Tìm giải pháp sống chung với bão lũ:
Phóng to |
Thiệt hại về người và của không thống kê xuể. Cụ thể là đợt lũ mới nhất ở vùng bắc miền Trung vừa qua đã minh chứng cho sự tàn khốc của thiên tai dồn dập đổ về gây ra bao tan thương, mất mát và đói nghèo.
Nhìn nhận rõ một điều: cũng vì sống trong lũ, chống chọi trong lũ mà ở miền Trung, nhiều người dân đã nghĩ ra nhiều cách để tránh những ẩn hoạ của thiên tai như xây hầm tránh bão; chọn thế dựng nhà ở những nơi cao ráo, tránh vùng trũng thường xuyên ngập úng... Nhiều tổ chức, cá nhân khắp mọi miền còn quyên góp xây dựng những ngôi nhà cộng đồng phòng tránh thiên tai kiên cố trong các khu dân cư để khi “có biến” thì người dân có thể vào trú ngụ lánh nạn. Ở tỉnh Quảng Ngãi hiện nay, có rất nhiều hộ gia đình bỏ tiền xây hầm tránh bão (nhất là các xã ven biển) để bảo vệ tính mạng và tài sản.
Đó là sự chủ động. Một sự "đi trước đón đầu" để tránh những hậu quả xấu về sau của thiên tai. Nhưng dù gì thì đó là chuyện của dân chống bão, dân chống lũ. Cái chống của người dân như thế cũng chỉ có thể được xem là tạm thời chứ không kiên cố. Bởi lẽ, mỗi lần có bão lũ thì thương vong ở miền Trung lại lặp lại dù chính những người bị nạn cũng ý thức được việc phòng tránh thiên tai nhưng vẫn không thoát khỏi những thương vong mà nguyên nhân là do mưa quá to, lũ quá lớn, sóng biển quá giữ, gió quá mạnh….
Vậy làm thế nào để chống bão, chống lũ, thậm chí là tìm cách sống chung với nó một cách “hài hoà” để giảm thiểu đến mức thấp nhất những thiệt hại? Nhiều giải pháp đã được đưa ra nhưng có một điều chúng ta lại không quan tâm trong khi đây lại là một giải pháp cực kỳ hữu ích. Đó là việc kiện toàn lực lượng, phương tiện phòng chống bão lũ ở tuyến cơ sở.
Thử đặt vài câu hỏi cho miền Trung như sau:
Một là, ở các tuyến cơ sở mà cụ thể là ở thôn, xóm, khu dân cư, chúng ta đã xây dựng được một lực lượng phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn… tinh nhuệ?
Hai là, phương tiện dùng trong phòng chống lụt bão ở những tuyến cơ sở này đã đủ chưa (ghe, thuyền, áo phao…)?.
Người viết bài này có thể trả lời ngay câu hỏi này: đó là hoàn toàn chưa kiện toàn và còn rất lủng củng. Đợt lũ vừa qua ở miền Trung nước lũ đổ về rất nhanh, nhấn chìm làng mạc chỉ trong một thời gian ngắn. Do bị động nên mọi lực lượng và phương tiện cứu hộ tuyến trên đã không thể cùng lúc ứng cứu hết những người dân đang ngập trong nước, với tay kêu cứu. Trong khi đó có nhiều người dân dũng cảm dùng những chiếc ghe bé tẹo của mình dầm mình trong lũ dữ để cứu thoát hàng trăm người khỏi cái chết ngay tại khu dân cư mình ở.
Nói như vậy để thấy rằng, nếu như có một lực lượng được “huấn luyện” có kinh nghiệm (chỉ cần mỗi xã, phường khoảng 20 người - có thể là những cán bộ xã, những ngư dân hạng giỏi, những dân chài ven sông có kinh nghiệm sông nước) và trang bị khoảng 10 chiếc ghe thuyền với đầy đủ trang thiết bị cứu hộ cứu nạn trong lụt bão thì chắc chắc mọi chuyện sẽ khác. Khi có lũ lớn hoặc có bão lớn thì lực lượng này sẽ được tập hợp, trở thành lực lượng nòng cốt nhanh chóng triển khai việc cứu hộ cứu nạn ở địa phương mình. Đây cũng sẽ là lực lượng tiếp cận được với những vùng gặp nạn nhanh nhất, sẵn sàng di dời dân ra khỏi vùng nguy hiểm.
Miền Trung khi xây dựng được lực lượng, phương tiện phòng chống bão lũ được như vậy thì thiệt hại về người và của sẽ không nhiều như lâu nay: nên làm lắm chứ!
Câu chuyện lũ lụt hằng năm ở miền Trung với những tổn thất khó lường gây xúc động lớn trong bạn đọc. Có giải pháp nào hạn chế những thiệt hại do thiên tai - đặc biệt là lũ lụt - gây ra? Có phương thức gì bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi lũ về? Có cách nào bảo đảm khi nước lên những vùng cô lập không thiếu, đói... Rất mong ý kiến đóng góp giải pháp của quý độc giả. Mọi ý kiến, phản hồi xin gửi về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn.
|
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận