Sẽ xử lý nghiêm vụ thầy trò đánh nhau trên bục giảng"Sốt" với clip thầy trò đánh nhau trên bục giảngThầy - trò đánh nhau, đạo lý trôi về đâu?
Từ góc độ nghề nghiệp, đó chính là giao tiếp sư phạm, phương pháp dạy học và tri thức của giáo viên. Giáo viên có khiếm khuyết một trong ba vấn đề này sẽ khó có được sự tôn trọng từ người học. Dĩ nhiên, để từ tôn trọng đến quý trọng còn phải cần nhiều hơn.
Hình ảnh trong clip thầy, trò đánh nhau trên bục giảng đang gây xôn xao dư luận |
Thiếu kỹ năng giao tiếp
Ửng xử với học sinh hỗn láo luôn là một khó khăn đối với mọi giáo viên. Sai lầm thường gặp là giáo viên sử dụng quyền lực người thầy, người lớn tuổi của mình để áp đặt, đe nẹt người học vào khuôn phép thay vì cảm hóa, thuyết phục. Nếu cách này thành công thì giáo viên giữ được trật tự lớp học, có được sự tuân phục nhưng không thể đạt được mục tiêu giáo dục. Nếu không thành công thì thực sự là tai họa!
Tìm bằng Google với cụm từ “đánh học sinh” ta được 3.750.000 kết quả trong 0,40 giây. Đó là biểu hiện rõ ràng về thiếu kỹ năng giao tiếp ở giáo viên. Giáo viên thiếu tôn trọng, thiếu sự đồng cảm với người học không phải là cá biệt, đặc biệt là với người học nhỏ tuổi. Càng nhỏ tuổi so với giáo viên càng dễ bị giáo viên dùng quyền lực để mắng mỏ, áp đặt hay đánh đập. Giáo viên ứng xử thiếu mô phạm, thiếu thiện chí cũng thường xảy ra, kể cả ở những giáo viên có nhiều năm giảng dạy. Mà tính mô phạm, tôn trọng và đồng cảm với người học, có thiện chí lại chính là các nguyên tắc giao tiếp sư phạm cơ bản.
Mặt khác, sự giao tiếp sư phạm của giáo viên không chỉ diễn ra với người học trong lớp mà còn diễn ra bên ngoài với toàn xã hội. Không có quy định nào và không ai cấm giáo viên đi chơi với người học hay ngồi hàng quán trước cổng trường. Giáo viên rất cần phải gần gũi với người học. Tuy nhiên, cần phải chú ý vì cùng một hành vi, với người khác thì không sao, nhưng với một giáo viên thì có thể bị đánh giá “thầy, cô mà cũng làm vậy a”. Bởi giáo viên là người được xã hội tôn trọng. Có thể nói, giáo viên cũng là “người của công chúng” nên rất gìn giữ hình ảnh của mình, rất cần rèn luyện kỹ năng giao tiếp.
Vết ố trong nền giáo dục Chuyện này thời nay không hiếm. Học sinh cấp III là lứa tuổi "cứng đầu" nhất cho nên nếu thầy giáo dùng biện pháp như là kỹ sư tâm hồn thì không phải tốn giấy mực với mấy cái chuyện không ra làm sao thế này! Cần xử lý mạnh tay và cần có quy tắc phòng tránh tốt những vết ố trong nền giáo dục. |
Phương pháp dạy học thiếu tích cực
Ngày nay, với phương pháp dạy học tích cực, quá trình dạy học bao gồm “người học” và “người tổ chức quá trình học” thay vì “trò” và “thầy” như trước kia. Người học tương tác nhiều hơn với giáo viên và với nhau, học tập một cách chủ động và sáng tạo. Giáo viên giữ vai trò là người tổ chức, hỗ trợ và khuyến khích. Quá trình dạy học như vậy khiến cho sự đồng cảm, thiện chí và tôn trọng lẫn nhau luôn được duy trì và phát triển.
Ngược lại, với lối dạy học thiếu tích cực, thụ động thì quá trình dạy học chỉ là truyền thụ kiến thức một chiều từ giáo viên đến người học. Sự tương tác giữa giáo viên với người học, giữa người học với nhau rất ít ỏi. Do vậy, giáo viên thiếu thông tin phản hồi từ người học để điều chỉnh hành vi của mình. Người học thiếu cơ hội trao đổi, tranh luận với nhau để có được sự ứng xử theo chuẩn mực chung của xã hội.
Từ đó, giữa “thầy” và “trò” cũng thiếu sự chia sẻ, cảm thông để gần gũi, tôn trọng nhau trong từng giờ học.
Ít cập nhật kiến thức xã hội
Một nghiên cứu của Ủy ban Đào tạo giáo viên, Viện hàn lâm Giáo dục quốc gia (Mỹ) cho thấy khá nhiều giáo viên chỉ tập trung vào kiến thức môn học mà ít chú ý đến các vấn đề khác. Đây có lẽ cũng là một thực tế ở nước ta. Trong xã hội thông tin ngày nay, nếu không có được kiến thức xã hội rộng rãi thì sẽ trở nên bảo thủ, lạc hậu và đặc biệt là không hiểu được người học. Kiến thức xã hội của “thầy” không bằng “trò” thì khó mà đồng cảm và được tôn trọng. Đồng thời vì thiếu cập nhật kiến thức xã hội nên cách hành xử cũng sẽ trở nên không phù hợp với người học. Trên báo chí, những giáo viên được người học “hâm mộ” đều là những giáo viên trẻ và gần gũi với phong cách sống của học sinh.
Quan hệ thầy - trò đã thay đổi
Trước kia, “trò” có quyền và nghĩa vụ chấp nhận “thầy”, mặc nhiên phải tôn trọng “thầy”. Thì nay giáo dục được coi là một dịch vụ đặc biệt, “người học là khách hàng của người dạy”. Đã là khách hàng thì người học có quyền yêu cầu một dịch vụ giáo dục tốt, một giáo viên tốt. Do vậy, để được người học và xã hội tôn trọng thì người thầy phải có sự đầu tư, rèn luyện xứng đáng.
Thầy, trò đều sai Sau khi Tuổi Trẻ đăng thông tin về việc thầy giáo tát học trò rồi học trò cũng nhảy vào đánh lại thầy ngay trên bục giảng xảy ra tại Trường THPT Nguyễn Huệ, huyện Tây Sơn, Bình Định, đã có hàng ngàn ý kiến phản hồi của bạn đọc về việc này. Nhiều ý kiến chê trách học trò đã hành xử trái đạo lý nhưng cũng nhiều ý kiến cho rằng người thầy đã có lỗi khi thiếu tôn trọng học trò, sai phương pháp giáo dục. Mail của bạn đọc LE XUAN THIET gửi tới Tuổi Trẻ viết: Mình công tác trong ngành giáo dục được 13 năm. Qua clip và sự nhận xét của các bạn, mình có cảm nhận: Thật sự mà nói rất buồn cho cả thầy và trò. Về người thầy: bốn năm học đại học bỏ đi đâu trong đó ít nhất gần ba năm thầy học đủ các loại học phần về môn tâm lý, đây chính là thời điểm thầy cần vận dụng môn này. Tôi không thể chấp nhận lý do là thầy còn trẻ, thiếu kinh nghiệm, thiếu kiềm chế lại phải dạy học sinh hư... Có rất nhiều phương án để giải quyết tình huống khi học sinh vi phạm và mình nhớ không nhầm thì không có phương án nào giải quyết tình huống như thế. Đó là vi phạm đạo đức nhà giáo. Còn về hai học sinh: nhìn nhận một cách khách quan thì đa phần đạo đức học sinh ngày nay xuống cấp do thời buổi kinh tế thị trường, gia đình, xã hội đã tác động đến học sinh. Gia đình chưa thật sự quan tâm đến con em mình. Nhà trường còn chú trọng đến dạy chữ, chưa thật sự quan tâm đến dạy người, xã hội thì có quá nhiều sự tác động xấu đến học sinh... Tóm lại, cả thầy và trò đều sai. Nếu mỗi người kiềm chế một chút thì có lẽ sự việc không như thế này. Hoặc thầy xử lý tình huống tốt hơn thì ngành giáo dục ta sẽ bớt đi phần nào dư luận xấu. Mong các cấp có thẩm quyền xem xét và xử lý: sai đến đâu xử lý đến đó. |
Tối đa: 1500 ký tự
Hiện chưa có bình luận nào, hãy là người đầu tiên bình luận