23/10/2013 13:56 GMT+7

Cần có cơ chế giám sát sự lãnh đạo của Đảng

LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG
LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG

TTO - Sáng 23-10, các đại biểu Quốc hội đã thảo luận tổ về Dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992; Dự thảo Nghị quyết về việc thi hành Hiến pháp năm 1992 (sửa đổi năm 2013).

H4N387Bk.jpgPhóng to
Ông Ngô Văn Minh kiến nghị bổ sung để hoàn thành điều 4 Hiến pháp - Ảnh: Lê Kiên

Đại biểu Ngô Văn Minh (Quảng Nam) nói: “Thảo luận dự thảo Hiến pháp đến giờ này đã quá sâu và quá kỹ. Tuy vậy, tôi còn mấy điều băn khoăn, giá như giải trình kỹ hơn, tiếp thu tốt hơn thì sẽ mang tính thuyết phục cao, tạo sự đồng thuận lớn hơn. Ví dụ, điều 4 khẳng định sự lãnh đạo của Đảng là đúng đắn. Đại đa số nhân dân, cán bộ khi được lấy ý kiến cũng tán thành. Nhưng bên cạnh đó nhiều ý kiến đề nghị cần quy định cơ chế nào đó để nhân dân góp ý, xây dựng Đảng, nhưng ý này chưa được tiếp thu".

"Chúng ta khẳng định mọi tổ chức Đảng và đảng viên sống và làm việc trong khuôn khổ Hiến pháp và pháp luật, Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân về quyết định của mình thì đúng rồi. Nhưng nhiều người hỏi rằng Đảng chịu trách nhiệm trước nhân dân như thế nào. Tôi nghĩ nếu có quy định trong Hiến pháp để nhân dân góp ý với Đảng, nhằm xây dựng Đảng vững mạnh hơn thì đây là nguyện vọng rất chính đáng” - ông Minh nói.

Đại biểu Võ Thị Dung (TP.HCM) cùng quan điểm: “Tôi hoàn toàn thống nhất điều 4 về vai trò lãnh đạo của Đảng. Nhưng thiết nghĩ ban soạn thảo nên giải trình thêm về chuyện hiến định cách thức và sự lãnh đạo của Đảng. Cần giải trình rõ vì sao không hiến định cách thức để nhân dân giám sát sự lãnh đạo của Đảng. Đây là đòi hỏi chính đáng của người dân".

Theo đại biểu Dung, phần quy định về quyền hạn, nhiệm vụ của đại biểu Quốc hội cần phải điều chỉnh thêm. Nếu đại biểu Quốc hội chỉ theo dõi, đôn đốc việc giải quyết khiếu nại mà không có quyền giám sát thì không giải quyết được gì. Quyền hạn của Ủy ban Thường vụ Quốc hội quy định trong dự thảo cũng quá lớn. “Cái này đã nói nhiều lần rồi. Nếu giữ nguyên thì phải có giải trình hợp lý chứ không thể lẳng lặng ghi vào như thế” - bà Dung thẳng thắn.

Đại biểu Nguyễn Văn Phúc (Hà Tĩnh) đề nghị bổ sung vào điều 4 về mối quan hệ giữa Đảng lãnh đạo, Nhà nước quản lý và nhân dân làm chủ. Đảng lãnh đạo nhưng Đảng không nên làm thay, không nên chỉ đạo sâu quá vào công việc của Nhà nước.

Đại biểu Nguyễn Thị Quyết Tâm (TP.HCM) góp ý: "Hiến pháp cần quy định cụ thể hơn về quyền và nghĩa vụ học tập của công dân. Cần ghi rõ “Giáo dục bậc tiểu học là bắt buộc, không phải trả học phí”.

Đại biểu Đỗ Văn Đương (TP.HCM) đề nghị không quy định trong Hiến pháp về nguyên tắc tranh tụng công khai - cứ để như vậy mà thực tế không làm được thì trở thành vi hiến.

LÊ KIÊN - MAI HƯƠNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên