05/05/2017 10:05 GMT+7

Gây án oan, phải bỏ tiền túi bồi thường

PHƯƠNG TRANG - H.ĐIỆP - Q.CƯỜNG
PHƯƠNG TRANG - H.ĐIỆP - Q.CƯỜNG

TTO - Luật quy định Nhà nước bồi thường cho người bị oan sai nhưng sau đó phải xem xét trách nhiệm cá nhân công chức vi phạm để buộc bồi hoàn lại. Thực tế việc bồi hoàn có nhiều vướng mắc.

*** Error ***
Ông Huỳnh Văn Nén vừa được TAND tỉnh Bình Thuận quyết định bồi thường oan sai hơn 10 tỉ đồng - Ảnh: Nguyễn Nam

Bộ Tài chính vừa có văn bản đề nghị TAND tỉnh Bình Thuận xác định trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường đối với người đã gây ra án oan cho ông Huỳnh Văn Nén và buộc người này phải hoàn trả số tiền mà Nhà nước đã bồi thường trước đó.

Thực tế, Luật trách nhiệm bồi thường nhà nước (TNBTNN) có hiệu lực từ ngày 1-1-2010 đã quy định rất cụ thể về trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường đối với người đã gây ra án oan. Tuy nhiên, quá trình thực hiện đã phát sinh bất cập và gây nhiều tranh cãi.

Có lỗi gây thiệt hại phải bồi thường

Theo quy định của Luật TNBTNN, khi công chức, viên chức nhà nước gây oan cho công dân, trước hết Nhà nước phải có trách nhiệm bồi thường. Nhưng Nhà nước cũng có quyền yêu cầu công chức, viên chức của mình có hành vi đó phải bỏ tiền túi đền lại ngân sách nhà nước.

Luật sư Trương Xuân Tám cho rằng căn cứ vào quy định trên thì yêu cầu của Bộ Tài chính là hoàn toàn có cơ sở.

Theo điều 56 Luật TNBTNN, "người thi hành công vụ có lỗi gây ra thiệt hại có nghĩa vụ hoàn trả cho ngân sách nhà nước một khoản tiền mà Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại theo quyết định của cơ quan có thẩm quyền”.

Trong trường hợp này, cơ quan có trách nhiệm bồi thường cho ông Nén là TAND tỉnh Bình Thuận (điều 32 Luật TNBTNN) và người thi hành công vụ gây ra thiệt hại là các thẩm phán đã tuyên án ông Nén có tội.

Bên cạnh đó, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm người thi hành công vụ có thể bị xử lý kỷ luật hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự.

Về nguyên tắc trách nhiệm hoàn trả của vụ án trên, trong thời hạn 20 ngày kể từ khi TAND tỉnh Bình Thuận chi trả toàn bộ số tiền cho người bị oan thì cơ quan này có trách nhiệm xác định các cá nhân đã gây ra oan sai cho ông Nén và yêu cầu những người này phải hoàn trả lại tiền cho Nhà nước.

Trường hợp nào phải bồi thường?

Theo thông tư liên tịch năm 2014 của Bộ Tư pháp, TAND tối cao, Viện KSND tối cao thì trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ được chia làm 3 trường hợp.

Đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi vô ý gây ra thiệt hại thì mức hoàn trả tối đa không quá 3 tháng lương của người có trách nhiệm hoàn trả.

Người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại nhưng chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì mức hoàn trả tối đa không quá 36 tháng lương.

Còn đối với trường hợp người thi hành công vụ có lỗi cố ý gây ra thiệt hại mà bị truy cứu trách nhiệm hình sự do việc thực hiện hành vi trái pháp luật đó thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường.

Trong vụ ông Huỳnh Văn Nén, cho đến nay do các cá nhân, tổ chức trực tiếp gây oan cho ông Nén chỉ mới kiểm điểm, rút kinh nghiệm chứ chưa bị xử lý hình sự (thuộc trường hợp lỗi cố ý nhưng chưa bị xử lý hình sự).

“Nếu TAND tỉnh Bình Thuận muốn xác định trách nhiệm bồi thường của người gây ra án oan cho ông Nén theo đề nghị của Bộ Tài chính thì trước hết phải xác định trách nhiệm của từng cá nhân liên quan, kể cả xử lý hình sự.

Trên cơ sở đó, TAND tỉnh Bình Thuận mới xác định trách nhiệm hoàn trả tiền bồi thường của các cá nhân này" - luật gia Phạm Văn Chung nói.

Còn trong vụ ông Nguyễn Thanh Chấn, một số cá nhân đã bị xử lý hình sự nên những cá nhân này phải hoàn trả toàn bộ số tiền cho Nhà nước.

Theo luật sư Tám, hầu hết các vụ án oan nổi cộm chưa thấy cơ quan chức năng quyết liệt yêu cầu các cá nhân bồi thường lại cho Nhà nước, đó là việc làm chưa kịp thời và chưa đúng pháp luật.

Đến nay chưa xác định được trách nhiệm hoàn trả của cá nhân đã gây oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn - Ảnh: Nguyễn Khánh
Đến nay chưa xác định được trách nhiệm hoàn trả của cá nhân đã gây oan sai cho ông Nguyễn Thanh Chấn - Ảnh: Nguyễn Khánh

Khó xác định lỗi cố ý

Theo ông Nguyễn Sơn - phó chánh án TAND tối cao, luật hiện hành quy định những người có lỗi cố ý gây ra oan sai trong lĩnh vực hình sự thì phải chịu trách nhiệm bồi thường nếu là lỗi cố ý.

Tuy nhiên, việc xác định hành vi cố ý hay không thì còn phải xem xét vì chứng minh hành vi này rất khó khăn.

Theo TAND tối cao, Luật TNBTNN có hiệu lực từ tháng 1-2010 nhưng đến nay trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây oan sai trong lĩnh vực hình sự dường như chưa thực hiện được vụ nào.

“Luật quy định trong lĩnh vực hình sự phải là lỗi cố ý thì mới phải thực hiện việc hoàn trả. Tuy nhiên trong một số vụ gần đây, mặc dù đã được xác định oan sai nhưng chưa có lỗi cố ý của người thi hành công vụ nên không thể buộc người đó hoàn trả” - một chuyên gia pháp lý nói.

Nói thêm về vấn đề này, luật sư Trần Hồng Phong cho rằng trách nhiệm ra bản án, quyết định gây oan sai cho người khác có trách nhiệm năng lực của thẩm phán, quyết định của HĐXX, thậm chí có cả những vụ án có sự chỉ đạo của lãnh đạo các cấp tòa, thì tại sao chỉ buộc cá nhân hoàn trả?

“Để bảo đảm công bằng và nâng cao tinh thần trách nhiệm của người thi hành công vụ, tại dự án Luật TNBTNN (sửa đổi) dự kiến trình Quốc hội thông qua ở kỳ họp sắp tới nên quy định theo hướng mọi trường hợp người thi hành công vụ có hành vi trái pháp luật do lỗi cố ý gây thiệt hại cho cá nhân, tổ chức thì phải hoàn trả toàn bộ số tiền Nhà nước đã bồi thường cho người bị thiệt hại” - luật gia Phạm Văn Chung đề xuất.

Không dễ hoàn trả

Theo luật gia Phạm Văn Chung, việc thực hiện nghĩa vụ hoàn trả cũng được quy định rất cụ thể. Theo đó, trường hợp người thi hành công vụ đã nghỉ hưu, cơ quan bảo hiểm xã hội đang trả lương hưu cho họ sẽ thu hồi bằng việc trừ dần vào lương hưu hằng tháng theo mức từ 10-30%.

Trường hợp người có trách nhiệm hoàn trả chết thì những người thừa kế di sản phải thực hiện nghĩa vụ hoàn trả theo quy định của pháp luật về thừa kế...

Trong trường hợp người gây oan sai đã bị buộc thôi việc hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự thì cơ quan nhà nước vẫn có quyền áp dụng các quy định liên quan của Luật dân sự để khởi kiện yêu cầu hoàn trả.

Bàn về việc bất cập trong vấn đề bồi hoàn, TS Đỗ Văn Đại - trưởng khoa luật dân sự Trường ĐH Luật TP.HCM - cho biết thực tế luật có quy định về trách nhiệm hoàn trả của người thi hành công vụ gây ra oan sai nhưng thực tế việc hoàn trả cực kỳ hãn hữu.

Có vụ Nhà nước phải bồi thường hơn 1 tỉ đồng nhưng người thi hành công vụ chỉ hoàn trả 6 triệu. “Dự thảo Luật TNBTNN sửa đổi dự kiến được thông qua vào tháng 5-2017 còn bất cập hơn. Rất nhiều trường hợp được miễn trừ trách nhiệm bồi hoàn cho công chức làm sai" - TS Đại nói.

Góp ý vào việc hoàn trả tiền bồi thường theo quy định hiện hành, luật sư Trần Hồng Phong cho rằng các cơ quan tiến hành tố tụng nên mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho các công chức là đối tượng phải hoàn trả của Luật TNBTNN.

"Có như vậy thì mới có một khoản tiền để bồi thường thay vì phải lấy tiền ngân sách của nhân dân" - ông Phong nói.

Làm khó người bị oan

Quốc hội đang nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật TNBTNN. Vấn đề đang gây chú ý là việc cơ quan nhà nước khi xem xét bồi thường oan sai lại yêu cầu người bị oan cung cấp hóa đơn, chứng từ thiệt hại, điều này rất khó khăn cho người đã bị oan sai.

Ngoài ra, quy định về trách nhiệm của người đứng đầu cơ quan trong hoạt động tố tụng còn chưa được cụ thể, rõ ràng, dẫn tới việc xem xét trách nhiệm hoàn trả, xử lý kỷ luật trên thực tế chưa được thực hiện nghiêm túc, đầy đủ, chưa đủ sức răn đe đối với người thi hành công vụ.

Luật sư Trương Xuân Tám

PHƯƠNG TRANG - H.ĐIỆP - Q.CƯỜNG
Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên