31/05/2017 15:06 GMT+7

Xin lỗi người bị oan sao phải đợi có yêu cầu

ĐỨC BÌNH
ĐỨC BÌNH

TTO - “Trước khi mong được bồi thường về vật chất, người bị oan mong được xin lỗi công khai và phục hồi danh dự để họ trở lại thành người bình thường” - đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) nói.

Đại biểu Quốc hội Nguyễn Thị Thủy (Bắc Kạn) - Ảnh: Quochoi.vn

Bà Thủy, Tiến sĩ Luật - Vụ trưởng Vụ Pháp chế và Quản lý khoa học, Viện KSND tối cao, đã tập trung phân tích quy định về "phục hồi danh dự cho người bị oan" khi thảo luận dự thảo Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước sáng nay 31-5.

Đại biểu Bắc Kạn chỉ ra dự thảo vẫn tiếp cận vấn đề này theo hướng chỉ khi người bị oan có đơn yêu cầu, nhà nước mới tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự cho họ. 

Nếu như người bị oan không có đơn yêu cầu thì việc xin lỗi công khai và phục hồi danh dự sẽ không diễn ra. 

“Ban soạn thảo căn cứ Bộ luật Dân sự để đưa ra quy định này, bởi cho rằng xin lỗi và cải chính công khai là quan hệ dân sự, thuộc về quyền nhân thân”, bà Nguyễn Thị Thủy nói.

“Nhưng tôi cho căn cứ đó là chưa phù hợp, bởi đây không phải là cá nhân bị thông tin làm ảnh hưởng xấu đến danh dự mà là cá nhân đã bị cơ quan tố tụng làm oan trong quá trình giải quyết vụ án. Do đó, phục hồi danh dự của người bị oan phải là trách nhiệm công vụ chứ không phải là quan hệ dân sự”.

Đại biểu Nguyễn Thị Thủy nhấn mạnh rằng những biện pháp tố tụng hình sự vốn rất nghiêm khắc, nếu áp dụng sai sẽ để lại hậu quả nghiêm trọng. 

“Ví dụ, biện pháp bắt người nếu được tiến hành tại nơi cư trú là có sự chứng kiến của đại diện chính quyền sở tại và hàng xóm láng giềng. Nếu là ở nơi làm việc thì có sự chứng kiến của đại diện cơ quan, tổ chức. Bắt người lại có đủ các thao tác khám người, còng tay, và áp giải đi”, bà Thủy tiếp tục phân tích.

“Người bị bắt phải trải qua tất cả những điều đó, trước sự chứng kiến của đông đảo xóm giềng, đồng nghiệp, vợ con. Sau này được xác định là oan mà lại phải có đơn yêu cầu mới được phục hồi danh dự thì tôi thấy cần hết sức cân nhắc”. 

Tiến sĩ Luật này nhấn mạnh: “Một vụ án oan xảy ra nghĩa là đã có một người vô tội bị đưa vào vòng tố tụng. Trước khi mong nhà nước bồi thường về vật chất thì người bị oan mong được nhà nước tổ chức xin lỗi công khai và phục hồi danh dự để họ được trở thành người bình thường, không phải chịu những ánh mắt canh chừng của xã hội”. 

Bà Nguyễn Thị Thủy đề nghị điều chỉnh theo hướng trong mọi trường hợp, sau khi có văn bản xác định là oan thì cơ quan tố tụng chủ động tổ chức xin lỗi công khai người bị oan và phục hồi danh dự cho họ, trừ trường hợp người bị oan đề nghị không tổ chức xin lỗi công khai.

Người làm oan không thể đứng ngoài

Đại biểu Bắc Kạn cũng nêu ý kiến về việc xác định trách nhiệm liên đới phải bồi hoàn trong trường hợp có nhiều công chức thuộc nhiều cơ quan cùng gây ra oan.

“Một nền tư pháp có trách nhiệm là nền tư pháp không để người nào gây ra oan đứng ở vòng ngoài”, bà Thủy nói.  

“Đề nghị quy định theo hướng người có thẩm quyền tiến hành tố tụng đã quyết định việc bắt tạm giữ, tạm giam, khởi tố, kết luận điều tra có tội, truy tố bị cáo ra tòa, xét xử, tuyên người đó có tội mà sau này được xác định là oan thì tất cả những người này phải chịu trách nhiệm liên đới bồi hoàn cho ngân sách nhà nước”.

Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) - Ảnh: Quochoi.vn

Đại biểu Phạm Hồng Phong (Hậu Giang) lại nghĩ khác: “Người thi hành công vụ ở cơ quan tư pháp là một ngành nghề rất nhiều rủi ro, chịu nhiều áp lực, lương thấp, lại phải chịu bồi thường thiệt hại thì có gì đó chưa công bằng”.

Ông Phong đưa ra phương án “mua bảo hiểm trách nhiệm cho người thi hành công vụ” và “chỉ buộc những người gây thiệt hại được xác định là có tư lợi cá nhân phải chịu trách nhiệm hoàn trả cho nhà nước”.

Đại biểu Đặng Thuần Phong (Bến Tre) thì ủng hộ nguyên tắc “cơ quan ra quyết định gây oan sau cùng là cơ quan chịu trách nhiệm bồi thường”. 

Đại biểu Điểu Huỳnh Sang (Bình Phước) lại lưu ý việc “thiệt hại đến đâu, bồi thường đến đó”.

“Việc thương lượng nếu có, phải mang tính nhân văn. Nghĩa là thương lượng để thúc đẩy quá trình bồi thường nhanh hơn, có lợi cho nhân dân hơn. Chứ không phải đem thương lượng ra để nhằm giảm bớt nghĩa vụ bồi thường”, bà Sang nói.

Đại biểu Bình Phước nêu thực tiễn việc thương lượng giải quyết bồi thường đối với những người bị oan tạo ra cảm giác là cơ quan chức năng cò kè thêm bớt với người dân.

“Cho đến khi người dân không thể theo đuổi được nữa, buộc họ phải chấp nhận mức bồi thường cơ quan nhà nước đưa ra, như vậy là không công bằng. Đây là một kẽ hở, dễ bị lợi dụng, lạm dụng”, bà Sang đề nghị quy định rõ ràng, cụ thể về thời gian, quyền, trách nhiệm của cả bên thương lượng bồi thường và người được thương lượng bồi thường.

ĐỨC BÌNH
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên