31/05/2010 07:09 GMT+7

Nợ và đường sắt cao tốc

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
CẦM VĂN KÌNH thực hiện

TT - Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh trả lời phóng viên Tuổi Trẻ hai vấn đề được sự quan tâm rất nhiều của cử tri: nợ của VN có đang ở ngưỡng nguy hiểm và nên đầu tư đường sắt theo phương án nào?

jLxwOgX4.jpgPhóng to
Đường sắt cao tốc ở nước ngoài - Ảnh minh họa
ADpHD1Rv.jpgPhóng to
Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh - Ảnh: V.dũng

Mỗi năm khoảng 3 tỉ USD trả nợ

* Thưa bộ trưởng, vấn đề nóng mà nhiều đại biểu Quốc hội lo ngại là nợ của VN đang tăng nhanh, đặc biệt từ cuối năm 2009 và đầu năm 2010. Ông có thể cho biết hiện nợ quốc gia, nợ doanh nghiệp... chính thức là bao nhiêu?

- Năm 2009, để thực hiện mục tiêu chống suy giảm kinh tế, chúng ta đã phải tăng mức bội chi ngân sách và tăng phát hành trái phiếu Chính phủ cho đầu tư. Đây là tình thế đặc biệt, cần thiết nhưng đúng là đã làm tăng nợ quốc gia lên.

Đến ngày 31-12-2009 nợ Chính phủ ở mức 41,9% GDP (khoảng 40 tỉ USD - PV) - trong phạm vi an toàn theo khuyến nghị của Ngân hàng Thế giới (WB) là mức trần nợ không quá 50% GDP. Theo tôi, cơ cấu nợ của VN đến nay đã hợp lý hơn, trong đó nợ nước ngoài của Chính phủ chiếm khoảng 60%, còn lại là của các đơn vị, doanh nghiệp trong nước.

Phần lớn các khoản vay nước ngoài là vay dài hạn với lãi suất ưu đãi, thời gian ân hạn dài, ví dụ khoản vay của WB có thời hạn 40 năm, trong đó 10 năm ân hạn, lãi suất 0,75%/năm; khoản vay của Ngân hàng Phát triển châu Á (ADB) có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn, lãi suất 1%/năm; khoản vay của Chính phủ Nhật Bản có thời hạn 30 năm, 10 năm ân hạn.

* Theo cá nhân ông, vay nợ như thế thì mức độ an toàn của VN thế nào? Mỗi năm VN phải dành bao nhiêu tiền trả nợ?

- Nhiều tổ chức đánh giá hệ số tín nhiệm quốc tế đã xếp VN vào nhóm các quốc gia có mức nợ nằm trong tầm kiểm soát và không nằm trong nhóm các nước có gánh nặng về nợ. Chúng ta luôn bố trí trả nợ đầy đủ các khoản đến hạn, không có nợ xấu, quá hạn. Trong những năm gần đây, số chi trả nợ của Chính phủ thường chiếm 10-12% tổng chi ngân sách nhà nước (dự toán chi ngân sách năm 2010 là 582.000 tỉ đồng, như vậy số tiền phải trả năm 2010 khoảng 3 tỉ USD - PV)...

Đường sắt cao tốc: chỉ nên làm theo kiểu cuốn chiếu

* Quốc hội đang xem xét dự án đầu tư đường sắt cao tốc Bắc - Nam. Dưới góc độ của Bộ Tài chính, bộ trưởng đánh giá dự án này ảnh hưởng đến nợ quốc gia, khả năng đầu tư cho các lĩnh vực quan trọng khác như thế nào?

- Tôi đã tìm hiểu kỹ dự án này. Vốn cho dự án đường sắt cao tốc Chính phủ trình, nếu theo phương án phân kỳ đầu tư 2 là 55,8 tỉ USD. Có thể sẽ vay ODA hoặc hình thức vay khác khoảng 37 tỉ USD. Mức vay bình quân hằng năm trong giai đoạn 2012-2020 khoảng 1,9 tỉ USD. Việc thực hiện dự án này tất nhiên sẽ có ảnh hưởng tới nợ công, nợ Chính phủ và quốc gia.

Theo tôi đánh giá, hiệu quả kinh tế của dự án không phải là rất cao, nhưng về lâu dài và tính cả hiệu quả xã hội thì rất lớn. Cá nhân mà nói, khi tính toán phương án vốn cụ thể cần phải đặt trong bối cảnh tổng thể về chiến lược phát triển kinh tế - xã hội, đảm bảo an ninh tài chính quốc gia, không để lại gánh nặng nợ cho thế hệ sau.

* Nghĩa là khả năng huy động vốn, trả nợ sẽ không đơn giản?

- Để đảm bảo khả năng huy động vốn cho dự án, theo tôi, cần xây dựng phương án xã hội hóa huy động vốn cho dự án, tranh thủ tối đa nguồn vốn ODA. Đối với các khoản vay khác rõ ràng cần cân nhắc kỹ do chúng ta phải vay với thời hạn ngắn, lãi suất cao... Điều này sẽ gây áp lực về trả nợ, nhất là các khoản nợ đến hạn trong thời gian xây dựng - khi dự án chưa hoàn thành, chưa đưa vào sử dụng và đương nhiên cũng chưa có nguồn thu để trả nợ.

Còn chuyện làm thế nào, theo tôi, phải làm tốt việc phân kỳ đầu tư, trước mắt nên tập trung vào những đoạn đang bị quá tải về nhu cầu vận chuyển và đi lại của hành khách. Khi hoàn thành, đưa vào khai thác sẽ lấy nguồn thu của đoạn này để đầu tư cho đoạn tiếp theo, tức là nên đầu tư theo hình thức cuốn chiếu.

cVw41Z03.jpgPhóng to
Ông Lê Quốc Dung - Ảnh: V.Dũng
Ông Lê Quốc Dung (phó chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế của Quốc hội):

Nợ 40% GDP là phải lo sợ rồi

Tôi cho rằng nợ của VN ở mức 40% GDP đã đáng phải lo sợ rồi. Có nước nợ chính phủ đang cao gấp hai lần GDP nhưng họ không quá lo, thế giới cũng không lo, trái phiếu của họ vẫn được tìm mua và họ chỉ phải chịu lãi suất thấp vì nền kinh tế của họ rất mạnh.

Một nền kinh tế mạnh dù có vay khi khó khăn, khi hồi phục họ trả được ngay. Kinh tế VN thì khác, tôi xin nói thật là chủ yếu bán nguyên liệu, mua thành phẩm. Thu nhập của chúng ta thấp, đời sống thấp, hệ số ICOR cao, khoáng sản toàn xuất khẩu thô. 25 năm đổi mới vẫn chưa có xe máy, ôtô thật sự của VN. Vì vậy, tôi đề nghị Chính phủ cần tính toán cơ cấu lại nguồn tài chính.

Hiện thất thu ngân sách của VN phải nói là rất lớn, chúng ta đã cấp 4.000 giấy phép khoáng sản nhưng đến nay vẫn không thu được đồng nào...

CẦM VĂN KÌNH thực hiện
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên