Nhật Bản tăng kết nối an ninh ở Đông Nam Á: Giao ước mới

DANH ĐỨC 11/11/2023 09:45 GMT+7

TTCT - Hứa hẹn tăng cường hợp tác chiến lược cuối tuần qua của thủ tướng Nhật Bản với tổng thống Philippines và với thủ tướng Malaysia không có gì đột ngột. Tuy nhiên quy cách của sự hợp tác này nay đã thay đổi.

Tờ Japan Times 4-11 cho thấy Tokyo đã chủ động mở lời với Manila: "Nhật Bản đã tiến thêm một bước nữa để củng cố mạng lưới các đối tác an ninh bằng cách đàm phán với Philippines về thỏa thuận các lực lượng thăm viếng và đưa quốc gia Đông Nam Á này trở thành quốc gia Đông Nam Á đầu tiên nhận được chương trình viện trợ quân sự mới". 

Thông tấn xã nhà nước Philippines PNA hồi đáp bằng bài xã luận ngày 5-11: "Thủ tướng Nhật Bản truyền cảm hứng cho các nhà lập pháp bảo vệ biển Tây Philippines hơn nữa". Thông tấn xã Bernama của Malaysia 6-11 thì viết: "Thủ tướng Nhật Bản kết thúc chuyến thăm Malaysia bằng một danh sách dài các kết quả tích cực".

Thủ tướng Nhật Bản Fumio Kishida đã thăm Philippines ngày 3 và 4-11, rồi Malaysia ngày 5-11. Ở cả hai nơi, ông nói về một thế giới được xây dựng trên "phẩm giá con người", và đây sẽ là nền tảng của các hợp tác quốc tế của chính phủ ông.

Hợp tác với Philippines

Trong chặng đầu thăm Philippines, ông nêu rõ quan điểm chiến lược của Nhật Bản với Ấn Độ - Thái Bình Dương. Ông thuật lại rằng trong chuyến thăm Hoa Kỳ vào tháng 1, ông đã bày tỏ quyết tâm mạnh mẽ bảo vệ "Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương tự do và rộng mở (FOIP)". 

Qua tháng 2, nhân chuyến thăm Nhật Bản của Tổng thống Philippines Bongbong Marcos Jr., ông cũng đề cập tới FOIP trên cơ sở hai bên sẽ hợp tác để duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền. 

Qua tháng 3, ông công bố một kế hoạch mới để hiện thực hóa FOIP, mà mục đích là hướng dẫn cộng đồng quốc tế hướng tới hợp tác thay vì chia rẽ và đối đầu, đồng thời bảo vệ tự do và luật pháp bằng mọi giá.

Ảnh: Rappler

Ảnh: Rappler

Hợp tác này của Nhật Bản sẽ được thể hiện qua việc bắt tay với Philippines để "mở rộng các nỗ lực đảm bảo an ninh và sử dụng an toàn các tuyến đường biển và đường không". 

Đây là một vấn nạn của Philippines kể từ vụ bãi cạn Scarborough năm 2012 mà ai cũng nhớ phía Philippines đã phạm sai lầm khi điều động soái hạm BRP Gregorio del Pilar súng ống đầy mình ra xua đuổi các tàu đánh cá Trung Quốc đang bám bãi cạn này, để rồi "thất thủ" trong vòng vây của các tàu hải giám - được xem là tàu dân sự chấp pháp, cũng của Trung Quốc.

Rút kinh nghiệm giùm cho Philippines, Nhật Bản đến nay đã cung cấp 12 tàu cho Lực lượng Bảo vệ bờ biển Philippines để góp phần nâng cao năng lực an ninh hàng hải cho nước này, ông Kishida cho biết. 

Mới tháng rồi, một công ty Nhật Bản đã chuyển giao radar cảnh báo và kiểm soát cho không quân Philippines nhằm nâng cao cảnh báo không phận. Ông Kishida còn loan tin mới nhất: 

"Hôm qua, Nhật Bản đã đồng ý với Philippines cung cấp radar giám sát ven biển cho hải quân Philippines. (Đây là) dự án hợp tác đầu tiên trên thế giới theo Chương trình Hỗ trợ an ninh chính thức (OSA) mới được thành lập của Nhật Bản trong năm nay". 

Ngoài ra, hai ông Kishida và Marcos Jr. đã bắt đầu các cuộc đàm phán chính thức về thỏa thuận tiếp cận lẫn nhau giữa Nhật Bản và Philippines (RAA). Tất cả các hợp tác đó, theo ông Kishida, nhằm góp phần nâng cao năng lực an ninh của Philippines, qua đó góp phần vào hòa bình, ổn định trong khu vực.

Về RAA, Cố vấn An ninh quốc gia Philiippines Eduardo Año, trong thông cáo tối 5-11, cho biết thêm chi tiết: thỏa thuận sẽ tạo điều kiện cho các thủ tục và hướng dẫn khi lực lượng Philippines đến Nhật Bản để huấn luyện và tập trận chung, và ngược lại. 

Giải thích trên CNN Philippines 6-11, Chủ tịch Thượng viện Philippines Juan Miguel Zubiri cho biết ông tin chắc RAA sẽ được Thượng viện thông qua. Ông cũng hy vọng thỏa thuận kịp thông qua trước cuộc thao diễn dự trù giữa lực lượng bảo vệ bờ biển Philippines, Nhật Bản và Hàn Quốc. 

Phát biểu của ông cho thấy một tâm trạng nôn nao đón nhận một sự hợp tác với Nhật Bản, bổ sung cho thỏa thuận Tăng cường Hợp tác quốc phòng (EDCA) hiện có với Mỹ, vốn đòi hỏi phải cung cấp vị trí đóng quân cho đối tác luân phiên đến trú đóng.

Và Malaysia

Rời Philippines, Thủ tướng Kishida bay qua Malaysia gặp Thủ tướng Anwar. Một lần nữa, chuyến thăm được giải thích là "vì hòa bình, an ninh khu vực và quốc tế". 

Trong cuộc gặp thượng đỉnh này, Thủ tướng Kishidia nhắc đến chính sách Hướng Đông (LEP, ra đời từ năm 1982, với mục tiêu phát triển kinh tế - xã hội thông qua học tập Nhật Bản, với 26.000 thanh niên Malaysia được cử sang Nhật Bản học tập, nghiên cứu). 

Ông Kishida cũng loan báo kế hoạch thành lập chi nhánh tại Malaysia của Đại học Tsukuba, một trong những đại học quốc gia hàng đầu của Nhật Bản, hy vọng rằng trường này (dự định khai giảng tháng 9 năm tới) sẽ trở thành một trung tâm giáo dục đại học kiểu Nhật Bản ở ASEAN và khu vực lân cận, đào tạo ra nhiều thanh niên tài năng, những người sẽ đóng vai trò tích cực trong nhiều lĩnh vực. Đó là một bước phát triển mới trong LEP.

Ông cam kết Nhật Bản sẽ hợp tác với Malaysia để duy trì và củng cố trật tự quốc tế tự do và cởi mở dựa trên pháp quyền. Ông đặc biệt nhấn mạnh rằng Nhật Bản ủng hộ mạnh mẽ việc lồng ghép "Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương - Thái Bình Dương (AOIP)" với FOIP, do có chung các nguyên tắc cơ bản. 

Để hiện thực hóa FOIP và AOIP, Nhật Bản và Malaysia sẽ hỗ trợ đào tạo cho các nước thứ ba trong lĩnh vực an ninh hàng hải do Cơ quan Cảnh sát biển Nhật Bản và Cơ quan Chấp pháp hàng hải Malaysia (MMEA) hướng dẫn. Trước đó, Nhật Bản đã hỗ trợ nâng cao năng lực cho MMEA (mới thành lập năm 2005) và cung cấp cho họ hai tàu tuần tra vào năm 2016.■

Nền tảng "phẩm giá con người"

Trước Quốc hội lưỡng viện Philippines hôm 4-11, ông Kishida cảnh báo rằng cộng đồng quốc tế hiện đang ở bước ngoặt lịch sử, và trật tự quốc tế dựa trên nền pháp trị đang bị đe dọa nghiêm trọng bởi nguy cơ chia cắt thế giới dựa trên hệ tư tưởng và giá trị.

Ông thuật lại rằng ở Thượng đỉnh G7 Hiroshima hồi tháng 5, ông đã nghe dấy lên nhiều tiếng nói dị biệt như thế, kể cả của các nước đang phát triển, thuộc nhóm Nam bán cầu.

Tránh đụng chạm, ông không nêu ra cụ thể nước nào, song nhấn mạnh rằng phải "quay trở lại nền tảng rất cơ bản mà mọi người có thể chia sẻ... ý tưởng "phẩm giá con người""; và "để mọi người được sống có phẩm giá, điều cần thiết là phải xây dựng một thế giới hòa bình và ổn định".

Một ngày sau, 5-11, tại Malaysia, ông lần đầu họp thượng đỉnh Nhật Bản - Malaysia với Thủ tướng Anwar Ibrahim, và cũng lặp lại khái niệm "phẩm giá con người".

Ông chỉ ra rằng cộng đồng quốc tế đang phải đối mặt với một cuộc khủng hoảng phức tạp, đồng thời cho biết Nhật Bản hy vọng hợp tác với Malaysia để duy trì và củng cố trật tự quốc tế.

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận