07/10/2023 14:12 GMT+7

Cục Đường bộ chậm trích xuất dữ liệu, xe khách quá tốc độ cả ngàn lần vẫn chạy như trêu ngươi

Vì sao có xe khách vi phạm tốc độ tới cả ngàn lần vẫn hoạt động, trong khi theo quy định nếu vi phạm từ 5 lần quá tốc độ/1.000km sẽ bị tước phù hiệu.

Nhiều vụ tai nạn xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu - Ảnh: AN BÌNH - LÂM THIÊN

Nhiều vụ tai nạn xảy ra gây hậu quả nghiêm trọng do tài xế phóng nhanh, vượt ẩu - Ảnh: AN BÌNH - LÂM THIÊN

Xử lý xe khách vượt tốc độ trễ hai tháng

Hiện nay, cả nước có gần 1 triệu ô tô đăng ký kinh doanh vận tải, trong đó có hơn 318.400 xe khách, hơn 1.000 xe trung chuyển. Các xe này đều gắn thiết bị giám sát hành trình (GPS), truyền dữ liệu về hệ thống máy chủ khai thác dữ liệu giám sát hành trình do Cục Đường bộ Việt Nam quản lý.

Căn cứ dữ liệu vi phạm tốc độ được Cục Đường bộ Việt Nam trích xuất, sở giao thông vận tải các tỉnh thành nơi xe được đăng ký kinh doanh sẽ xử lý vi phạm.

Theo quy định, mỗi xe chạy quá tốc độ 5 lần/1.000km/tháng sẽ bị tước phù hiệu (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ từ 5km/h trở xuống).

Quy định vượt quá tốc độ 5 lần sẽ phải tước ngay phù hiệu, cấm chạy là thế nhưng vì sao có những xe mỗi tháng có thể vi phạm tốc độ cả trăm, thậm chí cả ngàn lần?

Theo tìm hiểu của Tuổi Trẻ Online, lý do là hiện nay hệ thống dữ liệu GPS từ Cục Đường bộ Việt Nam trích xuất có độ trễ 1- 2 tháng. Khi có dữ liệu, sở giao thông vận tải địa phương mới ban hành quyết định kèm theo danh sách các xe bị tước phù hiệu.

Chẳng hạn, nhà xe Việt Thắng (tỉnh Quảng Ngãi) từ ngày 1 đến 31-1-2023 vi phạm tốc độ 6.131 lần nhưng đầu tháng 3-2023, căn cứ từ dữ liệu trích xuất, Sở Giao thông vận tải Quảng Ngãi mới ra quyết định tước phù hiệu.

Còn kết quả trích xuất các xe vi phạm từ hệ thống GPS của Cục Đường bộ Việt Nam từ ngày 1 đến 31-7, phải tới tháng 9-2023, các địa phương mới ra quyết định tước phù hiệu.

Đơn cử ngày 19-9, Sở Giao thông vận tải tỉnh Bình Thuận ra quyết định tước phù hiệu 53 xe vi phạm, trong đó có xe vi phạm tốc độ 737 lần/tháng. Còn ngày 12-9 tại TP.HCM cũng đã có thông báo tước phù hiệu hơn 2.010 xe.

"Ông chạy quá tốc độ 5 lần xử lý như ông 6.000 lần"

Trao đổi với Tuổi Trẻ Online, một cán bộ tập huấn nghiệp vụ cho tài xế ở TP.HCM nói xử lý vi phạm từ dữ liệu GPS phải đến 1-2 tháng là quá muộn.

Trong thời gian chờ quyết định tước phù hiệu, các xe vi phạm vẫn tung hoành trên đường, vẫn chở khách, đe dọa trật tự an toàn giao thông. Chuyện này dẫn đến vi phạm chồng vi phạm.

Mặt khác, việc xử lý cũng "cào bằng", tức xe vi phạm vượt tốc độ 5 lần hay 1.000 lần cũng chỉ bị rút cái phù hiệu.

Cũng theo vị cán bộ này, hiện nay việc tước phù hiệu cũng chưa có quy định thời hạn cấp lại cụ thể, vì vậy xe bị tước phù hiệu hôm nay, vài ngày sau có thể xin cấp lại. 

Để sửa lỗ hổng này, mới đây Cục Đường bộ Việt Nam đã lấy ý kiến dự thảo nghị định về sửa đổi bổ sung về quản lý hoạt động vận tải ô tô (sửa đổi nghị định 10/2020).

Dự thảo nêu sẽ thu hồi phù hiệu, biển hiệu của xe vi phạm khi trích xuất dữ liệu GPS mỗi xe trong một tháng có từ năm lần vi phạm tốc độ/1.000km xe chạy trở lên hoặc trong một ngày có từ ba lần vi phạm tốc độ trở lên (không tính các trường hợp vi phạm tốc độ dưới 5km/h).

Dự thảo cũng nêu trường hợp đơn vị kinh doanh vận tải nộp lại phù hiệu, biển hiệu theo quyết định thu hồi, sở giao thông vận tải không cấp lại phù hiệu, biển hiệu trong thời gian 30 ngày.

Tuy nhiên, theo cán bộ này, ngoài các quy định trong dự thảo, cơ quan chức năng cũng cần nghiên cứu hình thức phạt tiền đối với tài xế hoặc nhà xe chạy quá tốc độ nhiều lần từ dữ liệu GPS.

Ngoài ra, hiện nay việc cấp phù hiệu là miễn phí. Do vậy, cần thiết phải nghiên cứu quy định đối với các xe vi phạm tốc độ, xin cấp lại phải đóng phí hoặc chịu chi phí in phù hiệu để đỡ tốn kém ngân sách.

Nhiều địa phương đề nghị Cục Đường bộ nâng cấp

Thời gian qua, nhiều sở giao thông vận tải các địa phương đã đề nghị Cục Đường bộ Việt Nam sớm nâng cấp hệ thống khai thác, xử lý dữ liệu giám sát hành trình vì còn nhiều bất cập.

Các hành vi vi phạm khó xử lý do dữ liệu GPS hiện tại chỉ mới xử lý được vi phạm tốc độ nhưng cũng chưa đảm bảo thời gian vì phải phụ thuộc vào việc kết quả xử lý thông tin từ Cục Đường bộ Việt Nam trên phần mềm quản lý. Vì vậy, dữ liệu thường có độ trễ từ 1-2 tháng, không kịp thời ngăn chặn, xử lý các xe vi phạm.

Nhà xe chạy quá tốc độ 6.000 lần/tháng: Nay tước phù hiệu, mai đã có thể xin cấp lạiNhà xe chạy quá tốc độ 6.000 lần/tháng: Nay tước phù hiệu, mai đã có thể xin cấp lại

Thông tin về nhà xe ở Quảng Ngãi có 6.000 lần vi phạm tốc độ một tháng gây sốc cho dư luận. Từ đây, đã bộc lộ nhiều lỗ hổng về quản lý cấp lại phù hiệu cho xe vi phạm.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên