và trên thực tế, từ đầu nhiệm kỳ khóa XIII, xu hướng rất rõ là tăng cường Ủy ban Thường vụ Quốc hội, từ chỗ là một cơ quan thường trực của Quốc hội điều hành công việc giữa hai kỳ họp Quốc hội, trở thành cơ quan chủ chốt của Quốc hội, có nhiều quyền hạn hơn, lãnh đạo Hội đồng Dân tộc và các ủy ban thường trực của Quốc hội, mà trên nguyên tắc, cũng như Ủy ban Thường vụ, đều là cơ quan do Quốc hội bầu lên.
Xu hướng này có nguy cơ sẽ dẫn đến chỗ Quốc hội trở thành hình thức, danh nghĩa (giống như ở một vài nước) và Ủy ban Thường vụ là định chế quyết định và quyền lực trên thực tế với danh nghĩa Quốc hội.
Xu hướng này sẽ hạ thấp vai trò của Quốc hội, của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban thường trực. Các cơ quan này sẽ không còn tính dân cử. Theo dự kiến, ngoại trừ người đứng dầu (theo dự kiến vẫn sẽ là ủy viên Ủy ban Thường vụ Quốc hội), cấp phó sẽ không được bầu mà do bổ nhiệm, y như trong bộ máy hành chính.
E rằng với cách cấu tạo Quốc hội hiện hành và cách thiết kế Ủy ban Thường vụ Quốc hội trên đây, dự thảo Hiến pháp liên quan đến Quốc hội đang đi ngược lại yêu cầu “cải tiến, nâng cao chất lượng hoạt động của Hội đồng Dân tộc và các ủy ban của Quốc hội, chất lượng hoạt động của đại biểu Quốc hội và đoàn đại biểu Quốc hội”, và “đổi mới tổ chức và hoạt động của Quốc hội, bảo đảm Quốc hội thật sự là cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân” mà Đại hội XI đã nghị quyết.
Về phương thức lãnh đạo đối với bộ máy nhà nước
Có một thời kỳ mọi quyết sách, lãnh đạo bàn và quyết định, Chính phủ thực hiện. Có những vấn đề cần thì đưa ra Quốc hội thông qua. Thời kỳ này đất nước đang chiến đấu chống ngoại xâm.
Sau đó, có một giai đoạn mà phương thức lãnh đạo đối với bộ máy nhà nước manh nha sự chuyển đổi.
Phải chăng chiều hướng hiện nay là lãnh đạo bàn và quyết định, Quốc hội thông qua và Chính phủ, cơ quan chấp hành của Quốc hội, thực hiện?
Nhưng còn có phương thức lãnh đạo thảo luận, có ý kiến nhưng chưa vội quyết, để cho lập pháp, hành pháp và tư pháp thảo luận. Lãnh đạo lắng nghe, cân nhắc và quyết định cuối cùng. Có gì ngăn trở lựa chọn phương thức này?
Sự lãnh đạo vẫn được đảm bảo. Quyền lực nhà nước vẫn thống nhất. Khi Quốc hội, Chính phủ và các cơ quan tư pháp có năng lực, cái nhận được thêm là sự nhìn nhận vấn đề sẽ toàn diện và thấu đáo hơn, từ đó quyết định sẽ chính xác hơn vì lợi ích của nhân dân, của đất nước.
Tân phó thủ tướng nên có chương trình hành động Đó là ý kiến của ông Lê Như Tiến - phó chủ nhiệm Ủy ban Văn hóa, giáo dục, thanh niên, thiếu niên và nhi đồng - trong cuộc trao đổi với Tuổi Trẻ bên hành lang Quốc hội ngày 22-10. Ông Tiến nói: - Để chuẩn bị cho công tác nhân sự tại kỳ họp lần này, Thủ tướng Chính phủ trình Quốc hội việc miễn nhiệm Phó thủ tướng Chính phủ Nguyễn Thiện Nhân để tập trung cho cương vị chủ tịch Ủy ban Trung ương MTTQ Việt Nam, đồng thời đề nghị Quốc hội phê chuẩn hai phó thủ tướng mới là Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh và Bộ trưởng - Chủ nhiệm Văn phòng Chính phủ Vũ Đức Đam. Như vậy, ngoài vị trí thay thế Phó thủ tướng Nguyễn Thiện Nhân, Chính phủ xin Quốc hội cho tăng thêm một phó thủ tướng so với số lượng hiện nay. Theo tôi, việc này là cần thiết. Cụ thể, trong trường hợp Chính phủ ta dự kiến có thêm một phó thủ tướng phụ trách lĩnh vực đối ngoại, tôi nghĩ rằng chắc chắn Chính phủ căn cứ từ thực tế công việc, hơn nữa hiện nay chúng ta đang đẩy mạnh hội nhập để tranh thủ các nguồn lực, tranh thủ sự ủng hộ của quốc tế cho công cuộc phát triển đất nước. Ở nhiệm kỳ khóa trước, chúng ta cũng từng có phó thủ tướng kiêm bộ trưởng Bộ Ngoại giao. * Hai nhân sự phó thủ tướng mới mà Chính phủ đề nghị Quốc hội phê chuẩn đều là các gương mặt trẻ... - Yếu tố trẻ có lẽ là nét nổi bật có thể cảm nhận ngay về hai phương án nhân sự này. Chúng tôi cũng thấy mừng vì điều đó. Trong công tác cán bộ phải có nhiều lứa tuổi và nên có thế hệ cán bộ trẻ để đảm bảo sự kế thừa, sự xuất hiện các gương mặt trẻ là tốt. Hiện Đảng ta đang tiến hành quy hoạch cán bộ cấp chiến lược, tôi cho rằng cần có nhiều hơn nữa những gương mặt trẻ được đưa vào vị trí quan trọng trong các cơ quan của Đảng, Quốc hội và Chính phủ. Sao cho chúng ta có những phó thủ tướng, bộ trưởng chỉ trên dưới 40 tuổi. * Theo quy định, Quốc hội sẽ phê chuẩn các nhân sự do Thủ tướng đề nghị, nghĩa là ở đây không phải Quốc hội bầu, không có việc đề cử hay ứng cử, nhưng theo ông, các nhân sự này có cần trình bày với Quốc hội chương trình hành động hay không? - Không chỉ vị trí phó thủ tướng mà nói chung với các vị trí do Quốc hội bầu và phê chuẩn đều nên có chương trình hành động, để cho đại biểu Quốc hội khi bỏ phiếu bầu hoặc phê chuẩn có thêm cơ sở tự tin vào lá phiếu của mình. Chương trình hành động ở đây là việc các nhân sự lên phương án, giải pháp, kế hoạch để thực thi nhiệm vụ trong tương lai nếu được bổ nhiệm, đưa ra được giải pháp đột phá trong lĩnh vực thì càng tốt. |
------------------------------------
* Tin bài liên quan:
Bước phát triển của quốc hộiPhát huy hết vai trò của đại biểu Quốc hộiDự thảo sửa đổi Hiến Pháp: Chính phủ phải chấp hành Quốc hội
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận