19/10/2012 07:00 GMT+7

Đừng để có thêm những nỗi đau...

YẾN NHI
YẾN NHI

TT - Loạt bài “Tai nạn giao thông - nỗi đau để lại” (Tuổi Trẻ từ ngày 10 đến 18-10) đã đem đến nhiều cảm xúc cho bạn đọc, từ sự phẫn nộ người gây tai nạn đến đồng cảm với nỗi đau của những người trong cuộc.

Xin được giới thiệu hai trong số các ý kiến đó.

6ZwuMdEw.jpgPhóng to
Một tai nạn giao thông trên đường Tôn Đức Thắng, Q.1, TP.HCM - Ảnh: T.T.D.

Tôi từng gây tai nạn

Đọc loạt bài, tôi nhớ lại lần tôi lái xe và gây tai nạn. Hôm đó là vào năm tôi học lớp 10. Tôi được bạn chở bằng xe máy (dưới 50 phân khối) đi dự đám tang một người quen. Lúc về trời đã khuya, đường cũng vắng xe qua lại, tôi hứng chí xin bạn cho cầm lái và bạn tôi vui vẻ đồng ý. Vừa ngồi lên xe, rất háo hức tôi liền vào số và băng qua bên kia đường. Cùng lúc đó, một thanh niên chạy với tốc độ cao lao tới và một âm thanh chát chúa vang lên...

Điều kỳ lạ lúc đó là tôi té xuống nhưng hoàn toàn không bị gì. Tôi chạy lên lề và vô cùng hoảng hốt khi chứng kiến cảnh hai chiếc xe nát bét, hai người nằm bất động, bạn tôi văng lên lề, còn người thanh niên kia nằm giữa đường. Vài phút sau, người dân và dân phòng chốt chặn gần đó đến hiện trường, người nhà của bạn tôi cũng đến. Do trời đã khuya và nhận thấy hai bên đều có lỗi nên cả hai đã tự hòa giải với nhau.

May mắn thay, bạn tôi chỉ bị sây sát nhẹ và không ảnh hưởng gì nhiều. Riêng người thanh niên kia do đầu bị va đập mạnh xuống đường nên bị chấn thương sọ não không biết sống chết ra sao khiến tôi vô cùng lo lắng. Sau này tôi mới biết người thanh niên đó đã khỏe lại và sống tốt, nhưng bù lại phải tốn một khoản tiền lớn để chữa trị. Gia đình bạn tôi cũng thường xuyên thăm hỏi và động viên, gia đình người thanh niên đó cũng nhận thấy con mình có lỗi nên không làm lớn chuyện.

Tôi đã suy nghĩ rất nhiều kể từ sau vụ tai nạn đó và luôn cảm thấy day dứt. Tôi bắt đầu tìm hiểu Luật giao thông đường bộ. Sau này khi chạy xe, tôi luôn chấp hành nghiêm chỉnh các quy định khi lái xe trên đường. Chạy xe nhiều, tôi mới nhận thấy ý thức, văn hóa giao thông ở nước ta còn rất thấp. Tình trạng vượt đèn đỏ, lấn tuyến, phóng nhanh, vượt ẩu... diễn ra thường xuyên, chỉ khi có sự xuất hiện của lực lượng cảnh sát giao thông, người ta mới chấp hành nghiêm chỉnh.

Tai nạn giao thông để lại rất nhiều nỗi đau cho các gia đình: người thì mất con, người thì đi tù, có gia đình trở nên khánh kiệt do tai nạn giao thông... Vì thế cần phải tuyên truyền giáo dục sâu rộng kiến thức về Luật giao thông đường bộ và phải có chế tài thật nghiêm khắc đối với những trường hợp vi phạm.

Minh Thông (Đồng Nai)

Chết không phải là hết

Tôi viết những dòng này khi vừa lau xong dòng nước mắt sau khi đọc bài viết “Thiên đường mong manh” (Tuổi Trẻ ngày 17-10). Tôi thấy xót xa, đau đớn. Bất giác tôi lại nhớ mẹ da diết. Mẹ tôi không phải là nạn nhân của tai nạn giao thông. Tôi là một người con mất mẹ vì căn bệnh quái ác. Còn bác Vũ Hoàng Thành là một người cha mất con vì tai nạn giao thông. Không giống nhau nhưng không nỗi đau nào hơn nỗi đau nào. Những mất mát luôn đeo bám người ở lại đến suốt cuộc đời.

Bác Thành viết “Tại sao chết là hết?”, tôi cũng thường tự hỏi như vậy. Mẹ tôi ra đi để lại gia đình tôi qua bao năm tháng vẫn in hằn nỗi nhung nhớ. Khi ba và chị em tôi ngồi với nhau, cười đùa hay làm bất cứ điều gì, chúng tôi vẫn không thôi nhắc đến mẹ với những ước muốn “xa xỉ” nhất “Nếu mẹ còn sống...”.

Người ta bảo “kết thúc là bắt đầu”. Vâng. Gia đình tôi đã bắt đầu một cuộc sống mới, khó khăn hơn, nhưng không có nghĩa bắt đầu mà là phải tiếp tục cuộc sống. Chúng tôi không thể làm gì khác để mẹ sống lại ngoài việc vun đắp tình yêu thương cho nhau, trân trọng mọi khoảnh khắc bên nhau.

Tôi rất sợ khi phải viết những dòng này hay lúc phải nhắc đến cái chết. Bởi một người ra đi sẽ để lại nhiều dấu hỏi và dấu ba chấm khôn nguôi trong lòng những người yêu thương họ. Như ba tôi, ông vẫn ngày ngày cặm cụi tập tành làm những việc dang dở của mẹ, vẫn dành tình yêu thương bao la cho các con, nhưng giấc ngủ của ông không còn tròn đầy nữa, nỗi nhớ thương vẫn chưa bao giờ nguôi trong ánh mắt không giấu được sự đau đớn của ông. Như chị tôi, người kiên cường là bờ vai để cả nhà tôi dựa vào, cuộc sống của chị luôn ngập tràn tiếng cười, ngập tràn hoài bão và khát khao. Nhưng đằng sau một con người mạnh mẽ, ai biết được những khoảng trống vô hồn mà chị phải đối diện hằng ngày, hằng tháng, hằng năm.

Em gái tôi nay đã được 9 tuổi, em vẫn khôn lớn từng ngày nhưng mãi mãi em sẽ chẳng bao giờ hiểu được có mẹ thật sự tuyệt vời như thế nào đâu. Riêng tôi, có nhiều đêm vẫn ướt gối với những kỷ niệm vẹn nguyên về mẹ. Khi trời mưa, khi trời nắng hay đến bất cứ nơi nào in dấu mẹ, tim tôi lại thắt lên từng nhịp, từng nhịp, cho dù thời gian đã qua đi lâu bao nhiêu chăng nữa!

Một người mất đi chẳng là gì với một xã hội ngày càng ngột ngạt với sự gia tăng dân số, cũng chỉ là một tin nghe được thấy buồn rồi thôi với nhiều người. Nhưng người ấy lại là cả bầu trời với người thương yêu họ. Vậy nên, có khi nào khi lái xe trên đường, chỉ vì một cơn háo thắng, một sự bất cẩn hay để kịp thời gian cho một cuộc hẹn... ta tăng tốc, vượt nhanh, quên mất sự an nguy cho mình và những người đang đi bên cạnh. Lúc đó, hãy nghĩ ở đâu đó vẫn luôn có người chờ đợi ta và cả những người đi đường bên cạnh ta trở về, bình yên.

------------------------------------

* Tin bài liên quan:

Kỳ 1: Bên cung đường đenKỳ 2:Đường đi của nỗi đauKỳ 3: 8 tháng tuổi, mồ côi cả cha lẫn mẹ Kỳ 4: Sêrêpốk - năm tháng sau thảm nạnKỳ 5: Bất lực và hi vọngKỳ 6: Alô, cấp cứuKỳ 7: Tiếng thét dội về VOV giao thôngKỳ 8: Thiên đường mong manh Kỳ cuối: Tâm sự của một trung úy CSGT

YẾN NHI
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên