05/06/2010 19:35 GMT+7

Đề nghị kéo dài thời gian xây dựng hai đoạn đường sắt cao tốc đầu tiên

TUẤN PHÙNG
TUẤN PHÙNG

TTO - Tại buổi trao đổi thông tin với báo chí về dự án Đường sắt cao tốc (ĐSCT) Hà Nội - TP.HCM vào hôm nay (5-6), ông Nguyền Hữu Bằng- Tổng giám đốc Tổng công ty Đường sắt Việt Nam (VNR) - được Chính phủ giao làm chủ đầu tư dự án này cho biết, Chính phủ vừa hoàn thành báo cáo giải trình bổ sung dự án ĐSCT Hà Nội- TP.HCM để trình Quốc hội vào tuần tới.

zRPzBrAr.jpgPhóng to
Đường sắt cao tốc ở nước ngoài - Ảnh minh họa

Trong 4 phương án về vận chuyển hành khách và hàng hóa bằng đường sắt trên trục Bắc Nam được đưa ra trong dự án, Chính phủ làm rõ thêm phương án 4: Nâng cấp tuyến đường sắt hiện tại để đáp ứng nhu cầu trước mắt; đồng thời xây dựng mới tuyến đường đôi, khổ 1,435 m, chỉ chuyên chở hành khách với tốc độ khai thác 300 km/h.

Tin bài liên quan:

Nợ và đường sắt cao tốcViệt Nam và bài toán đường sắt cao tốcThử nghiệm đường sắt cao tốc Hà Nội - Nội BàiGiấc mơ đẹp, nhưng...Chúng tôi muốn hiện đại ngayDự án đường sắt cao tốc Hà Nội - TP.HCM: Yêu cầu Chính phủ báo cáo đầy đủ hơnDự án đường sắt cao tốc: Băn khoăn việc huy động vốnChuyện phải làm trước “giấc mơ đẹp”

“Chính phủ nói rõ thêm trong báo cáo, mục tiêu của chúng ta là làm ĐSCT có vận tốc tốc 250km trở lên. Các phương án còn lại không có tốc độ đó, ĐSCT chỉ có ở phương án 4. Việc chọn phương án 4 theo Chính phủ và Bộ Giao thông vận tải là để giải bài toán khó nhất bây giờ trên tuyến vận tải Bắc Nam là vận tải hành khách chứ không phải là hàng hóa.

Với bờ biển dọc theo chiều dài đất nước thì vận tải hàng hóa chính là đường biển chứ không phải là đường sắt. Hiện nay trong cự ly vận tải từ 800-1.000 km của chúng ta có đến 80% hành khách đi lại bằng ô tô. Không nước nào làm vậy khi đây chính là nguyên nhân chủ yếu gây ra tai nạn trên đường bộ. Các nơi khác như Nhật Bản hay Đài Loàn, Trung Quốc cũng đều nâng cấp đường sắt cũ khổ 1m để chở khách chặng ngắn và hàng hóa chứ không thành cao tốc” - ông Bằng cho biết.

Theo ông Bằng, báo cáo bổ sung lần này cũng làm rõ hơn vấn đề mà nhiều đại biểu Quốc hội đang quan tâm, đó là thời gian đầu tư giai đoạn đến 2020 đưa vào khai thác đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang quá ngắn. Vì vậy, Chính phủ sửa lại: giai đoạn đầu dự kiến khởi công năm 2014, hoàn thành đoạn Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang, đưa vào khai thác năm 2025, còn kết thúc dự án vẫn vào 2035.

“Giai đoạn cần nhiều vốn nhất là giai đoạn cuối cùng từ 2020 đến 2035 khi thi công nhiều nhất để nối toàn tuyến. Còn giai đoạn đến 2025 đầu tư 2 đoạn đầu tiên, trung bình mỗi năm cần 2 - 2,1 tỷ USD. Tiếp thu ý kiến của Quốc hội và báo chí, chúng tôi muốn nói rõ hơn là làm từ Hà Nội đến Vinh nhưng sẽ khai thác ngắn ngay khi làm đến Thanh Hóa và đoạn từ TP.HCM đến Nha Trang sẽ cho khai thác khi làm đến Phan Thiết. Nếu tính ở phương án này thì sơ bộ vốn cần vay trong giai đoạn này gần 1 tỷ USD/ năm. Còn giai đoạn đến 2030-2035 sẽ vay nhiều hơn”.

Ông Bằng nhận định, trong báo cáo bổ sung Chính phủ cung cấp rõ hơn cho Quốc hội phương án vận chuyển, phân kỳ đầu tư và huy động vốn, phần vốn nhà nước lo cho hạ tầng là 31 tỷ USD, phần của doanh nghiệp đầu tư vào hạ tầng gần 10 tỷ USD, dự phòng 7,28 tỷ USD. “Mong muốn của chúng tôi cũng như nhân dân, nếu có điều kiện thì làm nhanh hơn và hoàn thành trước 2035. Còn khả thi hay không thì còn phụ thuộc vào một vấn đề hết sức quan trọng là vấn đề huy động vốn, đào tạo nhân lực. Nếu đủ điều kiện thì như Trung Quốc người ta xây dựng ĐSCT Bắc Kinh-Thiên Tân dài 115km chỉ trong vòng 1 năm”.

TUẤN PHÙNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên