Ông Trump quắc mắt, nước Mỹ xôn xao

QUÂN ANH 02/09/2023 05:38 GMT+7

TTCT - Bức ảnh ông Donald Trump chụp trong nhà tù hạt Fulton, tiểu bang Georgia, đã làm cả nước Mỹ xôn xao. Đằng sau đó là một vụ truy tố hình sự rắc rối và nhiều bất trắc với tương lai chính trị của ông.

Ảnh: The Daily Beast

Ảnh: The Daily Beast

Donald Trump từ lâu luôn nghĩ hành động quắc mắt gườm gườm khiến ông trông đẹp và mạnh mẽ. Timothy O'Brien, tác giả cuốn TrumpNation: The Art of Being the Donald, nhớ lại Trump đánh giá Clint Eastwood là diễn viên vĩ đại nhất và cả ông lẫn vợ, bà Melania, đều tập cách quắc mắt kiểu Clint Eastwood. 

Maggie Haberman viết trên The New York Times rằng khi chụp hình chân dung cho Nhà Trắng, ông Trump quắc mắt để chụp vì cho rằng làm vậy trông "giống Churchill" - vị thủ tướng nổi tiếng của Anh trong Thế chiến II.

Tối 24-8, khi chụp hình trình diện tại nhà tù khét tiếng ở hạt Fulton (bang Georgia), ông Trump lại quắc mắt. Đây là lần thứ tư các cáo buộc hình sự được đưa ra với ông, nhưng là lần đầu ông bị "ghi sổ" tại nhà tù và chụp ảnh chân dung nghi phạm.

Ông tới nhà tù Fulton khoảng 20 phút, thực hiện một số thủ tục mà các bị cáo hình sự phải làm như lấy dấu vân tay và chụp hình. Chỉ vài phút sau khi ông vào tù, dữ liệu về ông đã có trong hệ thống dữ liệu hình sự của hạt Fulton, miêu tả đặc điểm nhận dạng bị cáo là "tóc vàng hoặc màu dâu", cao 1,91m và cân nặng 98kg, giảm 11kg so với số liệu Nhà Trắng công bố năm 2018.

Ông Trump chắc chắn đã tập cái nhìn cáu kỉnh đó nhiều lần trước gương, hòng cố thể hiện thông điệp "bất khuất" khi trình diện. Ông cũng chỉ trích những công tố viên buộc tội mình là can thiệp bầu cử (trong khi cũng chính ông là người yêu cầu quan chức bang Georgia khi đó phải kiếm được thêm 11.780 phiếu để giúp ông thắng cử). 

"Đó là trải nghiệm mà tôi chưa bao giờ nghĩ sẽ phải trải qua, nhưng tôi đã phải trải qua ba lần như vậy - vị cựu tổng thống 77 tuổi nói sau đó - Họ không dạy tôi điều đó ở Trường Wharton". Trump tiếp tục đóng vai nạn nhân trong cuộc phỏng vấn với Fox News, thừa nhận rằng việc trình diện ở Georgia và phải chụp ảnh chân dung tội phạm "không hề thoải mái".

Đạo luật nhắm mafia

Cáo trạng 98 trang của công tố viên hạt Fulton cáo buộc ông Trump tìm cách lật kết quả bầu cử 2020 là rất nặng và nhiều căn cứ. Các tội danh cáo buộc với ông và 18 đồng phạm gồm mấy nhóm khác nhau: đưa ra cáo buộc sai về gian lận bầu cử qua ông Rudy Giuliani và hai luật sư khác trong phát biểu tại nghị viện Georgia tháng 12-2020; kế hoạch lập nhóm đại cử tri giả để ủng hộ Trump; các đồng phạm của ông tìm cách lấy cắp dữ liệu và can thiệp vào thiết bị bầu cử ở hạt Coffee, Georgia.

Bà Fani Willis. Ảnh: CNN

Bà Fani Willis. Ảnh: CNN

Công tố viên Fani Willis đã dùng đạo luật ảnh hưởng xã hội đen và tổ chức tham nhũng (RICO) để buộc tội ông Trump và 18 đồng phạm. Ra đời từ những năm 1970, đây là luật để Mỹ nhắm vào tội phạm có tổ chức. Các băng đảng mafia, giáo phái tình dục, và một số trùm tài phiệt Phố Wall từng bị xử theo đạo luật này.

Quốc hội Mỹ thông qua RICO từ năm 1970 nhắm vào các băng mafia gốc Ý. Những ai từng xem phim The Godfather (Bố già) đều biết ông trùm càng quyền lực thì càng khó chứng minh ổng dính líu tới hành vi phạm tội. 

Để giải quyết vấn đề này, RICO được thông qua, cho phép công tố viên truy tố thành viên của các băng tội phạm lớn dựa trên hành vi và mối liên hệ băng nhóm của mỗi cá nhân. Dù vậy, công tố viên vẫn phải chứng minh được nghi phạm đã phạm tội ít nhất 2 trong 35 tội danh gồm giết người, bắt cóc, tống tiền, cản trở tư pháp… Nghi phạm có thể lãnh án 20 năm tù nếu bị kết tội. Mức án thấp nhất của RICO ở bang Georgia là 5 năm.

RICO thực tế đã hiệu quả, giúp giảm đáng kể tội phạm có tổ chức ở Mỹ mấy thập niên qua. Các ông trùm của ngũ đại gia đình mafia New York đã lần lượt bị xử bằng RICO từ cuối năm 1980 cho tới đầu 2000. Độ rộng của luật này cho phép công tố viên kết án cả ông trùm và thành viên dưới trướng cùng lúc, dần giúp nhà chức trách dẹp các băng đảng nhanh chóng, thay vì chỉ nhắm vào từng cá nhân.

Ông Trump thì sao

Sau này, các công tố viên dùng RICO không chỉ với các băng đảng tội phạm, mà cả các tập đoàn doanh nghiệp. Cuối những năm 1980, ông Giuliani, khi đó là công tố viên liên bang hàng đầu ở Manhattan, gây chấn động Phố Wall khi tiên phong dọa truy tố hai hãng đầu tư lớn bằng RICO. (Chuyện này thật trớ trêu khi chính ông Giuliani đang bị truy tố bởi đạo luật này cùng Trump trong vụ ở Georgia). 

Mối đe dọa án nặng đã buộc một hãng sau đó phải thỏa thuận ngoài tòa, nhận tội danh nhẹ hơn, hãng còn lại sụp đổ sau khi giới đầu tư bỏ chạy trước khả năng bị truy tố. Năm 2020, tòa án ở New York từng dùng RICO để tuyên án 120 năm tù với thủ lĩnh giáo phái tình dục Nxivm.

Hơn 30 bang ở Mỹ có những phiên bản khác nhau của RICO, nhưng luật ở Georgia đặc biệt rộng, bao gồm nhiều hành vi tội phạm và khá lỏng về hành vi của nhóm phạm tội. Phạm vi rộng như vậy cho phép công tố viên có thể dùng luật trong nhiều trường hợp, như bà Willis đang viện dẫn để truy tố ông Trump. 

Bà cũng nhiều kinh nghiệm với RICO: Trước đó, bà từng dùng luật này để truy tố các giáo viên cấu kết để tăng điểm bài thi cho sinh viên và truy tố các ca sĩ rap cùng một hãng ghi âm vì bắt tay nhau tham gia các hoạt động tội phạm.

Ông Trump (phải) và ông Rudy Giuliani. Ảnh: Vanity Fair

Ông Trump (phải) và ông Rudy Giuliani. Ảnh: Vanity Fair

Cáo buộc của bà Willis với ông Trump là ông đứng đầu tổ chức nhằm "thay đổi một cách bất hợp pháp" kết quả cuộc bầu cử 2020. Theo đó, ông Trump và 18 đồng phạm - gồm nhiều luật sư và chính trị gia, như Mark Meadows - cựu chánh văn phòng Nhà Trắng - bị buộc tội đã tiến hành các hoạt động ở Georgia, Arizona, Michigan hòng lừa gạt, nói dối, làm giả thông tin và ăn cắp dữ liệu "phục vụ cho mục đích của họ". Cả ông Trump và ông Giuliani đều bác bỏ các cáo buộc.

Không giống luật liên bang, luật ở Georgia có mức án tối thiểu là 5 năm, nên sẽ buộc các nghi can đồng phạm phải thỏa thuận hoặc hợp tác, nếu không muốn đối mặt nguy cơ ngồi tù. Diễn biến vụ việc sẽ được theo dõi rất sát. ■

Tin Trump hơn người thân

Những người ủng hộ Trump ở Mỹ có vẻ chỉ càng thần tượng ông hơn. "Ông ta trông bảnh và cứng rắn (trong bức hình)", nhà bình luận chính trị Jesse Watters ca ngợi trên kênh Fox News. Trong cuộc tranh luận của phe Cộng hòa hôm 23-8, cũng không ứng viên nào dám mạnh mẽ chỉ trích Trump.

Thách thức lúc này với các công tố viên là phần lớn cử tri Cộng hòa đều tin hệ thống chính trị là tham nhũng và có vấn đề. Thăm dò của CBS/YouGov cho thấy các cử tri của Trump coi ông là nguồn tin đáng tin (71%) nhất, hơn xa các nguồn khác như nhân vật truyền thông cánh hữu (56%), lãnh đạo tôn giáo (42%) hay thậm chí là bạn bè và người thân (63%).

Theo The New York Times, hầu hết người Mỹ đã có quan điểm rõ ràng về ông Trump, bất chấp các cáo trạng ở Georgia. Với họ, ông Trump là tên tội phạm đáng ghê tởm, hoặc là người hùng nạn nhân của một cuộc săn phù thủy mang tính đảng phái nhằm chặn ông tranh cử.

"Các cáo trạng liên tiếp giờ chẳng khác gì tạp âm với nhiều cử tri - Sarah Longwell, cố vấn phe Cộng hòa và là nhân vật chống Trump, nói - Họ không thể phân biệt khác biệt giữa cáo trạng ở Georgia với Jack Smith (cáo trạng liên bang), vì tất cả đều mờ ảo trong chuỗi tin tức về Trump".

Điều này cho thấy chính trường Mỹ đã thay đổi ra sao bởi Trump. Nền chính trị nước này có thời từng dậy sóng nếu ứng viên tổng thống lái xe khi say rượu hay thuổng vài câu trong các bài phát biểu. Nhưng giờ, một ứng viên đang đối mặt các tội danh lật đổ nền dân chủ, gây nguy hại cho an ninh quốc gia, cản trở tư pháp... lại vẫn là người hùng trong mắt một số không ít quần chúng.

Số người Mỹ theo dõi tin tức về những lần buộc tội ông Trump cũng đã giảm đáng kể, từ 8,2 triệu trên các kênh lớn trong lần buộc tội đầu xuống chỉ còn 5,9 triệu trong lần mới nhất. Phát biểu với cử tri ở Alabama hồi tháng trước sau lần nghe tội danh, ông Trump thậm chí tuyên bố: "Chúng ta cần thêm vài lần buộc tội nữa để thắng cuộc bầu cử này".

Những khiêu khích này quả cũng có ích cho mưu toan chính trị của ông, nhưng thực tế vẫn là không ai muốn phải đối mặt với nhiều lệnh truy tố và nguy cơ phải ngồi tù như vậy. Tính tới nay ông Trump đã có bảy phiên tòa dự kiến từ giờ tới tháng 5-2024. Tổng cộng ông đã đối mặt chín phiên tòa kể từ khi rời Nhà Trắng, gồm bốn cáo trạng hình sự nghiêm trọng. Tổng cộng các cáo trạng truy tố ông tới 91 tội danh trọng tội kèm án tù rất dài.

Công tố viên Willis hiện đề xuất phiên tòa bắt đầu từ ngày 23-10 cho tất cả sau khi một số bị cáo đề nghị được xử sớm hơn do muốn tách khỏi vụ án lớn để có thể được giảm tội. Luật sư của ông Trump, Steve Sadow, phản đối đề xuất này. Chiến lược quen thuộc của Trump vẫn là trì hoãn, hy vọng dùng kết quả của bầu cử để tác động hoặc thậm chí tự tha bổng cho ông.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận