13/06/2023 13:42 GMT+7

Xét xử cô Lê Thị Dung: Viện kiểm sát đề nghị hủy án sơ thẩm, luật sư đề nghị trả tự do

Bào chữa cho bị cáo Lê Thị Dung tại phiên tòa phúc thẩm, các luật sư cho rằng quá trình điều tra, truy tố, xét xử cấp sơ thẩm kết án bị cáo 5 năm tù có phải "gọt chân cho vừa giày" không?

Xử phúc thẩm cô Lê Thị Dung: Luật sư đề nghị tuyên hủy án - Ảnh 1.

Bị cáo Lê Thị Dung và Nguyễn Thị Hương tại phiên tòa phúc thẩm - Ảnh: DOÃN HÒA

Viện KSND tỉnh Nghệ An: Đề nghị hủy án sơ thẩm

Sáng 13-6, phiên phúc thẩm tại Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An xét xử vụ án lợi dụng chức vụ, quyền hạn khi thi hành công vụ xảy ra tại Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên tiếp tục phần tranh tụng.

Trình bày quan điểm tại tòa, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An thực hành quyền công tố, giữ nguyên quyết định kháng nghị vụ án trước đó.

Vụ 'cô giáo bị tuyên 5 năm tù': Viện kiểm sát đề nghị hủy án, điều tra và xét xử lại

Theo đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An, tòa cấp sơ thẩm chưa xác định rõ trách nhiệm đầy đủ của bị cáo Lê Thị Dung - nguyên giám đốc trung tâm, bị cáo Nguyễn Thị Hương - nguyên kế toán trung tâm - đối với số tiền đã chi cho bị cáo Dung là 103 triệu đồng, chi cho các thầy cô giáo khác 175 triệu đồng.

Ngoài nội dung liên quan đến số tiền thiệt hại trong vụ án và dấu hiệu của loại tội phạm khác, đại diện Viện Kiểm sát nhân dân tỉnh Nghệ An còn cho rằng các giám định chưa xác định được quy chế chi tiêu nội bộ do bà Dung ký trong giai đoạn 2012 - 2017 có nội dung nào trái pháp luật dẫn đến không có hiệu lực không?

Quá trình điều tra, truy tố, xét xử, cấp sơ thẩm chưa làm rõ được nội dung việc đi học cao học, tập huấn, việc kiểm tra trong ngày làm việc bình thường, trực hè, bí thư chi bộ bồi dưỡng cho giáo viên, tuyển sinh…

Do đó viện kiểm sát cho rằng việc xác định thiệt hại do hành vi làm trái công vụ của các bị cáo gây ra cần bảo đảm sự chính xác để làm căn cứ truy cứu trách nhiệm hình sự, bảo đảm việc xét xử vụ án một cách toàn diện, triệt để.

"Từ các căn cứ nêu trên, đề nghị hội đồng xét xử hủy án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên để trả hồ sơ, điều tra và xét xử lại", đại diện viện kiểm sát nói.

Xử phúc thẩm cô Lê Thị Dung: Luật sư đề nghị tuyên hủy án - Ảnh 3.

Rất đông người dân theo dõi phiên tòa qua hệ thống loa phát thanh bên ngoài trụ sở Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An sáng 13-6 - Ảnh: DOÃN HÒA

Luật sư bào chữa: Quy chế chi tiêu nội bộ có trái luật?

Tại tòa, bị cáo Nguyễn Thị Hương cho biết các khoản thanh toán thừa giờ cho giám đốc, bí thư chi bộ đã được thực hiện theo quy định tại quyết định 169 năm 2008 của Ban Bí thư, thông tư 139 năm 2010 của Bộ Tài chính…

Do vậy việc đưa các nội dung này vào quy chế chi tiêu nội bộ, quy đổi thành tiết học để thanh toán là thanh toán trùng, vi phạm quy định của Nhà nước.

"Đây là phần trách nhiệm của giám đốc trung tâm với tư cách là người đứng đầu trung tâm, người đã ký ban hành quy chế chi tiêu nội bộ", bà Hương nói.

Bị cáo Dung không tự bào chữa, xin giấy bút ghi chép và nhờ các luật sư bào chữa trước.

Luật sư Vũ Quang Ninh - Đoàn luật sư tỉnh Quảng Ninh - cho biết trong vụ án này, bị cáo Dung đã kêu oan ngay từ đầu và đã có kháng cáo toàn bộ bản án sơ thẩm của Tòa án nhân dân huyện Hưng Nguyên.

Theo luật sư Ninh, Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên là trường thuộc hạng 5, theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo. Đây là đơn vị sự nghiệp có thu, tự đảm bảo một phần chi phí hoạt động thường xuyên, thực hiện chế độ tự chủ một phần kinh phí hoạt động.

"Vì vậy, theo tôi, việc cơ quan điều tra, tố tụng cấp sơ thẩm áp dụng thông tư 28 năm 2009 của Bộ Giáo dục và Đào tạo yêu cầu trung tâm phải báo cáo quy chế chi tiêu nội bộ lên cấp trên là Sở Giáo dục và Đào tạo Nghệ An là cố tình gọt chân cho vừa giày. Nhận định này là trái luật, gây bất lợi cho bị cáo Dung", luật sư Ninh nói.

Ông Ninh cho rằng các khoản thanh toán cho bà Dung đã quy định rõ ràng, cụ thể trong quy chế chi tiêu nội bộ được trung tâm xây dựng công khai, 100% cán bộ và giáo viên đồng ý, không có ý kiến phản đối và được gửi cho cấp trên giám sát, có hiệu lực thi hành và không vi phạm pháp luật.

"Quy chế chi tiêu nội bộ được áp dụng cho toàn bộ giáo viên, nhân viên trung tâm. Dù có hành vi trái công vụ nhưng bị cáo Dung không có động cơ vụ lợi, động cơ cá nhân, không có bị hại trong vụ án này. Hành vi của bị cáo không sai luật, chưa có chứng minh là sai luật và sai luật nào", ông Ninh trình bày.

Do vậy luật sư Ninh đề nghị hội đồng xét xử tuyên hủy án, đình chỉ vụ án, tuyên bị cáo Dung vô tội và trả tự do cho bị cáo.

Luật sư Trần Hồng Phúc đề nghị hội đồng xét xử làm rõ có hay không dấu hiệu làm sai lệch hồ sơ, đơn tố giác tội phạm, biên bản tự thú của bị cáo Hương và bà Nguyễn Thị Phương Thúy - giáo viên trung tâm - trong bút lục trong quá trình điều tra?

Trách nhiệm của kiểm sát viên trong việc giám sát tài liệu điều tra. Nếu quá trình điều tra, thu thập chứng cứ, tài liệu có dấu hiệu sai thì sẽ ảnh hưởng đến chứng cứ buộc tội với bị cáo Dung.

Các luật sư cũng đề nghị làm rõ trách nhiệm của Phòng Tài chính kế hoạch, Kho bạc Nhà nước, UBND huyện Hưng Nguyên trong việc kiểm tra, kiểm soát hoạt động tài chính kế toán của trung tâm để đảm bảo tính khách quan, công bằng.

Tuổi Trẻ Online tiếp tục cập nhật diễn biến phiên tòa.

Vụ cô giáo Lê Thị Dung bị phạt 5 năm tù: Vụ cô giáo Lê Thị Dung bị phạt 5 năm tù: 'Tôi không chiếm đoạt'

Ngày 12-6, tại phiên tòa phúc thẩm vụ án xảy ra ở Trung tâm Giáo dục nghề nghiệp - Giáo dục thường xuyên huyện Hưng Nguyên (Nghệ An), bị cáo Lê Thị Dung tiếp tục kêu oan và không chấp nhận cáo buộc chiếm đoạt gần 45 triệu đồng.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên