05/02/2024 10:53 GMT+7

Vì sao Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa biên soạn một bộ sách giáo khoa?

Bộ Giáo dục và Đào tạo đã có trả lời cử tri xung quanh kiến nghị khẩn trương chủ trì biên soạn bộ sách giáo khoa chuẩn, thống nhất trong cả nước.

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: GIA HÂN

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo Nguyễn Kim Sơn - Ảnh: GIA HÂN

Bộ Giáo dục và Đào tạo vừa có trả lời ý kiến của cử tri tỉnh Quảng Trị gửi đến trước kỳ họp thứ 6 Quốc hội khóa XV về vấn đề sách giáo khoa.

Sau năm 2025 tổng kết đổi mới giáo dục phổ thông và việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa

Trong đó, cử tri đề nghị Bộ Giáo dục và Đào tạo khẩn trương chủ trì biên soạn bộ sách giáo khoa chuẩn, thống nhất trong cả nước.

Trả lời nội dung về đề nghị khẩn trương chủ trì biên soạn bộ sách giáo khoa chuẩn, thống nhất trong cả nước, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ nghị quyết 88/2014 của Quốc hội đã quy định chương trình và sách giáo khoa.

Theo đó, thực hiện một chương trình giáo dục phổ thông thống nhất nhưng mềm dẻo, linh hoạt; sách giáo khoa cụ thể hóa các yêu cầu của chương trình giáo dục phổ thông về nội dung giáo dục, yêu cầu về phẩm chất và năng lực học sinh; định hướng về phương pháp giáo dục và cách thức kiểm tra, đánh giá chất lượng giáo dục.

Thực hiện xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa; có một số sách giáo khoa cho mỗi môn học.

Thực hiện nghị quyết 88 của Quốc hội, bộ đã ban hành thông tư số 33/2017 quy định về tiêu chuẩn, quy trình biên soạn, chỉnh sửa sách giáo khoa; tiêu chuẩn, tổ chức cá nhân biên soạn sách giáo khoa.

Cùng với đó là tổ chức và hoạt động của Hội đồng quốc gia thẩm định sách giáo khoa, tiến hành tổ chức thẩm định.

Hiện nay bộ trưởng Bộ Giáo dục và Đào tạo đã ký ban hành các quyết định phê duyệt danh mục sách giáo khoa các lớp (từ lớp 1 đến lớp 12) theo lộ trình quy định.

Tiếp đó, Quốc hội đã ban hành nghị quyết 122/2020, trong đó quy định khi thực hiện biên soạn sách giáo khoa theo phương thức xã hội hóa, nếu mỗi môn học cụ thể đã hoàn thành ít nhất một sách giáo khoa được thẩm định, phê duyệt theo quy định của Luật Giáo dục số 43/2019 thì không triển khai biên soạn sách giáo khoa sử dụng ngân sách nhà nước của môn học đó.

Do đó, Bộ Giáo dục và Đào tạo chưa biên soạn một bộ sách giáo khoa.

Cũng theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã ban hành nghị quyết 686 năm 2023 về giám sát chuyên đề về việc thực hiện nghị quyết 88/2014 và nghị quyết 51/2017 của Quốc hội về đổi mới chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông.

Đồng thời tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV đã thảo luận, ban hành nghị quyết về kết quả kỳ họp.

Trong đó, giao Bộ Giáo dục và Đào tạo sau năm 2025 tổng kết quá trình đổi mới chương trình giáo dục phổ thông 2018 và việc xã hội hóa biên soạn sách giáo khoa để có đủ căn cứ pháp lý, thực tiễn, báo cáo Chính phủ phương án thực hiện hiệu quả, phù hợp.

Sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 ổn định lâu dài?

Cử tri cũng phản ánh vấn đề hạn chế, vướng mắc trong việc thực hiện đổi mới chương trình sách giáo khoa giáo dục phổ thông như chương trình giáo dục phổ thông 2018 chưa đồng bộ, thống nhất, mới chỉ triển khai thực hiện ở lớp 1, lớp 2, lớp 3, lớp 6, lớp 7 và lớp 10.

Trả lời nội dung này, Bộ Giáo dục và Đào tạo nêu rõ thực hiện nghị quyết 88 của Quốc hội, bộ đã ban hành chương trình giáo dục phổ thông kèm theo thông tư 32/2018.

Trong đó, đã quy định chương trình giáo dục phổ thông 2018 được sử dụng ổn định, thống nhất, lâu dài trong cả nước và được tổ chức thực hiện phù hợp với điều kiện cụ thể của địa phương, cơ sở giáo dục phổ thông.

Với lộ trình theo quy định tại nghị quyết 51/2017 của Quốc hội, việc thực hiện chương trình giáo dục phổ thông như sau:

Từ năm học 2020-2021 đối với lớp 1; từ năm học 2021-2022 đối với lớp 2 và lớp 6; từ năm học 2022- 2023 đối với lớp 3, lớp 7 và lớp 10; từ năm học 2023-2024 đối với lớp 4, lớp 8 và lớp 11; từ năm học 2024-2025 đối với lớp 5, lớp 9 và lớp 12.

Như vậy, theo Bộ Giáo dục và Đào tạo, đến năm học 2024-2025, toàn bộ cấp phổ thông sẽ thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018.

Các năm tiếp theo sẽ được thực hiện chương trình giáo dục phổ thông 2018 đồng bộ, thống nhất và ổn định lâu dài.

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cần đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiệnBộ trưởng Nguyễn Kim Sơn: Cần đưa dạy thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện

Bộ trưởng Nguyễn Kim Sơn đồng tình với đề xuất cần đưa dạy thêm, học thêm vào ngành nghề kinh doanh có điều kiện để có cơ sở pháp lý xử lý bên ngoài trường học.

Trở thành người đầu tiên tặng sao cho bài viết 0 0 0
Bình luận (0)
thông tin tài khoản
Được quan tâm nhất Mới nhất Tặng sao cho thành viên