06/06/2010 07:30 GMT+7

Làm rõ phương án chỉ chở khách với tốc độ 300 km/giờ

Ông NGUYỄN HỮU BẰNG
Ông NGUYỄN HỮU BẰNG

TT - Dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM giai đoạn đầu dự kiến khởi công năm 2014, hoàn thành đoạn Hà Nội - Vinh và TP. HCM - Nha Trang đưa vào khai thác năm 2025, còn kết thúc dự án vẫn vào năm 2035.

0rGHLudr.jpgPhóng to

Tàu lửa cao tốc ở Nhật Bản - Ảnh tư liệu

Trong cuộc gặp gỡ báo chí ngày 5-6 xoay quanh dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM, ông Nguyễn Hữu Bằng - tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt VN (VNR - được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án này) - cho biết: “Chính phủ vừa hoàn thành báo cáo giải trình bổ sung dự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM để trình Quốc hội vào tuần tới. Trong báo cáo này Chính phủ làm rõ thêm phương án 4 (nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu trước mắt, đồng thời xây dựng mới tuyến đường đôi khổ 1.435mm, chỉ chuyên chở hành khách với tốc độ khai thác 300 km/giờ)”.

iJDvUjdw.jpgPhóng to
Ông Nguyễn Hữu Bằng - Ảnh: T.Phùng

Chạy 250 km/giờ trở lên

"Giải phóng mặt bằng cho dự án ảnh hưởng đến 16.500 hộ, trong đó 9.000 hộ phải giải tỏa. Chúng tôi tính mức đền bù là 34.000 tỉ đồng với mức đền bù mỗi hộ là 2 tỉ đồng và có dự phòng. Vấn đề này rất khó nhưng không quá khó vì phần lớn đường ở trên cao nên cũng không ảnh hưởng nhiều"

“Chúng tôi nói rõ thêm trong báo cáo, mục tiêu của chúng ta là làm đường sắt cao tốc có vận tốc 250 km/giờ trở lên. Các phương án còn lại không có tốc độ đó, đường sắt cao tốc chỉ có ở phương án 4. Việc chọn phương án 4, theo Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải, là để giải bài toán khó nhất bây giờ trên tuyến vận tải Bắc - Nam là vận tải hành khách chứ không phải hàng hóa. Với bờ biển dọc theo chiều dài đất nước thì vận tải hàng hóa chính là đường biển chứ không phải đường sắt. Hiện nay trong cự ly vận tải từ 800-1.000 km của chúng ta có đến 80% hành khách đi lại bằng ôtô. Không nước nào làm vậy khi đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn trên đường bộ. Nhật Bản hay Trung Quốc cũng đều nâng cấp đường sắt cũ khổ 1m để chở khách chặng ngắn và hàng hóa chứ không thành cao tốc”.

Ông Bằng cho biết thêm báo cáo bổ sung lần này cũng làm rõ hơn vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội đang quan tâm. Đó là thời gian đầu tư giai đoạn đến năm 2020 đưa vào khai thác đoạn Hà Nội - Vinh và TP. HCM - Nha Trang quá ngắn. Vì vậy, Chính phủ sửa lại: giai đoạn đầu dự kiến khởi công năm 2014, hoàn thành đoạn Hà Nội - Vinh và TP. HCM - Nha Trang đưa vào khai thác năm 2025, còn kết thúc dự án vẫn vào năm 2035.

“Giai đoạn cần nhiều vốn nhất là giai đoạn cuối cùng từ năm 2020-2035 khi thi công nhiều nhất để nối toàn tuyến. Còn giai đoạn đến năm 2025 đầu tư hai đoạn đầu tiên, trung bình mỗi năm cần 2-2,1 tỉ USD. Tiếp thu ý kiến của Quốc hội và báo chí, chúng tôi muốn nói rõ hơn là làm từ Hà Nội đến Vinh nhưng sẽ khai thác ngắn ngay khi làm đến Thanh Hóa và từ TP.HCM đến Nha Trang sẽ cho khai thác khi làm đến Phan Thiết. Nếu tính ở phương án này thì sơ bộ vốn cần vay trong giai đoạn này gần 1 tỉ USD/năm. Còn giai đoạn đến năm 2030-2035 sẽ vay nhiều hơn”, ông Bằng nói.

Phụ thuộc vào vốn

Ông Bằng nhận định trong báo cáo bổ sung, Chính phủ cung cấp rõ hơn cho Quốc hội phương án vận chuyển, phân kỳ đầu tư và huy động vốn, phần vốn nhà nước lo cho hạ tầng là 31 tỉ USD, phần của doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng gần 10 tỉ USD, dự phòng 7,28 tỉ USD. “Mong muốn của chúng tôi cũng như nhân dân nếu có điều kiện thì làm nhanh hơn, hoàn thành trước năm 2035. Khả thi hay không còn phụ thuộc một vấn đề hết sức quan trọng là huy động vốn, còn phụ thuộc việc đào tạo nhân lực. Nếu đủ điều kiện thì như Trung Quốc, xây dựng đường sắt cao tốc Bắc Kinh - Thiên Tân 115km chỉ trong vòng một năm”.

Trả lời câu hỏi liệu các doanh nghiệp có tham gia đầu tư dự án đường sắt cao tốc hay không khi phải đến 30-40 năm mới thu hồi được vốn, trong khi một dự án được xem là thành công có thời gian hoàn vốn chỉ 8-10 năm, ông Bằng nói: “Hiệu quả tài chính thấp, chỉ 2,4-3%. Nếu hiệu quả tài chính 2,4% thì đến 40 năm mới thu hồi vốn, còn 3% thì 33 năm. Đấy là chỉ số phía Nhật Bản nghiên cứu nhưng họ cũng nói sự lan tỏa về hiệu quả mà dự án mang lại cho nền kinh tế sẽ rất lớn. Nếu tính hết những yếu tố dự án mang lại thì hiệu quả kinh tế từ 12-15%”.

Ông Bằng cũng nói: “Để mọi người có nhiều ý kiến trái ngược nhau, trước hết là lỗi của chúng tôi khi trình báo cáo lại không làm rõ cho mọi người hiểu được việc đang làm ở đây là tiến hành nghiên cứu tiền khả thi để làm cơ sở xin ý kiến về chủ trương đầu tư. Chúng tôi cung cấp chưa đủ thông tin cho Quốc hội thấy đây là báo cáo để thông qua chủ trương đầu tư. Nếu thông qua rồi, Chính phủ sẽ làm tiếp những vấn đề còn lại ở báo cáo khả thi”.

__________

Tin bài liên quan:

Nợ và đường sắt cao tốcViệt Nam và bài toán đường sắt cao tốcThử nghiệm đường sắt cao tốc Hà Nội - Nội BàiGiấc mơ đẹp, nhưng...Chúng tôi muốn hiện đại ngayDự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM: Yêu cầu Chính phủ báo cáo đầy đủ hơnDự án đường sắt cao tốc: Băn khoăn việc huy động vốnChuyện phải làm trước “giấc mơ đẹp”Đề nghị kéo dài thời gian xây dựng hai đoạn đường sắt cao tốc đầu tiên

Ông NGUYỄN HỮU BẰNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên