Phóng to |
Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng (thứ hai từ trái qua) trao đổi với đại biểu Quốc hội về các dự án giao thông - Ảnh: Việt Dũng |
“Giao thông đang là bức xúc, chọn hướng phát triển đường sắt cao tốc thì có lợi thế, thực tế ở Nhật Bản cho thấy hầu như không có tai nạn xảy ra, trong khi đường bộ tai nạn giao thông nhiều. Làm được tuyến đường sắt hiện đại thì tư thế đất nước cũng đàng hoàng hơn” - đại biểu Lê Văn Cuông (Thanh Hóa) bày tỏ quan điểm của mình như vậy về tuyến đường sắt cao tốc.
Quyết cho thế hệ sau
Ông Trần Du Lịch (TP.HCM) cho rằng đáng lý phải nghiên cứu, đầu tư cho đường sắt từ lâu, bây giờ đã là chậm.
“Chúng ta cần phải xác định loại phương tiện nào sẽ là chiến lược cho 15-20 năm nữa. Tôi cho rằng ôtô thì không phải, vì ôtô chủ yếu là phương tiện cá nhân. Chúng ta phải dùng các phương tiện công cộng, trong đó tàu bánh sắt sức chứa lớn sẽ mang tính chủ lực. Đừng chỉ nhìn vào điều kiện ngày hôm nay để tính cho 15-20 năm nữa” - ông Lịch nói.
Theo ông Lịch, Quốc hội quyết vấn đề này rất khó khăn, vì phải thể hiện trách nhiệm rất lớn với tương lai, quyết dự án này là cho thế hệ sau. Cái khó trước hết nằm ở số tiền đầu tư 56 tỉ USD làm nhiều người giật mình và quan ngại về tính khả thi. Hơn nữa, thật khó đoán biết được sau 20 năm nữa sự thay đổi của cuộc sống, khoa học, kỹ thuật sẽ diễn ra như thế nào, trong khi dự án cần tới 23 năm để hoàn thành.
Phân tích các băn khoăn này, ông Lịch nói: “Dự án này đầu tư hơn 20 năm chứ không phải một năm, nếu cứ lấy 56 tỉ USD để so sánh với GDP hiện nay thì ngán, nhưng bóc tách ra thì không phải là không làm được. Chẳng hạn, làm theo nguyên tắc Nhà nước đầu tư đường, các doanh nghiệp đầu tư tàu thì phần đầu tư sẽ nhẹ hơn. Xét hiệu quả dự án là phải xét tổng thể vì tác động lan tỏa của giao thông rất lớn. Chẳng hạn nếu đi TP.HCM đến Phan Thiết chỉ một giờ thì toàn bộ tuyến du lịch trên quãng đó rất phát triển, các đô thị cũng phát triển dựa trên hệ thống ga...”.
Phóng to | |
“Tôi đồng ý là làm trước hai đoạn: Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang” |
“Cái khó trước hết nằm ở số tiền đầu tư 56 tỉ USD”
Đại biểu TRẦN DU LỊCH (TP.HCM) |
"Việt Nam cần rút kinh nghiệm về phương pháp đầu tư, nếu cứ đi vay ODA, ngân sách nhà nước chịu, sẽ không biết bao giờ trả nợ xong"
Đại biểu PHẠM THỊ LOAN (Hà Nội) |
"Giá vé tàu cao tốc ngang ngửa giá vé máy bay thì không biết sẽ có bao nhiêu người đi?"
Đại biểu NGUYỄN MINH THUYẾT (Lạng Sơn) |
“Có tính lãng mạn”
Ông Nguyễn Minh Thuyết (Lạng Sơn) coi đây là một dự án “có tính lãng mạn rất cao”. Theo ông Thuyết, việc huy động số vốn lên tới 56 tỉ USD rất khó khả thi. Hơn nữa giá vé tàu cao tốc ngang ngửa giá vé máy bay thì không biết sẽ có bao nhiêu người đi?
Đại biểu Nguyễn Văn Phát (Thanh Hóa) đề nghị Chính phủ làm rõ hai vấn đề: một là khi dự án tổng thể này triển khai thì ảnh hưởng như thế nào đối với các hệ thống giao thông khác như hàng không, đường biển, đường bộ; hai là trong điều kiện hiện đang triển khai quá nhiều dự án, trong đó có các dự án rất tốn tiền như thủy điện, điện hạt nhân mà phần lớn là đi vay, cần xem xét khả năng trả nợ thế nào để không rơi vào thế tiến thoái lưỡng nan.
Đại biểu Phạm Thị Loan (Hà Nội) nêu kinh nghiệm: “Trước đây Đài Loan cũng định nhờ Nhật thiết kế, dự kiến hết 27 tỉ USD, chiều dài 345km. Nhưng sau đó Đài Loan tính với 27 tỉ USD thì nghị viện không thông qua. Họ đề xuất nộp phạt Nhật để chuyển sang hình thức khác, tự đầu tư, Nhà nước và dân cùng làm (PPP). Đấu thầu theo hình thức PPP, tổng đầu tư giảm xuống chỉ còn 16 tỉ USD”.
Theo bà Loan, VN cần rút kinh nghiệm về phương pháp đầu tư của Đài Loan, nếu cứ đi vay ODA, ngân sách nhà nước chịu, sẽ không biết bao giờ trả nợ xong. “Nợ Chính phủ đã cao, nếu tiếp tục, gánh nặng quá lớn. Dự án cần 45 năm mới thu hồi vốn thì không hiệu quả” - bà Loan nói.
Về khía cạnh công nghệ và kỹ thuật, ông Trần Du Lịch lo lắng: “So với các nước khác thì mình có một nhược điểm rất lớn là không làm chủ được công nghệ, kỹ thuật. Nhật Bản tự tạo ra công nghệ và thiết kế đường sắt cao tốc, Trung Quốc mua công nghệ nhưng họ chế tạo lại, trong khi ta lệ thuộc toàn phần. Điều này sẽ ảnh hưởng không nhỏ đến tính hiệu quả”.
Nên làm trước hai đoạn
Theo chủ nhiệm Ủy ban Kinh tế Hà Văn Hiền, VN đã làm đường Hồ Chí Minh, đã cải tạo quốc lộ 1A và đang làm tuyến đường ven biển. Các phương tiện vận tải sẽ rất phong phú. Từ Hà Nội đến TP.HCM cũng đã có tám sân bay nên cần xem xét kỹ lại dự án này.
Trên cơ sở tiềm lực kinh tế đất nước, đại biểu Đặng Văn Khanh (Hà Nội) đề nghị Quốc hội chỉ quyết cho làm đường sắt cao tốc từ Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang vì đường bộ căng thẳng nhất hai đoạn này, đến Đà Nẵng đã có sân bay. Với chiều dài 664km, 15 ga, tổng đầu tư chỉ 21 tỉ USD, ông Khanh nói như thế phù hợp với VN, các đoạn khác khi tình hình kinh tế khá lên sẽ quyết sau.
Ông Nguyễn Đăng Trừng (TP.HCM) đồng tình: “Tôi đồng ý là làm trước hai đoạn: Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang đến năm 2020 hoàn thành. Nhiều bà con còn mong muốn dự án hoàn thành sớm hơn nữa chứ không chờ đến năm 2035 mới được đi liền mạch Bắc - Nam”.
Ông Trần Du Lịch cũng đồng tình làm trước hai đoạn Hà Nội - Vinh, TP.HCM - Nha Trang nhưng đề nghị nên khai thác theo kiểu cuốn chiếu, làm xong đoạn Hà Nội - Thanh Hóa, TP.HCM - Phan Thiết trước thì khai thác trước.
“Nói đến tiền thì tôi cũng sợ nhưng chắc là trung ương lo, mà ta mới bàn về chủ trương thôi. Nếu có nguồn vốn thì cần làm nhanh, và nên làm thử đoạn Hà Nội - Thanh Hóa” - ông Lê Văn Cuông đề xuất.
Ông VÕ HỒNG PHÚC (bộ trưởng Bộ Kế hoạch - đầu tư, chủ tịch Hội đồng thẩm định nhà nước dự án đường sắt cao tốc Bắc - Nam): Không phải làm ào ào Dự án này trình Quốc hội xem xét chủ trương. Nếu Quốc hội cho phép thì mới làm. Sau đó cũng phải chia theo từng đoạn mà làm và mỗi đoạn lại có dự án khả thi cụ thể. Ví dụ đoạn Hà Nội - Vinh dự kiến cần đầu tư hơn 11 tỉ USD, như vậy riêng đoạn này cũng phải lập dự án trình Quốc hội. Hiệu quả kinh tế cũng tính theo từng đoạn. Nghiên cứu ở Nhật Bản cho thấy người dân phần lớn sử dụng đường sắt cao tốc cho cự ly 300-800km, nếu xa hơn thì người ta đi máy bay, gần hơn đi ôtô. Cho nên đã có đề nghị chọn hai đoạn làm trước là Hà Nội - Vinh và TP.HCM - Nha Trang. Để cẩn thận, phía Nhật Bản cũng đề cập xem xét khả năng thi công và vận hành của Việt Nam, họ đề nghị chúng ta làm trước 150km để rút kinh nghiệm. Chính phủ cũng tính toán rất cẩn thận chứ không phải ào ào coi như thông qua dự án này là chúng ta đồng khởi để làm. Không phải như vậy. Đúng là chưa có cam kết nào về nguồn vốn đối với dự án đường sắt cao tốc. Nhưng trong chuyến thăm và làm việc tại nước ta của bộ trưởng đất đai, cơ sở hạ tầng, giao thông vận tải và du lịch và bộ trưởng phụ trách chiến lược quốc gia của Nhật Bản, hai vị bộ trưởng đã nói rằng Nhật Bản sẵn sàng tài trợ dự án này theo nhiều hình thức. Đồng thời không phải nguồn vốn hoàn toàn từ phía Nhật Bản mà đầu tư theo phương thức công tư kết hợp... Vậy nên không phải toàn bộ nguồn vốn đầu tư dự án (gần 56 tỉ USD - PV) đưa vào nợ vay nước ngoài, dẫn đến vỡ nợ mà huy động nhiều nguồn vốn khác nhau. |
Không thể bỏ lãi suất cơ bản Ngày 21-5, Quốc hội đã thảo luận tại hội trường về một số nội dung còn ý kiến khác nhau của dự thảo Luật Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (sửa đổi). Đa số đại biểu không tán thành việc bỏ lãi suất cơ bản. Theo đại biểu Cao Sỹ Kiêm - nguyên thống đốc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam, nhiều quốc gia vẫn sử dụng lãi suất cơ bản căn cứ trên lãi suất hình thành của các ngân hàng thương mại, lãi suất liên ngân hàng để điều hành. Mức lãi suất cơ bản nhiều nơi không bắt buộc phải tuân theo, mà để Ngân hàng Nhà nước kiểm soát sự cạnh tranh lành mạnh và ngăn chặn cho vay nặng lãi. Trong trường hợp bất bình thường, Ngân hàng Nhà nước phải có can thiệp bằng lãi suất cơ bản để không làm rối loạn thị trường tiền tệ. Ông Kiêm cho rằng trong dự thảo luật chỉ nói “Ngân hàng Nhà nước công bố lãi suất tái cấp vốn và các loại lãi suất khác để điều hành chính sách tiền tệ” là không rõ. Cần nói rõ “loại lãi suất khác” là lãi suất cơ bản. Đại biểu Trần Đình Long (Đắk Lắk) khẳng định hướng cho tự do hóa lãi suất ở Việt Nam là không có cơ sở. Theo ông Long, thị trường vốn, năng lực cạnh tranh của ngân hàng trong nước và nước ngoài ở Việt Nam không ngang nhau, chưa kể vấn đề như quản lý nhà nước nên càng không thể bỏ lãi suất cơ bản. Về dự trữ ngoại hối, theo ông Long, dự luật của Chính phủ trình chưa rõ. Ông Long đề nghị làm rõ nguồn hình thành quỹ ngoại hối vì băn khoăn không biết nguồn này có phải từ ngân sách hay không. “Có nguồn gốc mới tính được sử dụng nó như thế nào cho hợp lý, có cho Chính phủ tùy ý chi tiêu hay không” - ông Long nói. Ông Phan Trung Lý, phó chủ nhiệm Ủy ban Pháp luật, cũng cho rằng lãi suất cơ bản rất quan trọng với Việt Nam. “Khi khủng hoảng, chúng ta đã dùng lãi suất cơ bản để điều hành một cách hiệu quả”, vì vậy ông Lý đề nghị cần giữ lãi suất cơ bản. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận