Nhưng những mùa bão lũ trước cho thấy câu hỏi ấy thường chỉ được nhắc khi nỗi đau ập đến và nhanh chóng rơi vào lãng quên khi nỗi đau qua đi. Đáng lẽ câu hỏi ấy phải được đặt ra và tìm cách trả lời bằng hành động, từ rất lâu rồi, trước khi những diễn biến của biến đổi khí hậu và sự tàn phá môi trường của con người làm lũ lụt miền Trung trở nên tàn khốc hơn.
Phóng to |
Bà Hoàng Thị Hà (xóm 2, xã Đức Bồng, Vũ Quang, Hà Tĩnh) đứng trước căn nhà đổ nát của mình sau hai trận lũ kinh hoàng - Ảnh: Thuận Thắng |
Nhưng thực tế thì câu hỏi lớn ấy dường như chỉ được quan tâm một cách chừng mực, thậm chí hời hợt. Tại sao? Bởi vì chúng ta không có đủ niềm tin và quyết tâm thay đổi trong cuộc đối đầu với thiên nhiên. Tôi không thể biết hết nỗi lòng và suy nghĩ của tất cả mọi người, nhưng những người tôi đã tiếp xúc, từ quan chức tới thường dân, từ nhà báo tới học giả đều tiếp cận vấn đề bằng một niềm tin rằng chúng ta không thể thay đổi được số phận hoặc tâm lý: “Nói mãi rồi mà có làm được gì đâu”.
Hệ quả của tâm lý là chúng ta bị động và bất lực trước thiên nhiên. Trong những chuyến đi miền Trung, tôi ngạc nhiên khi nhiều cán bộ của một tỉnh nắm kỷ lục về thiệt hại do lũ lụt giải thích việc không có hệ thống đê sông bởi “từ trước đến giờ vẫn thế”.
Một học giả nổi tiếng ở Huế vẫn chỉ giữ kho sách quý của mình bằng cách dùng gạch kê cao hơn những chồng sách theo mực nước ông vạch hằng năm trên tường nhà, cho đến khi cơn lũ lịch sử năm 1999 cuốn trôi tất cả. Trong lúc ấy những cánh rừng đầu nguồn tại Quảng Bình và Hà Tĩnh, rốn bão của VN, vẫn tiếp tục bị tàn phá và nhiều dự án tái định cư vùng lũ vẫn nằm trên giấy. Hậu quả là mỗi mùa lũ, thành quả lao động của người dân lại bị cuốn trôi bởi dòng nước dữ và những con người can trường ấy lại cần đến tấm lòng tương thân tương ái của đồng bào mình.
Đã có những nỗ lực để sống chung với thiên tai, như việc xây dựng kho thóc dự trữ tại xã A Tiêng (Tây Giang, Quảng Nam) và việc xây dựng một loạt nhà cộng đồng phòng tránh bão lũ do Quỹ hỗ trợ thiên tai miền Trung tài trợ. Tuy nhiên những giải pháp này chỉ giúp giảm thiệt hại về người chứ không giúp giảm thiệt hại về tài sản và làm cuộc sống người dân bớt cơ cực sau khi nước rút. Hơn nữa, những nỗ lực như vậy tuy rất đáng trân trọng nhưng chỉ như muối bỏ biển nếu thiếu vai trò của Nhà nước trong việc đưa ra những chiến lược và hành động cụ thể, nhằm giảm thiểu và thích ứng với thiên tai.
Có rất nhiều câu trả lời cho câu hỏi “Làm sao để miền Trung không còn tang thương vì lũ?”. Có những giải pháp lớn cần vai trò của chính quyền: bảo vệ và mở rộng diện tích rừng đầu nguồn để giảm sức tàn phá của lũ; lập bản đồ lũ lụt để xác định mức độ rủi ro cho từng khu vực; quy hoạch lại các điểm dân cư theo dạng tập trung và tại các khu vực ít rủi ro; xây dựng các công trình hạ tầng đa chức năng tại các khu vực rủi ro cao nhằm cung cấp nơi tạm trú trong mùa lũ và phúc lợi xã hội khi nước cạn. Cũng có những giải pháp nhỏ cần sự đóng góp của xã hội như cung cấp áo phao cho từng hộ gia đình và dạy bơi cho trẻ em.
Các nhà khoa học đã chỉ ra rằng mức độ rủi ro của mỗi quốc gia không chỉ phụ thuộc vào điều kiện tự nhiên mà cả nhận thức, năng lực và nỗ lực của chính quốc gia đó trong việc giảm thiểu và thích ứng với thiên tai. Khi thiên nhiên nổi giận sẽ không phân biệt nông thôn hay thành thị, dân thường hay quan chức, người giàu hay người nghèo.
Chỉ có chúng ta thể hiện trước thiên nhiên một chính quyền có trách nhiệm, một xã hội có tổ chức và mỗi cá nhân có ý thức về một thách thức chung mà chúng ta phải đối mặt. Một điều chắc chắn là chúng ta không thể vượt qua thách thức bằng niềm tin rằng chúng ta sẽ thất bại. Và những gì miền Trung đang gánh chịu có thể là tương lai của những vùng đất khác nếu chúng ta không hành động từ hôm nay.
Đất nước nhỏ, nỗ lực lớn Đó là tên gọi của một phòng triển lãm môi trường trong công trình đập Marina không xa trung tâm Singapore, thể hiện niềm tự hào của đất nước này trong công cuộc cải tạo và thích ứng với thiên nhiên. Cũng như nhiều đảo quốc khác, Singapore đối mặt với thách thức vô cùng to lớn khi nước biển dâng cao cùng với lượng mưa lớn có nguy cơ nhấn chìm khu trung tâm. Từ tầm nhìn của cựu thủ tướng Lý Quang Diệu 20 năm trước, vịnh Singapore được ngăn và cải tạo thành một hồ nước ngọt khổng lồ nằm ngay cạnh trung tâm thành phố. Hồ nước có ba chức năng chính: cung cấp nước ngọt cho đảo quốc, thu gom nước mưa và lũ sông rồi bơm ra biển để giải quyết vấn đề ngập lụt cho các khu trũng trong thành phố và là một điểm du lịch đáng chú ý. Từ khi hoàn thành, dự án đã giành hầu hết giải thưởng danh giá nhất trong lĩnh vực kỹ thuật môi trường trên khắp thế giới. Tờ rơi quảng cáo du lịch cho đập Marina có đoạn viết: ”Một quốc gia phát triển bền vững về môi trường đòi hỏi tư duy và nỗ lực. Quy hoạch và quản lý tài nguyên một cách cẩn trọng đã giúp tối đa hóa tiềm năng của một quốc gia bé nhỏ”. |
Câu chuyện lũ lụt hằng năm ở miền Trung với những tổn thất khó lường gây xúc động lớn trong bạn đọc. Có giải pháp nào hạn chế những thiệt hại do thiên tai - đặc biệt là lũ lụt - gây ra? Có phương thức gì bảo đảm an toàn tính mạng cho người dân khi lũ về? Có cách nào bảo đảm khi nước lên những vùng cô lập không thiếu, đói... Rất mong ý kiến đóng góp giải pháp của quý độc giả. Mọi ý kiến, phản hồi xin gửi về địa chỉ tto@tuoitre.com.vn. |
Cần lực lượng tại chỗ phòng chống bão lũ || Bể nước đa năng || Nhà hình trụ || Đi tìm giải pháp sống chung với lũ || Đừng nghĩ nước không thể cao hơn || Nên làm hầm tránh bão || Kịch bản nào ứng phó bão lũ? || Lũ cát Quảng Bình |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận