23/10/2013 16:57 GMT+7

Cần tiếp thu góp ý của nhân dân

HOÀNG ĐIỆP thực hiện
HOÀNG ĐIỆP thực hiện

TTO - "Tôi hy vọng Quốc hội sẽ ghi nhận những đóng góp của nhân dân đối với bản Dự thảo sửa đổi Hiến pháp" - luật sư Trương Trọng Nghĩa, đại biểu Quốc hội TP.HCM nói.

Nâng cao năng lực Quốc hội

oTcqBV2j.jpgPhóng to
Đại biểu Quốc hội Trương Trọng Nghĩa - Ảnh tư liệu

Bởi nếu những kiến nghị và đóng góp này không được tiếp thu thì đó là một lãng phí rất lớn đối với tinh hoa và trí tuệ của mọi tầng lớp nhân dân đã gửi gắm vào Quốc hội. Điều đó cũng thể hiện việc chúng ta đã bỏ lỡ một cơ hội để đẩy đất nước lên một tầm phát triển cao hơn, thông qua việc đổi mới về hệ thống chính trị đồng bộ với đổi mới về kinh tế đúng như Nghị quyết Đại hội 11 của Đảng đã đề ra.

Cái mà cử tri chờ đợi và cá nhân tôi mong muốn là chúng ta phải cầu thị. Dân trí luôn là nguồn và nền của quan trí. Ý kiến của nhân dân là trí tuệ, có tầm nhìn sâu sắc cũng như kinh nghiệm sống quý báu để đóng góp, xây dựng một bản hiến pháp sửa đổi đáp ứng được yêu cầu của cuộc sống.

Tôi cũng mong rằng, dù dự thảo tới đây sẽ như thế nào thì trước khi bấm nút thông qua, các đại biểu cũng phải tiếp tục dành tâm huyết của mình để tiếp tục xây dựng đóng góp. Đôi khi nó chỉ là vài ý, chỉ là câu chữ thôi nhưng trong Hiến pháp thì cực kỳ quan trọng. Đại biểu nên có trách nhiệm rốt ráo để đến khi bấm nút thông qua thì Hiến pháp ở mức đáp ứng càng cao kỳ vọng của nhân dân càng tốt. Bởi sửa đổi Hiến pháp là công việc lịch sử, đặt nền móng và nguyên tắc dài lâu cho đất nước phát triển, không thể cứ sai rồi lại sửa.

Theo tôi, nhân dân mong mỏi phải phát huy hơn nữa nhà nước pháp quyền và tinh thần thượng tôn pháp luật. Và nguyên tắc nhà nước pháp quyền và thượng tôn pháp luật này phải bao trùm và xuyên suốt phương thức hoạt động, phương thức lãnh đạo chủ yếu của đất nước, ngay cả sự lãnh đạo của Đảng cũng cần phải được thể chế hóa bằng luật pháp.

Nhà nước pháp quyền đòi hỏi tính thượng tôn pháp luật và tính nghiêm minh của pháp luật. Ví dụ, các phán quyết tại tòa phải được thực hiện đầy đủ trên thực tế. Hiện nay, tôi biết rằng rất nhiều cử tri bức xúc vì sự kém hiệu lực của hoạt động thi hành án dân sự và hành chính. Chính điều này làm giảm sút tính nghiêm minh của pháp luật.

Đồng thời, quyền tự do nhân dân phải được phát huy hơn, phải được đề cao hơn, phải được bảo vệ một cách chắc chắn hơn bởi Hiến pháp sửa đổi. Trong bản Dự thảo Hiến pháp sửa đổi có một số câu chữ bị sửa đi so với Hiến pháp năm 1992. Theo nhận định của tôi, việc sửa chữa này đã làm giảm bớt đi sự bảo vệ của quyền tự do dân chủ chứ không phát huy hơn.

Tôi nói ví dụ, có những điều nhân dân muốn thay đổi nhiều hơn, ví như các quyền con người thì không có thể nói rằng là phải theo khuôn khổ luật pháp, bởi để đảm bảo quyền con người chúng ta sẽ ban hành một số đạo luật, nhưng vì gắn vào cái đuôi “theo quy định của pháp luật” thì Hiến pháp đã bị hạn chế bởi một cơ sở pháp lý thấp hơn.

Có những chỗ sửa chữa nhìn vào có vẻ vô hại nhưng sau này áp dụng thì sẽ tạo điều kiện cho những người muốn lợi dụng để hạn chế quyền tự do dân chủ của nhân dân.

Hiến pháp không nên đặt vấn đề thành phần kinh tế nào là chủ đạo, bởi như vậy là đã hiến định việc phân biệt đối xử. 20 năm qua, việc hiến định phân biệt đối xử này đã mang lại nhiều hệ lụy tiêu cực cho nền kinh tế. Nền kinh tế nhà nước có vai trò của nó và không thể giao cho những thành phần khác, điều đó thì ai cũng biết, nhưng trong giai đoạn hiện nay, chúng ta thấy rõ kiểu phân biệt như con đẻ và con nuôi làm cho thành phần kinh tế này không có sức cạnh tranh mà hiệu quả đóng góp vào nền kinh tế lại kém hơn các thành phần kinh tế khác.

Về đất đai, nhân dân cũng muốn chế định quyền sử dụng đất là một quyền sở hữu, quyền những điều kiện luật định. Do đó Hiến pháp, và cả Luật Đất đai không nên quy định “nhà nước sẽ thu hồi đất vì mục đích kinh tế xã hội”. Việc nhà nước trưng thu trưng mua phải là cá biệt, phạm trù kinh tế xã hội rất rộng và mông lung nên dễ bị lợi dụng. Còn mọi tầng lớp nhân dân đều cho rằng nếu sử dụng vì mục đích quốc gia, vì mục đích công cộng thì không ai phản đối. Ghi như Dự thảo là không có ranh giới rõ ràng.

Ngoài ra, người dân cũng quan tâm đến việc trong một năm qua, sự nỗ lực của nhà nước, chính phủ, doanh nghiệp và cả người dân đã giữ cho được nền kinh tế ổn định. Nhưng đây là sự ổn định của một cơ thể đang bị ốm, chúng ta chỉ làm được việc giữ cho cơ thể này không bị ốm yếu hơn. Nghĩa là, làm cho cơ thể này trở nên lành mạnh, hết bệnh tật để có thể khỏe mạnh hơn thì chưa đạt được.

Cử tri cũng mong muốn Quốc hội rà soát được kế hoạch kinh tế năm 2014 và những năm sau, và đặc biệt là kế hoạch 5 năm còn lại để nền kinh tế thoát được trạng thái đình trệ hiện nay. Điều cứ nói đi nói lại, nhưng không cho phép chậm trễ hơn là sửa đổi mô hình tăng trưởng cũ phụ thuộc nhiều vào tài nguyên, vốn mà chủ yếu là vốn nhà nước, lao động giá rẻ và công nghệ thấp. Cử tri chờ đợi Chính phủ đệ trình lên Quốc hội một kế hoạch hành động quyết liệt và đột phá hơn.

HOÀNG ĐIỆP thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên