Phóng to |
Bạn Vũ Thế Đức Tâm (Đại học Luật TP.HCM) góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 - Ảnh: VIỄN SỰ |
Hơn 30 lượt ý kiến của những nhà giáo trẻ và sinh viên “5 tốt” của TP.HCM trong một buổi chiều sôi nổi góp ý cho dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992 không chỉ dừng lại ở những điều khoản, chế định liên quan đến thanh niên, giáo dục - vấn đề của những “người trong cuộc” tại hội nghị. Các nhà giáo trẻ tiêu biểu và những sinh viên “5 tốt” của TP còn cho thấy những người trẻ không hề đứng ngoài cuộc trước những vấn đề lớn lao của đất nước.
Hiến định vai trò của Đoàn
Tất cả ý kiến góp ý đã bày tỏ sự không đồng ý khi dự thảo hiến pháp mới đã bỏ điều 66 - Hiến pháp 1992 quy định về vai trò của thanh niên, cụ thể là: “Thanh niên được gia đình, Nhà nước và xã hội tạo điều kiện học tập, lao động và giải trí, phát triển thể lực, trí tuệ, bồi dưỡng về đạo đức, truyền thống dân tộc, ý thức công dân và lý tưởng xã hội chủ nghĩa, đi đầu trong công cuộc lao động sáng tạo và bảo vệ Tổ quốc”. Anh Thái Xuân Toàn, (giáo viên Trường tiểu học Bình Tiên, Q.6) đề nghị nên giữ lại điều 66 của bản Hiến pháp 1992 và để không phải xáo trộn các điều luật và cơ cấu của dự thảo, nên đưa nội dung điều 66 Hiến pháp 1992 về chương 1 quy định về chế độ chính trị.
Đồng quan điểm, bạn Nguyễn Trọng Đức (SV ĐH Kinh tế TP.HCM) cho rằng cần phải giữ lại điều 66, quy định cả trách nhiệm, nghĩa vụ của thanh niên với đất nước. Đồng thời cần thiết phải có điều khoản quy định quyền hạn, vai trò của Đoàn TNCS HCM. Bởi khi vai trò, quyền hạn của tổ chức Đoàn được hiến định, định hướng của Đoàn đối với sự phát triển của thanh niên VN càng được củng cố và phát huy mạnh mẽ.
Tiếp tục đóng góp cho vấn đề về thanh niên, một số ý kiến khác cũng cho rằng cần đưa đối tượng sinh viên vào phạm vi điều chỉnh của Hiến pháp, quy định rõ vai trò và trách nhiệm của sinh viên vì đây là thành phần quan trọng trong tầng lớp thanh niên, tầng lớp kế thừa quan trọng của xã hội.
Không đứng ngoài cuộc
Tha thiết và sôi nổi nói về những hiến định với Đoàn, với thanh niên, sinh viên... những nhà giáo trẻ, những sinh viên “5 tốt” cũng dành rất nhiều tâm huyết cho những vấn đề lớn lao khác được quy định trong dự thảo sửa đổi Hiến pháp 1992.
Bạn Nguyễn Đức Nguyên Vỵ (SV K36 - ĐH Luật TP.HCM) cho rằng điều 124 của dự thảo Hiến pháp được thông qua khi có 2/3 đại biểu Quốc hội đồng ý là chưa đầy đủ và khập khiễng với điều 30 của dự thảo - quy định về quyền biểu quyết của công dân. Theo Vỵ, hiến pháp được thông qua không chỉ dựa vào biểu quyết của đại biểu Quốc hội mà cả sự biểu quyết của công dân trong các cuộc trưng cầu dân ý, vì vậy cần thiết phải sửa lại điều 124 theo hướng này.
Góp ý về vấn đề quyền con người, bạn Trang Ngọc Hà (SV Đại học Kinh tế luật) cho rằng điều 37 của dự thảo chỉ mới quy định về quyền bất khả xâm phạm về chỗ ở hợp pháp. Cần phải bổ sung quyền được đảm bảo an toàn về thư tín, điện thoại của công dân. Đây là vấn đề theo Hà, xuất phát từ thực tiễn tranh chấp pháp lý xuất hiện càng nhiều trong thời gian gần đây, cần phải được hiến định.
Nhiều ý kiến khác cũng tranh luận, góp ý sôi nổi quanh điều 21 của dự thảo, cho rằng việc điều 21 quy định: “mọi người có quyền sống” là quá ngắn gọn và chưa rõ nghĩa. Bạn Vũ Thế Đức Tâm (SV ĐH Luật, TP.HCM) cho rằng trong tuyên ngôn độc lập của Bác Hồ có đề cập quyền sống, tự do, mưu cầu hạnh phúc. Vì vậy cần ghi đầy đủ hơn vào điều 21 nội dung: “mọi người có quyền sống, quyền mưu cầu hạnh phúc theo quy định của pháp luật”.
___________________________
Khẳng định vai trò của Mặt trận Tổ quốc
Ngày 8-3, tại hội nghị lấy ý kiến chủ tịch Ủy ban mặt trận Tổ quốc (UBMTTQ) các tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương góp ý vào dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992, các đại biểu đều mong muốn vai trò của UBMTTQ phải được khẳng định trong hiến pháp.
Ông Lê Văn Lai (chủ tịch UBMTTQ tỉnh Quảng Nam) nhấn mạnh: “Phải khẳng định trong Hiến pháp MTTQ là một bộ phận trong hệ thống chính trị. Từ xưa đến nay nhiều người còn coi mặt trận là tổ chức đoàn thể. Mặt trận là một trong bốn chân trụ của hệ thống chính trị, thế nhưng Hiến pháp chưa khẳng định điều đó”.
Bên cạnh vai trò của UBMTTQ, sự lãnh đạo của Đảng cũng là vấn đề mà nhiều đại biểu thảo luận. Đa số đại biểu đều nhất trí sự lãnh đạo của Đảng trong giai đoạn hiện nay là cần thiết, tuy nhiên Đảng phải tự chỉnh đốn, tự đổi mới để đáp ứng yêu cầu của đất nước.
Cùng ngày, tại hội thảo chuyên gia góp ý một số quy định của dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992 về lao động, việc làm, an sinh xã hội và ưu đãi người có công đã được Ủy ban Các vấn đề xã hội của Quốc hội tổ chức, tiến sĩ Lưu Bình Nhưỡng (văn phòng Ban chỉ đạo cải cách tư pháp trung ương) đề nghị sửa lại điều 35 trong hiến pháp thành: “Lao động là quyền, nghĩa vụ của công dân. Mọi người có quyền làm việc, bình đẳng cơ hội việc làm...”.
Trong khi đó, liên quan tới một số điều ở chương II, III của dự thảo, tiến sĩ Bùi Ngọc Thanh (nguyên chủ nhiệm Văn phòng Quốc hội) cho rằng các điều này còn có phần tản mạn, lẫn lộn giữa quyền con người, quyền công dân với chế định về phần chính sách xã hội. Ông Thanh đề nghị ban soạn thảo cần cấu trúc lại cho liền mạch, tập trung và bớt trùng lặp. Ngoài ra, tiến sĩ Thanh cũng cho rằng điều 35 (sửa đổi, bổ sung điều 67 cũ) trong dự thảo nêu “Công dân có quyền được bảo đảm an sinh xã hội” là cách thể hiện chưa tốt. Cụ thể, chỉ quy định một chiều là quyền được hưởng thụ và không nói đến quyền hoặc nghĩa vụ tham gia của công dân, dễ gây ra tâm lý ỷ lại, thụ động, chờ đợi. Ông Thanh đơn cử như việc bảo hiểm xã hội, nếu chỉ quy định hưởng mà không đóng là trái nguyên tắc.
TÂM LỤA - LÂM HOÀI
Cần thành lập tòa án hiến pháp Ngày 8-3, HĐND TP Đà Nẵng đã tổ chức hội nghị chuyên đề, tham gia ý kiến góp ý dự thảo sửa đổi Hiến pháp năm 1992. Theo bà Lương Nguyệt Thu (phó chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Thành ủy Đà Nẵng), nên quy định thành lập tòa án hiến pháp thay cho việc thành lập hội đồng hiến pháp. Lý do quy định về hội đồng hiến pháp là thiết chế mới nhưng chưa đủ mạnh để đạt được yêu cầu đảm bảo tính tối cao của Hiến pháp. Chức năng của hội đồng này chỉ bó hẹp trong phạm vi kiến nghị và yêu cầu. Ngoài ra, bà Thu cũng đề nghị sửa khoản 2 điều 20 quy định về quyền và nghĩa vụ của công dân do Hiến pháp và luật quy định. Đề nghị sửa quy định tại khoản 2 nêu trên như sau: Luật quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của công dân đã được quy định trong Hiến pháp. Lý do quy định như vậy để đảm bảo các quyền và nghĩa vụ này (đặc biệt là quyền công dân) được thực hiện trên thực tế, tránh tình trạng Hiến pháp quy định nhưng sau đó không hoặc chậm trễ trong ban hành luật nên công dân không thể thực hiện được một số quyền do chưa có luật quy định. Ví dụ hiện nay quyền được biểu tình của công dân không thể thực hiện được vì chưa có luật, mặc dù quyền biểu tình đã được hiến định từ rất lâu. HỮU KHÁ |
-----------------------------------
* Tin bài liên quan:
Tiếp thu ý kiến góp ý Hiến pháp đến tháng 10Chính quyền đô thị không chỉ dành riêng TP.HCMTổ chức chính quyền địa phương theo thực tế cuộc sốngVẫn nhận ý kiến góp ý Hiến pháp khi đã có báo cáoPhải thật sự lắng nghe dân
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận