Hai cuối tuần đối nghịch

DANH ĐỨC 07/10/2023 10:17 GMT+7

TTCT - Hai nhà lãnh đạo cao nhất của Mỹ và Nga đã có hai cuối tuần nhiều sự kiện, nhưng đối nghịch nhau.

Trong khi ông Joe Biden vất vả bảo vệ dự chi ngân sách của mình, nhất là khoản chi cho cuộc chiến Ukraine, đồng thời tránh cho chính phủ khỏi phải đóng cửa, thì ông Vladimir Putin phơi phới hướng đến một cuộc bầu cử tổng thống nữa vào năm tới sau khi ký sắc lệnh mới gọi nhập ngũ thêm 130.000 tân binh.

Ảnh: Getty Images

Ảnh: Getty Images

Trang pravo.gov.ru chính thức của Nga chuyên công bố các văn bản pháp luật hôm 29-9 đã đăng Sắc lệnh của Tổng thống Liên bang Nga số 735, đề ngày 29-9-2023 "Về việc gọi công dân Liên bang Nga thực hiện nghĩa vụ quân sự vào tháng 10, tháng 12-2023 và về việc cho ra quân những công dân đang thực hiện nghĩa vụ quân sự".

Ông Putin thảnh thơi

Theo sắc lệnh này, từ nay đến cuối năm nay sẽ gọi nhập ngũ thêm 130.000 công dân Nga tuổi từ 18-27 không thuộc diện dự bị và thuộc đối tượng theo Luật Liên bang 1998 về "Thực hiện nghĩa vụ quân sự và nghĩa vụ quân sự". 

Được biết trong đợt gọi mùa xuân, 147.000 quân nhân đã nhập ngũ, tính ra trong năm 2023 này gọi nhập ngũ 277.000 quân. Nếu tính thêm khoảng 300.000 của đợt động viên cục bộ đầu tiên vào tháng 9-2022, thì 12 tháng qua Nga đã gọi tổng cộng hơn nửa triệu người đi nghĩa vụ. Cả ba đợt sẽ nâng quân số Nga từ 1,15 triệu lên 1,5 triệu người, Moscow Times tính gộp.

Có phải do có cuộc chiến tranh với Ukraine không? Nhất định là có, song phó cục trưởng Cục Động viên Bộ Tổng tham mưu Nga, chuẩn đô đốc Vladimir Tsimlyansky đoan chắc trên Moscow Times 29-9 rằng sẽ không lính nghĩa vụ nào được cử đến chiến đấu ở Ukraine. 

Ba đợt động viên cục bộ này có tác động gì tới xã hội Nga không? Không rõ, nhưng ông Putin cũng đã ký một sắc lệnh cấm thanh niên trong độ tuổi nghĩa vụ ra nước ngoài - điều thường thấy ở các nước có chiến tranh.

Căn cứ các kết quả thăm dò cuối tháng 6 vừa rồi của cơ quan thăm dò levada.ru, cảm xúc chính của người Nga với chiến dịch quân sự ở Ukraine là "tự hào với nước Nga" (43%), nhiều hơn số "lo lắng, sợ hãi" (32%) và "sốc" (11%). 

Đáng nói là thăm dò này được thực hiện sau lệnh gọi nhập ngũ mùa xuân năm nay và lệnh gọi nhập ngũ tháng 9-2022. Levada đánh giá: "Mức độ chú ý đến các sự kiện ở Ukraine vẫn tương tự hai tháng qua. Sự ủng hộ với hoạt động của lực lượng vũ trang Liên bang Nga cũng hầu như không thay đổi và duy trì ở mức cao".

Tuy nhiên, cũng theo Levada, trong bối cảnh chiếm được Bakhmut vào tháng 6, số người ủng hộ đàm phán hòa bình đã tăng lên đáng kể. 

Điều đó có thể một phần là do những lo ngại sau sự kiện ngày 24-6 - tức vụ Wagner làm loạn định tiến về Matxcơva rồi thôi - đại đa số người được hỏi lo ngại về việc Ukraine bắt đầu cuộc phản công và được phương Tây cung cấp vũ khí. Hầu hết cũng cho rằng Hoa Kỳ và NATO phải chịu trách nhiệm về những gì đang xảy ra và lo ngại về khả năng xảy ra xung đột trực tiếp Nga - NATO tăng lên rõ rệt trong năm qua.

Trong bối cảnh đó, người dân Nga trông cậy vào tổng thống của họ. Kết quả thăm dò từng tháng của Levada cho thấy rõ điều đó. 

Trả lời câu hỏi: "Quý vị có tán thành các hoạt động của V. Putin trong vai trò tổng thống Nga không?" vào tháng 9, 80% nói tán thành, còn cao hơn cách đây một năm (77%). 

Còn với câu hỏi "Nếu chủ nhật tới bầu viện Duma (Hạ viện), quý vị có bỏ phiếu không? Nếu có, thì bỏ phiếu cho đảng nào?", 39% bầu cho Đảng Nước Nga thống nhất (đảng cầm quyền của ông Putin), 9% cho Đảng Tự do dân chủ, 8% cho Đảng Cộng sản Nga, 4% cho Đảng Vì nước Nga công bằng và sự thật, và 3% cho Đảng Người Nga mới.

Theo Hiến pháp Nga sửa đổi vào tháng 7-2020, ông Putin, sau khi nhiệm kỳ hiện tại kết thúc vào năm 2024, có thể tiếp tục ứng cử và cầm quyền (nếu thắng cử) tới năm 2036, tức khi ông 84 tuổi.

Ông Biden nhức đầu

Bên kia "chiến tuyến", Tổng thống Mỹ Joe Biden đã trải qua một tháng 9 hết sức vất vả. Cuối cùng thì tối 30-9, Thượng viện Mỹ cũng thông qua dự luật chi tiêu tạm thời trước đó đã được Hạ viện thông qua, tạm kết thúc mối đe dọa đóng cửa Chính phủ Mỹ ngay ngày 1-10. 

Vấn đề ở chỗ năm tài chính của chính phủ liên bang bắt đầu từ 1-10 đến 30-9 năm sau, nên mỗi năm cứ vào cuối thu, khi lá ngoài đường rụng nhiều, là hai đảng Cộng hòa và Dân chủ lại dồn hết sức bình sinh để quyết chiến trong "trận đánh" ngân sách tài khóa năm sau.

Mỗi đảng, mỗi mục tiêu ngân sách, trên lý thuyết là theo cương lĩnh đảng mình, gia giảm bởi các tham vọng của các đảng viên trong vị trí dân cử hay cầm quyền. 

Tỉ như ngân sách mà Đảng Dân chủ Mỹ (đang cầm quyền) đề ra cho năm tài khóa tới là: "Ưu tiên đầu tư vào nguồn lực quan trọng nhất của đất nước, đó là người dân Mỹ, qua việc giảm chi phí cho các gia đình, củng cố và bảo vệ Medicare và an sinh xã hội" - dân biểu Dân chủ Bredan F. Boyle, thành viên ủy ban ngân sách Hạ viện Mỹ, tuyên cáo trên bản tin của ông.

Thường thì các chương trình an sinh này là tiêu biểu của phe Dân chủ và bị phe Cộng hòa tìm cách cản trở. 

Thành ra năm nay, theo dân biểu Boyle, cuộc chiến với Đảng Cộng hòa cơ bản là để "bảo vệ các chương trình quan trọng khỏi những đợt cắt giảm tàn khốc của Đảng Cộng hòa", và "giảm thâm hụt gần 3.000 tỉ đô la trong thập niên tới", qua việc "bắt người giàu và các tập đoàn phải trả lại phần thuế bất công bằng dành cho họ, trấn áp gian lận và cắt giảm chi tiêu lãng phí cho các hãng dược phẩm lớn (Big Pharma) và hãng dầu lớn (Big Oil) cùng các lợi ích nhóm khác, song vẫn không bắt bất kỳ ai kiếm được dưới 400.000 USD phải trả một xu thuế mới nào".

Có thể thấy khi một bên ưu tiên giảm thuế, cắt giảm chi tiêu công, còn bên kia đòi tăng thuế để tăng trợ cấp xã hội, thì "đánh nhau" là tất nhiên. 

Người phát ngôn Nhà Trắng Karine Jean-Pierre, trong họp báo hôm 2-10, đã gằn giọng: "Dự luật của họ bao gồm cắt giảm tàn khốc tới 30% [chi tiêu công]. Các bạn nghe không nhầm đâu: giảm 30%. Điều đó có nghĩa là gì? Là sẽ sa thải 12.000 đặc vụ FBI, gần 1.000 đặc vụ ATF (cơ quan chấp pháp chuyên về rượu, ma túy và vũ khí cá nhân) và hơn 500 cơ quan thực thi pháp luật địa phương; loại gần 300.000 trẻ em ra khỏi chương trình Head Start; cướp đi các dịch vụ cung cấp dinh dưỡng cho hơn 1 triệu người cao tuổi, như chương trình "Bữa ăn trên bánh xe lăn".

FBI và ATF là cơ quan đặc vụ liên bang chuyên điều tra tội phạm có tổ chức quy mô toàn quốc, hoặc những vụ đặc biệt nghiêm trọng vượt tầm cảnh sát địa phương. Head Start là chương trình chu cấp giáo dục mầm non, y tế và dinh dưỡng cho trẻ em các gia đình có thu nhập thấp. 

Còn "Bữa ăn trên bánh xe lăn" cung cấp các bữa ăn trị giá 9,05 đô la cho người trên 60 tuổi không có khả năng tự mua bữa ăn hay tự nấu. Phe Cộng hòa gọi Đảng Dân chủ của ông Biden là "cộng sản" chính vì các chương trình đó.

Lập luận bên phía Cộng hòa là nhà nước không thể làm gì "nên thân", nên càng để nhiều tiền trong tay nhà nước thì chỉ càng có hại mà thôi. Chuyện cãi cọ tiền nong này không chỉ liên quan tới những vấn đề quốc nội và quốc kế dân sinh, mà còn cả đối ngoại, đồng minh và kẻ thù, cụ thể là ngân sách viện trợ cho Ukraine. 

Đảng Cộng hòa cũng đã thông qua dự luật ngân sách tạm thời giúp Chính phủ Mỹ khoan đóng cửa vào đầu năm tài khóa, song dứt khoát không đưa vào gói viện trợ trị giá 6 tỉ USD cho Ukraine. 

Đây là nỗ lực của Chủ tịch Hạ viện Kevin McCarthy (Cộng hòa), nhằm phản đối chính phủ Biden. CNN 2-10 khi loan tin này đã bình luận: "Kết quả... mang lại một ngày cuối tuần vui vẻ cho Tổng thống Nga Vladimir Putin. Nhưng nó khiến Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky phải lo lắng nhiều hơn".

Tấn kịch lưỡng đảng ở Mỹ trùng hợp với một diễn biến khác vào cuối tuần rồi: ở Slovakia, đảng dân túy của cựu thủ tướng thân Nga Robert Fico đã giành chiến thắng trong cuộc bầu cử quốc hội nhờ vào một chiến dịch hùng biện chống Mỹ, thề sẽ ngừng gửi vũ khí tới Ukraine và cam kết ngăn cản tham vọng NATO của Kiev.■

Không phải tất cả đều là màu hồng với ông Putin: báo Nga Pravda 29-9 đăng một tin với ngôn ngữ đầy bức xúc: "Tổng thống Kazakhstan Kassym-Jomart Tokayev, trong khi đang ở Đức, đã tuyên bố Kazakhstan sẽ tuân thủ các lệnh trừng phạt của phương Tây với Nga. Matxcơva cần ghi nhớ điều đó và đề cao cảnh giác".

Có thể hiểu tại sao Pravda cáu tiết: Mới hôm 7-1-2022, ông Tokayev còn "la làng" rằng riêng tại vùng Almaty đang có đến gần 20.000 tay súng vũ trang đe dọa an ninh quốc gia, rồi cầu cứu Nga.

Ba ngày sau, khi đã hoàn hồn, ông nói tiếp: "Tôi muốn gửi lời cảm ơn đặc biệt tới Tổng thống Liên bang Nga Vladimir Vladimirovich Putin vì sự thấu hiểu của ông ấy và cách giải quyết nhanh chóng vấn đề bằng cách cử đội quân gìn giữ hòa bình của CSTO tới Kazakhstan". Vậy mà giờ ông lại quay sang nói chuyện tuân thủ cấm vận, Nga không bực mới lạ!

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận