Con đập bị phá hủy và cuộc phản công của Ukraine

TƯỜNG ANH 18/06/2023 11:23 GMT+7

TTCT - Vào đêm 5 rạng sáng 6-6, con đập của Nhà máy thủy điện Kakhovskaya trên sông Dnepr đã bị phá hủy sau khi người ta nghe thấy một số tiếng nổ trong khu vực.

Chính quyền thành phố Nova Kakhovka (do Nga kiểm soát, thuộc tỉnh Kherson) cho biết các cuộc tấn công ban đêm vào nhà máy thủy điện của thành phố đã dẫn đến việc phá hủy các van, khiến nước từ hồ chứa xả ồ ạt không thể kiểm soát xuống hạ lưu: mực nước trong thành phố có nơi lên tới hơn 11m.

Vụ đập thủy điện Kakhovka bị phá hoại đã để lại những hậu quả thảm khốc. Ảnh: AP

Vụ đập thủy điện Kakhovka bị phá hoại đã để lại những hậu quả thảm khốc. Ảnh: AP

Chỉ vài ngày sau khi con đập bị phá hủy, khoảng 600km² vùng Kherson đã chìm trong nước, gồm khoảng 32% diện tích ngập nằm ở hữu ngạn (do Ukraine kiểm soát) và 68% bên tả ngạn (Nga kiểm soát). Đến sáng 8-6, mức ngập trung bình là 5,61m. 

Đến 11-6, mực nước sông Dnepr tại các khu vực bị ngập lụt bên dưới con đập bị phá hủy bắt đầu giảm: chính quyền khu vực Kherson do quân Ukraine kiểm soát tuyên bố giảm gần một nửa diện tích các vùng lãnh thổ bị ngập lụt - xuống còn 77,78km2.

Bộ trưởng Nội vụ Ukraine Igor Klymenko thông báo hơn 3.704 người ở vùng Kherson và Nikolaev của Ukraine đã được sơ tán khỏi vùng lũ lụt. 10 người thiệt mạng do hậu quả lũ lụt.

Trong khi đó, Tass dẫn lời Bộ Tình trạng khẩn cấp Nga nói trên phần lãnh thổ Kherson do Nga kiểm soát, 7.000 người đã được sơ tán khỏi vùng lũ lụt. Sáng 13-6, chính quyền Nova Kakhovka cho biết người dân sơ tán đã bắt đầu quay về sau khi nước bắt đầu rút từ ngày 11-6. Số người chết do trận lũ lụt này ở phía Nga là 17 người.

Cuộc phản công của Ukraine

Nếu đặt vụ phá hủy con đập vào bối cảnh cuộc phản công của Ukraine - được cho là cũng bắt đầu từ 5 hoặc 6-6, có thể nhìn cục diện rõ ràng hơn. 

Bộ trưởng Quốc phòng Nga Sergei Shoigu cho rằng Kiev cho nổ đập để phục vụ kế hoạch phản công: Do các cuộc tấn công ở Kherson không thành công, Ukraine muốn chuyển các đơn vị và thiết bị từ Kherson đến khu vực tấn công mới, làm suy yếu đáng kể các vị trí của họ ở Kherson. 

Để tránh bị quân Nga tấn công ở hướng này, Kiev quyết định phá hủy con đập gây lũ lụt, gây trở ngại cho đường tấn công của quân Nga.

Có thể không đồng tình với nhận định của ông Shoigu, nhưng thực tế là quân Ukraine đã phản công. Tổng thống Volodymyr Zelensky đã xác nhận điều này vào ngày

10-6, trong cuộc họp báo chung với Thủ tướng Canada Justin Trudeau. Tổng thống Pháp Emmanuel Macron, sau cuộc hội đàm với Thủ tướng Đức Olaf Scholz và Tổng thống Ba Lan Andrzej Duda hôm 12-6, cũng khẳng định cuộc phản công của quân Ukraine "đã bắt đầu sau khi được lên kế hoạch cẩn thận và sẽ kéo dài vài tuần hoặc vài tháng".

Cho đến nay, thông tin về cuộc phản công - chủ yếu được cho là diễn ra ở hướng Zaporozhye - vẫn chưa rõ ràng. Theo tổng quan từ truyền thông, có vẻ như việc đột phá nhanh

20-40km theo kế hoạch ban đầu đã không đạt được, khiến Bộ chỉ huy Ukraine phải điều chỉnh kế hoạch: một trong những nhiệm vụ trong kế hoạch dự bị của quân đội Ukraine ở mỗi hướng có thể không phải là đột phá sâu vào tuyến phòng thủ của quân Nga, mà là mở rộng đầu cầu về phía tây và phía đông để cung cấp thêm nguồn tiếp viện. Các cuộc tấn công trực diện của Ukraine ở Zaporozhye do đó đã bị đình chỉ để chuyển các đơn vị về phía nam của Vremevsky.

Sơ kết một tuần phản công, tờ The Economist (Anh) cho biết: Lực lượng vũ trang Ukraine có "tổn thất đáng kể" sau nỗ lực tấn công theo hướng Orekhov - Tokmak (Zaporozhye), và kết quả của cuộc phản công của Ukraine ở một số khu vực của mặt trận được tờ này cho là "mơ hồ". Các binh sĩ Ukraine gần Orekhov nói với AFP rằng họ "đã mất hầu hết các phương tiện chiến đấu bộ binh Bradley của Mỹ trong nỗ lực tiến về hướng Zaporozhye".

Wall Street Journal dẫn nguồn binh lính Ukraine nói họ đã va phải "bức tường thép" ba lớp phòng thủ của quân Nga: "Họ đơn giản là chờ đợi chúng tôi... các vị trí đã được chuẩn bị sẵn khắp mọi nơi". 

Kênh truyền hình nổi tiếng Ukraine Resident, trích dẫn các nguồn riêng, đưa tin: Chuẩn tướng Tarnavsky, chỉ huy ở hướng Zaporozhye, đã báo cáo với ông Zelensky về việc "mất 30% thiết bị phương Tây trong giai đoạn đầu của cuộc phản công; không quân Nga, chiếm ưu thế trên bầu trời, gây ra những vấn đề lớn cho quân đội Ukraine, và các hệ thống phòng không của Ukraine... đang bị phá hủy; quân Ukraine chịu tấn công liên tục của không quân và máy bay không người lái của Nga...".

Cục diện chưa rõ ràng

Phát biểu trước các phóng viên chiến trường trong cuộc gặp ngày 13-6, Tổng thống Nga Vladimir Putin đánh giá: "Cuộc phản công hiện tại của Ukraine vẫn chưa mang lại thành công cho Kiev - quân đội Ukraine đang chịu tổn thất lớn về nhân sự, cộng với việc họ đã mất 25-30% thiết bị do phương Tây cung cấp".

Tuy nhiên, truyền thông chính thống Ukraine khẳng định Matxcơva đã "hạ thấp tổn thất của quân Nga". Hãng tin Ukraine Strana.ru cho biết hôm 13-6: Các trận chiến chính hiện diễn ra ở biên giới phía tây nam vùng Donetsk, gần Velyka Novoselka. 

Từ đó, ngày 12-6 đã có những tin tức chính thức đầu tiên về ba khu dân cư được quân Ukraine giải phóng - Blagodatny, Neskuchny và Makarovka. Tuy nhiên, hãng này cũng thừa nhận tình hình ở Zaporozhye có "phức tạp hơn".

Ben Hodges, cựu chỉ huy lực lượng NATO ở châu Âu, chắc chắn rằng đòn chính của Lực lượng vũ trang Ukraine "vẫn chưa được tung ra", và nhiệm vụ của Kiev là "làm Nga bối rối về hướng của đòn phản công này". 

Trong khi đó, từ ngày 12-6, NATO đã bắt đầu cuộc tập trận "Air Defender" được New York Times gọi là "cuộc phô diễn sức mạnh" trên bầu trời, như "một thông điệp gửi Putin". Đây là cuộc tập trận trên không lớn nhất ở châu Âu với 250 máy bay chiến đấu từ 25 quốc gia. 

Bộ Ngoại giao Mỹ cũng vừa thông báo gói viện trợ quân sự mới trị giá 325 triệu USD cho Kiev. Từ Belarus, Tổng thống Alexander Lukashenko cho hay: "Belarus đã nhận được tên lửa và bom từ Nga, mạnh gấp ba lần so với bom được sử dụng ở Hiroshima và Nagasaki".

Tất cả các diễn tiến - từ vụ phá đập tới cuộc phản công của Ukraine và việc các bên tiếp tục tăng cường vũ khí - cho thấy triển vọng hòa bình còn rất xa vời. Người đứng đầu chính sách đối ngoại của EU Josep Borrell gợi ý rằng các cuộc đàm phán hòa bình về Ukraine khó có thể bắt đầu trước cuộc bầu cử tổng thống Mỹ, dự kiến diễn ra vào ngày 5-11-2024.■

Những hậu quả thảm khốc

Nhà máy thủy điện Kakhovskaya là bậc thứ sáu (thấp hơn và cuối cùng) của chuỗi Nhà máy thủy điện Dnepr, nằm cách thành phố Nova Kakhovka (tỉnh Kherson) 5km, nhưng vụ phá hủy đập và nhà máy này đã gây ra nhiều hậu quả thảm khốc.

Giáo sư Anatoly Epifanov, chuyên gia thủy điện, nói trên MSK1.ru: "Con đập bị phá hủy hoàn toàn, bản thân phần bê tông cũng đã thiệt hại nặng nề đến mức vài năm nữa mới có thể khôi phục lại...". Hệ thống làm mát của Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye đang bị đe dọa: theo tính toán của Cơ quan Nguyên tử năng quốc tế (IAEA), nếu mực nước trong hồ giảm xuống dưới 12,7m, Nhà máy điện nguyên tử Zaporozhye sẽ không thể bơm nước làm mát từ hồ. Các thành phố cao hơn đập cũng không có nước, mực nước giảm và máy bơm không hoạt động. Theo ông Epifanov, "phải mất vài năm để cấp nước trở lại, và ít nhất 3 năm để khôi phục đập".

Việc con đập bị phá hủy cũng gây nhiều bất lợi cho Nga. Bà Yelena Pavina, giám đốc Viện các chiến luợc kinh tế và chính trị quốc tế (Nga), chỉ ra:

Về mặt quân sự, các vùng lãnh thổ rộng lớn bị ngập lụt sẽ ảnh hưởng đến các công sự được xây dựng ở tả ngạn sông Dnepr, kho đạn dược, bãi mìn... công tác hậu cần của Nga sẽ phải điều chỉnh, quân Nga có thể phải di chuyển chiến tuyến sâu vài chục cây số về phía Crimea. Sự cố cũng có thể mở rộng phạm vi hoạt động cho Kiev.

Về mặt dân sự, kênh Bắc Crimea cung cấp nước ngọt cho bán đảo Crimea sẽ cạn trở lại, dù đây có lẽ chỉ là vấn đề thứ yếu. Trước năm 2022, Nga đã xây dựng đủ các đường dẫn nước và công trình thủy lực ở Crimea để người dân trong khu vực có thể sống bình thường mà không cần kênh đào. Vấn đề lớn hơn là việc thiếu nguồn nước chắc chắn sẽ tác động đến nông nghiệp của bán đảo.

Nguy cơ khủng hoảng hạt nhân tại Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhye cũng đang gia tăng, dù chưa đến mức nghiêm trọng. Hiện mực nước trong ao làm mát không thay đổi (khoảng 17m) và nước làm mát là một vòng khép kín. Nhưng không có gì đảm bảo chiến sự sẽ không làm đứt gãy mạch này.

Về mặt sinh thái, một thảm họa sinh thái toàn diện đã được báo động. Ngập lụt một khu vực rộng lớn vào đầu mùa hè tác động tiêu cực lên đất đai, thảm thực vật, và nhiều động vật không có thời gian để trốn thoát, trong khi các hóa chất từ bể chứa và trạm nhiên liệu sẽ đi thẳng ra Biển Đen.

Phía Ukraine cũng vang lên những cảnh báo tương tự. Anatoly Operchuk từ Trung tâm Y tế công Ukraine cho BBC biết rằng nhiều chất độc xâm nhập vào nước có thể gây bùng phát bệnh nhiễm trùng đường ruột, viêm gan, ngộ độc, dịch tả và thậm chí cả bệnh than. Ông cũng chỉ trích chính quyền cung cấp thông tin không đầy đủ kịp thời và các tổ chức quốc tế phản ứng chậm trễ. Theo Ukraine.ru, lệnh cấm bơi ở sông đã được Kiev ban hành ở Nikolaev: các chỉ số về khuẩn E. coli cao hơn nhiều so với tiêu chuẩn. Ở Y. Bug và Ingulets, lượng E. coli vượt quá hàm lượng tối đa trong nước sông đã được ghi nhận.

Đổ lỗi

Điện Kremlin khẳng định Kiev đã bắn phá để hủy diệt con đập. Tổng thống Nga Putin gọi đây là "tội ác man rợ", Thư ký báo chí của ông Dmitry Peskov gọi đây là "vụ phá hoại có chủ ý của Kiev". Trong khi đó, Tổng thống Ukraine coi vụ việc là "hành vi hủy diệt sinh thái" và thông báo kế hoạch của Kiev sẽ đệ đơn kiện lên ICC. Chánh văn phòng tổng thống Ukraine M. Podlyak cáo buộc Nga cho nổ tung con đập nhằm mục đích "ngăn chặn cuộc phản công của lực lượng Ukraine. Họ đang cố gắng tăng diện tích mặt nước để lực lượng phòng vệ Ukraine không thể dùng đến vũ lực".

Kênh Telegram Militarist của Nga nhắc lại một tuyên bố trước đây của người đứng đầu Tổng cục Tình báo Bộ Quốc phòng Ukraine Kirill Budanov hồi tháng 10-2022: "Nếu phá hủy hoàn toàn (con đập)... thì họ (phía Nga) sẽ nhận được gì? Về lý thuyết họ sẽ không thể cung cấp nước cho vùng Crimea, Nhà máy điện hạt nhân Zaporozhiye mất khả năng tồn tại bởi nó gắn trực tiếp với con đập...".

Về phần mình, Hãng tin Ukraine Unian.net dẫn nguồn tình báo Ukraine nói "người Nga đã cho nổ tung con đập từ xa vì họ đã di chuyển chất nổ và thiết bị cho mục đích này". Truyền thông phương Tây cho rằng nên "tìm kiếm thủ phạm ở Nga", ví dụ như khẳng định của Reinhard Veser trên báo Frankfurter Allgemeine Zeitung. Đài BBC dẫn lời Bộ chỉ huy tác chiến phương Nam của Ukraine khẳng định "quân đội Nga cho nổ đập Nhà máy thủy điện Kakhovkskaya ở vùng Kherson", kèm theo thừa nhận "trong tình huống chiến tranh, BBC không thể xác minh kịp thời những tuyên bố của các bên tham chiến".

Bình luận Xem thêm
Bình luận (0)
Xem thêm bình luận