11/10/2010 13:18 GMT+7

Miền Trung nên làm hầm tránh bão

LƯU MINH HẢI - Trung tâm Dự báo KTTV Lào Cai
LƯU MINH HẢI - Trung tâm Dự báo KTTV Lào Cai

TTO - Nhắc đến miền Trung người dân cả nước lại nhớ về vùng đất của “túi gió, lọ mưa”. Một miền quê “sáng chắn bão dông, chiều ngăn nắng lửa”; hầu như năm nào dải đất miền Trung cũng bị thiên tai tàn phá.

Tìm giải pháp sống chung với lũ

2nowpgNr.jpgPhóng to

Ông Nguyễn Văn Hạc (xã Sơn Thủy, huyện Lệ Thủy, Quảng Bình) cố gắng tìm kiếm những gì còn dùng được. 18g ngày 4-10 khi nước dâng, hai vợ chồng ông đang loay hoay kê đồ đạc thì bất ngờ một cơn lốc ầm ầm quét qua kéo phăng cả mái tôn, xô đổ ba bức tường ximăng - Ảnh: Thái Lộc

Thiên nhiên miền Trung rất khắc nghiệt, nhiều người ví nơi đây là “chảo lửa, rốn lũ”. Cứ mỗi độ hè về thì người dân miền Trung lại phải đối mặt với nắng nóng cùng gió “Lào” thổi rát bỏng. Những ngày nắng nóng nhiệt độ cao nhất trong ngày thường lên đến 37 độ C, độ ẩm thấp nhất giảm xuống dưới 50%. Ngày nắng nóng đặc biệt gay gắt tại các huyện vùng núi nhiệt độ có nơi đạt mức 41- 43 độ C.

Đi tìm giải pháp sống chung với lũ || Đừng nghĩ nước không thể cao hơn

Độ ẩm giảm xuống 30%, cây cỏ khô héo, không khí ngột ngạt, ban trưa đi dưới tán rừng còn nghe thấy tiếng tre nứa nổ lốp đốp. Hè năm 2007 miền Trung phải hứng chịu các đợt nắng nóng khủng khiếp. Có người không chịu nổi đã hoá điên dại, nóng bức cùng với không mưa kéo dài gây hạn hán nghiêm trọng cho dù đang trong mùa mưa (tháng 7).

Tác hại của gió “Lào” khô nóng là nhiệt độ cao, độ ẩm thấp nên gây sự thoát hơi của thực vật rất lớn. Lúa chiêm xuân đang trỗ gặp thời tiết nóng khô thì tỷ lệ hạt lép có thể lên tới 30-50%. Gió “Lào” làm cho mạ mùa bị lụi, lúa mùa mới cấy không thể bén rễ được do quá nóng. Những ngày nóng khô cấp báo động cháy rừng đạt mức nguy hiểm đến cực kỳ nguy hiểm.

Khi mùa mưa đến thì miền Trung lại canh cánh nỗi lo bị mưa lũ tàn phá. Người miền Trung sợ nhất là bão. Đa phần bão đổ bộ vào miền Trung có sức công phá mạnh hơn khi vào miền Bắc, do miền Bắc có đảo Hải Nam (Trung Quốc) che chắn nên khi bão vào vịnh Bắc Bộ sức gió đã giảm nhiều. Còn biển miền Trung khá thông thoáng, phía trước tuy có quần đảo Hoàng Sa; nhưng đây chỉ là những đảo nhỏ và thấp nên không thể làm giảm thiểu sức gió khi bão tiến vào.

Địa hình miền Trung có hình võng lồi về phía biển, nhiều đoạn khá bằng phẳng và đổi hướng tạo điều kiện cho bão tràn vào nhanh. Sông suối miền Trung có cấu tạo ngắn và dốc, khi mưa xuống làm nước tập trung nhanh, thường sinh lũ cao đột ngột, nhiều khi người dân không kịp trở tay với mưa lũ. Dãy núi Trường Sơn chạy dọc miền Trung có tác dụng làm bão đi chậm lại khi vào đất liền. Níu kéo mây mưa ở lại, thường gây mưa với cường độ mạnh và kéo dài cho các địa phương. Sinh ra các trận đại hồng thuỷ dữ dội.

Để hạn chế mọi thiệt hại do bão lũ gây ra thì người dân miền Trung phải thật chủ động trong công tác phòng tránh. Có nhiều kinh nghiệm đơn giản, chỉ mất một ít công sức nhưng mang lại hiệu quả cao; như trước mùa mưa lũ các gia đình cần chặt bớt các cành cây sâu, cành cây chĩa vào gần nhà để phòng gió mạnh bẽ gẫy ném vào.

Nhà yếu thì đóng cọc 4 góc, dùng dây thép néo chặt, nhà lợp bằng rơm rạ, cây cói, lá cọ, lá dừa thì đan phên thưa phủ kín nóc buộc chặt để tránh gió xoáy làm tốc mái.

Nhà lợp bằng ngói thì dùng xi măng gắn liên kết lại, nếu lợp ngói Phibrô xi măng thì dùng bao cát đè lên. Tại các xóm làng, thôn bản, chính quyền cần phải xây dựng một ngôi nhà to, kiên cố, ở nơi lũ cao ít ngập đến, trước mắt nhà dùng làm nơi tổ chức hội họp tập thể của xóm làng.

Khi mưa lũ lớn xảy ra sẽ là nơi trú ngụ an toàn cho mọi người sơ tán đến. Trong cái khó ló cái khôn, rút kinh nghiệm từ bão Xangsane, ông Lê Văn Rời (87 tuổi), cư trú tại thôn Phú Túc xã Phú Hoà (Hòa Vang - Đà Nẵng) đã tự mày mò xây hầm để tránh bão. Khi bão số 9 đánh vào thì toàn gia đình cùng nhiều người hàng xóm được cư trú nhờ trong hầm đã an toàn.

Ông Rời tâm sự “chỉ cần mấy bao xi măng, hai xe cát sỏi tốn chưa tới hai triệu đồng là có hầm kiên cố. Vùng này năm nào cũng xảy ra bão và gió lốc nên dân phải tránh nạn suốt. Nếu nhà nào cũng xây được hầm thì không phải lo lắng mỗi khi có bão về nữa”.

Chị Đinh Thị Mai hàng xóm của già Rời, được trú nhờ nói “bão gió to lớn như thế, may nhờ có hầm tránh bão của già Rời mà vợ chồng tôi cùng hai con nhỏ đã bình an. Có tiền vợ chồng tôi cũng sẽ xây một cái như thế”. Trước đây cả miền Trung phải đào hầm để tránh bom đạn của kẻ thù; thì ngày nay sáng kiến làm hầm tránh bão trên cần được nhân rộng. Vì vậy, các hộ gia đình nơi đây nên tự làm cho mình một chiếc hầm tránh bão. Để cho các cơn bão tới miền Trung giảm thiểu được nhiều mọi thiệt hại nhất là về người.

Câu chuyện lũ lụt hằng năm ở miền Trung với những tổn thất khó lường gây xúc động lớn trong bạn đọc. Có giải pháp nào hạn chế những thiệt hại do thiên tai - đặc biệt là lũ lụt - gây ra? Có phương thức gì bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi lũ về? Có cách nào bảo đảm khi nước lên những vùng cô lập không thiếu, đói...

Rất mong ý kiến đóng góp giải pháp của quý độc giả. Mọi ý kiến, phản hồi xin gửi về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn

LƯU MINH HẢI - Trung tâm Dự báo KTTV Lào Cai
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên