Tìm giải pháp sống chung với lũ
Bài viết sau đây của PV Đoàn Cường ghi nhận những giải pháp cụ thể đã được người dân miền Trung thực hiện để sống chung với thiên tai.
Nhà tránh lũ của vật nuôi
Có lẽ ở Việt Nam này, chỉ có miền Trung mới có phong trào xây nhà “lầu” tránh bão lụt chuyên dụng dành cho gia súc, gia cẩm mà thôi. Ngay sau bão số 9 và trận lũ lụt vừa qua, đi vào vùng rốn lũ huyện Đại Lộc (tỉnh Quảng Nam) nhiều người khá bất ngờ đến lạ lẫm khi thấy người dân nơi đây dắt trâu, bò, heo… từ trên nhà “lầu” xuống dưới đất.
Phóng to |
Căn nhà "lầu" cao hơn 2m được anh Phan Phước Mỹ (thôn Gia Nam, xã Đại Cường, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) xây dựng cho gia súc ở tránh bão lụt. Anh cho biết, từ khi xây dựng căn nhà này, chưa có con heo nào bị nước lũ cuốn cả mà ngược lại rất an toàn. Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Xã Đại Cường (huyện Đại Lộc) nằm bên dòng sông Vu Gia nên là điểm xung yếu của các trận lũ lụt. Trong ký ức của người dân nơi đây, năm nào có lũ lụt về là năm đó có người chết, năm đó gia sản khánh kiệt vì trâu, bò, gà, heo, lúa thóc… bị dòng nước lũ cuốn phăng đi mất.
Ông Trương Đức Sinh - chủ tịch Hội nông dân xã Đại Cường nhớ lại: “Những năm trước đây, cứ nghe có lũ lụt là dân làng lại lũ khũ dắt díu trâu, bò, heo, gà…đưa lên gò ông Tiện (xã Đại Minh), gò Gia (xã Đại Thắng) để chạy nước lũ, rồi phải ở lại trên gò để chăm vật nuôi cho đến khi nước rút mới về. Nhưng vật nuôi thì nhiều nên di chuyển đâu thể kịp được, và nước lũ về thì cuốn đi mất”.
Kho lúa dự trữ Tại xã A Tiêng (huyện miền núi Tây Giang, tỉnh Quảng Nam) chính quyền xã này đã xây dựng hẳn một kho thóc dự trữ cho người dân phòng khi có sự cố thiên tai khiến khu vực này bị cô lập. Trận bão lụt vừa qua, trong lúc nhiều xã của huyện Tây Giang bị chia cẳt không thể giao thương với bên ngoài, lương thực cạn kiệt và thiếu cái ăn trầm trọng thì kho thóc dự trữ hơn hơn 5 tấn đã phát huy tác dụng. Ông Bhling Apú - chủ tịch UBND xã A Tiêng cho biết, nhà người dân nào hết lúa ăn thì sẽ được phát, tuỳ theo số lượng người để phát lúa cho đều để ai cũng có phần. |
Liều mình, anh Bình đi vay ngân hàng cả chục triệu đồng về đầu tư xây dựng hẳn nhà “lầu” tránh bão lũ cho gia súc, gia cầm và cho cả người ở. Căn nhà “lầu” của anh có diện tích đến 40m2, được xây khá kiên cố, có các ô cửa sổ, có riêng phần ô dành nuôi heo, một phần để nuôi gà, ở giữa thì chứa bò, lúa, thóc và chỗ cho người ở.
Từ trên nhà “lầu” nhìn xuống đất, anh Bình nhẩm tính độ cao của căn nhà hơn 3m. “Vừa rồi thấy có nước bắt đầu ngấp nghé ngoài đường là tui đưa hết bò, gà, chó… và cả người lên trên ung dung ngồi mấy ngày trời cho đến khi nước rút thì lại thả vật nuôi xuống”, anh Bình chia sẻ. Không chỉ xây nhà “lầu” tránh bão lụt, vừa rồi anh Bình còn làm ngay dưới nhà 1 hầm biogas để tận dụng các phế thải của vật nuôi, mỗi tháng cũng tiết kiệm mua nhiên liệu cả triệu đồng.
Ở các xã như Đại An, Đại Thắng, Đại Tân… người dân cũng đua nhau xây dựng nhà tránh bão lũ cho vật nuôi. Toàn bộ nông sản, dụng cụ lao động nhà nông vẫn được ông Phan Đình Quý (xã Đại An) cất giữ trên căn nhà gác xây dựng riêng dành cho việc tránh lũ. Ông Quý cho biểt chỉ cần thấy con nước lên thì đưa hết tài sản lên đó là an toàn.
Phóng to |
Khu nhà "lầu" mà ông Phan Đình Quý (xã Đại An, huyện Đại Lộc, tỉnh Quảng Nam) xây dựng đã thành nơi cư trú rất an toàn cho người, tài sản, các nông cụ trong trận bão lũ vừa qua. Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
Thống kê sơ bộ tại xã Đại Cường có tới 400 - 500 hộ dân đã xây dựng nhà tránh bão lũ cho vật nuôi, chính vì vậy mà những thiệt hại do thiên tai gây ra tại đây đã được giảm xuống rất đáng kể.
Và nhà tránh bão lũ cộng đồng
Trận bão lụt vừa qua, thôn Phong Nam (xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) bị nhấn chìm trong biển nước sầu từ 1 - 3m và hoàn toàn cô lập với bên ngoài. Nếu như những năm trước, người dân ở đây phải chạy đôn đáo để di tản hoặc xin ở nhờ nhà nào cao ráo thì trận bão lụt vừa qua, người dân đã có ngôi nhà chuyên dụng của mình.
Bà Ngô Thị Hiếu nhớ lại: “Nước ngập vô nhà tui ngang đến cổ, nếu như mọi năm là leo lên nóc nhà không thì đi ở nhờ nhà hàng xóm rồi. Nhưng năm nay, cả làng này kéo nhau ra ở ngoài khu nhà tránh bão lũ 2 ngày liền”. Đây là khu nhà tránh bão lũ do Quỹ hỗ trợ phòng chống thiên tai miền Trung đầu tư xây dựng và mới khánh thành vào ngày 25 - 8 vừa qua.
Theo ông Lê Đức Bánh - phó chủ tịch UBND xã Hoà Châu thì trước đây, mỗi khi đến mùa mưa bão thì nơm nớp lo việc di tản người dân ở Phong Nam đến nơi ở an toàn. Nhưng đợt bão lụt vừa qua, 70 người dân ở đây, cùng các tài sản của người dân đã được đưa lên nhà tránh bão lũ. Ông Bánh cũng cho biết, sức chứa của căn nhà này khoảng 150 người.
Phóng to |
Trong trận bão lụt vừa qua, khu nhà kiên cố mà Quỹ phòng chống hỗ trợ thiên tai miền Trung xây dựng tại thôn Phong Nam (xã Hoà Châu, huyện Hoà Vang, TP Đà Nẵng) đã là nơi trú ẩn an toàn cho 70 người dân nơi đây. Ảnh: ĐOÀN CƯỜNG |
“Nhà được xây dựng với tổng vốn 1,1 tỷ đồng với 2 tầng rất kiên cố, cùng các trang bị như thuyền, hệ thống nhà vệ sinh. Ngoài tác dụng là nơi trú ẩn cho bà con khi có thiên tai, nơi đây sẽ là lớp học cộng đồng cho học sinh không có điều kiện đi học trường công lập, là điểm sinh hoạt văn hoá cho người dân”, ông Bánh khẳng định.
Theo bà Lương Anh Tú - chuyên viên dự án Quỹ hỗ trợ phòng chống thiên tai miền Trung thì hiện nay dự án đang triển khai xây dựng 7 căn nhà tránh bão lũ kéo dài từ Thanh Hoá đến Bình Thuận, trong đó có 2 nhà (Quảng Trị 1 nhà và Đà Nẵng 1 nhà) đã được đưa vào sử dụng. Mỗi nhà được xây dựng hơn 1 tỷ đồng.
Ông Huỳnh Vạn Thắng - GĐ Dự án giảm thiểu thiên tai tại Đà Nẵng cũng cho biết thêm, hiện nay tại các phường như Hoà Quý, Hoà Hiệp Bắc …đã được đầu tư xây dựng nhà trú ẩn đa năng và phục vụ rất hiệu quả cho người dân trong việc tránh bão lũ. Đặc biệt, trong trận bão số 9 vừa qua, hàng trăm người dân ở hai khu vực trên đã được chính quyền di tản đến đây sinh sống rất an toàn.
Câu chuyện lũ lụt hằng năm ở miền Trung với những tổn thất khó lường gây xúc động lớn trong bạn đọc. Có giải pháp nào hạn chế những thiệt hại do thiên tai - đặc biệt là lũ lụt - gây ra? Có phương thức gì bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi lũ về? Có cách nào bảo đảm khi nước lên những vùng cô lập không thiếu, đói... Rất mong ý kiến đóng góp giải pháp của quý độc giả. Mọi ý kiến, phản hồi xin gửi về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn. |
Cần lực lượng tại chỗ phòng chống bão lũ || Bể nước đa năng || Nhà hình trụ || Đi tìm giải pháp sống chung với lũ || Đừng nghĩ nước không thể cao hơn || Nên làm hầm tránh bão
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận