09/08/2023 14:36 GMT+7

Xây dựng 'trường học hạnh phúc' tại TP.HCM

Sáng 9-8, hội thảo “Xây dựng trường học hạnh phúc” do Sở Giáo dục và Đào tạo phối hợp với các công đoàn tổ chức đã diễn ra tại TP.HCM.

TS Bùi Hồng Quân - khoa tâm lý, Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cho biết xây dựng trường học hạnh phúc đảm bảo các tiêu chí yêu thương, an toàn và tôn trọng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

TS Bùi Hồng Quân - khoa tâm lý, Trường đại học Sư phạm TP.HCM - cho biết xây dựng trường học hạnh phúc đảm bảo các tiêu chí yêu thương, an toàn và tôn trọng - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Hội thảo "Xây dựng trường học hạnh phúc" có sự tham dự của giảng viên các trường đại học, giáo viên các trường THPT trong và ngoài công lập, giám đốc các trung tâm giáo dục thường xuyên trên địa bàn thành phố.

Tại hội thảo, các giáo viên đã trình bày tham luận, đóng góp ý kiến đề xuất vào bộ tiêu chí xây dựng trường học hạnh phúc.

Lắng nghe học sinh, xây dựng trường học hạnh phúc ngay trong lớp học

TS Nguyễn Thị Xuân Yến - phó trưởng khoa giáo dục tiểu học, Trường đại học Sư phạm TP.HCM - đề xuất 10 tiêu chí khi xây dựng trường học hạnh phúc như sau: Thể hiện cảm xúc tích cực; Phân tích được tâm lý học sinh; Tư vấn, hỗ trợ học sinh; Xây dựng và tổ chức các hoạt động dạy học, giáo dục; Quản lý học sinh trong các hoạt động dạy học, giáo dục; Xây dựng và chủ động thực hiện kế hoạch cá nhân; Quản lý cảm xúc của chính mình và của học sinh trong mọi bối cảnh; Xây dựng kế hoạch và chủ động chăm sóc sức khỏe tâm thần và thể chất của chính mình và của học sinh; Quảng bá mô hình trường học hạnh phúc để lan tỏa trong nội bộ nhà trường và bên ngoài nhà trường.

Thầy Nguyễn Minh Tâm - Trường THPT Mạc Đĩnh Chi (quận 6, TP.HCM) - cho biết nên xây dựng trường học hạnh phúc từ lớp học của mình.

"Xây dựng lớp học hạnh phúc từ công tác chủ nhiệm lớp, trên phương diện an toàn, tôn trọng, yêu thương. An toàn về thể chất và tinh thần cho học sinh như cho các em tìm hiểu về phòng cháy chữa cháy, bảo vệ phòng thân, tập huấn tâm lý. Ngoài ra lớp chủ nhiệm còn phải vui vẻ, đoàn kết.

Giáo viên chủ nhiệm tôn trọng thế giới riêng của bản thân học sinh, cho các em tự quản lớp, có quyền ý kiến trong các buổi đại hội chi đoàn của lớp. Xây dựng lớp học bằng sự yêu thương, quan tâm đến hoàn cảnh khó khăn, tổ chức những hoạt động bổ ích đến học sinh" - thầy Minh Tâm đề xuất.

Ông Dương Trí Dũng - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - phát biểu tổng kết hội nghị - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Ông Dương Trí Dũng - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - phát biểu tổng kết hội nghị - Ảnh: NGỌC PHƯỢNG

Quan tâm đến giáo viên

Ngoài việc quan tâm đến học sinh, đội ngũ giáo viên cũng cần được quan tâm để có thể xây dựng trường học hạnh phúc một cách toàn diện.

TS Bùi Hồng Quân - khoa tâm lý, Trường đại học Sư phạm TP.HCM - đưa ra những mô hình xây dựng trường học hạnh phúc, trong đó cái quan trọng nhất là mối quan hệ chất lượng.

"Cần có 3 kết nối với chính bản thân mình, với người khác và với thiên nhiên. Xây dựng trường học hạnh phúc là mỗi ngày. Đảm bảo các tiêu chí yêu thương, an toàn và tôn trọng giữa học sinh, phụ huynh và giáo viên" - TS Quân nói thêm.

TS Nguyễn Thị Minh - giảng viên Phân viện Học viện Hành chính quốc gia tại TP.HCM - chia sẻ cần chú trọng đến hạnh phúc của giáo viên.

"Giáo viên không hạnh phúc về nhà sẽ làm ảnh hưởng đến những người xung quanh. Năng lượng hạnh phúc giúp vượt qua được cái nghèo của nhà giáo, có sức để giáo viên làm việc.

Nhà quản lý nên khen giáo viên để tạo động lực; Phân công đúng sở thích, sở trường, cho giáo viên vượt qua được thách thức; Phân quyền cho giáo viên, cho giáo viên cơ hội tự do phát triển bản thân" - TS Minh bộc bạch.

Ông Dương Trí Dũng - phó giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo TP.HCM - phát biểu tổng kết hội thảo: "Với sự tham gia của các chuyên gia, thầy cô để chúng ta thống nhất với nhau về cách làm. Có tiêu chí là cơ sở, dựa vào đấy chúng ta sẽ tổ chức rộng khắp TP.HCM. 100% các trường sẽ được tổ chức thực hiện, nhưng trước mắt thí điểm trước vài trường".

"Việc xây dựng trường học hạnh phúc sẽ mang tới lợi ích cho người học, người quản lý, nâng cao chất lượng giáo dục trên địa bàn TP.HCM. Làm sao cho chúng ta mỗi ngày đến trường sẽ hạnh phúc hơn. Hỗ trợ công tác giáo dục toàn diện, đẩy mạnh giáo dục trong trường học của TP.HCM với những tiêu chí cụ thể" - ông Dũng nói thêm. 

Vì sao chưa có nhiều "trường học hạnh phúc"?Vì sao chưa có nhiều 'trường học hạnh phúc'?

TTO - Điều gì khiến nhiều học sinh không thích đến lớp, nhiều giáo viên vẫn bị áp lực và nhiều nhà trường chưa thể trở thành 'trường học hạnh phúc'?

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên