23/10/2023 10:38 GMT+7

Xây dựng ý thức lái xe văn minh

Chạy quá tốc độ, vượt ẩu, lấn làn... đã và đang là những hành vi vi phạm Luật Giao thông mà rất nhiều xe khách, xe tải, thậm chí xe cá nhân, coi là việc làm bình thường.

Dùng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để giám sát, xử lý vi phạm giao thông nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, kéo giảm tai nạn giao thông. Trong ảnh: Lực lượng cảnh sát giao thông Đồng Nai kiểm tra xe khách chạy trên quốc lộ 20, đoạn qua huyện Định Quán - Ảnh: A LỘC

Dùng dữ liệu thiết bị giám sát hành trình để giám sát, xử lý vi phạm giao thông nhằm ngăn chặn, phòng ngừa, kéo giảm tai nạn giao thông. Trong ảnh: Lực lượng cảnh sát giao thông Đồng Nai kiểm tra xe khách chạy trên quốc lộ 20, đoạn qua huyện Định Quán - Ảnh: A LỘC

Có bị xử phạt thì nộp phạt, nộp giấy phép lái xe, trả phù hiệu một thời gian rồi lại đâu vào đó, nghĩa là tiếp tục vi phạm rồi lại bị xử lý, rồi tái phạm.

Kiểu chế tài "bắt cóc bỏ dĩa" cùng với tệ nạn chạy chọt, can thiệp ở cửa sau để giảm nhẹ mức phạt, rút ngắn thời gian chịu phạt tất yếu dẫn đến thái độ coi thường pháp luật.

Hậu quả là tình trạng vi phạm Luật Giao thông không những không thuyên giảm mà ngày càng trầm trọng. Ý thức tôn trọng Luật Giao thông thấp kém tràn lan, phổ biến khiến cho những con đường trở nên nguy hiểm; tai họa luôn rình rập người đi đường và có thể giáng xuống bất kỳ lúc nào.

Vấn đề cốt lõi, theo kinh nghiệm các nước, chính là làm thế nào để cấy được vào đầu của người lái xe ý thức công dân về đi lại văn minh, lịch sự trong không gian giao thông công cộng.

Con người vốn dĩ có bản năng ứng xử tự nhiên của động vật hoang sơ: muốn đi đâu thì đi, muốn dừng lại ở chỗ nào thì cứ dừng lại.

Phải làm thế nào đánh động sự hiểu biết của con người về cái giá đắt tất yếu phải trả nếu cứ đi, cứ dừng theo ý riêng, tùy thích, bất chấp những điều cấm của luật.

Nói cách khác, đánh thẳng vào lợi ích vật chất là cách chế tài tốt nhất để những điều cấm được tôn trọng.

Vả lại, phải làm thế nào cho cái người ta mất khi vi phạm pháp luật, cụ thể là Luật Giao thông, lớn hơn, thậm chí có thể lớn hơn nhiều so với cái người ta được thì biện pháp xử lý mới đạt được ý nghĩa răn đe; nghĩa là khiến người ta phải chùn bước, không dám đánh đổi để vi phạm, tái phạm.

Chẳng hạn, chỉ cần một lần vượt đèn đỏ, chạy xe ngược chiều, lấn làn, vượt ẩu là phải chịu phạt tiền với mức phạt bằng nhiều tháng lương gộp lại; chỉ cần một lần phạm luật gây thiệt hại về tài sản cho người khác là bị phạt tù, bị tước bằng lái vĩnh viễn; một lần phạm luật dẫn đến chết người là có thể bị xử lý về hành vi giết người...

Điều quan trọng nữa, để hệ thống chế tài, xử lý được minh bạch, bảo đảm tính nghiêm khắc và đúng luật, cũng như để ngăn chặn tệ nạn can thiệp cửa sau là phải quy định mọi biện pháp chế tài đều được tòa án quyết định.

Cần cải cách hệ thống xét xử theo hướng thành lập các tòa án có thẩm quyền xử lý vi phạm luật, bao gồm Luật Giao thông, ở nhiều cấp độ: vi cảnh, tiểu hình, đại hình.

Và để bảo đảm các vụ vi phạm luật đều được đem ra trước tòa án xem xét và xử lý, điều cần thiết là phải đặt tai mắt của nhà chức trách ở mọi nơi mọi lúc có thể.

Ngoài việc bố trí lực lượng tuần tra của cảnh sát giao thông, cần đặt camera giám sát trên đường công cộng và, trong chừng mực tôn trọng sự riêng tư của con người, lắp đặt camera giám sát hành trình trên các phương tiện đi lại cá nhân.

Cần xử phạt thật nặng những trường hợp nhân viên công lực thỏa hiệp với người vi phạm để khỏi phải ra tòa, cũng như những trường hợp cố tình vô hiệu hóa thiết bị giám sát hành trình để che giấu hành vi phạm luật.

Nhà xe ngạo nghễ chạy quá tốc độNhà xe ngạo nghễ chạy quá tốc độ

Phóng viên Tuổi Trẻ ngược xuôi trên các chặng đường, chứng kiến những cuộc bứt tốc của các nhà xe trong đêm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên